Nhiều ý kiến tranh cãi về việc 'cấm' ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân

Quy định 'cấm' công dân ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân đã tạo nên làn sóng tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. Có không ít quan điểm không đồng tình khi cho rằng quy định này là 'vi hiến'.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND, trong đó nêu rõ việc công dân đến trụ sở tiếp công dân thành phố phải xuất trình giấy tờ tùy thân, có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân và nhân viên bảo vệ.

Trường hợp có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung (từ 5 người trở lên) thì phải cử người đại diện để trình bày.

Đáng chú ý, quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” ngay khi được báo chí đăng tải đã tạo ra nhiều quan điểm trái chiều.

Trao đổi với báo chí ngày 8/1 về việc đưa ra quy định này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, quyết định vừa được thành phố ban hành về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố là hoàn toàn phù hợp với luật hiện hành.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cho biết, tất cả các Phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của Trung ương đều đã được trang bị thiết bị camera ghi âm và ghi hình. Chính vì thế, người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ ghi âm, ghi hình sẽ được bàn giao và có biên bản ghi nhận sự việc.

Trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. “Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch”, Chủ tịch Hà Nội giải thích rõ.

[caption id="attachment_203148" align="aligncenter" width="410"]Ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội.[/caption]

Lý giải thêm về việc ban hành quy định trên, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh quy định này là để chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi làm việc, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác.

Liên quan vấn đề này, một lãnh đạo Ban Tiếp công dân TP Hà Nội cũng cho rằng, quy định của Chủ tịch TP vừa ký không xâm phạm quyền lợi của người dân, cũng không hề ảnh hưởng đến người dân, vì luật Tiếp công dân có ghi rõ các quyền của công dân như quyền được bảo đảm, được trình bày và nghĩa vụ là phải thực hiện hướng dẫn của người tiếp công dân, chấp hành nội quy của cơ quan đó.

Theo ông, quy định này nhằm tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc cho cả người tiếp dân và công dân được tiếp. Đặc biệt là ngăn chặn các trường hợp cực đoan khi một số người đến không phải vì thực hiện quyền của mình mà là để tuyên truyền ra bên ngoài, nói xấu, vu khống…

Còn theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban TCD trung ương (Thanh tra Chính phủ), quy chế không được quay phim, chụp ảnh tại trụ sở Tiếp công dân trung ương khi chưa được sự đồng ý của người phụ trách trụ sở đã được Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành từ lâu. Điều quan trọng nhất là thái độ của cán bộ khi làm việc với người dân. Nếu cán bộ cư xử đúng mực, người dân sẽ thấy việc ghi âm, ghi hình là không cần thiết.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng quy định của UBND TP Hà Nội không hoàn toàn cấm người dân ghi hình cán bộ tiếp dân. Về cơ bản, khi quay phim, ghi âm, chụp ảnh tại trụ sở Tiếp công dân, cơ quan nhà nước phải xin ý kiến người có thẩm quyền, cụ thể là cán bộ tiếp công dân nên quy định này là phù hợp.

Theo ông Xuyền, đối với cơ quan nhà nước, việc tiếp công dân phải dựa trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ theo đúng tinh thần của Luật Tiếp công dân. Việc người dân ghi âm, ghi hình có xin phép và nhận được sự đồng ý thì việc đó vẫn thực hiện được. Còn việc sử dụng những hình ảnh, video đó như thế nào, vào mục đích gì thì công dân phải chịu trách nhiệm trước của pháp luật.

[caption id="attachment_203149" align="aligncenter" width="410"]Ảnh minh hoạ Ảnh minh hoạ[/caption]

“Không thể có chuyện không ghi âm, ghi hình là ảnh hưởng đến quyền công dân”

Theo ông Lê Đình Cung, Phó trưởng ban thường trực Ban Tiếp công dân TP Hà Nội, các phòng tiếp dân đều bố trí camera ghi hình, với nhiều mục đích: đảm bảo an ninh, trật tự và cũng để giám sát vấn đề thực thi công vụ của cán bộ.

