Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử

Ngày 29/1/2019, TANDCC tại Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Triển khai công tác năm 2019. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đã đến dự Hội nghị và phát biểu ý kiến.

Tổng số vụ việc phải giải quyết lên đến 2.952 vụ

Theo báo cáo trình bày tại Hội nghị, về công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền, từ ngày 01/10/2017 đến 30/11/2018, TANDCC tại Hà Nội thụ lý mới 2.168 vụ, việc các loại, đã giải quyết 2.188 vụ việc theo thủ tục phúc thẩm (trong đó xét xử 1.465 vụ án hình sự; 159 vụ dân sự, 452 vụ hành chính, 64 vụ kinh doanh thương mại, 47 vụ án hôn nhân & gia đình, 01 vụ án lao động). Tỷ lệ giải quyết các vụ việc theo thủ tục phúc thẩm tính trên số thụ lý mới đạt 100,9% (2.168 vụ/2.188 vụ). Tuy nhiên, do số vụ việc còn lại từ các năm trước đây còn 784 vụ, nên tổng số vụ việc phải giải quyết lên đến 2.952 vụ nên tỷ lệ giải quyết trung bình đạt 74,1%; số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.

Về chất lượng xét xử phúc thẩm: Tỷ lệ các bản án, quyết định của TANDCC tại Hà Nội bị Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy do lỗi chủ quan là 0,78 % (17 vụ/2188 vụ xét xử – Giảm 1% so với năm 2017).

Công tác xét xử các vụ án hình sự, năm 2018, tổng số vụ án hình sự TANDCC tại Hà Nội phải giải quyết là 1.887 vụ. Đã giải quyết, xét xử được 1.465 vụ với 2447 bị cáo, đạt tỷ lệ 77,6%. Trong đó: đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với 516 bị cáo; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với 1091 bị cáo; tăng hình phạt đối với 72 bị cáo; giảm hình phạt đối với 526 bị cáo; cho hưởng án treo 166 bị cáo; hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại đối với 76 bị cáo.

Trong việc xét xử các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu chính trị, điển hình như: Vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); vụ án Châu Thị Thu Nga phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group)…

 Chánh án Phạm Văn Hà phát biểu khai mạc Hội nghị
Chánh án Phạm Văn Hà phát biểu khai mạc Hội nghị)

Giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, năm 2018, TANDCC tại Hà Nội đã thụ lý tổng cộng 308 vụ, số vụ việc còn lại của năm 2017 chuyển sang là 100 vụ, tổng số phải giải quyết là 408 vụ, đã giải quyết, xét xử 271 vụ việc, đạt tỷ lệ 66,42%. Trong đó: Giữ nguyên quyết định của bản án, quyết định sơ thẩm 111 vụ; sửa bản án, quyết định sơ thẩm 57 vụ; hủy bản án, quyết định sơ thẩm để giải quyết lại 54 vụ; đình chỉ xét xử phúc thẩm 49 vụ.

Về công tác giải quyết các vụ án hành chính, TANDCC tại Hà Nội đã thụ lý tổng cộng 540 vụ, số vụ án còn lại của năm 2017 chuyển sang là 117 vụ, tổng số phải giải quyết là 657 vụ, đã giải quyết, xét xử 452 vụ, đạt tỷ lệ 68,8%. Năm 2018 số lượng các vụ án hành chính mà Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thụ lý tăng đột biến (thụ lý 540 vụ, tăng 329 vụ so với năm 2017 (211 vụ)).

Thực tiễn xét xử cho thấy các vụ án hành chính thường là rất phức tạp, quá trình thực hiện một số quy định của LTTHC cũng gặp phải những vướng mắc, nhất là liên quan tới thực hiện quy định tại Điều 60 LTTHC về người đại diện theo ủy quyền khi tham gia quá trình giải quyết các vụ án hành chính, rất nhiều trường hợp người được ủy quyền cho người bị kiện xin vắng mặt và cử cán bộ chuyên môn hoặc thuê luật sư để tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, dẫn tới quá trình giải quyết gặp rất nhiều khó khăn và thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài. Tuy nhiên, TANDCC tại Hà Nội đã chủ động trong việc phân công các Thẩm phán nghiên cứu, lên lịch xét xử, cách thức tống đạt để đảm bảo giải quyết, xét xử đạt hiệu quả cao, khi giải quyết luôn quan tâm, chú trọng việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện, nên nhiều vụ án sau khi đối thoại, các bên đã thống nhất cách thức giải quyết và người khởi kiện đã rút đơn khởi kiện. Bên cạnh đó, luôn chủ động trong việc xác minh, thu thập chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.

