Kết quả thu hút FDI năm 2018: Nhìn từ dấu ấn cải cách thể chế xuyên suốt 30 năm qua

(Pháp lý) - Kết thúc năm 2017, thu hút FDI của Việt Nam lần đầu tiên chạm đến con số 36 tỷ USD, khiến nhiều người băn khoăn về viễn cảnh thu hút nguồn vốn này trong năm 2018 khi mà bối cảnh kinh tế toàn cầu đã và đang diễn biến nhiều bất lợi. Tuy nhiên điều kỳ diệu đã xảy ra…

Ngày 09/7/2018, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo công bố kết quả Báo cáo một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020 – 2030.
Ngày 09/7/2018, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo công bố kết quả Báo cáo một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020 – 2030.)

Tiếp tục “gặt hái” trong khó khăn…

Sức ép lớn nhất mà Việt Nam hứng chịu ngay từ đầu năm 2018 là cuối năm 2017, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ thông qua một đạo luật về cải cách thuế lớn nhất trong vòng 30 năm qua. Trong đó, một trong những thay đổi lớn nhất là sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong nước từ 35% xuống 21% kể từ đầu năm nay. Hiệu ứng domino dịch chuyển dòng vốn FDI lập tức tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, khi mà các nhà đầu tư đến từ Mỹ xem xét lại kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, cùng với đó là sự hấp dẫn của cường quốc cũng sẽ làm cho các nhà đầu tư khác cân nhắc. Có thể, thay vì mở rộng đầu tư, chuẩn bị đầu tư, họ sẽ chuyển hướng hoặc rút lợi nhuận để chuyển về Mỹ đầu tư.

Trước bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam sẽ không chịu nhiều sự tác động từ chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump. Và nếu có, thì cũng không thể ngay lập tức, mà phải có một độ trễ nhất định, chính sách này mới ảnh hưởng tới Việt Nam. Bởi đến cuối năm 2017, lũy kế các nhà đầu tư Mỹ đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 9,9 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam (riêng năm 2017, Mỹ chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam 870 triệu USD, một con số cũng không quá lớn). Mặt khác, những lo ngại về chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump ảnh hưởng tới FDI của Việt Nam không phải bây giờ mới có.

Sáng 4/10/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với chủ đề “Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”.
Sáng 4/10/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với chủ đề “Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”.)

Trước đó nhiều ý kiến chuyên gia cũng lo ngại FDI vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khiến Hiệp định này có nguy cơ đổ vỡ. Khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã 2 lần điều chỉnh lãi suất USD sau một thời gian giữ ổn định… Mặc dù vậy nhìn từ con số thống kê trong tháng 1/2018, chỉ có gần 1,26 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ thì không thể nói rằng Việt Nam đang đứng ngoài “cuộc chơi” mà là “nước đã tới chân”…

Điều kỳ diệu là những khó khăn của đầu năm đã không làm cản ngại dòng chảy FDI vào Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong 10 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 27,9 tỷ USD, bằng 98,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có 2.182 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 14,1 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2017 và có 841 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,5 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2017. Không chỉ bám sát được năm 2017 về số lượng đăng ký mà thu hút FDI năm 2018 còn vượt trội về những tiêu chí đang hướng tới. Trong số 25,37 tỷ USD đăng ký mới, đã có 13,25 tỷ USD giải ngân, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng nói hơn, có tới 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ 2017. Đây là năm thứ hai liên tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài đã chủ động góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam vươn tới con số khá ấn tượng (năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 6,19 tỷ USD để góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam, tăng 45,1% so với năm 2016). Qua đó cho thấy thu hút FDI của Việt Nam ngày càng ổn định và phát triển.

