Hơn 6 km đường cáp, độ chênh 1.410 m, cáp 3 dây hiện đại nhất Châu Á… Những con số khô khan mang nặng tính “kiểm đếm” kỷ lục ấy thật ra không đủ để người ta hình dung hết về hành trình gian khổ của “những gã điên” đã làm nên công trình đồ sộ bậc nhất Sapa – Cáp treo Fansipan.
1. Sau 2 năm vận hành, người còn ở, kẻ đã mải miết đi theo những công trình mới nhưng những ký ức về tháng ngày “vác bê tông, cõng cáp” bằng vai trần, tay trắng vẫn còn vẹn nguyên trên cung đường mở lối lên cổng trời năm xưa.
“Đường này khó đi vào bậc nhất của tuyến Hoàng Liên lên đỉnh Fansipan, các anh có theo được không? Đến cả dân bản cũng không mấy khi vào đây, chỉ trừ mùa thu hoạch thảo quả. Lối mòn cũng không có đâu?”
Biết chúng tôi có ý định lần theo dấu con đường mở tuyến kéo cáp 5 năm về trước, Lục Thanh Chiến, một trong những gã đã “ăn nằm” cùng Fansipan từ những ngày đầu cảnh báo và “nắn gân”. Theo Chiến, từ sau năm 2016, khi cáp treo chính thức được vận hành, toàn bộ tuyến đường rừng trước kia được sử dụng để thi công đã hoàn toàn bị “đóng”. Không ai được đi vào khu vực này khi chưa xin phép kiểm lâm vì đây là tuyến đặc hữu sẽ chạy cắt từ bản Sín Chải xuyên qua khu vực nguyên sinh được bảo tồn nghiêm ngặt của rừng quốc gia Hoàng Liên. Bên cạnh đó, vì quá nguy hiểm nên đây cũng là cung núi mà dân du lịch, trekking không được đi nếu muốn chạm tay tới nóc nhà Đông Dương.
Theo kế hoạch, hành trình chinh phục lại cung kéo cáp nửa thập niên trước sẽ do Chiến và 3 kỹ sư, công nhân “cựu binh” khác đã từng tham gia đặt những viên đá đầu tiên của công trình này dẫn đường.
Trước giờ xuất phát, một lượng lớn nước uống đã tập kết và xếp đầy trong các balo và gùi đi rừng. Trong khi đoàn khách lo lắng, sợ… xanh mắt vì nghĩ tới đoạn núi phải leo và loay hoay tìm cách bịt kín… mọi chỗ hở vì sợ vắt cắn thì đội dẫn đường cười như được mùa, vẫn áo cộc, quần bò, xăng xái khoác lỉnh kỉnh hành lý. Má A Tông, người dân tộc Mông Sa Pả, cao tới gần một mét tám, lênh khênh cõng trên lưng chiếc balo bộ đội cũ sờn, tay cầm quắm phát cây rảo bước dẫn cả đoàn người tiến tới.
“Đi mau thì chỉ 3 giờ là tới trụ T2 thôi” Tông cười hiền khô, nhẹ nhõm bảo.
Rời khỏi Sín Chải chừng nửa giờ, vượt qua thảm lúa đến mùa vàng rợp, cả đoàn mới thực sự “chạm” vào chân núi từ Dốc Đỏ. Đúng như cái tên của mình, toàn bộ con dốc đỏ quạch như máu. Đá núi đỏ, đất phía trên cũng ngả màu bazan. Do lâu không có người đi, bề mặt đá trơn tuột rêu. Nước từ trên cao đổ xuống khoét sâu thành rãnh ngay bên sườn như những vết thương lở lói còn chưa lành. Toàn bộ con dốc dựng đứng và rậm rạp cây rừng.
Đến đây, tốc độ của cả đoàn bị khựng hẳn lại. Không có lối, chúng tôi phải lổm ngổm bò, tay cố bám chặt vào từng mấu đá bò ra, vừa leo, vừa hổn hển. Thi thoảng, đá từ phía người trước lăn lông lốc, lộp cộp rồi lọt thỏm xuống phía đoạn đường vừa vượt qua.
Dốc càng ngày càng đứng thẳng, như lưng con ngựa bỗng giật mình chồm lên hí. Chỉ sau chừng 15 phút, cả đoàn đã không thể đi hay bò lên một cách bình thường nữa.
Do quá mệt, người leo đã phải ép sát thân mình vào mặt đá, hì hục gò lên từng bước. Áo ngoài, khăn đeo đầm đìa nước. Ngực như muốn vỡ tung ra vì thở gấp.
