(Pháp lý) - Ngày 05/12/2018, tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV chính thức thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài 42 tuyến đường trên địa bàn thủ đô. Trong đó, một tuyến phố đẹp tại quận Hà Đông, chiều dài 1.210m, rộng 36m được đặt tên một nhà Luật học, Luật gia uyên bác Vũ Trọng Khánh.
Với tâm niệm “Sống có ích cho đời”, bằng trí tuệ uyên bác, nhân cách sống mẫu mực, hết lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân, Luật sư Vũ Trọng Khánh hoàn toàn xứng đáng được đất nước trân quý cống hiến, ghi nhận công lao.
Sống trong lòng dân tộc giữa thế kỷ 20 đầy biến động, tận hiến tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng, cuộc đời ông trải qua bao thăng trầm lạ thường. Đối mặt những tình huống chính trị nhạy cảm, éo le, ông điềm tĩnh đón nhận bởi thấu hiểu đó không đơn thuần là những thử thách. Giúp ông lộ diện phẩm cách một trí thức chân chính, vững bước trên đôi chân của chính mình, không chịu câu thúc trước mọi hoàn cảnh, đặt niềm tin hướng thiện vào cuộc sống, vào con người.
Trong hồi ức của những người thân, Luật sư Vũ Trọng Khánh là người nho nhã, nhân hậu, ôn hòa, đồng thời ẩn chứa một nhân cách chính trực, khảng khái. Sau 12 năm theo học trường Trung học Lycée Albert Sarraut do các thầy cô giáo người Pháp trực tiếp giảng dạy, với khát khao kiến thức để phụng sự xã hội, ông theo học tiếp Đại học Luật (phân hiệu Đại học Paris) tại Hà Nội. Thời gian này, ông tham gia Mặt trận Bình dân, cùng thành lập tổ Thanh niên Dân chủ, nghiên cứu về chủ nghĩa mác – xít và quen biết đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang là sinh viên khóa trên. Từ đó, ý thức cách mạng dần ăn sâu, bám rễ, hòa quyện với tình yêu nước, thương nòi trong lòng người trai trẻ.
Nhận thức đúng bản chất “các quan ta là kẻ hầu nhục nhã của quan Pháp” nên sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật, ông lập tức rời Hà Nội xuống Hải Phòng xin làm Luật sư tập sự chứ không ra làm quan theo ý nguyện của cha. Sau lễ tuyên thệ tại Tòa Thượng thẩm Hà Nội vào năm 1941, Vũ Trọng Khánh chính thức trở thành Luật sư. Chỉ trong mấy năm, với kiến thức uyên bác, khả năng hùng biện lưu loát bằng tiếng Pháp, ông nổi tiếng là một Luật sư giỏi được cả giới luật học nể trọng. Cũng là lúc thời cuộc diễn ra những biến động dữ dội, buộc ông phải lộ diện trong thời khắc lịch sử, rẽ bước sang con đường chính trị gian nan. Bằng một quyết định đầy bất ngờ: Nhận chức Đốc lý (Thị trưởng) thành phố Hải Phòng theo lời mời của chính phủ Trần Trọng Kim vào ngày 25/7/1945, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp.
Quyết định của ông đã gây sửng sốt biết bao người, ngay cả những người bạn thân cùng chí hướng. Và sự thật chỉ được hé lộ khi ông bàn giao chính quyền Hải Phòng cho lực lượng Việt Minh ngày 23/8/1945, để trở lại Hà Nội khi nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Về việc này, ông viết trong hồi ký: “Lý do cấp bách tôi phải nhận làm thị trưởng là sau khi Nhật đảo chính Pháp, thành phố như con ngựa đứt cương… Không có người lương thiện ra nắm quyền chỉ huy thì kẻ bất lương chạy chọt sẽ nhảy vào ghế thị trưởng để dựa vào Nhật làm hại dân…”. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Tinh thần công dân kết hợp tư duy quyền biến ấy thật đáng quý trọng. Bởi ông hoàn toàn nhận thức được rằng, giữa lúc thời cuộc nhiễu nhương, trắng đen chưa rõ, chỉ cần một hiểu lầm sơ sẩy, ông có thể trở thành mục tiêu bị trừ khử của địch hoặc ta.
Ngày 28/8/1945, Luật sư Vũ Trọng Khánh chính thức nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đến ngày 20/9/1945, tức 18 ngày sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký công bố Sắc lệnh số 34 về Thành lập Ủy ban soạn thảo Dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên, trong đó, Luật sư Vũ Trọng Khánh được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là trực tiếp khởi thảo Dự thảo Hiến pháp. Tại phiên họp cuối của Ủy ban soạn thảo, sau khi ông thông qua toàn văn Dự thảo và được cả 7 thành viên tán thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Đây là một bản Dự thảo đặc sắc, ông Vũ Trọng Khánh có công đầu”. Dựa trên nền tảng của bản Dự thảo, ngay sau đó, bản Hiến pháp năm 1946 chính thức được Nghị viện (Quốc hội) xây dựng và thông qua gồm Lời nói đầu, 7 chương, 70 điều, trở thành Đạo luật căn bản của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân.
