Là một trong những cơ sở y tế hàng đầu với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ các y, bác sỹ, nhân viên y tế hết lòng vì người bệnh, Bệnh viện E được đông đảo người bệnh và gia đình người bệnh tin tưởng và đánh giá rất cao khi chữa bệnh tại đây. Nhân dịp Tết 2019, Phóng viên Tạp chí Pháp lý đã có buổi phỏng vấn GS.TS.TTND Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E về những thành quả đạt được cũng như những phương hướng phát triển của Bệnh viện trong thời gian tới.
Phóng viên: Trong những năm gần đây, Bệnh viện E được biết tới là một điểm sáng của ngành y tế cả nước với nhiều thành tựu trong công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo Giáo sư, đâu là nguyên nhân để có được những thành tựu đó?
GS.TS.TTND Lê Ngọc Thành: Có thể nói để đạt được những thành tựu đó, trước hết phải nhờ vào sự đoàn kết của nội bộ. Tại sao phải nói như vậy bởi một cá nhân có giỏi đến mấy mà nội bộ không có sự đoàn kết thì cũng không thể làm tốt được mọi việc, giỏi mấy thì giỏi cũng không một ai có thể hoàn hảo 100% được, đó là điều chắc chắn.
Đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, bệnh viện có phát triển được phải do người đứng đầu. Nhưng cho dù có giỏi, có làm tốt và để được Bộ Y tế khen ngợi, ngoài tài năng của cá nhân thì muốn phát triển cũng phải nhờ công sức tập thể, sự nỗ lực của tất cả cán bộ, viên chức của bệnh viện.
Với bản thân tôi cũng như các y bác sỹ khác đều nỗ lực hết mình và làm việc bắt nguồn từ một cái tâm trong sáng. Cá nhân tôi luôn coi công việc làm đầu để phát triển về mọi mặt, luôn công tâm trong việc điều hành và quản lý.
Ngoài ra, tôi cũng nhắc đi nhắc lại với các cán bộ viên chức muốn phát triển được thì tập thể phải đoàn kết. Điều đó được chứng minh ở việc kể từ khi tôi làm Giám đốc mọi người rất đồng tâm nhất trí, trong lịch sử 50 năm phát triển của Bệnh viện E thì chưa thời kỳ nào phát triển được như lúc này cả.
Như GS đã nói, bên cạnh vấn đề đoàn kết nội bộ, hết mình vì công việc của tập thể thì cơ sở vật chất của Bệnh viện E đã được đầu tư, trang bị như thế nào?
Nói đến câu chuyện cơ sở vật chất, khi tôi lên làm Giám đốc thì có thể nói như thế này, các bệnh viện khác như BV Bạch Mai, BV Việt Đức... họ đi lên từ "5 có" còn Bệnh viện E chúng tôi đi lên từ "5 không" (cười).
Vậy "5 có" của các bệnh viện khác là gì? Tên tuổi: có; bệnh nhân: có; cơ sở vật chất: có; đội ngũ cán bộ: có và luôn luôn có tư tưởng phát triển. Còn Bệnh viện E đi lên từ "5 không" là: Không có tên tuổi; không có bệnh nhân (đông); không có cơ sở vật chất; nhân lực cũng không có và cuối cùng là không có tư duy phát triển.
Chính nhờ vào sự phát triển Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trước đây và hiện nay là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đánh giá được những thành quả mà Bệnh viện E chúng tôi làm được. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nói với tôi là trong một thời gian ngắn đã "lột xác" được bệnh viện.
Việc "lột xác" của Bệnh viện E cũng phải kể tới vai trò rất lớn của Bộ Y tế khi đầu tư về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, cái mà tôi cho là lớn hơn mà mọi người có thể chưa nhìn thấy là thay đổi được tư duy của cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện. Tư duy giờ đây không thể là tư duy "ao làng", "gà què ăn quẩn cối xay" nữa mà phải là tư duy phát triển.
Tư duy phát triển ở đây là gì? Đó là yếu tố con người phải lấy "trung thực" và "chịu khó" làm gốc. Còn định hướng phát triển là "ích nước lợi nhà". Chính từ các tiêu chí đó mà slogan của Bệnh viện E chúng tôi hiện nay là "Thay đổi để phát triển".
