(Pháp lý) - Từ ngày 1/1/ 2018, nhiều quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã chính thức có hiệu lực. Khi sửa đổi 2 Bộ Luật lớn này, các nhà làm luật đã thiết kế nhiều quy định mới, sửa các quy định cũ lỗi thời, với mong muốn có một công cụ pháp luật sắc bén để trừng trị tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng. Phóng viên Pháp lý cùng chuyên gia pháp luật nhìn lại một số quy định pháp luật hình sự sau 1 năm đi vào thực tế…
Nhiều quy định “sắc bén” đáp ứng yêu cầu chống tham nhũng trong tình hình mới
Một nội dung sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Hình sự 2015 đối với tội về chức vụ được quy định tại Điều 28 là không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại khoản 3, khoản 4 của các Điều 353, 354 Bộ luật Hình sự) nhằm truy đến cùng những tội phạm tham nhũng lớn. Đồng thời, Điều 61 của Bộ luật này cũng đã bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Hiện các vụ tham nhũng bị phát hiện đều còn thời hiệu xử lý nên quy định này chưa có “cơ hội” được vận dụng vào thực tế.
Vấn đề của hối lộ phi vật chất từ lâu bị lên án. “Của hối lộ” còn có thể là các lợi ích phi vật chất, tức là những lợi ích tuy không có tính hữu hình và quy giá trị thành tiền nhưng có khả năng đem lại sự hài lòng, sự thỏa mãn cho người nhận, do đó có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn. Trong BLHS mới, khái niệm “của hối lộ” và lợi ích được đưa, nhận bất chính trong một số tội phạm chức vụ đã được mở rộng sang các lợi ích phi vật chất. Cụ thể ở các tội nhận hối lộ (Điều 354), lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358), đưa hối lộ (Điều 364), môi giới hối lộ (Điều 365), lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366), “của hối lộ” hoặc lợi ích được đưa, nhận không chỉ gồm các loại lợi ích vật chất như tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác mà còn bao gồm các lợi ích phi vật chất. Việc mở rộng này phản ánh đầy đủ yêu cầu của Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc về “của hối lộ”, theo đó bất kì loại lợi ích nào được đưa, nhận một cách bất chính để thay đổi hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người có thẩm quyền đều bị xem là “của hối lộ”.
Như vậy, sau ngày 1/1/2018 thì hành vi trao và nhận những lợi ích này bị xem là phạm tội hối lộ. Tuy nhiên, sau gần 1 năm thi hành, chưa phát hiện những vụ hối lộ “phi vật chất” nên quy định này vẫn chưa có cơ hội để thực thi.
Để hạn chế hình phạt tử hình, đồng thời khuyến khích người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả, nộp lại tiền cho Nhà nước, Điều 40, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
Trong năm 2018 vừa qua, trong đại án xảy ra tại Oceabank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị xử tử hình vì hành vi nhận hối lộ. Trong phiên xử phúc thẩm, HĐXX cấp phúc thẩm cho biết nếu Nguyễn Xuân Sơn khắc phục 3/4 tài sản tham ô, tòa sẽ kiến nghị giảm án từ tử hình xuống tù chung thân. Trong quá trình xét xử, dù đã có những người bạn hứa sẽ giúp đỡ Nguyễn Xuân Sơn nộp số tiền lớn để khắc phục hậu quả của những hành vi phạm tội gây ra để Sơn được giảm án xuống chung thân, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành nộp phạt…
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa các tình tiết định tính “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, bổ sung nhiều tình tiết tăng nặng, định khung hình phạt tù đối với hầu hết các tội phạm về tham nhũng. Trong đại án xét xử 2 cán bộ nguyên là tướng công an - Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, HĐXX đã dựa vào các quy định trên để làm tình tiết tăng nặng, định khung hình phạt. Từ đó tuyên phạt các bị cáo mức án cao hơn mức án của VKS đã đề nghị.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi theo hướng cụ thể hóa mức tiền phạt. Cụ thể: Tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đã nâng mức phạt từ 10-50 triệu đồng lên từ 30-100 triệu đồng. Tội nhận hối lộ và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, trước đây tiền phạt có thể bằng 1 hoặc gấp 5 lần số tiền hoặc giá trị tài sản mà người đó có được thì theo quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015, có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, tội giả mạo trong công tác nâng mức phạt từ 3-30 triệu đồng lên từ 10-100 triệu đồng. Cũng trong vụ án xét xử 2 cán bộ nguyên là tướng công an, với tội danh lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, ông Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm tù và 100 triệu đồng; ông Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù và 100 triệu đồng. Như vậy là các quy định trên đã dần đi vào cuộc sống để trừng trị nghiêm kẻ phạm tội, đồng thời khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo lập công chuộc tội, khắc phục hậu quả.