Tính đến thời điểm này, có tổng cộng 104 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,6 tỷ USD, chiếm 22,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,6 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư… Như vậy không phải là Mỹ, mà là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore… mới “dẫn dắt” cuộc chơi FDI ở Việt Nam. Cũng theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 11,3 tỷ USD, chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,1 tỷ USD, chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký…

Dấu ấn 2 lần đột phá về thể chế

Thành công của thu hút FDI đầy ngoạn mục của Việt Nam trong năm 2018, có thể thấy ngoài dấu ấn trực tiếp của Chính phủ hành động đương nhiệm, đó là kết quả của sự đổi mới về thể chế dài hạn, xuyên suốt trong hơn 30 năm qua. Trong suốt hơn 30 năm qua, dấu ấn về đột phá thể chế có thể nhìn thấy rõ nét ở 2 thời điểm:

Đó là ngày 29/12/1987, khi Quốc hội nước CHXHCNVN chính thức biểu quyết thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây được coi là một “quyết định lịch sử”, chính thức khai thông dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam. Gọi là “quyết định lịch sử” vì lần đầu tiên văn bản pháp lý này chấp nhận doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (trong khi vào thời điểm này Thái Lan, Indonesia chỉ cho phép doanh nghiệp 49% vốn nước ngoài), mở đường cho thu hút FDI, tạo đà cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức.

image005Tuy nhiên phải đợi đến năm 2014, khi Luật Đầu tư sửa đổi (gồm 7 chương, 76 điều) chính thức được các đại biểu Quốc hội Khóa XIII, tại Kỳ họp thứ 8, bấm nút thông qua vào ngày 26/11/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015, mới thực sự tạo ra những đổi mới toàn diện, đột phá về thể chế, mở ra môi trường đầu tư thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, có hơn 20 điều khoản đề cập đến quyền và nghĩa vụ “trên cả mong đợi” của các nhà đầu tư FDI khi đầu tư vào Việt Nam. Kể từ thời điểm này, các nhà đầu tư FDI sẽ được hưởng chính sách về đầu tư kinh doanh không khác gì các nhà đầu tư trong nước: Được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật Việt Nam không cấm; được đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; được hưởng chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế…

Đặc biệt, lần đầu tiên pháp luật Việt Nam cam kết, tài sản hợp pháp của nhà đầu tư FDI “không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính”. Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư FDI khi đầu tư vào một nước nào đó, điều đầu tiên họ quan tâm tài sản đầu tư của họ có được đảm bảo không, các quy định chuyển phần lợi nhuận về nước họ như thế nào… Luật Đầu tư 2014 đã giải quyết được sự khúc mắc này của nhà đầu tư FDI. Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì “nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan”; và “được bảo đảm chuyển tài sản sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật”.

Không những cam kết bảo đảm về tài sản mà pháp luật Việt Nam còn dành nhiều cam kết về quyền lợi đối với các nhà đầu tư FDI rất mềm dẻo, hấp dẫn: “Trong trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án”. Đặc biệt, kể từ 01/7/2015, đối với dự án của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và dự án của doanh nghiệp FDI mà trong đó nhà đầu tư FDI nước ngoài nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ thì sẽ được đối xử như dự án đầu tư trong nước và không cần phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong khi trước đó tất cả các dự án đầu tư có vốn nước ngoài, dù chỉ là 1% vốn điều lệ, cũng cần phải xin giấy chứng nhận đầu tư - PV). Quy định này được đánh giá là cải cách đột phá của Luật Đầu tư 2014, phù hợp với thời kỳ mà hầu như toàn bộ các hạn chế của cam kết WTO đã hết, mang lại kỳ vọng cho hàng loạt các nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định đầu tư vốn, tài chính vào Việt Nam.