Bên cạnh đó, trụ sở tiếp dân còn bố trí hộp thư tiếp công dân để tiếp nhận phản ánh. Sau buổi tiếp, công dân được nhận phiếu nhận đơn của cán bộ tiếp công dân hoặc biên bản xác nhận nội dung buổi tiếp giữa người tiếp và công dân. Trên phiếu nhận đơn sẽ ghi ngày, giờ làm việc và nội dung làm việc của công dân, ghi nhận các văn bản đi kèm.

Trong nhiều trường hợp khác, ví dụ công dân đi thành đoàn có nhiều nội dung khác nhau thì cán bộ tiếp dân sẽ lập biên bản có sự đồng thuận của cả hai bên thể hiện bằng chữ ký. Công dân có hài lòng với buổi tiếp thì mới ký vào biên bản, sau đó biên bản sẽ được đóng dấu.

Sau khi tiếp nhận đơn thư, cán bộ tiếp công dân sẽ báo cáo cấp trên để xử lý, chuyển đơn thư của công dân đến những nơi có thẩm quyền giải quyết. Cấp có thẩm quyền sẽ ban hành văn bản gửi cho công dân để thông báo đã xử lý như thế nào. “Đây là một quy trình kín kẽ. Vì thế không thể có chuyện không ghi âm, ghi hình là ảnh hưởng đến quyền công dân”, ông Cung nói.

Cấm ghi hình tại nơi tiếp dân có trái luật?

Trong khi đó, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP HCM lại nêu quan điểm ở một góc độ khác.

Theo luật sư, trên tinh thần của Hiến pháp, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, vì thế quy chế cấm người dân quay phim, chụp ảnh là trái luật, trái với quyền dân chủ và thực hành giám sát của công dân.

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, cán bộ tiếp công dân là những người đại diện cho quyền lực nhà nước thực thi công vụ, là hình ảnh đại diện cho bộ máy quản lý nhà nước. Đây là quan hệ hành chính nhà nước chứ không phải quan hệ dân sự thông thường và không thuộc phạm vi bí mật đời tư.

Trụ sở tiếp công dân là nơi người dân thường xuyên ra vào nên không thuộc khu vực cấm, địa điểm cấm. Chỉ ở những nơi được coi là thuộc phạm vi bí mật Nhà nước như khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế thì người quay phim, chụp hình bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan chức năng, của đơn vị có thẩm quyền.

Còn nếu người dân có hành vi phát tán hình ảnh nhằm mục đích xấu thì họ sẽ bị điểu chỉnh bởi Luật An ninh mạng và các quy định khác của pháp luật.

Nói rõ hơn, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn LS TP HCM) cho hay, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013, Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định 64/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tiếp công dân..., việc UBND TP Hà Nội ban hành quy định trên là không phù hợp, trái với quy định của Hiến pháp, của luật, ảnh hưởng đến quyền của công dân.

"Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của cán bộ, công chức trong quá trình thi hành công vụ. Như vậy, trên tinh thần của Hiến pháp, công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định: Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật; việc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân (điều 3 khoản 2 Luật Tiếp công dân 2013). Theo đó, hành vi chụp ảnh, ghi hình của công dân khi cán bộ tiếp dân không bị pháp luật cấm", luật sư Mạch phân tích.

Thủ tướng Chính phủ: “Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình”

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019 chiều 8/1, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung cũng phải ghi âm, ghi hình. Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân. Đây là những cải cánh rất quan trọng trong hệ thống, ý nói đến sự đồng bộ giữa kinh tế, xã hội và hệ thống pháp luật là nhiệm vụ rất quan trọng”.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ còn lưu ý xem xét xử lý các văn bản trái luật đưa ra khỏi hệ thống. Các dự án luật nhạy cảm, liên quan đến người dân phải tuyên truyền, giải thích rõ, sai là phải rút ngay.

Theo Thủ tướng, muốn thực hiện những việc này, ngành tư pháp phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực phẩm chất của đội ngũ cán bộ.

Theo antt.vn

Nguồn bài viết: http://antt.vn/nhieu-y-kien-tranh-cai-ve-viec-cam-ghi-am-ghi-hinh-tai-tru-so-tiep-dan-264228.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhieu-y-kien-tranh-cai-ve-viec-cam-ghi-am-ghi-hinh-tai-tru-so-tiep-dan-a203147.html