Trả hồ sơ điều tra bổ sung – một số đề xuất hoàn thiện

BLTTHS năm 2015, quy định trả hồ sơ để điều tra bổ sung tại các Điều 245 và Điều 280, và Điều 246 BLTTHS 2015 quy định về việc giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án. Hoạt động điều tra bổ sung nhằm đảm bảo yêu cầu của nguyên tắc xác định sự thật của vụ án một cách chính xác, khách quan, toàn diện trong các giai đoạn của tố tụng hình sự. Tuy nhiên, những quy định trên đây còn có những bất cập cần khắc phục.

2

Những điểm mới

Các quy định trên được giải thích, hướng dẫn cụ thể trong Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP, ngày 22/12/2017 của VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Theo đó, so với quy định của BLTTHS 2003 thì quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung của BLTTHS 2015 có một số điểm mới sau:

Thứ nhất, xác định rõ việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung của VKSND là thuộc chức năng thực hành quyền công tố nhằm, phân biệt với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát (khoản 5 Điều 236 BLTTHS năm 2015).

Thứ hai, về số lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, khoản 2 Điều 174 BLTTHS năm 2015 quy định “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần” đã giới hạn cụ thể trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án có quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung một lần và tại phiên tòa, Tòa án có quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung một lần. Quy định này thể hiện sự chặt chẽ, tránh sự tùy tiện, lạm dụng việc trả hồ sơ để kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Tuy nhiên, số lần trả hồ sơ vẫn đang được hiểu theo nhiều cách và nảy sinh nhiều vấn để cần giải quyết.

Thứ ba, về căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung, BLTTHS 2015 quy định gồm có bốn căn cứ theo khoản 1 Điều 245 và khoản 1 Điều 280 (nhiều hơn một căn cứ so với BLTTHS năm 2003).

Thứ tư, về hình thức của Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và việc Cơ quan điều tra thực hiện Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đã được quy định cụ thể trong BlTTHS năm 2015. Khi VKSND trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì trách nhiệm thực hiện việc điều tra bổ sung của Cơ quan điều tra là bắt buộc, trừ lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan (khoản 3 Điều 245 BLTTHS năm 2015).

Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 cũng luật hóa một số nội dung mới như trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nếu xét thấy có thể bổ sung chứng cứ, tài liệu thì Viện kiểm sát có thể trực tiếp bổ sung mà không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra (Điều 246) hoặc trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ (khoản 2 Điều 280). Điều này tạo sự chủ động cho Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, hạn chế được tình trạng giải quyết vụ án bị kéo dài.

2.Những vấn đề cần sửa đổi

Nhìn chung, các quy định về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong BLTTHS năm 2015 đã cụ thể, rõ ràng và hoàn thiện hơn nhưng vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi nhằm đảm bảo thống nhất với các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.

2.1.Về số lần trả hồ sơ: Khoản 2 Điều 174 BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và HĐXX chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp xảy ra như: chưa điều tra hết các nội dung trong Quyết định yêu cầu điều tra bổ sung; kết quả điều tra bổ sung làm phát sinh những vấn đề mới cần điều tra bổ sung. Trong những trường hợp này nếu Tòa án không tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thì việc giải quyết vụ án sẽ không đảm bảo khách quan, toàn diện, thiếu các chứng cứ cần thiết để buộc tội hoặc gỡ tội. Hậu quả bản án có thể bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm tuyên hủy, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo. Do đó, cần hiểu số lần Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung như quy định tại Điều 174 ở trên là: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần đối một nội dung cần yêu cầu điều tra bổ sung và phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án để phát hiện tất cả các nội dung cần yêu cầu điều tra bổ sung tại một thời điểm, sau đó ra yêu cầu điều tra bổ sung các nội dung đó trong cùng một quyết định.

Ví dụ: Sau khi điều tra bổ sung thì VKSND thay đổi Cáo trạng truy tố thêm bị can mới hoặc tội danh mới. Nội dung vụ án đối với phần bị can mới hoặc tội danh mới lại xuất hiện các trường hợp phải điều tra bổ sung. Đây là những nội dung chưa được yêu cầu điều tra bổ sung và cũng chưa xuất hiện trước thời điểm trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần trước. Do đó, thẩm phán chủ tọa phiên tòa được quyền trả hồ sơ để yêu cầu điều tra đối với các nội dung mới này mà không vi phạm định “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung một lần. Tương tự như vậy đối với quy định HĐXX chỉ được trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung một lần.

2.2.Về trách nhiệm thực hiện các yêu cầu điều tra bổ sung: Khi VKSND trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung thì “Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.” Trách nhiệm thực hiện các yêu cầu điều tra bổ sung của CQĐT là bắt buộc, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Như vậy, BLTTHS không quy định cho CQĐT được xem xét tính có căn cứ của quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Điều này cũng phù hợp với quan hệ mang tính “chế ước” giữa VKSND và CQĐT. Khác với việc VKSND trả hồ sơ cho CQĐT yêu cầu điều tra bổ sung. BLTTHS năm 2015, quy định cho VKSND có quyền xem xét tính có căn cứ của quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án.

