Vì sao quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump dù bị chỉ trích nhưng lại "vô cùng sáng suốt"?

Quyết định rời khỏi Syria của ông Trump là để Mỹ tránh rơi vào một vũng lầy không lối thoát, đồng thời tập trung sức mạnh quân sự cho một kẻ thù mới không phải là Nga mà nằm ở ngoài Trung Đông.

Ngay từ đầu, Tổng thống Trump đã kiên định với mục tiêu duy nhất là diệt IS ở Syria.
Ngay từ đầu, Tổng thống Trump đã kiên định với mục tiêu duy nhất là diệt IS ở Syria.)

Quyết định của Tổng thống Donald Trump hôm 19/12 về việc rút tất cả 2.000 lính Mỹ khỏi Syria nên được nhìn nhận là một chiến thắng vĩ đại trước IS và ngăn ngừa mối họa khủng bố chiếm đóng cả một quốc gia, tờ Fox News nhận định trong một bài viết mới đây.

Theo tờ báo này, ngay từ khi mới bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã luôn cam kết rõ ràng về mục tiêu duy nhất là đánh bại IS ở Syria. Chỉ một tuần sau khi bước vào Nhà Trắng, ông đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc xây dựng kế hoạch để tiêu diệt mối họa khủng bố ở quốc gia Trung Đông. Sau đó, Mỹ và các lực lượng đồng minh đã làm được điều đó.

Quân đội Mỹ đã xóa sổ thành phần cực đoan gây nguy hại trong cuộc chiến Syria, từng phát triển lớn đến mức đe dọa cả vùng ngoại ô Baghdad của nước láng giềng Iraq.

Fox News cho rằng, sự lựa chọn của Tổng thống Trump đối với tướng James Mattis trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng là yếu tố then chốt. Ông Mattis được mô tả là đã giải phóng các lực lượng Mỹ đang chiến đấu với một cánh tay bị trói sau lưng và đóng góp vào những chiến công lớn mà không cần phải tiến hành một cuộc xâm lược.

Tất nhiên, tàn dư của IS vẫn tồn tại. Nhưng nhóm khủng bố đã bị vô hiệu hóa khả năng quân sự và tổ chức ở Syria và Iraq.

Do đó, đây là thời điểm thích hợp để mang quân đội về nhà. Theo Fox News, điều này có thể giải thích vì sao tuyên bố của Tổng thống Trump trên Twitter là chính xác: “Chúng ta đã đánh bại IS ở Syria, lý do duy nhất mà quân đội Mỹ có mặt ở đó trong thời kỳ Trump”.

Tất nhiên, giới chính khách đối đầu với chính sách của ông Trump sẽ cảm thấy thất vọng. Trong tuyên bố mới đây, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đã gọi quyết định rút lực lượng của ông Trump là “một sai lầm lớn”.

Hồi đầu tháng này, cố vấn quân sự hàng đầu của ông Trump, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford thậm chí còn cố gắng thay đổi mục tiêu của Tổng thống: “Về vấn đề ổn định, chúng ta còn một chặng đường dài để đi. Mới chỉ có 20% lực lượng địa phương cần thiết được đào tạo ở Syria”.

Nhưng “sự ổn định” không bao giờ là mục tiêu của Tổng thống Trump và Mỹ cũng không cần phải làm như vậy, tờ Fox News nhận định. Syria vẫn đang bị kìm kẹp trong cuộc chiến, trong khi lực lượng Chính phủ của Tổng thống Bashar Assad đang củng cố lợi ích một cách ổn định cùng với Iran và Nga.

 Mỹ cần rút khỏi Syria để tập trung cho các mối đe dọa lớn hơn.
Mỹ cần rút khỏi Syria để tập trung cho các mối đe dọa lớn hơn.)

Mục tiêu lật đổ chính quyền Tổng thống Assad như Mỹ mong muốn ban đầu sẽ đòi hỏi một cuộc chiến lớn theo kiểu Iraq và gây ra đau khổ sâu sắc cho một dân tộc đã bị tàn phá bởi 8 năm xung đột đẫm máu.

Hơn nữa, các lực lượng phe đối lập đã chứng tỏ rằng họ không có khả năng đạt được chiến thắng quân sự lâu dài và thậm chí một số thành phần trong đó có thể được coi là tồi tệ ngang với khủng bố.

Cựu Tổng thống Obama từng nổi tiếng với câu nỏi “Assad phải ra đi”, nhưng đó không bao giờ là lựa chọn của đa số người Mỹ. “Và Tổng thống Assad đã tỏ ra là một nhà lãnh đạo can đảm và kiên cường”, tờ Fox News thừa nhận.

Hiện tại, người Mỹ nên tham gia vào hợp tác với chính quyền Syria, để từ đó có thể tác động đến những hành vi của chính quyền Damascus nếu cảm thấy không hài lòng.

Fox News cho rằng, không nhất thiết phải có quân đội ở Syria, người Mỹ vẫn có thể đưa ra những động thái cứng rắn với Damascus trong trường hợp các đồng minh Trung Đông bị đe dọa về mặt chính trị hoặc quân sự, đồng thời tạo ra một con đường tái thiết sau chiến tranh cho Syria mà không nhất thiết phải thông qua Moscow hoặc Tehran.

Về phần Tổng thống Trump, quyết định của ông có thể đi vào lịch sử như một giải pháp rõ ràng để kết thúc cuộc chiến vô vọng, không hồi kết giống như ở Afghanistan và Iraq.

“Tổng thống Trump hiểu rằng, khi Mỹ triển khai quân đội, chúng ta nên hoàn thành một mục tiêu rõ ràng và sau đó rời đi ngay sau đó”, Fox News chỉ ra.

Thành tựu quan trọng nhất trong việc rút quân của Tổng thống Trump sẽ có ý nghĩa rộng hơn trong tương lai. Bằng cách từ từ rời khỏi khỏi các cuộc chiến kéo dài ở Afghanistan cho đến Libya, Tổng thống có thể tập trung sức mạnh quân sự nhiều hơn cho mối đe dọa chính của Mỹ trên thế giới, đó là Trung Quốc.

Trong khi tổ hợp an ninh quốc gia ở Washington khao khát đối đầu với những kẻ thù quen thuộc ở Trung Đông và Nga, thì Tổng thống Trump - cũng giống như công chúng - biết rằng, thách thức lớn nhất của người Mỹ nằm ở Thái Bình Dương.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/bat-chap-chi-trich-quyet-dinh-rut-quan-khoi-syria-cua-ong-trump-la-vo-cung-sang-suot-a415427.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-sao-quyet-dinh-rut-quan-khoi-syria-cua-ong-trump-du-bi-chi-trich-nhung-lai-vo-cung-sang-suot-a202290.html