"Lùi một bước" ở Syria, Mỹ "tiến ba bước" bằng chiến lược "Syraq" để áp chế Nga?

Chiến lược "Syraq" mới sẽ sử dụng Iraq cùng với NATO để thao túng mọi ảnh hưởng ở Trung Đông , đưa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vào tình thế khó khăn.

 Những động thái gần đây của Mỹ và NATO ở Iraq có thể là nền tảng xây dựng chiến lược mới.
Những động thái gần đây của Mỹ và NATO ở Iraq có thể là nền tảng xây dựng chiến lược mới.)

Các cuộc thảo luận hiện tại trên các phương tiện truyền thông Mỹ liên quan đến kế hoạch rút quân khỏi Syria hầu hết đều là những lời chỉ trích nhằm vào Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, động thái này là để hướng tới một chiến lược mới của Mỹ ở Syria và Iraq một cách thích hợp hơn, được gọi là chiến lược “Syraq”.

Nói một cách đơn giản, Mỹ vẫn chưa hề từ bỏ cuộc chiến ở Syria mà còn lôi kéo thêm Iraq vào trong đó và kêu gọi thêm cánh tay của liên minh quân sự phương Tây.

Các báo cáo mới đây cho thấy Mỹ đang âm thầm đẩy mạnh việc triển khai tới Iraq, với minh chứng nổi bật là chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Erbil và Baghdad. Ông cũng thẳng thắn bác bỏ rằng, không có mâu thuẫn nào trong việc Mỹ chuyển hướng chiến lược ở Syria.

Theo các nhà phân tích, chiến lược “Syraq” mới sẽ đưa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vào tình thế khó khăn. Các nước này phải thích nghi nhanh chóng vì lợi ích khác nhau của họ trong cuộc xung đột cùng những mâu thuẫn tiềm ẩn sẽ sớm bắt đầu tăng lên.

"Bức tranh lớn" của chiến lược “Syraq” có thể liên quan đến việc Phái bộ NATO (NMI) ở Iraq mới thành lập gần đây.

Vào ngày 5/12 năm ngoái, Phái bộ NATO mới thành lập ở Iraq đã tiến hành một sự kiện giới thiệu tại bộ Quốc phòng nước này.

Chỉ huy NMI, tướng Dany Fortin đã giới thiệu nhiệm vụ, tầm nhìn và mục tiêu của đơn vị này như một sự làm mới lại mối quan hệ lâu dài giữa NATO và Iraq.

Sự ra mắt của NMI diễn ra chỉ một hai tuần trước khi Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố kịch tính về việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria.

Và chính xác là một hai tuần sau đó - tức là ba tuần sau khi NMI xuất hiện ở Baghdad - ông Trump đã có một chuyến viếng thăm bất ngờ đến căn cứ không quân al-Asad, nằm ở phía Tây Iraq giữa Baghdad và biên giới Syria.

Chuyến thăm của ông Trump, cùng với phu nhân, là chuyến đi đầu tiên của ông tới nơi quân đội Mỹ đóng quân trong khu vực chiến đấu và mang tính biểu tượng cao.

Tất nhiên, tuyên bố quan trọng nhất được ông Trump đưa ra trong chuyến thăm là ông không có kế hoạch rút lực lượng Mỹ khỏi Iraq. Ông nói thêm rằng, trên thực tế, “chúng tôi có thể sử dụng nơi này làm căn cứ nếu chúng tôi muốn làm gì đó ở Syria”.

Theo Asia Times, 3 diễn biến mới nói trên, bao gồm: Mỹ rút quân, NMI xuất hiện và ông Trump tới căn cứ Iraq, được cho là có liên quan đến nhau. Trong đó, NMI đang được nhận định là có tiềm năng lớn để trở thành phương tiện cho các chiến lược khu vực mới của Mỹ sau khi rút khỏi Syria.

Lý do đầu tiên, NMI rất quan trọng đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Nó giải quyết một trong những nguyên nhân chính đang làm nên căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu, đó là sự tham gia hạn chế của liên minh phương Tây ở Trung Đông.

 Mỹ rút quân khỏi Syria nhưng Iraq có thể là nơi thay thế.
Mỹ rút quân khỏi Syria nhưng Iraq có thể là nơi thay thế.)

Trong lịch sử, các quốc gia châu Âu thường tỏ ra ít muốn dính líu đến Trung Đông do lo ngại sẽ gây ra hậu quả tiêu cực đối với an ninh ở châu lục này.

Điều này dẫn đến sự phát triển của các cơ chế linh hoạt trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh hỗ trợ cái gọi là các hoạt động ngoài khu vực dựa trên các cấu trúc châu Âu. Tuy nhiên, những nỗ lực của các nước châu Âu không được đồng nhất và thường bị Mỹ chối bỏ, dẫn đến áp lực lớn hơn đối với sự can dự của NATO.

Ngược lại, NMI là một nhiệm vụ toàn diện đầu tiên xuất hiện ở Trung Đông và có thể dẫn đến sự phân phối đồng đều hơn các chi phí liên quan đến an ninh giữa các thành viên châu Âu trong liên minh.

Đây thực sự là một cân nhắc quan trọng đối với ông Trump. NMI đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ nhận hỗ trợ nhiều hơn từ các đồng minh để ổn định tình hình ở Trung Đông (mà ông Trump đã từng chỉ ra, cũng tác động đến an ninh của châu Âu).

Trên hết, một trong những mục tiêu chính của NMI sẽ là cung cấp một nền tảng để xây dựng sự đồng thuận trong liên minh phương Tây về việc thích ứng hơn nữa với các thách thức chính sách đối ngoại và an ninh bắt nguồn từ Nga.

Điều đó có nghĩa là, trong khi NMI có thể được trình bày dưới dạng cấu trúc hỗ trợ bổ sung cho cuộc chiến chống khủng bố và làn sóng tị nạn, nó có thể tăng cường sự gắn kết chính trị giữa các thành viên, những quốc gia có nhận thức về mối đe dọa khác nhau.

NMI có trở thành điềm báo cho sự can thiệp mở rộng của Mỹ vào Syria và Iraq - điều mà các đồng minh khu vực của Mỹ (đặc biệt là Israel) đang tìm kiếm.

Hiện vẫn chưa rõ ông Trump có sử dụng NMI như một sự bù đắp cho sự rút quân ở Syria hay không. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, không chỉ có các nhà lãnh đạo ở Paris, Berlin và Moscow mà kể cả những người chơi lớn trong khu vực như Ankara, Tel Aviv và Tehran - sẽ cảm nhận được rằng một sự thay đổi chiến lược của Mỹ có thể đang diễn ra.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/khong-don-gian-la-rut-quan-khoi-syria-my-dang-xay-dung-chien-luoc-syraq-de-ap-che-nga-a418450.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/lui-mot-buoc-o-syria-my-tien-ba-buoc-bang-chien-luoc-syraq-de-ap-che-nga-a203367.html