Cùng với các đạo luật có liên quan và một Việt Nam tham gia vào sân chơi khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng với các hiệp định thương mại lớn như CPTPP, FTA giữa EU và Việt Nam, FTA giữa ASEAN và Hồng Kông… có thể nói dấu ấn của 2 lần đột phá về thể chế đã góp phần tạo nên bức tranh FDI của Việt Nam trong suốt hơn 30 năm qua vô cùng ấn tượng. Dòng vốn FDI hàng năm tăng gần 1.000%. Năm 2016, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã vượt qua tất cả các quốc gia ASEAN khác, trừ Singapore. Theo đánh giá của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới, nếu tính theo tỷ trọng GDP trên đầu người, thu hút vốn FDI của Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ (và tất cả các quốc gia ASEAN, trừ Malaysia). Việt Nam được xếp ở vị trí đứng đầu trong số 14 thị trường mới nổi trong hai năm liên tiếp về thu hút đầu tư mới từ nước ngoài so với quy mô nền kinh tế quốc gia.

Tính đến tháng 8/2018, đã có hơn 26.500 dự án FDI vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Khu vực FDI có đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Số thu nộp ngân sách của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Tính đến nay, khu vực FDI đã tạo việc làm cho gần bốn triệu việc làm trực tiếp và khoảng năm triệu việc làm gián tiếp khác.

Cần tiếp tục có những cải cách về thể chế lần thứ ba

Tham dự Hội nghị Tương lai châu Á tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 11/6/2018, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình khẳng định, Việt Nam cam kết luôn duy trì “ba ổn định” để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đó là ổn định về chính trị - an ninh; ổn định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; ổn định trong chủ trương không ngừng đổi mới, cải cách. “Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, dễ tiên liệu, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Chính phủ cũng nỗ lực cải thiện khâu thực thi pháp luật, tăng cường đối thoại thực chất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư” - Phó Thủ tướng cam kết.

Nhà máy Samsung Việt Nam
Nhà máy Samsung Việt Nam)

Nhìn từ bức tranh thu hút FDI hiện nay của Việt Nam, bên cạnh những kết quả, đóng góp tích cực, chúng ta dễ nhận thấy những mặt hạn chế, tiêu cực. Đó là sự lan tỏa, liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, tỷ lệ nội địa hóa thấp; số dự án công nghệ cao do các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư còn ít, một số dự án gây ô nhiễm môi trường (trong đó có những sự cố môi trường nghiêm trọng như trường hợp của Formosa Hà Tĩnh, Vedan Đồng Nai); việc sử dụng tài nguyên, nhất là đất đai còn lãng phí; một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế… Từ thực trạng cho thấy, việc Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp để thu hút FDI là cần thiết, nhưng không đồng nghĩa với sửa luật theo hướng thu hút bằng mọi giá mà là thu hút có chọn lọc, đi vào chiều sâu để khắc phục những bất cập của bức tranh kinh tế - xã hội, như cần có nhiều dự án thân thiện với môi trường hơn, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; ưu tiên thu hút các dự án có sức lan tỏa, gắn kết với khu vực doanh nghiệp trong nước…

Và những điều chỉnh đó phải làm thỏa mãn được các nhà đầu tư FDI, như lời ông Denis Brunetti, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): “Các quy định pháp lý cần có tính nhất quán để tránh hiểu sai và tránh các thay đổi bất ngờ, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và niềm tin chung của doanh nghiệp”. Ông Denis còn cho rằng, những cuộc đối thoại có tính chất xây dựng về sự thay đổi của các chính sách sẽ mang lại kết quả tốt và có thể tạo nên hình ảnh Việt Nam tích cực, từ đó khuyến khích dòng vốn FDI vào Việt Nam.

“Để nâng cao chất lượng thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần. Đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư”.


Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam: “Các hiệp định thương mại lớn như CPTPP, FTA giữa EU và Việt Nam, FTA giữa ASEAN và Hồng Kông... sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng thu hút thêm vốn đầu tư và kiến tạo thêm các cơ hội kinh doanh xuyên biên giới trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, để tối đa hóa được các lợi ích từ những hiệp định thương mại này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tăng cường đầu tư trong nước, cũng như cải thiện các tiêu chuẩn sản xuất và lao động”.

VŨ LÊ MINH

 

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ket-qua-thu-hut-fdi-nam-2018-nhin-tu-dau-an-cai-cach-the-che-xuyen-suot-30-nam-qua-a203313.html