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thì trình độ chuyên môn của các y, bác sỹ là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Vậy công tác nhân sự, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề của Bệnh viện E được thực hiện như thế nào, thưa Giáo sư?
Công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn hiện nay đang “vận hành” rất tốt. Đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện “nô nức” đi học. Các bác sĩ trẻ được tạo điều kiện đi học chính quy ở trong và ngoài nước vì tôi không chấp nhận việc học không chính quy. Đơn cử như đối với điều dưỡng, các bạn trước đây đã học trung cấp giờ học lên cao đẳng, đại học thì tôi bắt buộc và chỉ chấp nhận học ở 3 trường là Đại học Y Hà Nội, Đại học điều dưỡng Nam Định và Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương và được mọi người hết sức đồng thuận.
Thứ hai là kể từ khi tôi làm Giám đốc, tất cả các bác sỹ trẻ được nhận về đều tốt nghiệp nội trú hoặc thi nội trú trượt thì tôi gửi ngay đi học tại các bệnh viện uy tín, cơ sở y tế chính quy từ một năm tới một năm rưỡi mới cho về chứ chưa cho đi làm ngay. Ví dụ, bác sĩ ngoại khoa đi học ở Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ nội khoa đi học ở Bệnh viện Bạch Mai...
Thời gian gần đây, Bệnh viện E cũng là cơ sở đào tạo có uy tín. Tôi rất để tâm và cất công tạo dựng đây thành cơ sở đào tạo đích thực. Hai năm trở lại đây, một loạt các trường: Đại học Y Hà Nội, Khoa Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội... đã gửi sinh viên, sau đại học về Bệnh viện học tập.
Là một cơ sở đào tạo chính thống nhưng rất khác với các cơ sở y tế khác bởi tôi cho rằng, để nói tới bác sỹ giỏi phải hội tụ đủ 4 yếu tố: Thứ nhất là giỏi nghề; thứ hai là dạy học được; thứ ba là phải nghiên cứu được khoa học và yếu tố thứ tư là phải chuyển giao công nghệ được. Chính vì thế mà nhiều khi mọi người cứ lầm tưởng là mình chỉ đạt ở cái mức là bác sỹ rồi giảng dạy đã là giỏi nhưng thực tế thì cần phải hội tụ được 4 yếu tố trên.
Khi làm Giám đốc Bệnh viện, tôi luôn truyền lửa và lấy đào tạo con người đặt lên hàng đầu. Hiện tại, tính tới thời điểm này thì đội ngũ cán bộ công nhân viên Bệnh viện E rất ý thức được điều đó, đặc biệt là các bạn trẻ.
Thưa Giáo sư, Trung tâm tim mạch của Bệnh viện E được đánh giá là một trong những cơ sở phẫu thuật tim mạch hàng đầu trong nước hiện nay. Kể từ khi thành lập, Trung tâm tim mạch của Bệnh viện hoạt động và đem lại hiệu quả ra sao?
Bệnh viện E có được thành tựu khởi sắc, được mọi người biết đến như hiện nay tất cả nhờ vào Trung tâm Tim mạch. Sự phát triển vượt bậc của Trung tâm Tim mạch đã được nhiều người ở trong nước và quốc tế đều biết đến. Nói về chuyên môn tim mạch thì Bệnh viện E là cơ sở đứng đầu cả nước về phẫu thuật tim hở nội soi hỗ trợ và can thiệp tim mạch ở đây trong thời gian ngắn cũng phát triển rất mạnh và đồng bộ.
Tôi bắt đầu xây dựng Trung tâm Tim mạch này từ con số 0. Tôi chuyển về đây từ năm 2010. Trước đây tôi làm Trưởng khoa Tim mạch ở Bệnh viện Việt Đức, khi tôi về đây, đã có hơn 100 người rất đồng lòng và theo tôi sang bên này.
Thời điểm đó, họ đều có công việc và thu nhập ổn định. Khi mọi người theo tôi sang đây, tất cả cùng hi vọng và bắt tay vào xây dựng, phát triển, ai ai cũng rất tâm huyết và bây giờ chúng tôi đã làm được.
Thời gian đầu, những năm 2010 – 2013, chúng tôi lấy ngày nghỉ của mình để đi khám bệnh từ thiện cho các bệnh nhân bị bệnh tim ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Cá nhân tôi là người khởi xướng ra Chương trình "Trái tim cho em" và tôi rất tâm huyết với việc này. Bởi thông qua chương trình này, đã có rất nhiều trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh được mổ thành công.
