(Pháp lý) - Cùng với sự phát triển của Thủ đô, nhiều tuyến phố mới rộng rãi, khang trang được đặt theo tên danh nhân, trong đó có nhiều Luật gia nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam hiện đại như Nguyễn Hữu Thọ, Phan Văn Trường, Phạm Văn Bạch, Vũ Trọng Khánh… Trong tiết Xuân đẹp nao lòng, cùng dạo một vòng quanh những tuyến phố, nhớ về những bậc tiền bối đáng kính…
Những đường phố đẹp
Nếu như ở nhiều quốc gia khác, đặt tên đường phố theo các con số thì Việt Nam có truyền thống đặt tên đường theo tên các vị danh nhân, họ là các vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa, nhà khoa học, văn nghệ sĩ… những người có đóng góp cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam ở các phương diện khác nhau. Trong số các danh nhân được đặt tên phố ở Hà Nội gần đây, có nhiều người là Luật gia, Luật sư mà tên tuổi của họ gắn liền với lịch sử đất nước trong thế kỷ XX đầy biến động.
Ở quận Cầu Giấy có đường phố mang tên nhà trí thức yêu nước Phan Văn Trường. Phan Văn Trường (1876-1933) là Tiến sĩ luật khoa đầu tiên của Việt Nam, ông còn là một học giả uyên bác, tinh thông cả Hán học và Tây học và là một tri thức yêu nước, tiến bộ.
Phố Phan Văn Trường bắt đầu từ phố Trần Quốc Hoàn gặp đường Nguyễn Phong Sắc đến đường Xuân Thủy. Tuyến phố thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm trước đây. Điều thú vị là tuyến phố rất gần với quê hương Đông Ngạc của ông và Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp đặt trên phố này (sau mới chuyển sang phố Trần Vĩ).
Phan Văn Trường người làng Đông Ngạc, Hà Nội, xuất thân từ một gia đình khoa bảng. Năm 1908, ông sang Pháp du học tại Đại học Sorbonne và ngày 3/6/1922, ông trình luận án “Khảo luận về Luật Gia Long”, trở thành Tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam. Ông mở văn phòng Luật sư và tham gia Đoàn Luật sư Paris, hành nghề tại Tòa Thượng thẩm Paris.
Tại Paris, ông tham gia những hoạt động yêu nước. Ông cùng Phan Châu Trinh, lập ra “Hội đồng bào thân ái” do chính ông làm hội trưởng, là một trong những tổ chức đầu tiên của người Việt tại Pháp tập hợp những người Việt Nam sinh sống học tập lao động tại Pháp. Do hoạt động của Hội này, hai ông đã bị Pháp bắt và giam giữ gần một năm.
Cuối 1923, Tiến sĩ Phan Văn Trường quyết định về nước. Tại Sài Gòn, ông vừa hành nghề Luật sư, vừa hợp tác với nhà yêu nước Nguyễn An Ninh cùng làm báo tranh đấu chống thực dân Pháp. Ông tham gia các hoạt động dân chủ của giới trí thức tiến bộ ở Sài Gòn đến phút cuối cùng của đời mình.
Phố Nguyễn Hữu Thọ nối từ cầu Tiên trên đường Giải Phóng đến Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, dài 1.800m, rộng 21m, vỉa hè rộng rãi, có chỗ đến 20m. Tuyến phố bám sát ven hồ Linh Đàm, là một lá phổi xanh của khu vực. Đây là tuyến đẹp, gắn liền với các khu đô thị mới xây dựng Đại Kim, Bắc Linh Đàm sầm uất. Gần đó là bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm...
