(Pháp lý) - Trong phiên thảo luận về tình hình phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cho rằng PCTN đã thu được nhiều kết quả rất tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm như: cần tiếp tục rà soát để bít các lỗ hổng pháp luật về kinh tế, hình sự, về công tác cán bộ; chống tham nhũng, cần chú ý đến truy và chống nhóm lợi ích, “sân sau” của quan chức; và cần có cơ chế hữu hiệu ngăn chặn việc tẩu tán tài sản tham nhũng…
Chính phủ có nhiều nỗ lực chống tham nhũng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2018, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng; kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.
Về kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm quán triệt các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp; việc kê khai tài sản thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 06 trường hợp vi phạm. Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp tại 5.396 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm. Năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Trong phát hiện tham nhũng thì thanh tra, kiểm toán, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý nhiều hành vi tham nhũng. Toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.379 cuộc thanh tra hành chính và 212.589 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 46.447 tỷ đồng, 41.560 ha đất; kiến nghị thu hồi 27.173 tỷ đồng và trên 422 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 893 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 119.412 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 9.831 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 108 vụ, 116 đối tượng. Đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.883 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, qua đó đã xử lý, thu hồi được 20.259 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 68%), 33 ha đất; cơ quan chức năng xử lý hành chính 1.594 tổ chức, 5.681 cá nhân; khởi tố 22 vụ, 30 đối tượng.
Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 27.583 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,7%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỷ đồng, 97,2 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.802 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 462 người (đã xử lý 372 người), chuyển cơ quan điều tra 09 vụ. Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 269 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng (tăng 144,6%), chuyển 04 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 25 vụ, 27 đối tượng (giảm 43,2% số vụ); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 78 vụ, 106 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 14,7% số vụ); Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 40 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 66,7% số vụ). Như vậy là tăng số vụ điều tra, khởi tố, xét xử các vụ án tham nhũng.
Vẫn còn nhiều việc cần làm
Trước báo cáo của Chính phủ, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo thẩm tra. Báo cáo cũng thừa nhận, tình hình tham nhũng năm 2018 vẫn còn biểu hiện diễn biến phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc tự kiểm tra để phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Công tác phòng ngừa tham nhũng vẫn còn những hạn chế.
Đánh giá về việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, công tác này cũng còn những hạn chế: một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chậm cải cách thủ tục hành chính; chưa thực hiện nghiêm việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đáng lưu ý còn tồn tại việc cắt giảm mang tính chất gộp cơ học để giảm về số lượng, việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính ở một số nơi còn “nửa vời”; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn diễn ra, nhưng một số trường hợp xử lý chưa nghiêm, gây bức xúc trong dư luận.
Lò đã nóng rực, vì sao tham nhũng vẫn cứ phức tạp, nghiêm trọng?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – đoàn Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho thấy vi phạm, tội phạm tranh chấp, khiếu kiện hành chính diễn biến phức tạp, hầu hết tăng, nhưng riêng tham nhũng tăng 32,23%, tính chất nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng.
“Tôi có suy nghĩ tại sao Đảng, Chính phủ quyết liệt, lò đã nóng rực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm hết sức, công an rất tích cực, tòa án mở liên tục như vậy mà tham nhũng vẫn cứ phức tạp, nghiêm trọng”. Có lẽ, bên cạnh việc quyết liệt hơn, nghiêm khắc hơn, cần phải phát huy tính gương mẫu, tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi một cán bộ Đảng viên, nên thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị vừa qua, đó là chủ động từ chức, Đại biểu Trí kiến nghị.
Nói về hiệu lực hiệu quả trong hoạt động của cơ quan chuyên trách trong PCTN thì chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu rõ, trong năm qua, mặc dù các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng của Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, tăng cường hoạt động nghiệp vụ, tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận đánh giá cao… Tuy nhiên, mô hình tổ chức thiếu ổn định đã ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các cơ quan này. Đáng lưu ý, năm 2018, đã xảy ra một số vụ án tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng PCTN, trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến cán bộ, sỹ quan cao cấp đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan này và đến lòng tin của nhân dân vào công lý.
Công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước góp phần phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng mặc dù được tăng cường nhưng vẫn còn một số trường hợp thanh tra, kiểm toán chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít. Công tác tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế ở một số địa phương kết quả còn hạn chế. Một số trường hợp có biểu hiện bao che, tiếp tay cho sai phạm, tham nhũng. Số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng. Tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tư pháp dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết còn nhiều. Công tác giám định tài sản để xử lý tham nhũng là vấn đề còn vướng mắc trong nhiều năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án còn thấp.
