(Pháp lý) - LTS: Để công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) hiệu quả, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của cơ quan quyền lực cao nhất – Quốc hội và cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương (HĐND). Bởi Quốc hội có chức năng giám sát tối cao và ban hành các đạo luật – những công cụ pháp lý quan trọng để PCTN. Còn HĐND có vai trò quan trọng, giám sát các hoạt động của cơ quan hành pháp thực thi pháp luật ở địa phương.
Kỳ 8 này, Chuyên đề “Chung tay hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật để PCTN hiệu quả”, Phóng viên Pháp lý cùng một số cựu Đại biểu QH mạnh dạn có vài góp ý và kiến nghị để tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan dân cử trong cuộc chiến chống giặc “nội xâm”.
Bài 26: Những dấu ấn chống tham nhũng của ĐBQH trong lòng cử tri…
Nói đến vai trò của Quốc hội (QH) đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng (PCTN), cử tri nhớ đến những phát ngôn “nóng” của các đại biểu; quá trình thẩm tra sắc sảo của Ủy ban Tư pháp với các báo cáo PCTN thường niên của các cơ quan tư pháp và Thanh tra Chính phủ.
Cử tri nhớ những phát ngôn “nóng” Nghị trường
Nói đến Quốc hội và những hoạt động có ý nghĩa của cơ quan dân cử này đối với việc PCTN thì cử tri nhớ hơn cả là những phát ngôn làm nóng nghị trường của các đại biểu dân cử khi chất vấn, thảo luận về những vấn đề quan trọng của đất nước và đóng góp xây dựng luật.
Liên quan đến vấn nạn tham nhũng và cuộc chiến chống lại vấn nạn này tại một phiên thảo luận trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội - thượng tướng Nguyễn Văn Được bày tỏ: "Nhiều cán bộ cấp bậc thấp hơn tôi mà nhà cửa, rồi biệt thự bề thế. Tiền đâu ra mà lắm thế?". Tướng Được cho rằng thời gian qua nhiều vụ việc lớn được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ dính líu đến tiêu cực được xử lý nghiêm minh nhưng ông có cảm giác như vẫn chưa "sờ trúng gáy" những đối tượng tham nhũng tầm cỡ. Theo ông Được, chủ trương phòng chống, xử lý tham nhũng của chúng ta là phải có tình có lý nhưng không được tạo ra các vùng cấm. Bởi nếu có vùng cấm, có chỗ lách, chỗ tránh thì sẽ tạo ra chỗ hở để đối tượng tham nhũng nương náu.
Trong hoạt động chất vấn tại Nghị trường, nhiều đại biểu cũng có những phát ngôn thể hiện sự sát sao, cụ thể và sự quan tâm đến các lỗ hổng làm thất thoát vốn của nhà nước. Tại kỳ họp thứ 5, khi đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, ĐB Nguyễn Tiến Sinh dẫn chứng: Ví dụ Công ty TNHH MTV Giao thông công chính thuộc Tổng Công ty cấp thoát nước Sài Gòn trong cổ phấn hóa đã bán luôn lô đất không đầu tư gì thu lời 40 tỷ. “Vậy còn bao nhiêu doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã bán trao tay? Và chúng ta có thu được lại tiền hay không? Trong những vụ việc này thế nào, ai là móc ngoặc, ai là lợi ích nhóm?”, ĐB đoàn Hòa Bình chất vấn Tư lệnh ngành TNMT.
Chống tham nhũng cần những quy định chặt chẽ và sắc bén. Khi đưa ra ý kiến góp ý dự thảo Luật PCTN, Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt nhận định cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản vì rất nhiều người thân của cán bộ sở hữu các dự án kim cương, có biệt phủ, xe sang... Để bảo vệ quan điểm của mình, đại biểu Vượt phân tích phản ánh của cử tri, ông/bà nội, cha/mẹ và con ruột của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cũng phải kê khai. Bởi, nhiều tỉnh, thành, có bố, mẹ, ông, bà của cán bộ bỗng dưng hoặc sau một thời gian sở hữu nhiều dự án, tài sản chục tỷ, biệt phủ xe sang, thậm chí có những dự án kim cương. "Có thái tử, phò mã, cậu ấm, cô chiêu dù rất trẻ vẫn có những dự án khủng, bất chấp, trơ trơ thách thức dư luận"; và dẫn chứng qua các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử, nhiều tài sản tham nhũng được tẩu tán cho bố, mẹ người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh…
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) khi đưa ra ý kiến về xây dựng quy định về công khai, minh bạch các loại thông tin để ngăn chặn tham nhũng đã thẳng thắn góp ý: Nếu đề cao vai trò giám sát của báo chí, người dân, dư luận mà lại không buộc công khai thông tin thì cách nào giám sát", vị đại biểu đặt vấn đề. Ông Bùi Văn Phương đưa dẫn chứng việc làm quy hoạch mà không công bố, "om" lại đó để chờ thời đã thành lệ lâu nay. Ông cho biết thực tế ở một tỉnh, lãnh đạo dẫn nhà đầu tư đi xem khu vực được quy hoạch để kêu gọi đầu tư, làm khu công nghiệp, dự án, nhà đầu tư đến rất phấn khởi. Họ về xem lại thì cánh đồng lúa mênh mông đã có chủ hết rồi, dự án đã được giao. Lãnh đạo tỉnh còn không biết như thế thì báo chí, dư luận biết sao? Làm quy hoạch, dự án mà chỉ vài người biết thông tin với nhau rất phổ biến". Từ đó, đại biểu Phương đề nghị những lĩnh vực nhạy cảm lâu nay chưa thực hiện công khai thông tin như dự án đầu tư công, đấu thầu, giao đất…, tới đây cần được quy định cụ thể trong luật. Điều đó sẽ giúp cơ quan truyền thông, dư luận phát giác những điểm vô lý, khuất tất của các dự án, như vậy, ai muốn làm khuất tất cũng không thể làm được.
