Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, TS. Đỗ Đức Hồng Hà: Ngành tư pháp cần nhiều giải pháp để xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng

(Pháp lý) - Tham nhũng có được xử lý nghiêm không? Đó có lẽ là mối quan tâm chung và lớn nhất của người dân với ngành tư pháp. Kỳ vọng ấy xuất phát từ mong mỏi và yêu cầu chống tham nhũng của toàn xã hội. Từ mối quan tâm và thực tế ấy, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng ngành tư pháp cần tiếp tục tăng cường một số giải pháp để đáp ứng yêu cầu của cử tri trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà phát biểu tại Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà phát biểu tại Quốc hội)

Người dân quan tâm đến kết quả xử lý hành vi tham nhũng

Phóng viên: Là thành viên của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, trong quá trình tiếp xúc cử tri, ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của người dân đến các vấn đề của tư pháp?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Là thành viên của Ủy ban tư pháp, tôi thấy mức độ quan tâm của người dân đến các vấn đề của tư pháp có xu hướng giảm so với nhiều vấn đề nóng bỏng khác của xã hội. Tiếp xúc cử tri, tôi thấy họ ít băn khăn, trăn trở về tư pháp, chủ yếu người dân quan tâm đến kết quả xử lý hành vi tham nhũng.

Phóng viên: Năm 2018, “bức tranh” tư pháp có nhiều dấu ấn đổi mới cải cách quan trọng. Là người dõi theo sát các hoạt động tư pháp, ông có thể chia sẻ ấn tượng của mình về những dấu ấn đó?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Không thể phủ nhận một thực tế, “bức tranh” tư pháp năm 2018 có nhiều dấu ấn đổi mới cải cách rất quan trọng, với khối lượng công việc giải quyết rất lớn để bảo vệ thực thi công lý. Cụ thể như: Hoạt động trong hoàn cảnh nhiều Bộ Luật, Luật mới có hiệu lực thi hành, ngành tư pháp đã kịp thời ban hành các Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật khi có các Luật mới ban hành. Theo thống kê, đến nay Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành được 13 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án án nhân dân tối cao, 08 Thông tư, Thông tư liên tịch của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong các bộ luật, luật tố tụng các năm 2015, 2016, 2017.

Thực tế, quá trình hoạt động của đại biểu, tôi nhận thấy, trong những năm qua, số vụ việc khiếu kiện về hành chính ngày càng tăng; phát sinh chủ yếu trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai, vốn là lĩnh vực rất phức tạp. Nhận thức được thực tế nêu trên, Tòa án nhân dân các cấp đã có nhiều cố gắng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm tiến độ và không ngừng nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính.

Ngành Tòa án cũng có nhiều nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, không để xảy ra tình trạng quá hạn luật định; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn xét xử các vụ án và đưa ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế.

Năm 2018 cũng là một năm vô cùng bận rộn và áp lực rất lớn về thời gian đối với các cơ quan tư pháp khi thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về PCTN về việc khẩn trương điều tra, truy tố và xét xử nhiều đại án với những đối tượng phạm tội là những quan chức cấp cao.

Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án, bảo đảm giải quyết các vụ án trong thời hạn theo quy định của pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng của ngành tư pháp. Các cơ quan tư pháp đã và đang tăng cường phối hợp trong việc giải quyết, xét xử các tội phạm về tham nhũng, các vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian qua đều được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử, bảo đảm việc giải quyết vụ án trong thời hạn theo quy định của pháp luật nên hầu hết không có án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án. Điển hình là các vụ án: Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm; Phạm Công Danh và đồng phạm; Hà Văn Thắm và đồng phạm; Vụ đánh bạc ngàn tỉ ở Phú Thọ; Các vụ án liên quan đến Vũ Nhôm; Út Trọc... là những vụ án tham nhũng lớn, phức tạp có nhiều bị cáo, với sự tham gia của nhiều Luật sư và những người tham gia tố tụng khác, công tác chuẩn bị xét xử mất nhiều thời gian nhưng hầu như không bị vi phạm về thời hạn xét xử.

Tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và làm tốt công tác chuẩn bị phiên tòa nên các vụ án này đã được xét xử đúng thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Nhất là hình phạt mà Tòa án đã quyết định đối với các bị cáo bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội và nhân thân của bị cáo trong từng vụ án. Kết quả xét xử các vụ án này được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Cần nhiều giải pháp để xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng

Phóng viên: Dưới góc nhìn của một Đại biểu Quốc hội (Ủy viên Ủy ban Tư pháp), ông có thể cho biết bên cạnh những kết quả thành tích của các cơ quan tư pháp năm qua, trong hoạt động của các cơ quan này còn hạn chế nào, đặc biệt là trong hoạt động đấu tranh với loại tội phạm tham nhũng?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Các vụ án về tham nhũng là những vụ án rất phức tạp, có nhiều người tham gia và có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, người phạm tội thường là người có trình độ nên thủ đoạn phạm tội cũng rất tinh vi. Bởi vậy quá trình đấu tranh với loại tội phạm này cũng không hề dễ dàng. Tòa án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và hoãn phiên tòa đối với một số vụ án về tham nhũng là dẫn tới việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án... Điều này gây dư luận không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân về công tác chống tham nhũng.

Hạn chế đó có thể do các quy định pháp luật liên quan đến việc giám định và định giá tài sản. Ngoài ra còn do nhận thức pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong một số trường hợp còn có sự khác nhau khi đánh giá chứng cứ và xác định tội danh đối với các tội về tham nhũng. Trong một số vụ án, Kiểm sát viên chưa chủ động phối hợp với Điều tra viên để kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra; chưa nắm chắc, toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên việc tranh tụng tại phiên tòa chưa tốt; Thẩm phán nghiên cứu chưa kỹ hồ sơ nên đánh giá chứng cứ chưa chính xác. Kiến thức, sự hiểu biết của Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán về các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… chưa sâu... Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án kinh tế, tham nhũng của Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán.

Phóng viên: Từ thực tế như vậy, theo ông trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án về tham nhũng, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung và việc hoãn phiên tòa, sai sót về nội dung và tố tụng, ngành Tòa án cần có những giải pháp gì?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Theo tôi thì ngành tòa án cần chú trọng phân công các Thẩm phán có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, xây dựng… có bản lĩnh nghề nghiệp để xét xử các vụ án tham nhũng. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, kiểm tra việc chấp hành các thủ tục tố tụng, tính đầy đủ, hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án. Đồng thời, Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và dự kiến các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa để kịp thời có phương án xử lý, giải quyết. Hạn chế đến mức thấp nhất việc phải tạm ngừng, hoãn phiên tòa.

Về mặt pháp luật, theo tôi cần có thêm các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật nói chung và các tội phạm về tham nhũng nói riêng, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đang gặp phải trong quá trình giải quyết các vụ án này, đặc biệt là các vướng mắc trong việc giám định, định giá tài sản trong các lĩnh vực tài chính, thuế, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, đất đai….; thường xuyên tiến hành tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ, đặc biệt là đối với các tội về tham nhũng.

Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực giải quyết, xét xử án tham nhũng; có chế độ khen thưởng kịp thời đối với các Thẩm phán giải quyết, xét xử tốt các vụ án về tham nhũng lớn, phức tạp…

Tư pháp cần nỗ lực nhiều hơn nữa

Phóng viên: Năm 2018, bên cạnh những nỗ lực, thành tích của ngành tư pháp trong việc đưa ra ánh sáng, xử nghiêm những vụ án tham nhũng lớn được cả xã hội chú ý, thì còn đó những bản án bị hủy vì xử sai, xử nhẹ. Những hạn chế đó ảnh hưởng thế nào đến niềm tin của người dân với tư pháp?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Bên cạnh những dấu ấn cải cách quan trọng, các cơ quan tư pháp vẫn còn những hạn chế, tồn tại khiến dân bức xúc như một số phiên tòa, Tòa án phải xử đi xử lại, xử án quá nhẹ, xử không đúng luật, cơ quan kiểm sát và cơ quan điều tra vẫn còn để “ treo” số phận nhiều bị can… tồn tại này làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và công lý.