Đại biểu Quốc hội tiếp tục hiến kế chống tham nhũng
Bàn về giải pháp PCTN trọng tâm trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán toàn diện việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công (đất đai, nhà…) tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tập trung phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích”, “sân sau”… để sát với tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế. Cùng với đó, đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo toàn ngành tăng cường chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng phát hiện được qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Bao nhiêu quan chức đại biểu dân cử có công ty “sân sau”?
Đó là câu hỏi các cử tri gửi tới Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 được Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập hợp lại. Cử tri đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm những Bộ trưởng hứa rồi không thực hiện.
Báo cáo tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện cho biết, trong lĩnh vực phụ trách của Ban Công tác đại biểu, cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu tiến hành giám sát và công bố rõ cho nhân dân biết có bao nhiêu cán bộ, công chức, kể cả đại biểu dân cử có công ty “sân sau” làm kinh tế, có lợi ích nhóm, “chống lưng” cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Đồng thời, có hướng xử lý nghiêm những trường hợp này.
Về yêu cầu hoàn thiện chính sách, bà Lê Thi Nga kiến nghị: Để công tác PCTN triển khai có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế trong giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm PCTN; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác PCTN có hiệu lực, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bày tỏ lo lắng trước tình trạng tham nhũng vặt: Nếu như lợi ích nhóm trong chính sách là loại tội phạm có hệ thống thì tham nhũng vặt diễn ra ở mọi lĩnh vực, sút giảm niềm tin của người dân, làm biến chất, tha hóa đội ngũ công chức.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí băn khoăn: Câu hỏi đặt ra, tại sao Ðảng, Chính phủ quyết liệt, lò đã nóng rực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm hết sức, công an rất tích cực, tòa án mở liên tục như vậy mà vẫn cứ phức tạp, nghiêm trọng? Có lẽ, bên cạnh việc quyết liệt hơn, nghiêm khắc hơn, phải phát huy tính gương mẫu, tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi một cán bộ, đảng viên, nên thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Hội nghị vừa qua, đó là chủ động từ chức. Tôi thấy đây là quy định rất hợp thời và nhân văn. Tôi xin đề nghị QH sớm cho xây dựng Luật Từ chức để luật hóa quy định của Ðảng.
ĐBQH Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng cần có cơ chế ngăn chặn việc tẩu tán tài sản tham nhũng: Báo cáo của Chính phủ nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp, đó là do đối tượng phạm tội tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, có ảnh hưởng và có quan hệ rộng, thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản. Các vụ án thường xảy ra khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản tinh vi, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn đến việc điều tra thu thập gặp nhiều khó khăn. Quy định pháp luật về tài sản hoặc tiền bị tịch thu từ tội phạm còn bất cập, gây khó khăn cho việc phát hiện, thu hồi... Nhưng tôi cho rằng có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là do chúng ta chưa có cơ chế để ngăn chặn dẫn đến đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản trước khi cơ quan chức năng chính thức vào cuộc. Tôi kiến nghị, cần sớm sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng quy định các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài sản và các biện pháp ngăn chặn. Theo đó, khi phát hiện hành vi tham nhũng, cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời, ngăn chặn, kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài sản để kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Một khi chúng ta có cơ chế này thì việc tẩu tán tài sản tham nhũng sẽ được hạn chế rất nhiều và khi đó việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ dễ dàng hơn.
Ai đứng đằng sau ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh?
Tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, Ban Dân nguyện cho biết, cử tri tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị làm rõ ai đứng đằng sau ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong việc để xảy ra hành vi tham nhũng. Cử tri cũng kiến nghị làm rõ việc thất thoát tài sản tham nhũng trong các vụ việc này để xử lý và thu hồi.
Về việc này, Ủy ban Tư pháp đánh giá, những sai phạm của ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cũng như các cán bộ có liên quan đã được tòa án cùng các cơ quan có thẩm quyền làm rõ trong quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Uỷ ban Tư pháp sẽ tiếp tục kiến nghị làm rõ về những biểu hiện "lợi ích nhóm", "sân sau", trách nhiệm cá nhân có liên quan trong các vụ án tham nhũng như cử tri nêu; kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường thực hiện có hiệu quả pháp luật về phòng, chống tham nhũng…
Cũng liên quan đến lĩnh vực này, cử tri nhiều tỉnh đề nghị Quốc hội tăng cường vai trò giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phòng chống lợi ích nhóm; giám sát việc xử lý hành vi vi phạm của một số cán bộ cấp cao trong Quân đội, Công an.
Phan Tĩnh (tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/phong-chong-tham-nhung-con-nhieu-viec-can-lam-a202620.html