Thẩm tra các báo cáo về phòng, chống tham nhũng của Chính phủ
Một trong những hoạt động thường xuyên của Quốc hội, đó là giám sát hoạt động PCTN thông qua việc nghe báo cáo về công tác này từ các cơ quan của Chính phủ và thẩm tra về báo cáo trên. Có thể dẫn ra một ví dụ ấn tượng ngay trong phiên họp của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo về công tác PCTN năm 2018. Báo cáo nêu ra có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 05 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 03 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là cơ quan được giao thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018. Tại phiên thẩm tra, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị trong báo cáo cần chỉ rõ địa phương, bộ, ngành nào chưa làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng để có hướng xử lý, khắc phục cụ thể. Đặt câu hỏi làm rõ một số nội dung tại Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ địa phương, bộ, ngành nào chưa làm tốt để từ đó có hướng xử lý, khắc phục hiệu quả. Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, báo cáo mới chỉ nêu ra một số cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt mà chưa nêu được cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm chưa tốt. Việc nêu chung chung một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, còn trình trạng né tránh, nể nang như trong báo cáo sẽ không đem lại hiệu quả, không có tính răn đe.
Cũng tại phiên họp, theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn chưa rõ, chưa đủ mạnh, trong khi Luật Phòng, chống tham nhũng đã đặt vấn đề này. Từ đó, đại biểu Kim đề nghị cần phải tích cực để có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Về kê khai tài sản, thu nhập, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng cho rằng, năm 2018 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 44 người/1.136.902 người đã kê khai, việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm (giảm 56,4% so với năm 2017). Kết quả xác minh phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Tỷ lệ như vậy là cao, đồng thời pháp luật hiện hành còn thiếu các biện pháp đảm bảo hiệu quả việc kê khai, nhất là các biện pháp kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ ra, một trong những hạn chế của Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ là chưa chỉ rõ, nêu tên được các địa phương, bộ, ngành chưa làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng.
Sau khi đại biểu nêu ý kiến thì Thanh tra Chính phủ phải giải trình, rút kinh nghiệm. Giải trình ý kiến đại biểu với báo cáo 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, việc chỉ rõ địa chỉ làm tốt và chưa tốt là hết sức khó vì mỗi bộ ngành, địa phương có đặc điểm khác nhau. Thời gian tới, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế sẽ đưa ra thang điểm, bộ tiêu chí để đánh giá và hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Trong hoạt động thẩm tra của Quốc hội, cử tri thường thấy có sự quan tâm rốt ráo, sắc bén trong việc thẩm định, đưa ra ý kiến của Ủy ban tư pháp. Từ đó, có những đề nghị, kiến nghị đối với Chính phủ để đảm bảo cho hoạt động PCTN hiệu quả, kiến nghị thực thi pháp luật về PCTN hiệu quả.
Hoàn thiện pháp luật để chống tham nhũng hiệu quả
Để PCTN hiệu quả thì hoàn thiện pháp luật là yêu cầu bức thiết. Thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng của Đại hội Đảng lần thứ XII về “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Đảng, chỉnh sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả;...; xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội, tổ chức - bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị và thể chế về phòng, chống tham nhũng theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”, công tác hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng và hoàn thiện chính sách kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua ở Quốc hội thu được nhiều kết quả đáng chú ý.
Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật quan trọng, đóng vai trò chủ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cụ thể như sửa đổi các quy định của Bộ luật hình sự về các tội phạm về tham nhũng, chức vụ và đang tập trung sửa đổi toàn diện Luật PCTN để phù hợp với tình hình mới. Việc sửa đổi nội dung của các văn bản này, một mặt nhằm đáp ứng giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mặt khác cũng hài hòa hóa các quy định của pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế về vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Các quy định này đã và đang được triển khai áp dụng trên thực tế sẽ trở thành một hệ thống công cụ pháp lý đấu tranh có hiệu quả hơn đối với tham nhũng.
Công cụ chống tham nhũng sắc bén nhất hiện nay là BLHS 2015 (sửa đổi 2017). BLHS đã mở rộng việc PCTN trong lĩnh vực tư. Theo đó, Bộ luật hình sự quy định 04 tội phạm tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước bao gồm tội tham ô, tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ; Dự thảo Luật PCTN cũng bổ sung quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong một số loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước). Khắc phục những hạn chế trong thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đó, Bộ luật Hình sự quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô, nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành hình phạt tử hình mà trong trường hợp này hình phạt tử hình sẽ được chuyển xuống thành tù chung thân.
Công cụ đấu tranh PCTN trực tiếp hiện nay là Luật PCTN. Luật PCTN dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 chốt lại những quy định về kiểm soát tài sản và thu nhập quan chức, đưa ra các phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và không được giải trình một cách hợp lý....
Không chỉ vậy, trong thời gian qua, Quốc hội còn tích cực xây dựng, sửa đổi nhiều văn bản luật trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước, qua đó góp phần phòng ngừa tham nhũng như các quy định của Luật Tiếp cận thông tin, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công… Việc sửa đổi một cách tổng thể các quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực, kỳ vọng góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác đấu tranh PCTN.
Minh Hải