Sau này, nhớ về con dốc “dữ dội” án ngữ ngay chặng đầu của hành trình, Hậu, chàng kiến trúc sư từ tận Quảng Nam ra làm việc từ những ngày đầu còn chưa hết bủn rủn: “Lúc lên đến giữa dốc Đỏ, mệt quá, lại tụt lại cuối cùng, em chỉ biết nằm khóc ngay lưng chừng. Không hiểu sao mình lại lựa chọn công việc này. Chân tay, người ngợm thì rã hết ra. Lúc ấy chỉ muốn bỏ về.”
Bỏ về - Đấy cũng là lựa chọn của không ít người trong những ngày đầu tiên tìm đường, mở lối lên đỉnh trời Đông Dương. Ngay cả trong đoàn chúng tôi đi, 2 thành viên do không chịu nổi độ cao nên đã buộc lòng đầu hàng, quay lại trong tiếc nuối.
Mất chừng hơn 45 phút, cả đoàn mới lục tục kéo chính mình vượt qua sơn ải đầu tiên. Nhìn mấy vị khách từ dưới xuôi lúc này mặt đã đỏ gay gắt, môi khô bợt và nứt nẻ, Má A Tông khẽ chau mày: “Đi với tốc độ này, chắc 3 tiếng không tới đích nổi”. Phía trước, cánh rừng nguyên sinh vẫn rậm rì, xanh thẳm và ngun ngút không thấy dấu lối mòn.
Đang ngồi đợi đoàn nghỉ chân, Trần Đình Luật, cậu kỹ sư điện trẻ măng bỗng vùng đứng dậy, chạy vội tới một góc, hí húi như phát hiện ra thứ gì đặc biệt. Gạt gạt lớp rêu đã bám dày như nhung trên một thân cây cằn, Luật reo lên: “Nhìn này, vết dao đi rừng ngày xưa em khắc vào cây để làm điểm bám trèo dốc vẫn còn nguyên đây này. Đã mấy năm rồi em mới đi lại đấy.”
Nói đoạn, Luật khoe vết chém vát vào thân cây gỗ tạo thành điểm mấu bám, vết chém sau gió mưa và thời gian đã xạm lại, xù xì thô nhám.
Luật bảo: “Sau chừng ấy năm, giờ cách dễ nhất để tìm dấu cung kéo cáp ngày nào là đi theo trí nhớ và… dấu khắc trên những thân cây già như thế này”.
“Từ đây lên trụ T2, cứ bám vết dao khắc đi là không bao giờ lạc. Chứ nếu nhìn cáp treo trên đầu mà tới là mệt vì có cáp của bọn em có đoạn treo qua vực sâu nữa”, vẫn chưa thôi hớn hở sau phát hiện “để đời” của mình, Luật cười tươi rói nói.
Càng vào sâu trong lòng rừng, đường càng gập ghềnh hơn. Dốc nối tiếp dốc. Cây giằng ngang mặt người. Nhưng những dấu vết của con đường cũ lại dần dần được phát lộ. Đó là những cây cầu tạm bắc qua thung, khe làm từ cây rừng đã bắt đầu mục ruỗng mà nếu không để ý, người đi sẽ thụt xuống phía dưới hàng chục mét. Đó còn là chiếc thang thô sơ hết mức khi đội công nhân chỉ kịp khắc bước vào một thân gỗ cứng rồi dựng lên đoạn dốc không thể vượt qua. Sau 5 năm, những cầu, thang leo và tay vịn chắn bên vực ngày ấy giờ đang hồi sinh, từng chồi mới đua nhau mọc lên xanh mướt.
Có những đoạn đường hoàn toàn biến mất. Vách đá dựng gần như thẳng đứng, chỉ còn sợi dây thừng mảnh mai vắt xuống từ năm nào. Người đu bám phải lựa lực vì không thể biết sợi dây ấy đã bị thời gian và mưa gió mài mòn tới mức độ nào.
Mắt thấy, tay sờ vào dấu vết ngày càng dày đặc khắp đường đi, nhóm dẫn đường – những gã trai đã đốt cháy tuổi thanh xuân suốt gần 1.000 ngày dọc tuyến kéo cáp như vào mạch chuyện. Họ say sưa kể: Con đường này ngày xưa không có lối đâu, chính tay mấy anh em em vừa đi vừa phát cây leo đấy! Chỗ thang bắc qua suối này này, bọn em phải lấy đinh to, đóng cầu rồi gác sang hai bên, chứ không tới mùa lũ, xuống suối mà đi là bị cuốn mất ngay.
Trong thoáng chốc, câu chuyện về những dấu vết nhạt mờ như kéo họ trở lại thời điểm khi tuyến cáp vẫn chưa được định hình 5 năm về trước. Nỗi phấn khích của người cũ gặp cảnh xưa lan sang người bên cạnh, khiến cái mệt bỗng nhẹ bẫng, lẫn loãng vào sương mù đang mỗi lúc một dày thêm.
