Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia trong mọi điều kiện đều giữ vững đà tăng trưởng, giữ vững thị trường nội địa, phát triển thị trường xuất khẩu. Thaco liên tục 4 kỳ đạt danh hiệu này (2012, 2014, 2016 và 2018), đã có đóng góp lớn vào nền kinh tế theo như triết lý kinh doanh của tập đoàn là “Tạo dựng giá trị phục vụ thông qua sản phẩm và dịch vụ”.
Tối 20/12, tại Nhà hát lớn Hà Nội, 97 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia (trong đó có Thaco) đã được Hội đồng Thương hiệu Quốc gia tôn vinh.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị và mong muốn các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia sẽ tiếp tục theo đuổi các giá trị của chương trình, đó là chất lượng, đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong, xứng đáng với Thương hiệu Quốc gia được trao tặng, đồng thời xứng đáng với niềm tin tưởng, yêu mến của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam.
Từ năm 2012 đến nay, Thaco đã tham gia và đạt được Thương hiệu Quốc gia trong 4 kỳ liên tiếp. Để giữ vững danh hiệu này, tập đoàn đã nỗ lực không ngừng để vượt qua nhiều thách thức như các giai đoạn khó khăn của kinh tế Việt Nam và những thách thức hội nhập. Đáng chú ý, tập đoàn đã thực hiện chiến lược hợp tác tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần gia tăng giá trị cho nền kinh tế đất nước thông qua việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, với tỷ lệ nội địa hóa tăng dần theo hướng đảm bảo chất lượng và có hiệu quả.
Đại diện Thaco, Chủ tịch HĐQT - ông Trần Bá Dương đã lên nhận danh hiệu. Phát biểu tại chương trình, ông cho biết Thaco sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng một cách bền vững, giữ vững được thương hiệu uy tín trên thương trường, xứng đáng với danh hiệu vừa được trao tặng. Ông khẳng định Thaco luôn xem thương hiệu của doanh nghiệp mình là “thương hiệu của đất nước” và phải có trách nhiệm phát triển một cách bền vững; đồng thời, có đóng góp thiết thực cho cộng đồng và cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực tế quá trình phát triển của Thaco đã chứng minh cho vinh dự là Thương hiệu Quốc gia (Vietnam Value) 4 kỳ liên tiếp từ 2012 đến nay. Tại chương trình Công bố điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai và Lễ kỷ niệm 15 năm Thaco – Chu Lai tổ chức ngày 16/12/2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những đóng góp to lớn của Thaco tại Chu Lai cũng như tỉnh Quảng Nam: đã biến vùng đất Chu Lai “4 không” (không hạ tầng, không nguồn nhân lực, không nhà đầu tư, không có thị trường) của Quảng Nam trở thành vùng đất công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng rất lớn, đóng góp 70.000 tỷ đồng ngân sách cho tỉnh trong những năm qua.
Năm 2003, Thaco khởi công xây dựng nhà máy xe tải, bus có công suất 25.000 xe/năm, diện tích 38 ha, tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng, là nhà máy đầu tiên tại Khu kinh tế mở Chu Lai; thành lập trung tâm đào tạo và công ty vận tải biển với tàu container có trọng tải phù hợp; đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy xe du lịch Thaco - Kia.
Năm 2010, Thaco bước vào chu kỳ thứ 2 thông qua các dự án chủ lực như: nhà máy xe Bus chuyên biệt với công suất 5.000 xe/năm; nhà máy xe du lịch Mazda với công suất 10.000 xe/năm; tổ hợp cơ khí; cụm các nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô; thành lập trường Cao đẳng nghề. Cảng Chu Lai có công suất 3 triệu tấn/năm, tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 20 ngàn tấn. Đây cũng là cảng sông có quy mô lớn duy nhất tại miền Trung được định hướng là cảng container lớn nhất khu vực. Đồng thời, Thaco mở các tuyến hàng hải quốc tế đến các cảng lớn ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Năm 2015 là bắt đầu chu kỳ thứ 3. Những kết quả nổi bật bao gồm: xây dựng nhà máy Thaco Mazda có tổng công suất 100.000 xe/năm với các sản phẩm xe du lịch Mazda có chất lượng được tập đoàn Mazda công nhận tương đương với xe Mazda Nhật Bản; nhà máy Bus Thaco có công nghệ hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á; nhà máy sản xuất ô tô du lịch cao cấp Châu Âu; nhà máy sản xuất xe tải; và các nhà máy công nghiệp hỗ trợ… Đến nay, sau 15 năm đầu tư tại Chu Lai, Thaco có 32 công ty và nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trường cao đẳng nghề, hệ thống logictics với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng và được chia thành 2 khu: Khu phức hợp Cơ khí và Ô tô Chu Lai - Trường Hải và Khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai.
Năm 2018, Thaco bắt đầu chu kỳ thứ 4 với các dự án lớn và có tính động lực như: đầu tư mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô thêm 126 ha và đổi tên thành Khu công nghiệp Cơ khí và Ô tô Thaco - Chu Lai có tổng diện tích 335 ha; triển khai xây dựng ngay Trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) tập trung có tổng diện tích 38,6 ha và tổng vốn đầu tư lên đến 800 tỷ đồng; đầu tư khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp có diện tích 451 ha có tổng vốn đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng; đầu tư bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng.
Sau 5 năm nữa, Thaco - Chu Lai sẽ là Khu công nghiệp - đô thị bao gồm: Khu công nghiệp Cơ khí và Ô tô; Khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp; Khu cảng và hậu cần cảng; và Khu đô thị - nhà ở cho chuyên gia và công nhân.
PV
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thaco-dat-thuong-hieu-quoc-gia-4-ky-lien-tiep-a202313.html