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996) sinh tại huyện Bến Lức, Long An. Năm 1930, ông học luật ở Paris. Năm 1948 , ông tham gia Mặt trận Liên Việt. Năm 1949, ông gia nhập Đảng Cộng sản. Những năm 50, ông hoạt động tích cực trong phong trào trí thức phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương, bị địch bắt giam 2 lần. Được tự do, ông hoạt động trong phong trào đòi hòa bình thống nhất đất nước. Năm 1960, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phố Phạm Văn Bạch là đoạn đường từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính, Dương Đình Nghệ đến vòng xoay nối các phố Tôn Thất Thuyết, Trần Thái Tông, thuộc địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Phố Phạm Văn Bạch dài 500m, rộng 40m, hai bên đường là những công trình mới xây dựng khang trang, hiện đại với mật độ dân cư đông đúc. Điều thú vị là con đường mang tên cố Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch là đường dẫn vào trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Trên phố Phạm Văn Bạch còn có nhiều công trình lớn như Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, Báo Lao động, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội…
Tiến sĩ Phạm Văn Bạch (1910-1987) sinh ngày 18/6/1910, tại làng Khánh Lộc, nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Năm 1928, sau khi tốt nghiệp trung học, Phạm Văn Bạch được gia đình cho đi du học tại khoa Luật Trường Đại học Lyon (Pháp) và đỗ Cử nhân Luật, Cử nhân Triết học. Năm 1936, ông đỗ Tiến sĩ Luật tại trường Đại học Lyon với luận án “Hiến pháp Xô Viết và thực tiễn Xô Viết - Giải pháp đúng đắn cho vấn đề dân tộc và giai cấp”. Sau khi đỗ Tiến sĩ Luật học, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch trở về Việt Nam, hành nghề Luật sư và dạy học ở TP Cần Thơ.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được cử làm Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. Năm 1946, ông giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam Bộ rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam.
Tháng 9/1954, sau khi tập kết ra miền Bắc, ông giữ nhiều cương vị quan trọng. Năm 1958, TANDTC được thành lập, năm 1959, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch được Chủ tịch Hồ Chí Minh bầu làm Chánh án TANDTC và giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu năm 1981. Trong thời gian làm Chánh án TANDTC, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch còn được kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác.
Ông là một trí thức lớn, yêu nước, để lại dấu ấn tốt đẹp với bạn bè quốc tế, với ngành Tòa án nhân dân.
Hà Nội cũng vừa có quyết định đặt tên phố mang tên Luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên tại quận Hà Đông.
Phố Vũ Trọng Khánh dài 1.210m, cắt đường Trần Phú, Hà Đông đến phố Tố Hữu, là tuyến đường hiện đại, có nhiều chung cư và biệt thự mới xây dựng. Phố Trần Phú song song với tuyến phố Tố Hữu là tuyến đường nối trung tâm Hà Nội sang phía Hà Đông, có Bến xe Yên Nghĩa đầu mối tỏa đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Hải Phòng, Kon Tum, Vũng Tàu. Đây cũng là khu vực phát triển nhanh với rất nhiều dự án chung cư cao tầng đã và đang mọc lên.
Luật sư Vũ Trọng Khánh (1912 - 1996) sinh ngày 13/3/1912 trong một gia đình buôn bán nhỏ ở làng Cự Đà, huyện Thanh Oai, Hà Đông. Từ năm 1920 đến năm 1932, ông là học sinh của Trường Lycee Albert Sarraut Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật, ông về Hải Phòng làm Thư ký Văn phòng Luật Laubies. Năm 1941, ông tuyên thệ trước Tòa Thượng thẩm Hà Nội và trở thành Luật sư. Với trình độ Luật học uyên thâm và sự thông thạo tiếng Pháp, Vũ Trọng Khánh được Luật sư Laubies tin cậy, giao quyền thay mặt mình để tranh tụng trước tòa nhiều vụ án, bào chữa cho nhiều chiến sỹ cách mạng tại Tòa án của chính quyền thực dân Pháp tại Hải Phòng.
Tháng 7/1945, ông nhận chức Đốc lý (Thị trưởng ) thành phố Hải Phòng của Chính phủ Trần Trọng Kim với dụng ý bảo vệ trật tự của thành phố, không để cho kẻ xấu nắm giữ chức vụ này. Đồng thời, ông đã liên hệ với cán bộ Việt Minh để chuyển giao chính quyền Hải Phòng cho Việt Minh ngày 23/8/1945 trong hòa bình. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giao chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Tháng 6/1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do cụ Huỳnh Thúc Kháng nắm quyền Chủ tịch nước đã ký quyết định cử Luật sư Vũ Trọng Khánh sang tham gia Hội nghị Fontainbleu và làm cố vấn pháp lý cho Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc này đang thăm và làm việc tại Pháp.
Ông cũng là một trong bảy thành viên của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Khi Ủy ban thông qua dự thảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Đây là một bản dự thảo đặc sắc, ông Vũ Trọng Khánh có công đầu”. Bản dự thảo Hiến pháp này được Quốc hội thảo luận và thông qua ngày 9/11/1946, là một bản Hiến pháp mẫu mực và rất tiến bộ.
Với cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Luật sư Vũ Trọng Khánh đã soạn thảo trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành hơn 30 Sắc lệnh làm nền tảng cho thể chế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hà Nội còn có phố Trần Cung dài 1,6 km, từ đường Phạm Văn Đồng qua Bệnh viện E đến đường Nguyễn Phong Sắc. Đây vốn là đất xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm trước đây.