Với một tập thể đoàn kết và đồng lòng xây dựng, phát triển, đến nay, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện E đã trở thành điểm sáng không những ở trong nước mà bạn bè quốc tế biết đến.
Tới năm 2020, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện E sẽ kỷ niệm 10 năm hoạt động. Trước hết, ngay từ khi mới thành lập và đi vào hoạt động thì bản đồ về điều trị và phẫu thuật tim mạch đã thay đổi khi bệnh nhân có thể lựa chọn phẫu thuật tim mạch giữa Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai.
Những lần đi khám sàng lọc ở các tỉnh, thành, chúng tôi đưa ra phương án cho bệnh nhân tự lựa chọn chứ cũng không bao giờ bắt ép bệnh nhân về Bệnh viện E. Tuy nhiên, "hữu xạ tự nhiên hương", bệnh nhân tự họ tìm đến và trung bình hàng năm chúng tôi mổ khoảng 1.000 ca tim hở. Nơi đây gần như là đi đầu trong việc chuyển giao phẫu thuật tim hở, nội soi và bây giờ là đi đầu cả nước. Các bệnh viện lớn ở thành phố TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội đều về đây học tập.
Ngoài mổ tim bằng kỹ thuật nội soi, chúng tôi còn mạnh dạn triển khai các kỹ thuật khác. Chẳng hạn như là tim bẩm sinh phức tạp thì đã triển khai thường quy ở đây từ năm 2010, chúng tôi nhận sự hợp tác của tổ chức JICA mà đứng đầu là GS. Shunji Sano rất nổi tiếng của Nhật Bản đã kí hợp tác và giúp đỡ Trung tâm Tim mạch rất nhiều.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn triển khai các kỹ thuật mới ở Việt Nam chẳng hạn như tái tạo van động mạch chủ bằng phương pháp Ozaki mà báo chí cũng đã đăng tải rất nhiều. Để có những thành tựu đó, Trung tâm đã mạnh dạn đầu tư vào con người, đào tạo, cử đi học sau đó triển khai kỹ thuật tiên tiến đó.
Hơn nữa, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm đầu tư phát triển thêm về can thiệp tim mạch, đội ngũ can thiệp tim mạch học hành rất bài bản. Đội ngũ các bác sỹ ngoại khoa gây mê hồi sức cũng phát triển rất mạnh, tay nghề cao. Vì thế, chỉ trong thời gian ngắn, can thiệp tim mạch đã cực kỳ phát triển, triển khai nhiều kỹ thuật như tắc mạch vành mãn tính, stent graft, đặt stent động mạch chủ ngực... được tiến hành thường quy.
Thưa Giáo sư, trong thời gian tới, Bệnh viện E sẽ có kế hoạch, phương hướng phát triển như thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân?
Trước hết chúng tôi vô cùng cảm ơn sự tin tưởng và đầu tư về cơ sở vật chất của Bộ Y tế đối với Bệnh viện E bởi không có cơ sở vật chất thì sẽ không làm được.
Trong thời gian tới, chúng tôi hi vọng sớm hoàn thành Khu khám bệnh ngoại trú và đưa vào hoạt động. Sau đó, tiếp tục khởi công Trung tâm Ung bướu. Bệnh viện sẽ phát triển mạnh Trung tâm Ung bướu để trở thành một địa chỉ nữa chia sẻ giúp các bệnh nhân ung thư đỡ khổ.
Bệnh viện E cũng sẽ phát triển về phẫu thuật thần kinh và cột sống. Ngoài ra, cũng phát triển các chuyên khoa khác như cơ xương khớp, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu...
Trong đầu năm tới, chúng tôi sẽ phát triển Khoa Nội nhi tổng hợp, trong đó có đơn vị hồi sức sơ sinh hoàn chỉnh. Định hướng là trong một tương lai gần (khoảng tới năm 2020), rất hi vọng là Bệnh viện E sẽ trở thành hạng đặc biệt.
Xin cảm ơn GS.TS.TTND Lê Ngọc Thành đã tham gia buổi trò chuyện này!
Hải Nam (thực hiện)