Phóng viên: Theo ông, đâu là nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình xét xử các vụ án bị dư luận phản ứng mạnh mẽ nói trên?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Những hạn chế trong hoạt động tư pháp như oan sai, vi phạm tố tụng vẫn còn, theo tôi là do cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Hiện nay, không ít hồ sơ vụ án hình sự còn có xu hướng nặng về buộc tội và tại phiên tòa, Kiểm sát viên còn tập trung vào bảo vệ cáo trạng, dẫn tới nguyên tắc “suy đoán vô tội” và quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong một số trường hợp khó bảo đảm, tôn trọng thực sự. Quá trình tranh tụng tại không ít phiên toà còn hình thức, chủ yếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán, Kiểm sát viên còn coi trọng “án tại hồ sơ”, chưa coi trọng “án tại phiên toà”, từ đó chưa chủ động tranh luận, tích cực làm rõ các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa; Hội đồng xét xử khi nghị án chưa quán triệt đầy đủ yêu cầu pháp luật “chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà”.

Một bộ phận người tiến hành tố tụng còn yếu kém về phẩm chất, đạo đức, buông lỏng trách nhiệm công vụ; kể cả một số lãnh đạo cơ quan tố tụng địa phương. Mặc dù đã có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (làm sai lệch hồ sơ vụ án, ra bản án, quyết định trái pháp luật, dùng nhục hình, nhận hối lộ...) nhưng nhìn chung việc xử lý cán bộ mắc sai phạm chưa nghiêm; có hiện tượng nể nang, bao che, nhiều trường hợp chỉ xử lý kỷ luật, thuyên chuyển công tác hoặc cho về hưu sớm; việc xử lý hình sự một số trường hợp quá nhẹ gây bức xúc dư luận. Có người vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chỉ khi báo chí, dư luận lên tiếng mới được đưa ra xử lý trước pháp luật.

Để xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng, đòi hỏi HĐXX các vụ án đó phải có cả bản lĩnh và kinh nghiệm (trong ảnh là Hội đồng xét xử một vụ án tham nhũng).
Để xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng, đòi hỏi HĐXX các vụ án đó phải có cả bản lĩnh và kinh nghiệm (trong ảnh là Hội đồng xét xử một vụ án tham nhũng).)

Việc phối hợp liên ngành trong một số trường hợp chưa đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, thiếu sự chế ước, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp. Một số kiểm sát viên chưa làm tốt nhiệm vụ công tố gắn với hoạt động điều tra, thực hiện không đầy đủ các thẩm quyền theo luật định; có nơi còn phối hợp nhất trí một chiều với Cơ quan điều tra trong nhận định, đánh giá tính chất vụ án, ít nêu yêu cầu khởi tố, yêu cầu điều tra…

Đội ngũ Luật sư còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao; gần 80% vụ án hình sự hiện nay chưa có Luật sư tham gia nên chưa bảo đảm tranh tụng để tránh oan, sai…

Phóng viên: Theo ông làm thế nào để trong thời gian tới các hoạt động tư pháp đạt được chuyển biến căn bản, không để xảy ra oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử,?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Các cơ quan tư pháp cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và tranh tụng trong xét xử; chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự. Khi đã xác định có oan, sai thì phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm minh đối với người mắc sai phạm, xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây nên oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình.

Tăng cường đào tạo cán bộ tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp và nguyên tắc tranh tụng. Phát triển đội ngũ Luật sư, nâng cao tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của luật sư; giám sát Luật sư trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm bào chữa, cung cấp dịch vụ pháp lý. Bảo đảm thực hiện quyền thu thập chứng cứ của Luật sư theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhất là quy định tại các điều 73, 81 và 82.

Thực hiện tốt những giải pháp trên, tôi tin là tư pháp sẽ có những thay đổi căn bản đáp ứng yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp đồng thời cũng là kì vọng, mong mỏi của người dân đối với nền tư pháp.

Tình trạng có tội phạm tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng đã được nhắc nhiều tại Quốc hội trong thời gian qua. Năm 2018, ở một số vụ án đã xuất hiện một số cán bộ quan chức trong ngành tư pháp đã bị khởi tố do bao che giúp sức tiếp tay cho tội phạm. Để khắc phục tình trạng trên thì cần nhiều giải pháp. Theo ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, giải pháp quan trọng nhất là, cần tổ chức thực hiện nghiêm minh hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, nhất là Bộ luật Hình sự và nếu cần, có thể xem xét sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan như: Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự... để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng tại chính các cơ quan này.

Phan Tĩnh (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/uy-vien-uy-ban-tu-phap-cua-quoc-hoi-ts-do-duc-hong-ha-nganh-tu-phap-can-nhieu-giai-phap-de-xu-ly-hieu-qua-toi-pham-tham-nhung-a203470.html