Tố tụng đặc biệt để điều tra tội phạm tham nhũng hiệu quả hơn
Tội phạm tham nhũng có những đặc trưng riêng nên cần thiết phải có các thủ tục tố tụng (luật hình thức) tương ứng đảm bảo xử lý hiệu quả loại tội phạm này. Ngày 1/1/2018, BLTTHS 2015 sửa đổi bổ sung, quy định các cuộc điện thoại, dữ liệu điện tử, ghi âm, ghi hình được sử dụng làm chứng cứ trong giải quyết các vụ án. BLTTHS 2015 quy định các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt tại chương XVI gồm 06 điều (từ Điều 223 đến Điều 228).
Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”; tạo cơ sở pháp lý thực thi những cam kết về luật hóa biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong đó có công ước về đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, ma túy, chống tội phạm có tổ chức; mở rộng nguồn chứng cứ có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm tố tụng hình sự của các nước.
Trước đây, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt tuy được đề cập trong một số luật như Luật Công an nhân dân, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống khủng bố, Luật An ninh quốc gia… nhưng chỉ quy định chung chung mà chưa quy định cụ thể trình tự thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm tiến hành, thông tin, tài liệu thu thập chưa được xem là nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 với bổ sung về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập thông tin, tài liệu, bổ sung nguồn chứng cứ quan trọng có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm, xác định đối tượng phạm tội và đồng bọn, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ, truy nguyên tài sản bị tội phạm chiếm đoạt… trong điều tra các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng. Về mặt thực tiễn, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, có ý nghĩa đã tạo ra sự khác biệt, thủ tục riêng hoặc đặc biệt trong giải quyết các vụ án tham nhũng. Các biện pháp, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện theo quy định chung. Nhất là, trong điều tra vụ án tham nhũng, BLTTHS quy định biện pháp hoặc thủ tục đặc biệt nào nhằm thực hiện có hiệu quả việc phát hiện, điều tra loại tội phạm nghiêm trọng và phức tạp này…
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý về biện pháp điều tra đặc biệt này, Luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng ở những địa vị tố tụng khác nhau sẽ có những nhìn nhận khác nhau về các biện pháp điều tra trên. Cơ quan điều tra, truy tố cho rằng: Trong nhiều trường hợp, đây là nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm trực tiếp. Trước đây, các cơ quan trên đã sử dụng những chứng cứ này, vì luật không quy định nên phải chuyển hóa, chứng cứ đó khiến người phạm tội phải tâm khẩu phục ngay, thậm chí còn thuyết phục ngay cả với dư luận về hành vi phạm tội.
Còn hiện nay, có thể do thời gian thi hành quá ngắn nên chưa thấy những chứng cứ được thu thập từ biện pháp điều tra đặc biệt này được nêu ra trước tòa. Dù năm qua, Đảng và nhà nước ta đã và đang tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nhiều đại án tham nhũng, nhưng cá nhân tôi khi trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng một số đại án, song chưa thấy các quy định trên được áp dụng trên thực tế. Năm tới, hi vọng các quy định trên đi vào thực tế để phát hiện và triệt phá tội phạm tham nhũng được hiệu quả hơn.
Điều 5, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nêu rõ: "Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự."
Như vậy là theo tinh thần mới nhất của BLTTHS 2015 thì ngay khi có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan chức năng như kiểm toán, thanh tra có nghĩa vụ chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để xem xét khởi tố vụ án. Quy trình xem xét dấu hiệu tội phạm để khởi tố vụ án sau đó được quy định cụ thể trong BLTTHS. Tuy nhiên trên thực tế, một số vụ án tham nhũng được khởi tố còn trải qua một quá trình dài vì “tắc” tại cơ quan hành chính. Khắc phục những hạn chế này có ý nghĩa quan trọng để quy định trên có cơ hội đi vào thực tế…không bỏ sót người, lọt tội tham nhũng, có cơ hội cao hơn trong công tác thu hồi tài sản.
Anh Tuấn
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhin-lai-1-nam-thuc-thi-cac-quy-dinh-phap-luat-hinh-su-nham-trung-toi-pham-tham-nhung-a202495.html