Trong giai đoạn Chính phủ lâm thời tạm quyền, do chưa bầu được Nghị viện, chưa có Hiến pháp và các đạo luật nên Nhà nước chủ yếu quản lý, điều hành xã hội bằng sắc lệnh. Với khoảng thời gian vỏn vẹn 181 ngày từ 28/8/1945 đến 02/3/1946, trên cương vị Bộ trưởng Tư pháp, Vũ Trọng Khánh đã trực tiếp soạn thảo 32 sắc lệnh quan trọng, trình Chính phủ “thỏa thuận”, sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ông tiếp ký ban hành. Bằng sự mẫn cảm chính trị trong giai đoạn cách mạng mới, ông đã chú trọng xây dựng những sắc lệnh mang tính cấp thiết nhằm hạn chế sự lạm quyền và xác định lập trường tư pháp: Không tổ chức, cá nhân nào bị xem là có tội khi chưa bị tòa tuyên án. Chính vì thế, các Sắc lệnh số 47 về tạm thời áp dụng các luật lệ hiện hành trong khi chờ sắc luật mới thay thế; Sắc lệnh số 46 về tổ chức các đoàn Luật sư; sắc lệnh số 53 về quy định quốc tịch Việt Nam; Sắc lệnh số 13 về tổ chức các tòa án và ngạch thẩm phán; Sắc lệnh số 21 về tổ chức tòa án quân sự cùng bản Dự thảo Hiến pháp được xem là “nền đá đầu tiên xây dựng nhà nước Việt Nam độc lập, tự chủ”. Đồng thời, ngày 01/12/1945, ông ký Nghị định số 37 về tổ chức Bộ Tư pháp, đặt cơ sở bước đầu cho việc hoàn thiện bộ máy tư pháp nước nhà.
Do yêu cầu chính trị và theo sự điều động của tổ chức; chiếu theo Hiến pháp 1946 quy định Bộ trưởng phải là nghị viện được Nghị viện (Quốc hội) phê chuẩn; đầu tháng 3 năm 1946, ông rời chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp để sang nhận nhiệm vụ Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc Bộ, tức vị trí Viện trưởng Viện Công tố tại Tòa án nhân dân tối cao. Đầu tháng 7 năm 1946, Chính phủ cử ông tham gia phái đoàn đàm phán ở Hội nghị Fontainebleau (Pháp), làm cố vấn pháp lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị bế tắc, phái đoàn trở về Việt Nam và đến ngày 19/12/1946, cả nước bùng nổ kháng chiến. Vũ Trọng Khánh lên chiến khu, đảm nhận cương vị Giám đốc Tư pháp khu X bao gồm 6 tỉnh trung du, Tây Bắc từ tháng 12/1946 đến tháng 12/1948. Sau đó, ông được điều trở lại Bộ Tư pháp giữ chức vụ Trưởng ban Nghiên cứu pháp lý, tiếp đó là Giám đốc Vụ Hành chính tư pháp. Tháng 10/1954, ông cùng Chính phủ về tiếp quản Hà Nội.
Thuộc mẫu người ưa hoạt động, ham muốn tiếp cận thực tiễn đời sống nên về thủ đô chưa lâu, tháng 5/1955, ông lại xin chuyển xuống Hải Phòng. Sau hơn một năm làm Ủy viên Hành chính, tháng 12/1956, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Hành chính thành phố Hải Phòng và đảm đương chức vụ này đến tháng 4/1961. Ngày 19/3/1957, ông làm đơn xin gia nhập Đảng Lao động Việt Nam nhưng nguyện vọng không thành. Nguyên nhân được ông thuật lại trong Hồi ký: “Sau khi thỉnh thị Trung ương, đồng chí Bí thư Thành ủy Hoàng Hữu Nhân cho biết ý kiến Hồ Chủ tịch là Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Trọng Khánh để ở ngoài Đảng có lợi cho cách mạng hơn”.
Rời chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính, ở độ tuổi 49, ông bình thản chuyển sang làm Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hải Phòng theo sự phân công của tổ chức. Đến năm 1972, nhận thấy môn Vận trù học (Toán kinh tế) thật sự cần thiết cho công tác quản lý ở các xí nghiệp, Hợp tác xã; ông mạnh dạn đề xuất thành lập Tiểu ban Vận trù học thuộc Ban Khoa học Kỹ thuật Hải Phòng (tiền thân của sở Khoa học và Công nghệ ngày nay) và tự nguyện đảm nhận cương vị Trưởng Tiểu ban đến khi nhận quyết định về hưu năm 1977. Cùng những cộng sự, ông tập hợp các nghiên cứu, tổ chức bồi dưỡng kiến thức về lý thuyết lẫn ứng dụng cho các cán bộ ban, ngành liên quan. Áp dụng phương pháp Sơ đồ mạng lưới của Tiểu ban Vận trù học vào quản lý điều hành, nhiều cơ sở sản xuất đã tiết kiệm được chi phí, hoàn thành kế hoạch trước thời hạn.
