Năm 2018, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm theo dõi.
Bên cạnh tính chất, mức độ hành vi phạm tội và nhân thân của các bị cáo, những phiên tòa này còn được dư luận đặc biệt chú ý bởi sự nghiêm minh, công tâm của HĐXX, bởi sự dân chủ trong tranh tụng công khai tại phiên tòa, bởi những nét mới áp dụng trong mô hình phòng xử án… Tất cả những yếu tố này đã tạo nên dấu ấn cải cách tư pháp nổi bật trong công tác xét xử của TAND TP. Hà Nội năm 2018.
Tạo thuận lợi cho tất cả các bên tham gia tố tụng
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) cùng các đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại PVC, trình bày lời nói sau cùng tại Tòa, tất cả 22 bị cáo trong vụ án này đều khẳng định đây là phiên tòa dân chủ, khách quan, HĐXX đã công tâm lắng nghe ý kiến của các luật sư và bị cáo.
Quá trình xét xử có thể thấy rõ dấu ấn cải cách tư pháp trong suốt giai đoạn xét hỏi, tranh tụng công khai tại phiên tòa. Các cơ quan tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi theo luật định để những người tham gia tố tụng được trình bày đầy đủ, dân chủ và toàn diện những quan điểm cá nhân, cùng hướng đến mục đích cuối cùng là bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý.
Khi nói lời sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đã cảm ơn HĐXX điều hành phiên tòa một cách dân chủ, công khai, khách quan; khẳng định phiên tòa được tiến hành đổi mới theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 và tinh thần cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước.
Không chỉ riêng bị cáo Thăng mà tất cả các bị cáo trong vụ án đều chung nhận định này. Tại phiên tòa, các bị cáo đã được HĐXX tôn trọng quyền tự bào chữa, quyền đưa ra các chứng cứ, luận điểm nhằm gỡ tội cho mình, đồng thời được quyền trình bày một cách toàn diện những vấn đề mà mình quan tâm trong vụ án.
Trong cả hai giai đoạn xét hỏi và tranh tụng công khai tại phiên tòa, các luật sư bào chữa đều cho rằng, HĐXX đã công tâm điều hành phiên tòa, tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư được trình bày đầy đủ các luận cứ, quan điểm, chứng cứ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Trong phần xét hỏi, chủ tọa Nguyễn Ngọc Huân đã chủ động điều khiển phiên tòa linh hoạt, đặt câu hỏi ngắn gọn, xúc tích, đi thẳng trực tiếp vào bản chất hành vi vi phạm của các bị cáo. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa này cũng là người đầu tiên tạo tiền lệ mới trong các phiên tòa tại Hà Nội khi quyết định triệu tập điều tra viên đến để làm rõ các vấn đề liên quan trong vụ án.
Điều chỉnh kịp thời, phù hợp với diễn biến phiên tòa
Có lẽ chưa có năm nào tại TAND TP. Hà Nội lại có nhiều sự điều chỉnh về tội danh xét xử theo hướng có lợi cho các bị cáo như trong năm 2018. Điển hình là tại phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ Hà Nội. HĐXX cho rằng 3 bị cáo đã đưa ra 2 văn bản có thật để các bị hại tin tưởng ký hợp đồng góp vốn, không sử dụng tài liệu giả nên không có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi nhận tiền đặt cọc của bị hại, các bị cáo đã sử dụng vào mục đích khác, dẫn đến việc không trả được tiền cho các bị hại. Hành vi này cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trên cơ sở đó, HĐXX đã quyết định đổi tội danh cho 3 bị cáo.