2. Càng lên tới gần trụ T2, đường càng khó đi hơn. Những nương thảo quả cao kín đầu người đã bị bỏ lại phía sau. Trước mắt, chỉ còn dốc và dốc nối tiếp. Lúc này, Lục Thanh Chiến, gã “cựu binh” của nhóm dẫn đường được cắt tụt lại phía sau chốt đoàn, tránh cho người bị bỏ lại do quá mệt. Hai bên, rừng đã chuyển từ những tán thấp sang thể nguyên sinh với những gốc thẳng đứng, đôi khi che kín ánh sáng mặt trời. Thi thoảng người leo núi còn nghe thấy đàn khỉ chí chóe giành ăn đâu đó trên những tán cây rậm rì.
Chiến cười cười bảo: 5 năm trước, khi chưa mở được lối vào rừng, các kỹ sư và chuyên gia nước ngoài nghe tiếng khỉ, tiếng chim cũng mắt tròn, mắt dẹt lắm. Rừng Hoàng Liên bắt đầu từ đoạn này hắt lên đến T3, T4 ở độ cao trên 2.000 m rất nhiều rắn lục đuôi đỏ.
Tâm, cựu công nhân kéo cáp có mặt trong chuyến đi gạt gạt mồ hôi đã đầm đìa trên mặt kể: “Gặp rắn trên đường khảo sát và mở tuyến là chuyện hầu như anh em ai cũng gặp. Như em, hồi đi kéo cáp công vụ, tự nhiên thấy tiếng bục bục. Cúi xuống thì thấy con rắn lục đang mổ tới tấp vào ủng chân của mình. Có người đang nằm ngủ, rắn trườn qua người. Mấy anh em sợ quá, chỉ kịp hất tung ra rồi cuống cuồng bỏ chạy.”
Những người “cựu binh” từng ăn rừng, ngủ núi trên dọc tuyến cáp còn gửi cho nhau hình ảnh một thân cây kín đặc loài rắn xanh. Hàng chục con uốn éo, cuộn chặt nhau nhung nhúc trên cành trong mùa giao phối.
Lại có chuyện, cậu bảo vệ trẻ được giao nhiệm vụ canh gác trụ T3, ngay trong những ngày đầu tiên làm việc đã tá hỏa bỏ chạy ra khỏi nhà vệ sinh vì thấy rắn “mắc võng” ngay bên cạnh. Có những người tưởng chừng như vĩnh viễn phải nằm lại giữa đại ngàn chính vì thứ đặc sản tai quái này.
Thế nên, toàn bộ hệ thống các nhà ở, nhà canh gác của các công nhân, cán bộ gần các trụ T sau này đều được che chắn rất kỹ, đảm bảo không có khe hở cho loài bò sát đặc hữu của Hoàng Liên bò vào tìm hơi ấm.
Một nỗi sợ hãi khác nữa đối với người đi rừng Hoàng Liên là vắt. Những ngày mưa ẩm, vắt bò lổm ngổm ven đường. Vắt nhảy choi choi khi phát hiện bước chân rảo tới.
Vắt mút chặt, no căng máu ngay trên thân người. Thậm chí, ngay cả khi đã sử dụng thuốc chống côn trùng, dầu gió bôi quanh chân, nhưng trong đoàn vẫn có người không thể thoát được loài đỉa núi.
“Cực nhất là những ngày mưa, trời vừa lạnh, đường lại trơn. Bọn em đi, bò, lăn, leo đủ cả mà lại còn phải ‘canh’ vắt. Về sau, đi rừng nhiều, mỗi đoạn dừng chân cả nhóm mới kiểm tra và bắt vắt một thể cho đỡ… mất công,” Luật cười híp mắt trào phúng.
6 giờ chiều. Rừng âm u và tối sập. Đã hơn 5 tiếng từ khi hành trình bắt đầu. Cả đoàn vẫn ngồi thở dốc trên một vạt đá vôi bằng phẳng nhô ra mỏm vực. Trăng ngày rằm sáng rõ trên đỉnh đầu, soi sáng những cabin cáp ro ro chạy không ngừng nghỉ. Đích đến vẫn xa ngái. Hành lý lúc này hầu hết đã được chuyển lại cho nhóm dẫn đường. Đoàn leo núi từ miền xuôi lên hổn hển thở dốc, mặt đỏ gay nhìn về thị trấn Sapa phía xa xa đang lấp lóe sáng đèn.
Do không còn dấu đường mòn, Má A Tông được giao nhiệm vụ đi dò lối đi tiếp. Sau chừng 10 phút mất hút, A Tông quay lại, hồ hởi: “Trụ T2 ngay sau mỏm núi này rồi. Mọi người cố lên.”
