(Pháp lý) - Để cộng đồng doanh nghiệp không bỡ ngỡ khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhiều chuyên gia cho rằng tự thân doanh nghiệp phải tìm hiểu nội dung của hiệp định để từ đó nhận thức rõ thách thức cũng như cơ hội của mình. Song song đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành cũng phải có những biện pháp thiết thực đồng hành với doanh nghiệp để giải quyết những vướng mắc, khó khăn một cách nhanh chóng.
Doanh nghiệp phải tự đổi mới mình
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Khi Hiệp định này có hiệu lực sẽ cắt giảm gần 100% dòng thuế, trong đó 66% mặt hàng thuế sẽ về 0%. Do đó, để có thể được hưởng những “trái ngọt” từ CPTPP, doanh nghiệp Việt cũng chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Giới chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề này, không có giải pháp nào khác là doanh nghiệp phải tự nâng tầm chính mình.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện các quy định của CPTPP. Theo ông Hiếu, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện các quy định của CPTPP là phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Ví dụ như trong lĩnh vực dệt may, theo quy chuẩn CPTPP, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi trong trường hợp nguyên liệu làm ra sản phẩm đó có nguồn gốc phần lớn từ nước bản địa, hoặc là nguyên liệu nhập khẩu từ các nước CPTPP. Nhưng trong ngành dệt may Việt Nam thì phần lớn nguyên liệu sản xuất lại được nhập khẩu Trung Quốc. Như vậy, trong trường hợp này, để doanh nghiệp có thể được hưởng lợi thì chính sách thuế của chúng ta buộc phải thay đổi, hạn chế sự nhập khẩu nguyên liệu từ các nước ngoài CPTPP”, ông Hiếu phân tích.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng để nhanh chóng bắt nhịp được với các tiêu chuẩn của CPTPP thì các thiếu sót trong lực lượng lao động của Việt Nam cần được cải thiện nhanh chóng. Lực lượng lao động của Việt Nam còn nhiều thiếu sót trong việc đào tạo các kỹ năng, đặc biệt khi đi vào giai đoạn công nghiệp 4.0 về công nghệ thông tin. Đây là thời đại mới, cần phải đào tạo lại lao động để có kỹ năng về công nghệ thông tin. Tất cả mọi lĩnh vực, sự thay đổi trước hết bắt đầu từ luật pháp, rồi cơ chế về thuế, về chính sách, về tổ chức, về kinh doanh, lao động, tất cả những quy định về luật pháp, những cơ chế liên quan đến những khâu đó cũng phải được thay đổi và đặc biệt nữa là chất lượng hàng hóa Việt Nam phải được nâng cấp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội cũng cho rằng, hiệp định này là cơ hội mở tương đối lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì chúng ta hiện có 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô nhỏ, thị trường hẹp, sự hỗ trợ cũng chưa nhiều. Khi ta tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, cơ hội đầu tiên cho các doanh nghiệp là có thêm các thông tin về mặt thị trường, thông tin về đối tác, về các bạn hàng trên thế giới. Theo đó, để không bỡ ngỡ và nắm bắt cơ hội tốt hơn, doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, mẫu mã, chất lượng sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Cơ hội tăng được khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Khi Việt Nam tham gia vào một sân chơi chung thì yêu cầu sẽ cao hơn đối với sản phẩm, như xuất xứ hàng hóa, nguồn gốc nguyên vật liệu… Họ ưu tiên sử dụng những mặt hàng này của các nước trong khối nên chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận thị trường.
Tiếp lời, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bày tỏ, bất cứ ngành nào cũng đều gặp những thách thức cạnh tranh rất lớn từ các thị trường bên ngoài. Chúng ta vừa phải thắng được hàng hóa của các nước ở thị trường của họ, đồng thời cũng phải đủ chất lượng để chiến thắng hàng của họ trên thị trường trong nước. Điều này thực sự không dễ. Do đó, cần có sự chung tay của cả doanh nghiệp và nhà nước. Trong đó, vai trò quan trọng nhất vẫn là tự thân doanh nghiệp vận động. Để làm được những điều đó, theo ông Thịnh, các doanh nghiệp phải tự mình tìm hiểu nội dung của hiệp định có liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của mình, để từ đó nhận thức rõ thách thức cũng như cơ hội đối với ngành của mình. Qua đó, sẽ có được phương thức ứng xử với tình huống thách thức và biến những tình huống đó thành cơ hội.
Chuyên gia này cho rằng, mỗi ngành nghề có mức độ hội nhập và thời gian hội nhập khác nhau, nên cần phải có những giải pháp khác nhau. Hiệp định này ngay tháng 1/2019 đã có tác động rồi, nên không còn thời gian để chậm trễ nữa, nếu doanh nghiệp không nhận thức được thì doanh nghiệp “chết ngay”. Vì thế, các doanh nghiệp cần phải tự đổi mới mình bằng cách cơ cấu lại sản xuất, để từ đó có được những hiệu quả sản xuất cao nhất mới có thể cạnh tranh được. Khi hiệp định có hiệu lực, rất nhiều dòng thuế bị bỏ, hoặc giảm xuống rất thấp nên hàng hóa vào sẽ nhiều. Trước thách thức đó, nếu doanh nghiệp không cải cách, không nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành, sẽ không thể cạnh tranh được và điều tất yếu sẽ xảy ra là doanh nghiệp phá sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thay đổi để có được công nghệ phù hợp với các quốc gia mà chúng ta hướng đến, dù biết rằng quá trình này không thể nhanh chóng, tuy nhiên cần phải gấp rút thực hiện.
Nhà nước cần có biện pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp?