Về xử lý đơn đề nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, trong thời gian từ 01/10/2017 đến 30/11/2018, TANDCC tại Hà Nội tiếp nhận 8.676 đơn các loại, cộng với số đơn cũ của năm 2017 chuyển sang 10 đơn, tổng cộng phải giải quyết là 8.686 đơn. Đã phân loại, xử lý 8.616 số đơn tiếp nhận, còn lại 70 đơn đang tiếp tục giải quyết; trong đó: Có 6.269 đơn không thuộc thẩm quyền, trùng lặp hoặc chưa đủ điều kiện thụ lý; Đơn thuộc thẩm quyền và đã thụ lý để xem xét giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm là 2.347 đơn/ vụ

Tổng số đơn/vụ giám đốc thẩm, tái thẩm phải giải quyết năm 2018 là 3.617 vụ (Bao gồm 1.270 đơn/vụ của năm 2017 chuyển sang) đã giải quyết được 2.505 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 69 % (2.502 vụ/3.617 vụ), còn lại 1.115 vụ đang trong quá trình, thời hạn giải quyết theo quy định. Kết quả cụ thể: Quyết định kháng nghị là 250 vụ; trả lời đơn và xử lý khác là 2.252 vụ, việc.

Nhìn chung công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết đơn giám đốc thẩm năm 2018 có sự chuyển biến rất tích cực, số đơn đến đã được xử lý, phân loại kịp thời. Tỷ lệ giải quyết đơn đạt kết quả cao, kết quả đạt đến 69% vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu đề ra năm 2018 là giải quyết 60%), đây là sự nỗ lực, cố gắng của đơn vị trong công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm và là thành tích rất đáng được ghi nhận trong năm 2018.

Về kết quả xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm: Trong tổng số 483 vụ thụ lý để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm (bao gồm 114 vụ từ năm 2017 chuyển sang và 369 vụ có kháng nghị mới) đã xét xử được 439 vụ, đạt tỷ lệ 90,9% (trong đó chấp nhận kháng nghị 414 vụ, không chấp nhận kháng nghị 25 vụ). Còn lại: 44 vụ đang tiếp tục giải quyết. Qua kết quả trên cho thấy, trong năm 2018 kết quả xét xử giám đốc thẩm tăng rõ rệt. So với cùng kỳ năm 2017, kết quả chỉ đạt 77%, đến năm 2018 kết quả đạt 90,9% (tăng 14% so với năm 2017). Có được thành tích như trên là do nỗ lực của các Thẩm tra viên, Thư ký của các phòng giám đốc, kiểm tra và đặc biệt là các đồng chí thành viên Ủy ban Thẩm phán đã tập trung nghiên cứu để giải quyết đạt hiệu quả cao.

Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị)

Bên cạnh đó, TANDCC tại Hà Nội đã thực hiện tốt các chủ trương lớn của TANDTC đề ra như: Công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử; Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; Về công tác hành chính tư pháp; Công tác kế toán quản trị, lưu trữ hồ sơ.

Đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của TANDCC tại Hà Nội trong năm qua cũng còn một số khuyết điểm, thiếu sót. Hội nghị đã thảo luận các giải pháp khắc phục và đề ra một số đề xuất, kiến nghị. Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, cần tiếp tục thực hiện tốt 14 giải pháp đã được xác định tại Hội nghị Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, trong đó cần chú ý: Cải tiến phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng phân công hợp lý, đảm bảo rành mạch giữa quản lý, điều hành có tính chất hành chính với hoạt động tố tụng; đổi mới phương pháp lãnh đạo, phát huy tính sáng tạo và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với từng đơn vị; xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các trường hợp có hành vi vi phạm.

Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm thông qua thực tế xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trước hết trong phạm vi cơ quan và các địa phương thuộc thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác nghiệp vụ và việc thực hiện kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức, nhằm khắc phục những sai sót nghiệp vụ, phát hiện và xử lý kịp thời cán bộ, công chức có hành vi vi phạm. Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm về công tác xét xử các loại vụ án nhằm tổng hợp những sai sót và vướng mắc mà các Toà án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ thường gặp để kịp thời định hướng áp dụng thống nhất pháp luật.

 Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm)

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019, TANDCC tại Hà Nội xác định phải đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án theo thủ tục phúc thẩm, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Làm tốt công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử của các Toà án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ, tăng cường công tác kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm về những sai sót nghiệp vụ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/toa-an-nhan-dan-cap-cao-tai-ha-noi-day-nhanh-tien-do-va-nang-cao-chat-luong-xet-xu

Link nội dung: https://phaply.net.vn/toa-an-nhan-dan-cap-cao-tai-ha-noi-day-nhanh-tien-do-va-nang-cao-chat-luong-xet-xu-a203996.html