Có hai tình huống xảy ra là: Thứ nhất, nếu VKSND xét thấy quyết định trả hồ sơ có căn cứ thì mới thực hiện điều tra bổ sung, có thể tự mình hoặc trả hồ sơ cho cơ quan điều tra bổ sung yêu cầu của Tòa án. Thứ hai, nếu VKSND xét thấy quyết định trả hồ sơ không có căn cứ thì làm văn bản nêu rõ lý do và chuyển trả hồ sơ cho Tòa án (Điều 246 BLTTHS năm 2015).

Quy định này được cho là nhằm tránh tình trạng trả hồ sơ tùy tiện làm kéo dài thời gian giải quyết của vụ án của Tòa án. Nhưng xét dưới góc độ mục tiêu cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị và quy định mới về vị trí, vai trò của Tòa án trong bộ máy cơ quan nhà nước: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” thì quy định trên đã cho phép VKSND “xử” Tòa án. Tức là, VKSND không chỉ có quyền kiến nghị, kháng nghị các bản án, quyết định của Tòa án mà còn có thêm quyền bác quyết định của Tòa án. Thậm chí, trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tại phiên tòa, quyết định trả hồ sơ là của tập thể HĐXX cũng có thể bị cá nhân Viện trưởng VKSND bác bỏ. Để phù hợp với chức năng kiểm sát của VKSND và tinh thần cải cách tư pháp đặt Tòa án là trung tâm thực hiện quyền tư pháp, cần nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng: VKSND chỉ có quyền kháng nghị quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án.

2.3.Về xác định trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung: Như trên đã phân tích, CQĐT có trách nhiệm bắt buộc thực hiện yêu cầu điều tra bổ sung của VKSND. Tuy nhiên, việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không phải lúc nào cũng đúng, do đó cần quy định cụ thể cơ quan nào, cấp nào có thẩm quyền xem xét cũng như xác định trách nhiệm trong việc trả hồ sơ không có căn cứ của VKSND. Có như vậy mới tránh được tình trạng trả hồ sơ tùy tiện, lạm dụng việc trả hồ sơ để kéo dài thời gian giải quyết vụ án, đảm bảo nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.

Theo Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ điều tra bổ sung, Điều 15 quy định về phối hợp xác định trách nhiệm trong việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung:

Cơ quan điều tra, Điều tra viên chịu trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, kịp thời yêu cầu điều tra hoặc quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Viện kiểm sát dẫn đến vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với những vấn đề mà Viện kiểm sát đã yêu cầu điều tra;

b) Không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật trong quá trình điều tra vụ án làm cho Kiểm sát viên không nắm được nội dung vụ án để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra dẫn đến Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Viện kiểm sát, Kiểm sát viên chịu trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây:

a) Không đề ra yêu cầu điều tra hoặc không trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với những vấn đề có thể phát hiện được dẫn đến Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

b) Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ và Cơ quan điều tra có văn bản giữ nguyên kết luận điều tra, sau đó Viện kiểm sát quyết định truy tố như đề nghị của Cơ quan điều tra.

Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa hoặc Hội đồng xét xử chịu trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong trường hợp quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ và Viện kiểm sát có văn bản giữ nguyên quyết định truy tố, sau đó Tòa án xét xử vụ án như quyết định truy tố của Viện kiểm sát.

Trong trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm cụ thể của từng người tiến hành tố tụng ở mỗi cấp có liên quan đến việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Quy định này chưa xác định trách nhiệm của VKSND trong trường hợp: Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng vì lý do thành tích hay một lý do tế nhị nào đó nên VKSND không điều tra bổ cũng không trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra yêu cầu điều tra bổ sung. VKSND dùng quyền “xem xét tính có căn cứ” để bác yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án, giữ nguyên Cáo trạng và có văn bản trả hồ sơ cho Tòa án. Khi đưa vụ án ra xét xử, do không đủ căn cứ kết tội hoặc xác định khung hình phạt buộc Tòa án phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để ra bản án. Sau đó, bản án bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và kết quả xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để trả hồ sơ điều tra bổ sung các nội dung mà Tòa sơ thẩm đã yêu cầu nhưng VKSND không điều tra bổ sung.

Như vậy, cần bổ sung xác định trách nhiệm của VKSND trong việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đối với trường hợp: VKSND không thực hiện điều tra bổ sung dẫn đến bản án, quyết định của Tòa án bị hủy để trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Trên đây là một số điểm mới cùng một số đề xuất để hoàn thiện các về quy định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của BLTTHS năm 2015.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/tra-ho-so-dieu-tra-bo-sung-mot-so-de-xuat-hoan-thien

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tra-ho-so-dieu-tra-bo-sung-mot-so-de-xuat-hoan-thien-a202330.html