Trần Cung (1899 - 1995) quê quán tại Vũ Thư, Thái Bình, tham gia hoạt động từ năm 1923. Năm 1946, ông là Xứ ủy viên Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Sau 1954, ông được phân công về Đảng đoàn, Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau là Chánh tòa phúc thẩm TANDTC.
Còn nhiều tên tuổi lớn chưa đặt tên phố ở Thủ đô
Trên nhiều đô thị của cả nước, có nhiều đường phố mang tên danh nhân là Luật gia, Luật sư có cống hiến cho đất nước, nhưng Hà Nội chưa có đường phố mang tên họ.
Ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, TP. Nam Định… có đường phố mang tên Phan Anh. Luật sư Phan Anh (1912-1990), quê làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh là một trí thức lớn yêu nước.
Ông từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng như: Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Thương nghiệp, Bộ trưởng Ngoại thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ông còn là người cùng sáng lập Hội Luật gia Việt Nam, làm Chủ tịch Hội và là Thường vụ Hội Luật gia quốc tế; Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới của Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới. Từ năm 1988, ông làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có đường phố mang tên Nguyễn Mạnh Tường. Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) sinh ngày 16 tháng 9 năm 1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội, nhưng quê quán ông lại là làng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông là một Luật sư, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam.
Ở tuổi 23, ông bảo vệ thành công hai Luận án Tiến sĩ Luật khoa và Văn khoa là một thành tựu kiệt xuất.
Năm 1951, ông tham gia Đảng Xã hội Việt Nam. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông về lại Hà Nội, tiếp quản trường Đại học Luật và Đại học Sư phạm, rồi được cử làm Giám đốc Đại học Luật, Phó Giám đốc Đại học Sư Phạm, và được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Luật sư Hà Nội. Cũng trong khoảng thời gian này, ông được phong Giáo sư, và tham gia giảng dạy tại các Trường đại học Văn khoa, Sư phạm, Tổng hợp Hà Nội
TP Nam Định, TP Hồ Chí Minh, TP Long Xuyên (An Giang) có đường Trịnh Đình Thảo. Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986) người làng Mọc - Chính Kinh, Nhân Mục, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông là Tiến sỹ Luật khoa, Cử nhân Văn chương, hành nghề Luật sư tại Pháp và Việt Nam.
Khi làm Luật sư tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, ông đã tận tình giúp đỡ và bảo vệ cho những người yêu nước chẳng may bị thực dân Pháp bắt và đưa ra xét xử.
Nhiều đô thị lớn có đường phố mang tên Trần Công Tường. Luật sư Trần Công Tường (1915 - 1990) người làng Vĩnh Thạnh, huyện Gò Công (Tiền Giang). Trong Cách mạng tháng 8-1945, Luật sư Trần Công Tường đã tiếp thu các cơ sở tư pháp tại Sài Gòn, được cách mạng cử làm Giám đốc Tư pháp Nam Bộ và Tổng Chưởng lý Nam Bộ.
Tháng 11/1946, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam, tham gia các đoàn đàm phán với phái đoàn Pháp tại Việt Nam. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, luật sư Trần Công Tường được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao nhiều trọng trách trong các hội nghị quốc tế, ông luôn là một trợ lý đắc lực về tư pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là thành viên đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương, phụ trách phần chính trị, soạn dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị.
Từ tháng 5/1958 đến tháng 5/1959, ông giữ chức vụ Phó Chánh án rồi Quyền Chánh án TANDTC. Từ năm 1972, khi Chính phủ thành lập Ủy ban Pháp chế, Luật sư Trần Công Tường làm Chủ nhiệm Ủy ban này cho đến năm 1978.
* * *
Giới Luật gia cả nước mong rằng Hà Nội sẽ sớm có những đường phố mới, mang tên Trần Công Tường, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh, Nguyễn Mạnh Tường… mà cống hiến cũng như tên tuổi của họ đã được khẳng định; cũng như những Luật gia, Luật sư có nhiều cống hiến, mới qua đời như Vũ Đình Hòe (1912-2011), Phùng Văn Tửu (1923-1997), Lê Giản (1913-2003), Phạm Hưng (1927-2018), Trịnh Hồng Dương (1938-2008)…
Thái Đăng
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ha-noi-mua-xuan-va-duong-pho-mang-ten-luat-gia-noi-tieng-a203938.html