(Pháp lý) - Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 26.599 vụ vi phạm, tội phạm về kinh tế và 363 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Khởi tố mới 2.410 vụ/3.159 bị can về án kinh tế và 327 vụ/617 bị can về án tham nhũng. Thu hồi tài sản án kinh tế gần 24.000 tỷ đồng và tài sản án tham nhũng gần 2.700 tỷ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng, các chiến sỹ Cục C46 thường xuyên phải đối mặt với khó khăn và hiểm nguy bởi đối tượng tội phạm là những người có học thức, có tiền, có địa vị và quan hệ xã hội rộng. Nhưng điều đó không làm các chiến sĩ cảnh sát kinh tế chùn bước. Họ trang bị cho mình nghiệp vụ sắc bén, sự mưu trí và hơn tất cả là một bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi cám dỗ.
Với tinh thần và quyết tâm đó, từ năm 2012 đến nay, các chiến sĩ Cục C46 đã phá thành công nhiều đại án kinh tế lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc chống “giặc nội xâm”.
Những chiến công phá án vang dội
1. Một trong những vụ án gây chấn động dư luận hồi năm 2012 là vụ bắt giữ Nguyễn Đức Kiên, tức “bầu” Kiên. Cho đến giai đoạn này, vụ án “bầu” Kiên gần như đã khép lại, Kiên và đồng bọn đang thụ án trong các trại giam. Thế nhưng, ít ai biết được hành trình làm án cực kỳ vất vả cùng không ít áp lực đối với các chiến sĩ Cục C46.
Chuyên án được bắt đầu từ một số đơn tố cáo do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an chuyển cho lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát. Tuy vẫn ẩn sâu, nhưng đối tượng Nguyễn Đức Kiên đã có quá nhiều hành vi sai phạm, tìm cách “lũng đoạn”, “thâu tóm” hoạt động của một số ngân hàng thương mại cổ phần, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh tiền tệ của đất nước.
Để ổn định tình hình tài chính - kinh tế đất nước, gánh nặng đặt ra đối với cơ quan Cảnh sát điều tra là phải điều tra và có đủ tài liệu xử lý đối với Nguyễn Đức Kiên, góp phần làm trong sạch ngành ngân hàng và từ đó mới có thể buộc các ngân hàng khác chấn chỉnh hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật.
Vì vụ việc liên quan đến một nhân vật khá đặc biệt và các lĩnh vực nhạy cảm, nên để đảm bảo thành công của vụ án, yếu tố bí mật phải được đặt lên hàng đầu. “Chúng tôi đã phải rất khôn khéo trong việc thu thập tài liệu phạm tội, vì các đối tượng có mối quan hệ rộng, nếu thông tin bị lộ, các đối tượng sẽ tìm cách hủy chứng cứ và có cách đối phó với cơ quan Công an. Trên cơ sở những tài liệu thu thập được, chúng tôi đã tìm hiểu, tranh thủ kiến thức của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đồng thời, các điều tra viên phải thu thập và tìm hiểu kỹ tất cả các quy định của Nhà nước về lĩnh vực này”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, khi đó là Cục trưởng C46 cho biết.
Một yếu tố thành công của cơ quan điều tra là chọn đúng tội danh chắc chắn nhất để tiến hành khởi tố, bắt tạm giam “bầu” Kiên. Các tài liệu, chứng cứ chứng minh Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn phạm tội kinh doanh trái phép do cơ quan điều tra thu thập được đã thực sự thuyết phục đại diện của 3 ngành tư pháp trung ương trong cuộc họp chiều 20/8/2012. Được sự nhất trí cao của 3 ngành, khoảng 17 giờ cùng ngày, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh đã ký quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Kiên về tội kinh doanh trái phép. Ngay sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tiến hành phê chuẩn. Thời điểm bắt đối tượng được Ban chuyên án chọn là 18 giờ 30 tại Ngân hàng ACB, khi các cán bộ, nhân viên của ngân hàng đã về hết, để việc bắt giữ đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả, không gây hoang mang dư luận.
Vụ án trên đã góp phần quan trọng buộc các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt đối với các hoạt động như phát hành cổ phiếu tiền ảo, sở hữu chéo, thâu tóm ngân hàng, vượt trần (đi đêm lãi suất ngoài lãi suất của ngân hàng…).
2. Những ngày cuối tháng 4/2014, dư luận cả nước xôn xao về việc báo chí Nhật Bản đưa thông tin Công ty JTC hối lộ các quan chức ngành đường sắt của Việt Nam, Indonesia, Uzebekistan. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, Cục C46 đã khẩn trương vào cuộc. Thời hạn mà phía Nhật yêu cầu chúng ta phải trả lời chỉ trong một tuần, tức là trước ngày 7/5/2014 để kịp báo cáo trong phiên họp chất vấn của Quốc hội Nhật Bản. Nếu không giải quyết tốt vụ án và kịp thời trong khoảng thời gian 7 ngày như nội dung nêu tại công hàm thì phía Nhật Bản sẽ cắt chương trình ODA đối với Việt Nam. Vấn đề này gây áp lực lớn đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nói chung và chính các điều tra viên được giao nhiệm vụ thụ lý nói riêng.
