Cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt: Dự án nuôi bò tỷ đô "hoá thành" rừng chuối

Từng được cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà hứa hẹn rót vốn 1 tỷ USD, được tỉnh Hà Tĩnh kỳ vọng là dự án làm "thay da đổi thịt" ngành nông nghiệp tỉnh nhà, nhưng sau gần 3 năm, hàng trăm hecta đất được "ưu ái" dành cho dự án chăn nuôi bò Bình Hà đến nay bỗng hoá thành rừng chuối.

Đốn rừng, chặt cây phục vụ dự án tỷ đô

Dự án chăn nuôi bò Bình Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1300/QĐ-UBND, ngày 15/4/2015 (bổ sung, điều chỉnh tại QĐ số 99/QĐ-UBND ngày 12/1/2016) với tổng mức đầu tư 4.582 tỷ đồng. Tổng diện tích dự án là 6.119,28 ha.

Vào ngày 15/1/2016, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kết hợp với Công ty Bình Hà đã khánh thành giai đoạn 1 Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh. Trong đó, BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỷ đồng. Dự kiến, quy mô vốn tín dụng dài hạn BIDV dành cho dự án là 2.190 tỷ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỷ đồng.

 Dự án chăn nuôi bò Bình Hà tỷ đô giờ chỉ còn là những chuồng trại bỏ hoang...
Dự án chăn nuôi bò Bình Hà tỷ đô giờ chỉ còn là những chuồng trại bỏ hoang...)

Đến thời điểm đầu năm 2016, BIDV đã giải ngân 810 tỷ đồng, trong đó vốn dài hạn đạt 492 tỷ đồng để thực hiện xây dựng dự án, cho vay ngắn hạn 318 tỷ đồng để thực hiện nhập khẩu bò, thuốc thú y, thức ăn...

Cũng trong ngày 15/1/2016, tại Hà Tĩnh, BIDV đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Tọa đàm “Phát triển công nghiệp chăn nuôi bò”. Tại hội thảo này, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho biết đã ban hành gói tín dụng với quy mô ban đầu đến 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ ngành đổi mới công nghệ, gia tăng quy mô và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.

Đây được xem là dự án nông nghiệp "khủng" chưa từng có nhưng lại được triển khai chóng vánh tại Hà Tĩnh. Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (công ty Bình Hà) được thành lập 5 ngày trước ngày có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (10/4/2015).

Thời điểm đó, dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống của Bình Hà hứa hẹn sẽ tạo lực đẩy cho nền kinh tế Hà Tĩnh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cụ thể là ngành chăn nuôi công nghệ cao, nguồn cung cho thị trường xuất khẩu và nội địa; hàng năm mang lại lợi nhuận bình quân từ 1.000-1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.000 lao động địa phương.

Để thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn hai huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Hàng trăm hecta keo, tràm, thông đang ở thời kỳ phát triển đều được đốn hạ để nhường đất cho dự án; hàng nghìn ha đất rừng sản xuất, đất trồng hoa màu, trồng lúa của người dân các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) và Kỳ Tây, Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh) cũng nhanh chóng bị thu hồi.

 ... hư hỏng, gỉ sét
... hư hỏng, gỉ sét)

Dưới sự giúp sức tích cực từ “bà đỡ” BIDV, 6 tháng sau, dự án chính thức đi vào hoạt động. Trên địa bàn 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh công ty Bình Hà đã xây dựng 65 chuồng trại, 2 khu nhà điều hành, hệ thống 19 kho chứa và các công trình phụ trợ khác, đồng thời tiến hành trồng cỏ trên diện tích gần 678 ha, phần diện tích còn lại để hoang.

Thế nhưng, trái với kỳ vọng ban đầu, sau gần 3 năm triển khai, dự án lộ rõ “đầu voi đuôi chuột” và đang dần “chết yểu”. Số lượng đàn bò lẻ tẻ chỉ để “cầm cự”, công ty không nhập thêm, hệ thống chuồng trại xuống cấp, để hoang, các hạng mục hư hỏng...

Chuyển sang trồng chuối?

