UBTVQH đánh giá cao việc xây dựng cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay (10/12), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá cao tinh thần của TANDTC, Chánh án TANDTC về việc xây dựng cơ chế hòa giải, đối thoại góp phần giải quyết tranh chấp.

Sáng 10/12, theo chương trình phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra.

 

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án)

Trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, hòa giải, đối thoại với rất nhiều ưu điểm, đã trở thành nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người dân và xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.

Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai.

Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Cơ chế hòa giải, đối thoại này độc lập, song song với các cơ chế hiện có; không mâu thuẫn, không triệt tiêu, không thay thế các cơ chế hòa giải, đối thoại khác trong tố tụng cũng như ngoài tố tụng hiện có; tăng cường phương thức tiếp cận công lý, nâng cao quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó còn thu hút, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính; giảm số lượng vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết; giảm tải áp lực công việc cho Tòa án, khắc phục một phần tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại Tòa án.

Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng cơ chế hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý vụ việc để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; tăng tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành; rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật tán thành với ý kiến của Ủy ban Tư pháp đã thống nhất với TANDTC về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình năm 2019 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan điểm đồng tình với đề nghị bổ sung dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 với hy vọng việc hòa giải, đối thoại ở tòa án thành công sẽ giúp làm giảm khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, cho rằng cán bộ hòa giải ngoài việc phải có kỹ năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cao còn phải có kỹ năng giao tiếp tốt để bảo đảm tỷ lệ hòa giải thành cao. Do đó, dự án luật cần dự liệu được việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hòa giải. Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ hòa giải cũng phải bảo đảm yêu cầu không làm tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cơ bản nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và đánh giá cao tinh thần của TANDTC, Chánh án TANDTC về việc xây dựng cơ chế hòa giải, đối thoại góp phần giải quyết tranh chấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần đánh giá được thực trạng quan hệ pháp luật hiện hành, chứng minh còn thiếu và khoảng trống cần có pháp luật điều chỉnh để tránh chồng chéo với 5 loại hòa giải đang được thực hiện hiện nay.

Mô hình thí điểm cần có thêm thời gian để đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn. Việc quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại ở Tòa án phải trên tinh thần tạo điều kiện để người dân lựa chọn giữa khởi kiện và hòa giải, không ngăn quyền khởi kiện của người dân.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự kiến tháng 10/2019, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần thứ 1 đối với dự án Luật. Tháng 5/2020, Quốc hội thảo luận lần thứ 2 và thông qua dự thảo Luật.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/thoi-su/ubtvqh-danh-gia-cao-viec-xay-dung-co-che-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-279786.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ubtvqh-danh-gia-cao-viec-xay-dung-co-che-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-a201840.html