Trong giới nghiên cứu pháp luật, ông Đinh Văn Quế, nguyên thành viên Hội đồng Thẩm phán, Chánh tòa Hình sự TANDTC là một chuyên gia sắc sảo, thẳng thắn, ít né tránh những vấn đề “gai góc”… Vì thế, cuốn “Chuyện pháp đình (Bình luận án)” của tác giả Đinh Văn Quế, vừa được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ra mắt bạn đọc, có nhiều nhận định, bình luận vừa khoa học, vừa thời sự.
“Chuyện pháp đình” là góc nhìn, là quan điểm của tác giả, không đại diện cho một tổ chức, đơn vị nào” như tác giả lưu ý, nên mang đặc sắc Đinh Văn Quế, một người tâm huyết, gắn bó suốt đời với sự nghiệp Tòa án và là cây bút sung sức trong nghiên cứu pháp luật nhiều năm qua.
Bài mở đầu cuốn sách 600 trang này có tựa đề “Công lý và quyền con người”, tác giả viết: Công lý là quyền con người mà tạo hóa ban cho con người; là cái khái niệm mang tính tổng quát và tuyệt đối; các quy định luật pháp, các nguyên tắc, luật lệ, quy định chỉ cố gắng nhằm hệ thống, hiện thực và cụ thể hóa quyền con người mà thôi…
Sau khi nước ta được độc lập, Nhà nước cách mạng ra đời, ngày 24 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 13 quy định cách tổ chức Tòa án và các ngạch Thẩm phán đã khẳng định: “Các vị Thẩm phán sẽ chỉ tôn trọng pháp luật và công lý”. Các phụ thẩm nhân dân phải đọc lời tuyên thệ: “Tôi thề trước công lý và nhân dân rằng tôi sẽ suy xét cẩn thận những án đem ra xử, không hề ăn hối lộ, vị nể hay vì sợ hãi, hay vì tư lợi, hay thù quán riêng mà bênh vực hay làm hại một bị can nào. Tôi sẽ cứ công bằng mà xác định mọi việc…”.
Tác giả viết: “Pháp luật đến lượt nó, phục vụ Công lý nếu nó bảo vệ các quyền cá nhân của con người bị vi phạm. Công lý không có sự nâng đỡ của pháp luật sẽ trở nên yếu đuối, mờ nhạt, còn pháp luật không dựa trên các giá trị của Công lý sẽ trở nên hà khắc, tàn bạo”.
Trong một bài bàn về BLTTHS năm 2015, tác giả cho rằng, Bộ luật không quy định “nguyên tắc hòa giải”, nhưng khoản 3 Điều 29 BLHS lại quy định “người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại, tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Nhiều ý kiến cho rằng BLTTHS cần quy định nguyên tắc hòa giải. Ngoài các tội được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, thì đối với các tội phạm ít nghiêm trọng kể cả tội phạm do cố ý cũng nên hòa giải. Hòa giải để người phạm tội thấy được tội lỗi của mình trước người bị hại, là việc làm nhân văn cần được khuyến khích. Thực tiễn xét xử ở nước ta nhiều năm qua cũng đã thể hiện tinh thần nhân văn này. Hơn nữa, hầu hết các vụ án hình sự đều có phần dân sự, mà phần dân sự thì hòa giải lại là quy định bắt buộc đối với Tòa án theo BLTTDS.
Cùng chủ đề xây dựng pháp luật, cuốn sách có bài: Trao Quyền miễn trách nhiệm hình sự cho Tòa án. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận đặt vấn đề như vậy vì đã có quá nhiều trường hợp lẽ ra cơ quan tiến hành tố tụng phải kết luận hoặc tuyên bố bị can bị cáo không phạm tội thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát lại “miễn trách nhiệm hình sự” để “né” trách nhiệm bồi thường. Dư luận cho rằng đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật và mổ xẻ một cách toàn diện về tình trạng “né” bồi thường của cơ quan tiến hành tố tụng.
Có một thực tế là các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự “do chuyển biến tình hình” lại chủ yếu rơi vào Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, sau khi Tòa án trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung hoặc hủy bản án để điều tra lại. Do đó có nhiều ý kiến cho rằng nên giao cho Tòa án quyền được miễn trách nhiệm hình sự, còn Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thì không được giao quyền này hoặc quyết định miễn trách nhiệm hình sự của Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát mà bị can không đồng ý thì họ có quyền khởi kiện để Tòa án phán xử sau cùng chứ không chỉ dừng lại ở quy định khiếu nại như hiện nay.
Trong bài: Tòa gia đình và người chưa thành niên là bước đột phá, tác giả bình luận: Cuối cùng thì nguyện vọng của đông đảo nhân dân cả nước cũng đã được đáp ứng bằng việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên. Việc ra đời Tòa gia đình và người chưa thành niên đối với thế giới không có gì lạ nhưng ở Việt Nam đó là vấn đề mới. Quốc hội các khóa trước cũng đã có nhiều lần đưa ra bàn thảo về việc thành lập Tòa hôn nhân và gia đình nhưng khi thông qua Luật Tổ chức Tòa án năm 2014, Quốc hội mới chính thức đồng ý trong hệ thống Tòa án Việt Nam có Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Thực tế xét xử do chưa có một Tòa án chuyên trách đối với người chưa thành niên nên việc áp dụng BLHS cũng như việc tổ chức điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên còn nhiều hạn chế. Mặt khác có nhiều vụ án hình sự, nhất là đối với các vụ án hôn nhân và gia đình, người chưa thành niên theo bố mẹ đến công đường phải nghe những lời của người lớn đối với nhau.
Việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên ở trong TAND đáp ứng yêu cầu cấp thiết, góp phần bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam, trong đó có yêu cầu góp phần bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng; là Tòa án thân thiện với trẻ em, giải quyết hiệu quả, hợp tình hợp lý những vụ việc về hôn nhân gia đình; đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ quyền trẻ em; là một trong dấu ấn quan trọng của công cuộc cải cách tư pháp và việc đổi mới hoạt động của Tòa án nhân dân, phù hợp với xu thế thế giới.
Tuy nhiên, “dù sao đây cũng là vấn đề mới nên không thể cùng một lúc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên trên phạm vi cả nước, mà phải tổ chức thí điểm. Việc tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên tại Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân huyện phải căn cứ vào thực tế của mỗi tòa; tùy thuộc vào đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của Tòa án mà quyết định như ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là sáng suốt” – nguyên Chánh tòa Hình sự nhận xét.
Cuốn sách không chỉ hạn chế trong chủ đề pháp luật hình sự hay tố tụng mà rất đa dạng, xung quanh chủ đề pháp luật nói chung, từ những vấn đề chung, mang tính khái quát đến những nội dung cụ thể, thời sự. Nhìn qua mục lục cuốn sách có thể thấy những bài như: “Pháp luật phải phù hợp với cuộc sống”, “Đại biểu Quốc hội phát ngôn thế nào cho đúng?”, “Bộ luật Hình sự năm 2015 không chỉ có ba lỗi nghiêm trọng”, “Bộ luật tố tụng hình sự cũng có những sai sót cần xem lại”, “Nên quy định chi tiết hình thức phiên tòa”, “Nên mời thêm chuyên gia khi giám sát án oan”… Và rất nhiều bài bàn đến những chế định trong BLHS, BLTTHS. Bên cạnh đó là rất nhiều bài bàn về những vụ án cụ thể, nhất là những bản án phức tạp, có dấu hiệu oan sai diễn ra từ Nam chí Bắc với những ý kiến không né tránh.
Để khép lại bài viết, xin nêu một câu chuyện thời sự nóng bỏng là vụ tai nạn giao thông khủng khiếp ở Hải Dương vừa qua, làm 8 người thiệt mạng do lái xe ô tô sử dụng ma túy; vụ cán người đang đứng chờ đèn đỏ ở Long An trước đó làm chết 4 người cũng với nguyên nhân tương tự… Người nghiện ma túy lái xe ô tô đang thật sự là một hiểm họa giao thông hiện nay, nhưng vì sao người nghiện ma túy lại không được quản lý là câu hỏi dư luận đang đặt ra.
Trong bài Tòa án đưa người cai nghiện vào trại còn nhiều gian truân, tác giả Đinh Văn Quế bình luận: Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2014, các Tòa án cấp huyện chạy đôn, chạy đáo không biết phải xử lý thế nào khi Luật giao cho mình quyền quyết định đưa người cai nghiện vào trại cai nghiện.
Nếu như trước đây giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định vấn đề này thì chỉ trong vòng một tháng là có thể xong thủ tục đưa một người vào trại cai nghiện thì bây giờ nếu thông đồng bén giọt cũng phải mất 3 tháng, chưa kể theo quy định việc xác định một người có nghiện hay không là do y bác sĩ trạm y tế cấp phường xã thực hiện. Nếu người nghiện khiếu nại thì cơ quan nào giải quyết? Ủy ban nhân dân hay cơ sở y tế cấp trên? Sau đó, người nghiện còn có quyền kiện ra tòa hành chính để phân xử, khi án có hiệu lực pháp luật rồi mà xác định đúng là người nghiện thì Tòa án có thẩm quyền mới ra quyết định đưa vào trại.
Người nghiện tới mức phải đưa chạy nhưng vẫn ở ngoài xã hội thì hậu quả như thế nào chắc không ai lường hết được. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại có chuyện như vậy? Có người nói do mình học nước ngoài nên mới giao cho Tòa án; có người bảo Ủy ban nhân dân muốn đẩy trách nhiệm này cho Tòa án với lý do quyền con người, quyền công dân chỉ có Tòa án mới có quyền. Có những nơi như thành phố Đà Nẵng thì lại có sáng kiến đề nghị Thành ủy chủ trì cuộc họp gồm Tòa án, Công an… để đưa ra những giải pháp giúp người nghiện và gia đình vượt qua khó khăn, đồng thời đề xuất một trại cai nghiện với đầy đủ trang thiết bị bao gồm cấp kinh phí và hỗ trợ về cá mặt như vậy vừa có tính nhân văn vừa không vi phạm quyền con người…
Tóm lại, đúng như trong Lời nói đầu, tác giả viết: “ Chuyện pháp đình (Bình luận án) là cuốn sách được chọn lọc từ các sự kiện, các vụ án có thật, phản ánh trung thực đời sống xã hội có giá trị cả về lý luận và thực tiễn góp phần hoàn thiện đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; có nhiều bài gây tiếng vang, được một số cơ quan, tổ chức tham khảo, tiếp thu chuyện”… Do đó, “Chuyện pháp đình” dành cho mọi đối tượng, rất thiết thực đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác tư pháp, các luật sư, các giảng viên và sinh viên học Luật trong các trường Đại học”.
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/chuyen-phap-dinh-cuon-hinh-luan-an-dac-sac
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-phap-dinh-cuon-binh-luan-an-dac-sac-a203761.html