Khi dự án nuôi bò đang dần “chết yểu”, mặc dù chưa có quyết định chấp thuận chuyển đổi, các quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích đầu tư, đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đều chưa thực hiện nhưng giữa năm 2017, công ty Bình Hà đã tự ý chuyển đổi hàng trăm hecta diện tích trồng cỏ sang trồng chuối xuất khẩu. Tính đến ngày 12/9/2017, công ty Bình Hà đã phá cỏ, làm đất chuẩn bị trồng chuối trên diện tích 380ha. Đến tháng 3/2018, tổng số diện tích trồng chuối do đơn vị này tự ý chuyển đổi lên đến 175 ha.

Tại văn bản số 90/CV-BH-23/4/2018, công ty Bình Hà đã đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép điều chỉnh, bổ sung 1.160 ha đất. Theo đó, công ty này xin đưa ra khỏi quy hoạch dự án 730 ha đất tại địa bàn 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Cụ thể, tại huyện Kỳ Anh, công ty này đề xuất trả lại 199,95 ha đất đã quy hoạch trước đó gồm các xã: Kỳ Tân 7,04 ha, Kỳ Hợp 123,63 ha, Kỳ Lâm 67,51 ha , Kỳ Tây 1,77 ha. Tại huyện Cẩm Xuyên hơn 530 ha gồm: Xã Cẩm quan 193,25 ha, Cẩm Mỹ 336,8 ha. Theo công ty Bình Hà, phần diện tích kể trên là phần đất của các hộ dân chưa giải phóng mặt bằng được. Bên cạnh việc đề xuất “trả” lại một phần diện tích đất đã quy hoạch, công ty Bình Hà xin bổ sung thêm hơn 430 ha, tập trung ở các xã Kỳ Tân, Kỳ Hợp, Kỳ Lâm và Kỳ Tây thuộc huyện Kỳ Anh.

Nói về tính khả thi trong việc trồng chuối xuất khẩu, trước đó, trong cuộc trao đổi với báo Người Đưa Tin, ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh từng khẳng định: “Ai phê duyệt cho doanh nghiệp này trồng chuối hay không thì tôi không biết nhưng tôi có thể khẳng định là 90% không thể thành công được vì chúng tôi đã trồng thử nghiệm nhiều rồi. Ở đây về mùa nắng thì chuối khô héo còn mùa mưa bị gió bão dập gãy hết”.

 Phần lớn diện tích dự án đã được chủ đầu tư tự ý chuyển đổi sang mô hình trồng chuối.
Phần lớn diện tích dự án đã được chủ đầu tư tự ý chuyển đổi sang mô hình trồng chuối.)

Ngày 1/12, ông Trần Hữu Duyệt, phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin, vừa qua, công ty Bình Hà còn xin trồng thêm mít và dứa nhưng chưa được chấp thuận vì xem xét mô hình này cũng chưa thực sự khả quan khi trước đây tại địa phương một dự án trồng dứa cũng đã từng thất bại. Ngoài ra, theo ông Duyệt, hiện, chủ đầu tư cũng đang kiến nghị sử dụng một số chuồng trại bỏ không chuyển sang làm xưởng sản xuất viên nén gỗ.

Theo ông Duyệt, hiện chủ đầu tư đang duy trì nuôi khoảng hơn 1.000 con bò và sử dụng chỉ khoảng 100 lao động thường xuyên. Công ty đã tự ý trồng chuối trên diện tích 212ha và đến nay vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.

Liên quan đến những sai phạm tại dự án này, mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Kiều Đình Hoà, nguyên Giám đốc chi nhánh Hà Tĩnh và bà Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Hà Tĩnh. Ngoài ông Hòa và bà vân Anh, 2 bị can liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại BIDV, CO3 cũng đã khởi tố, bắt giam ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị BIDV; Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV.

Trước đó, vào tháng 6/2018, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Dũng và Lương được cơ quan điều tra xác định lập hồ sơ khống, nâng khối lượng để chiếm đoạt 110 tỷ tiền triển khai dự án.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/cuu-chu-tich-bidv-tran-bac-ha-bi-bat-du-an-nuoi-bo-ty-do-hoa-thanh-rung-chuoi-a413028.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cuu-chu-tich-bidv-tran-bac-ha-bi-bat-du-an-nuoi-bo-ty-do-hoa-thanh-rung-chuoi-a201496.html