Là Ủy viên Ban chấp hành TW Hội Luật gia Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập, Vũ Trọng Khánh đồng thời là Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hải Phòng từ năm 1955 đến năm 1987. Như vậy, tuy là người Hà Nội gốc nhưng đời hoạt động của ông chỉ có khoảng hai năm làm việc tại thủ đô, tám năm trên chiến khu Việt Bắc, toàn bộ những tháng năm còn lại ông gắn bó với thành phố biển Hải Phòng và cũng mất tại đây vào năm 1996.
Từ cương vị Bộ trưởng, lùi về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố và cuối cùng nhận chức Trưởng Tiểu ban tương đương cấp Trưởng phòng thuộc sở, hiển nhiên quan lộ đi xuống. Hoàn cảnh ấy thường khiến con người dễ dao động, bi quan, nhụt chí, Vũ Trọng Khánh là trường hợp ngoại lệ. Phương châm sống “không ham mê quyền lợi riêng tư, danh vọng, địa vị trong xã hội …mong muốn làm được việc tốt, có ích cho đời ..” trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời ông, hòa quyện trong từng lời nói, hành động, kết tụ thành một nhân cách lớn khiến người đương thời vị nể. Thật khó hình dung không gian sống của gia đình một Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính phụ trách Nhà đất thành phố chỉ gói gọn trong căn phòng 48m2, không có phòng ngủ, nhà vệ sinh, bếp riêng. Một trí thức Tây học lừng danh từng làm Bộ trưởng, người có nhiều cống hiến lớn lao được xã hội quý trọng, không biết nấu cơm, tiêu tiền nhưng về cuối đời lại phải cặm cụi xay bột đến tận 12 giờ đêm bên cạnh người vợ tần tảo, để tồn tại qua thời bao cấp.
Trải qua nhiều lĩnh vực công tác nhưng Vũ Trọng Khánh vẫn luôn tâm huyết với nghề Luật sư, vì theo ông, đây là “nghề tự do đòi hỏi trình độ thật sự và bản lĩnh tự tôn, tự trọng”. Trước cách mạng tháng Tám, ông chủ yếu giúp đỡ những người yêu nước, chiến sĩ cách mạng tránh thoát mạng lưới săn lùng của thực dân Pháp. Hòa bình lập lại và sau ngày đất nước thống nhất, ông lại tích cực tham gia bào chữa, gỡ tội cho nhiều công dân bị khép án oan sai với tinh thần giúp người không vì thù lao. Sắc lệnh số 46 về tổ chức các đoàn Luật sư do ông soạn thảo được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 10/10/1945. Và đến nay, ngày 10/10 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam, theo Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 14/1/2013 của Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam.
Là nhà Luật học uyên bác, Vũ Trọng Khánh nhận thức sâu sắc về “tính độc lập trong hoạt động tư pháp” có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong hệ thống quản lý nhà nước. Vận dụng mọi hình thức để truyền tải, áp dụng quan điểm này vào thực tiễn cuộc sống, ông đồng thời trực diện đấu tranh với các luồng tư tưởng phản tiến bộ. Thể hiện rõ nét nhất qua loạt bài bút chiến không khoan nhượng với Biên tập viên Quang Đạm trên báo Sự Thật năm 1948, bằng lối diễn đạt khúc chiết, lập luận chặt chẽ. Ông dõng dạc khẳng định: “Hễ luật bảo đen thì Tòa xử đen, dù có trái ý một cá nhân, một đoàn thể, một quyền hành nào đi chăng nữa, Tòa cũng không thể xử trắng”.
Cho đến hôm nay, mặc dù tinh thần “Tư pháp độc lập” đã được minh định trong Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 2013 và trở thành nguyên tắc cơ bản trong tố tụng, nhưng đâu đó vẫn xảy ra tình trạng “án bỏ túi”, “án chỉ lệnh” gây phương hại đến tính độc lập tư pháp và cần có biện pháp hữu hiệu để loại trừ. Ngẫm lại mới thấy, trong giai đoạn nhà nước Dân chủ cộng hòa vừa thành lập còn tồn tại tư tưởng bảo thủ, sự cương trực, thẳng thắn công khai, quan điểm của Vũ Trọng Khánh là hiện tượng hiếm hoi, biểu lộ thái độ quả cảm. Ngẫu nhiên trở thành nhân tố mở lối tiến hóa, không thỏa hiệp với các biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, có thể đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến ông bị “thất sủng” về sau.
Bằng chính cuộc đời mình,Vũ Trọng Khánh đã để lại cho đời những bài học quý về phẩm cách làm người, về ý chí, niềm tin, nghị lực bền bỉ cùng khát vọng phụng sự dân tộc không mệt mỏi. Ông xứng đáng là Người kiến tạo nền tư pháp dân chủ cộng hòa từ thuở ban đầu cách mạng, mở đường cho các thế hệ mai sau tiếp bước./.
DUY THÁI
(*) Trong bài có sử dụng tư liệu từ cuốn “Luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên” của NXB Tri Thức, xuất bản năm 2015.
Link nội dung: https://phaply.net.vn/dau-xuan-cam-thuc-ve-nguoi-khoi-thao-ban-hien-phap-dau-tien-a204139.html