Để giúp doanh nghiệp tiếp cận những vấn đề pháp lý khi CPTPP chính thức có hiệu lực, trong cuộc trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên Bộ Công Thương cho rằng, trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập, các doanh nghiệp Việt còn tương đối bỡ ngỡ nên khả năng tận dụng ưu đãi chưa cao. Việc tận dụng ưu đãi này các doanh nghiệp FDI sẽ tốt hơn doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp lớn tận dụng tốt hơn doanh nghiệp nhỏ. Theo đó, với các chuỗi giá trị mới được hình thành, cần có các biện pháp phát triển doanh nghiệp phù hợp để Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi giá trị trong FTA mà Việt Nam là thành viên, nhằm tận dụng tối đa cam kết hiệp định mang lại.
Về giải pháp cụ thể, ông Thái cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp trong khu vực; cung cấp thông tin, dự báo thị trường; giảm thiểu thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư, giấy phép kinh doanh, kể cả trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, cần đồng hành với doanh nghiệp một cách sát sao để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Trong thời gian qua đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tích cực của những nỗ lực này.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Thái cho rằng, các bộ ngành cần có biện pháp mang tính thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, ví dụ như hỗ trợ chống bán phá giá hay giúp doanh nghiệp vượt qua các hàng rào kỹ thuật, khi thuế quan được hạ thấp. Song song với đó, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn ở các thị trường của các nước trong FTA. Do đó, để tránh rủi ro bị từ chối nhập khẩu, cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương… cần cung cấp thông tin cụ thể và hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu những quy định, tiêu chuẩn ở thị trường quốc tế.
“Cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần đồng hành để tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại các thị trường đã triển khai FTA. Công tác xúc tiến cần mang tính tập trung, tránh dàn trải, chú trọng vào các ngành hàng ta có thế mạnh hoặc tiềm năng xuất khẩu. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần hỗ trợ kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương, truy xuất thông tin mặt hàng… theo chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp”, ông Thái nói.
Theo ông Thái, các bộ, ngành cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, công nghệ sinh học vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với các thị trường khác. Cùng với đó là tuyên truyền, tập huấn về những thay đổi của các quy định luật pháp, tiêu chuẩn hiệp định về chất lượng sản phẩm, về lao động, chứng nhận xuất xứ, lộ trình thay đổi thuế quan…
Về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, ông Mạc Quốc Anh dự đoán sẽ được tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp. Cơ quan chức năng cũng bắt buộc phải thay đổi về thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn của các nước phát triển, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Nếu cơ quan nhà nước mà không đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ không thể phát triển, khi đó sẽ không có lợi nhuận để đóng thuế, ngân sách sẽ ít nguồn thu, đất nước không phát triển được. Đây cũng là cơ hội để cơ quan nhà nước thay đổi tư duy và hành động, thu hút được các nguồn lực từ doanh nghiệp vào nước ta.
Ngoài ra, các hiệp hội cũng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiệp hội phải là nơi tập hợp được những khó khăn của doanh nghiệp để mời các chuyên gia, báo chí và cơ quan chức năng đối thoại định kỳ. Hiệp hội phải liên kết hợp tác, ưu tiên giúp đỡ những doanh nghiệp khó khăn. Hiệp hội cũng phải mời được các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để đồng hành cùng doanh nghiệp. Hiệp hội cũng phải là kênh liên kết cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Doanh nghiệp có khó khăn thì hiệp hội phải kiến nghị với các cơ quan chức năng, thậm chí phản biện chính sách của cơ quan chức năng.
Ở một góc nhìn khác, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ: “Vai trò để ứng phó với hội nhập là trách nhiệm của doanh nghiệp là chính, nên các doanh nghiệp phải tự nắm bắt. Tuy nhiên, nhà nước cũng có vai trò quan trọng không kém khi có nhiệm vụ định hướng hoạt động đổi mới của doanh nghiệp. Chính phủ cần phải phổ biến, cập nhật những kiến thức về hiệp định CPTPP nói chung và các hiệp định khác nói riêng, để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được nền kinh tế cần những gì, để các doanh nghiệp tính toán. Bộ Công Thương nên đưa ra một cẩm nang về các điều khoản cam kết, thời gian thực hiện, mức độ thực hiện của từng ngành để doanh nghiệp mở ra là biết”.
Theo ông Thịnh, chúng ta cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với những doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đơn giản hơn trong việc tiếp cận vốn, thị trường. Chính phủ cũng nên đứng ra gắn kết các doanh nghiệp lại với nhau thông qua việc giúp đỡ các hiệp hội. Hiệp hội sản xuất theo ngành nghề, lĩnh vực đã có, tuy nhiên, vai trò của các hiệp hội này chưa được phát huy đầy đủ. Nhà nước đôi khi vẫn còn bao cấp các hoạt động này, nên các hiệp hội chưa phát huy được sức mạnh thật sự. Các Hiệp hội là do doanh nghiệp thành lập và đóng góp, cho nên, Hiệp hội phải nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ và hiện nay, có rất nhiều quỹ hỗ trợ nhưng hiệu quả của những quỹ đó cũng chưa được như mong muốn. Có thể không cần nhiều quỹ, nhưng cần phải có hiệu quả thực sự.
Chuyên gia này cũng cho rằng, cần đẩy mạnh chính sách thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, mức thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn như với những doanh nghiệp lớn. Chúng ta mong muốn đẩy thuế thu nhập doanh nghiệp còn khoảng 15-17% thôi nhưng mãi vẫn không làm được. Đây là bài toán chúng ta cần sớm làm để doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập.
Nguyễn Hòa
Link nội dung: https://phaply.net.vn/doanh-nghiep-can-duoc-ho-tro-gi-ve-phap-ly-khi-tham-gia-cptpp-a203307.html