Từng một thời bị Napoléon hủy diệt nhưng không thành, Điện Kremlin đã trải qua chiều dài lịch sử thăng trầm 800 năm để trở thành biểu tượng vĩ đại nhất của nước Nga.
Các pháo đài mang giá trị lịch sử sâu sắc luôn là một trong những công trình được bảo tồn tốt nhất ở các thành phố cổ nước Nga. Tuy nhiên, chỉ có một pháo đài đã trở thành một biểu tượng và là trái tim của đất nước, đó là Điện Kremlin ở Thủ đô Moscow.
Theo RBTH, Điện Kremlin hiện tại không hề giống với quá khứ. Trên thực tế, công trình này đã được tu sửa và thay đổi trọn vẹn nhiều lần trong 800 năm qua.
Cho đến thế kỷ 14, các công tước ở Moscow vẫn còn sống trong một pháo đài bằng gỗ được làm từ những khúc gỗ sồi khổng lồ, có kích thước lớn đến mức có thể làm kinh ngạc các nhà khảo cổ học ngày nay.
Tuy nhiên, thành trì bằng gỗ này không thể bảo đảm cho Moscow có được sự bảo vệ quốc phòng thích hợp, và vì vậy trong những năm 1367-1368, nó đã được thay thế bằng một pháo đài làm từ đá vôi trắng. Tại thời điểm này, Điện Kremlin đã trở thành một trong những pháo đài bất khả xâm phạm nhất ở châu Âu.
Nhưng một lần nữa, đá vôi trắng cũng không phải là sự lựa chọn về lâu về dài. Đây là loại vật liệu có tuổi thọ kém và Điện Kremlin sớm bắt đầu phân hủy. Mệt mỏi vì thường xuyên phải sửa chữa pháo đài của mình, các công tước Moscow đã quyết định xây dựng lại nó hoàn toàn.
Trong nửa sau của thế kỷ 15, Điện Kremlin từ vẻ ngoài màu trắng đã chuyển sang thành màu đỏ mà chúng ta thấy ngày nay. Từng bộ phận một, bao gồm tháp và tường bị tháo dỡ và thay thế lại bởi các kiến trúc làm bằng gạch đỏ. Tuy nhiên, cho đến đầu thế kỷ 20, các bức tường của Điện Kremlin lại được quét trắng hoàn toàn.
Trong cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc đầu thế kỷ 17, Điện Kremlin đã có quãng thời gian bị nước ngoài chiếm đóng lâu nhất trong lịch sử. Quân đội Ba Lan-Litva đã kiểm soát pháo đài này trong hai năm, từ 1610 đến 1612, trước khi bị đánh bại bởi một đội quân tình nguyện của Nga.
Nhưng sau đó, nhà nước Nga trên đà phát triển nhanh chóng đã mở rộng đáng kể biên giới của mình, khiến Moscow bị tụt sâu lại phía sau. Điện Kremlin mất đi ý nghĩa quân sự vốn có. Các họng pháo đều bị loại bỏ và các tháp canh bắt đầu chuyển sang mục đích trang trí là chủ yếu.
Vào đầu thế kỷ 18, thủ đô của Nga được chuyển đến Saint Petersburg và Điện Kremlin không còn là nơi cư ngụ của những nhà lãnh đạo đất nước. Chỉ đến năm 1918, các nhà cầm quyền Nga mới trở lại Điện Kremlin sau khi chuyển thủ đô về lại Moscow.
Trong cuộc chiến với Napoléon, Điện Kremlin bị chiếm đóng bởi quân đội Pháp. Trước khi rút lui, Hoàng đế Pháp đã ra lệnh thiêu hủy pháo đài, nhưng mưa lớn và sự phản ứng của người dân địa phương đã phần nào ngăn cản lại ngọn lửa. Dẫu vậy, nhiều tòa nhà vẫn bị hư hại nặng nề.
Chỉ có hai lần trong lịch sử những ngôi sao màu đỏ trên tháp của Điện Kremlin bị tắt. Lần đầu tiên là trong Thế chiến II với mục đích tránh làm tín hiệu cho máy bay ném bom của Đức. Lần thứ hai là vào những năm 1990 khi đạo diễn Nikita Mikhalkov quay phim The Barber of Siberia .
Điện Kremlin ngày nay là một bộ sưu tập kiến trúc phi thường với các tòa nhà độc đáo từ các thời đại khác nhau. Trong đó, các nhà thờ thời trung cổ nằm sát cạnh các cung điện lớn từ thời Đế quốc Nga và Liên Xô.
Theo www.nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-dien-kremlin-duoc-coi-la-bieu-tuong-quyen-luc-vi-dai-nhat-cua-nuoc-nga-a412372.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-sao-dien-kremlin-duoc-coi-la-bieu-tuong-quyen-luc-vi-dai-nhat-cua-nuoc-nga-a201265.html