7 ngày, thời gian quá ngắn cho một vụ án phức tạp và nhiều khó khăn. Thế nhưng, với tinh thần đấu tranh quyết liệt, khẩn trương, chỉ trong 36 giờ, cơ quan điều tra đã làm rõ 3 đối tượng: Phạm Hải Bằng, Phó Giám đốc RPMU; Phạm Quang Duy, Phó giám đốc RPMU và Nguyễn Nam Thái, Trưởng phòng thực hiện Dự án 3 Ban RPMU. Các đối tượng này đã nhiều lần nhận và nhận tổng cộng khoảng 11 tỷ đồng của JTC.
Mở rộng điều tra, sau đó, Cục C46 đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 3 đối tượng nữa về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Để phục vụ cho việc tái kết nối ODA, trong các ngày 16/5/2014, 20/5/2014, 24/6/2014, Cục C46 đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao để làm việc với Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Nội dung các buổi làm việc vừa trao đổi thông tin điều tra, vừa khẳng định thái độ kiên quyết của Chính phủ Việt Nam đối với những sai phạm xảy ra tại RPMU và những cam kết của các cơ quan chức năng Việt Nam về việc phòng trừ tiêu cực trong sử dụng vốn ODA tại Việt Nam.
Trên cơ sở những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xử lý vụ Công ty JTC đưa hối lộ cho cán bộ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cũng như việc tăng cường biện pháp phòng, chống tham nhũng trong các dự án ODA Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản quyết định nối lại việc xem xét các dự án ODA mới dành cho Việt Nam, ngoại trừ các dự án liên quan đến chủ đầu tư là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trong lần này, Chính phủ Nhật Bản chỉ nối lại ODA mới cho Việt Nam, còn Indonesia, Uzebekistan thì vẫn chưa thể.
3. Kỷ lục cho kết luận điều tra dài nhất có lẽ thuộc về vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh và đồng bọn đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do Cục C46 hoàn thành vào cuối năm 2015. Và khi đó, mới chỉ là giai đoạn 1 của vụ án. Kết luận điều tra giai đoạn 1 được đóng thành một quyển như sách nghiên cứu, dày tới... 250 trang khổ A4, trong đó dày đặc các con số, sơ đồ về hành vi phạm tội cũng như dòng tiền thất thoát trong vụ án. “Tác giả” của Bản kết luận điều tra "đồ sộ" này chính là 10 điều tra viên của Phòng 10 (Cục C46). Họ đã phối hợp với các cán bộ dày dặn kinh nghiệm của các Phòng trinh sát thuộc Cục, mất gần 500 ngày tìm hiểu, xác minh, điều tra để có được những thông tin đầy đủ và chính xác trong kết luận.
Ngày 20/11/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 36/50 bị can về 2 tội: “Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165, Bộ luật Hình sự) và “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (Điều 179, Bộ luật Hình sự), số bị can còn lại tách ra để tiếp tục truy tố giai đoạn II của vụ án.
Tiếp tục giai đoạn II của vụ án, ngày 21/7/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng – Bộ Công an (C46) đã đề nghị Viện KSND tối cao truy tố Phạm Công Danh đang thụ án 30 năm tù trong vụ án tại VNCB về tội cố ý làm trái. Cùng vụ án, có 23 bị can khác cũng bị đề nghị truy tố về tội danh trên.
Mở rộng điều tra vụ án, ngày 08/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, sinh năm 1954, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự. Cựu Phó Thống đốc NHNN bị khởi tố vì liên quan đến "đại án" kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến đại án Phạm Công Danh, ngày 31/7/2017, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín Sacombank). Ông Trầm Bê bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam – Ngân hàng Xây dựng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Sacombank. Ngày 29/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã chuyển hồ sơ vụ án sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố bổ sung ông Trầm Bê và 21 bị can liên quan đến vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm.
Tính đến nay, có thể nói vụ án Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng là vụ án gây ra mức gây thiệt hại “khủng” nhất với số tiền được xác định thiệt hại lên đến 18.000 tỷ đồng.
Danh sách các đối tượng liên quan tới Phạm Công Danh không chỉ dừng lại ở đó, mới đây (ngày 29/11/2018), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố và bắt giam ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại BIDV. Được biết khi còn đương chức, ông Hà có đồng ý chủ trương cho 12 Công ty của Phạm Công Danh vay tiền và ông Hà còn liên quan đến việc cho Công ty Bình Hà ở Hà Tĩnh vay tiền…
Còn nữa….
(Đón đọc tiếp bài kỳ 2 trên ấn phẩm Pháp lý đặc biệt phát hành ngày 20/1/2019)
PV
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-chien-cong-cua-cuc-c46-trong-dieu-tra-toi-pham-kinh-te-tham-nhung-ky-1-a202836.html