Hy vọng thấy đích đến khiến cho cả đoàn cố gắng đứng dậy, sấp ngửa bước theo bóng lưng mảnh khảnh, cao lêu đêu của hoa tiêu A Tông. Đường lên trụ chỉ là một vạt đất nhô ra chừng 40 cm ven vách núi. Người đi vừa bám cây, vừa dò dẫm từng bước. Hơi rừng lạnh buốt và bóng tối loang lổ khiến cả đoàn rùng mình.
Về sau, khi tiếp tục trải nghiệm đoạn dẫn tới nhà công vụ tại T3, T4, chúng tôi mới nhận ra: Đó hoàn toàn không thể được gọi là đường. Như để lên được nhà T3, nhân viên an ninh phải bám vào một sợi dây thừng buộc chặt vào gốc cây trên đỉnh dốc, vừa đu, vừa đạp đất để tới. T4 thì nằm lọt thỏm sau con dốc lởm chởm đá và chằng chịt trúc lùn, đỗ quyên và dẻ rừng cổ thụ.
Đó đích thị là những ốc đảo giữa núi khi không có đường lên và xuống. “Vì tuyến đường này quá khó khăn, nên nhân viên an ninh khi lên trạm canh gác các trụ T sẽ được vận chuyển bằng cabin cáp công vụ. Việc mất dấu, mất lối như thế này là khó tránh được,” anh Chiến ái ngại giải thích.
Mất thêm nửa giờ vừa đi vừa dò dẫm, nhà T2 mới lấp lóe đèn trước mắt. Kiến trúc chung của tất cả 4 nhà công vụ canh gác T giữa rừng Hoàng Liên đều giống nhau, bao gồm khung thép và tường ép. Một tổ 2 nhân viên bảo vệ sẽ thay phiên nhau làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các cột trụ, vốn được coi là xương sống của cả tuyến cáp treo dài gần 7km lên nóc nhà Đông Dương. Ngày ngày, ngoài giờ làm việc, họ ngồi trước hiên nhà, hướng về phía những cabin sáng đèn chạy qua chạy lại như một thứ niềm vui đạm bạc giữa rừng già…
3. Hành trình chinh phục đủ 5 trụ T của toàn tuyến cáp treo Fansipan của chúng tôi buộc phải cắt đôi trong 2 tháng 9 và 10/2018 do giữa T3 và T4 là một vực sâu gần 100m. Để đảm bảo an toàn, sau khi chạm tới T3, cả đoàn đã phải quay về. Phải gần 1 tháng sau, khi đã hoàn hồn, chúng tôi mới quay lại và chinh phục nốt T5, T4 theo hướng từ đỉnh Fansipan đi xuống.
Thế nhưng, trong những ngày đầu rẽ lối, mở đường kéo cáp… lên mây, những người thợ đã không có thời gian nhiều như thế. Họ mải miết đi, băng qua cả vực sâu hun hút đã ngăn bước chúng tôi.
Để phần nào nói lên độ khốc liệt của cung kéo cáp năm nào, xin được nhắc tới một câu chuyện đau lòng mới chỉ xảy ra hơn 2 năm về trước. Tháng 6/2016, Aiden Shaw Webb, một vận động viên leo núi trẻ tuổi người Anh đã quyết tâm chinh phục đỉnh Fansipan bằng chính con đường chạy dưới chân cáp mà chúng tôi đã trải nghiệm.
Mặc dù vậy, khe vực sâu giữa T3 và T4 đã trở thành định mệnh với Webb. Trong lúc cố vượt qua khe vực này, Webb đã vĩnh viễn nằm lại giữa rừng Hoàng Liên Sơn. Báo cáo về sau của Công an huyện Sapa kết luận: “Vị trí phát hiện xác nạn nhân trong một khe vực gần 2 thác nước nhỏ ở độ cao 2.500 m, gần trụ T4 cáp treo Fansipan Sa Pa.”
Nói về tuyến kéo cáp qua núi 5 năm về trước, cho tới giờ, những người còn sót lại vẫn hay dùng từ “kinh hoàng” để chỉ mặt, đặt tên. Và họ cũng tự gọi mình là những gã điên rồ khi bất chấp tất cả để ăn gió, ngủ rừng, thở núi trên một tuyến hoàn toàn không có lối. Để đi tới, hàng trăm kỹ sư, công nhân, chuyên gia đã buộc phải vừa lầm lũi dò đường, vừa nín thở trước những tai họa có thể bất cứ lúc nào ập tới. Chỉ bằng đôi chân trần, họ đã tạo nên một tuyến đường huyết mạch, tạo cơ sở hình thành cáp treo kỳ vĩ hơn về sau này./.
Theo VietnamPlus
Link nội dung: https://phaply.net.vn/theo-chan-nhung-ga-dien-mo-lai-loi-keo-cap-treo-len-fansipan-a204172.html