Tương tự, tại phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), HĐXX phân tích hành vi thực hiện không đúng các quy định về hoạt động cho thuê tài chính của 2 bị cáo không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả thất thoát tài sản của Công ty cho thuê tài chính; mà thực tế 2 bị cáo không thực hiện đúng thỏa thuận ba bên, thanh toán tiền với bên cung ứng không thông qua đơn vị đầu mối là BIDV Lào Cai, dẫn đến không giám sát quản lý đối với tài sản cho thuê và không có biện pháp xử lý khi bên thuê tài chính vi phạm về thời gian thực hiện hợp đồng làm thất thoát tài sản cho thuê... Do đó, HĐXX đã quyết định đổi tội danh cho 2 bị cáo từ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Không chỉ HĐXX, quá trình xét hỏi và tranh tụng, đại diện VKS cũng đã có những thay đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với lời khai của các bị cáo và diễn biến thực tế tại phiên tòa. Cân nhắc toàn diện những tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, VKS đã chủ động điều chỉnh mức án đề nghị và giảm một phần trách nhiệm dân sự đối với một số bị cáo. Đơn cử như tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại PVC, VKS cũng đã chủ động đề nghị HĐXX giảm hình phạt so với mức đề nghị trước đó của VKS đối với một số bị cáo có thái độ hợp tác, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án…
Áp dụng mô hình chỗ ngồi mới, vị trí các luật sư
Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại PVC cũng chính là phiên tòa đầu tiên trong năm 2018 được TAND TP. Hà Nội áp dụng mô hình phòng xử án theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư 01 của TANDTC về phòng xử án (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). Ngay từ khi bước vào phần xét hỏi, nhiều luật sư cảm ơn HĐXX vì đã áp dụng theo mô hình phòng xử án này. Theo đó, vị trí ngồi của các luật sư được sắp xếp đối diện, ngang bằng với cơ quan công tố, như một hình thức xác định sự công bằng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội.
Cụ thể, phòng xử án được bố trí theo mô hình mới, gồm nhiều bục ứng với các vị trí khác nhau. Bục cao nhất là vị trí ngồi của HĐXX. Thư ký Tòa ngồi ở bục thấp hơn, ngay phía trước. Luật sư ngồi ngang hàng với đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa.
Khi khai báo tại tòa, các bị cáo đứng trước bục gỗ, mà không phải đứng trước vành móng ngựa như trước đây. Hai bên khu vực các bị cáo ngồi là những hàng ghế dành cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, người làm chứng, giám định viên…
Phần tranh tụng tại phiên tòa được HĐXX dành tới 3/4 thời gian diễn ra phiên tòa. Đại diện VKS đã lắng nghe và tranh luận, đối đáp nhiều lượt với các luận điểm của luật sư một cách thẳng thắn, khách quan, công tâm, nhằm xác định đúng hành vi sai phạm của từng bị cáo trong vụ án.
Đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng
Đặc biệt, trong năm 2018, khi ra bản án, HĐXX nhiều phiên tòa đã kiến nghị cơ quan chức năng về một số nội dung liên quan đến vụ án. Đánh giá cao những kiến nghị này, Chánh án TAND TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính khẳng định: “Mục đích đầu tiên của các kiến nghị là không bỏ sót, bỏ lọt tội phạm. Tiếp đó, các kiến nghị này cũng là nhằm để đề nghị các cơ quan chức năng có những điều chỉnh về chính sách, quy định có liên quan. Điều này nhằm khắc phục những thiếu sót, bất cập của cơ chế, chính sách, hạn chế những lỗ hổng của quản lý, điều hành - một trong những nguyên nhân khách quan tạo điều kiện cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội”.
Trên thực tế, những kiến nghị này có tác dụng ngăn chặn và làm rõ hơn hành vi của những người liên quan trong vụ án. Đồng thời, còn mang tính chất cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung đối với những hành vi phạm tội tương tự đã, đang và sẽ xảy ra.
Những dấu ấn nổi bật trong cải cách tư pháp trong năm 2018 đã “thổi” luồng suy nghĩ mới, tư tưởng mới, tác phong làm việc mới trong hoạt động xét xử tại TAND TP. Hà Nội. Từ đó, từng bước đưa công tác xét xử vào nền nếp, thực hiện theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, công tâm, khách quan, dân chủ, tôn trọng quyền con người, đảm bảo tối đa nguyên tắc “suy đoán vô tội” cho các bị cáo.
Theo congly.vn
Nguồn bài viết: https://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/dau-an-cai-cach-tu-phap-trong-cong-tac-xet-xu-cua-tand-thanh-pho-ha-noi-nam-2018-282180.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/dau-an-cai-cach-tu-phap-trong-cong-tac-xet-xu-cua-tand-thanh-pho-ha-noi-nam-2018-a202789.html