Xử lý tội phạm: Những “thông điệp” gửi đi từ vụ triệt phá đường dây đánh bạc, rửa tiền “khủng”

(Pháp lý) - Những ngày này, người dân cả nước đang theo dõi một phiên tòa có thể nói là rất đặc biệt đang được TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử sơ thẩm. Đặc biệt bởi trong số hơn 90 bị cáo được đưa ra xét xử có 2 bị cáo từng đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong cơ quan chống tội phạm (bị cáo Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa). Đặc biệt bởi trước nay các cơ quan bảo vệ pháp luật ít phá được các vụ án rửa tiền dù thực tế râm ran nhiều về loại tội phạm nguy hiểm không kém gì tội phạm tham nhũng. Đặc biệt bởi phiên tòa minh chứng cho một quyết tâm hành động của Ban chỉ đạo TW về PCTN: không có “vùng cấm” trong xử lý tội phạm.

Chống tội phạm không có vùng cấm là điều mà người dân mong đợi từ lâu, thời gian gần đây đã thành hiện thực. Tuy nhiên bài học cho thấy chống tham nhũng tiêu cực phải được làm quyết liệt đến cùng, nếu làm nửa vời (nếu sót tội, nhẹ tội…) sẽ mất đi động lực và làm giảm tác dụng răn đe. Được biết đây mới chỉ là giai đoạn 1 của vụ án.

Cần xử nghiêm tội phạm trong cơ quan chống tội phạm

Thực tế này đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật chứng minh và đang hiện hữu tại phòng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, với vụ đánh bạc ngàn tỉ có sự "tiếp tay" của người từng đứng đầu lực lượng cảnh sát.

Các chiến sĩ công an dẫn giải Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đến phiên toà ở Phú Thọ ngày 13/11/2018
Các chiến sĩ công an dẫn giải Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đến phiên toà ở Phú Thọ ngày 13/11/2018)

Đây là vấn đề được một số đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận ngày 13-11 và cũng được báo cáo của Ủy ban Tư pháp chỉ rõ: "Đáng lưu ý là đã xảy ra các vụ tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có những vụ liên quan đến cả cán bộ lãnh đạo, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang; nhiều trường hợp bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận".

Còn nhớ cách đây 5 năm, Chủ tịch Quốc hội khi đó là ông Nguyễn Sinh Hùng từng đặt nghi vấn: "Có tham nhũng ngay trong lực lượng phòng, chống tham nhũng không? Phải làm rõ: tội phạm có trong cơ quan chống tội phạm không?".

Nay thì trả lời không chỉ có trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp, mà còn đang hiện hữu tại phòng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, với vụ đánh bạc ngàn tỉ có sự "tiếp tay" của người từng đứng đầu lực lượng cảnh sát - cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và người đứng đầu lực lượng chống tội phạm công nghệ cao - cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa.

Khi Út "trọc" - Đinh Ngọc Hệ, Vũ "nhôm" - Phan Văn Anh Vũ ngồi trên những chiếc xe siêu sang, sống trong các biệt thự lộng lẫy, mấy ai biết họ là những cán bộ trong ngành quân đội, công an?

Vài ví dụ về những vụ án lớn nêu trên cho thấy tội phạm không chỉ len lỏi vào trong nội bộ các lực lượng phòng chống tội phạm, mà có biểu hiện của sự cấu kết để trở thành những băng nhóm mafia, hình thành các "thế giới ngầm" lũng đoạn quyền lực, duy trì nhóm lợi ích khổng lồ. Có thể, trong các đống "củi lửa" đã và đang phát hiện và sẽ xử lý tới đây, cho thấy mức độ trầm trọng của vấn đề này.

Cần những chuyên án lớn bóc trần tội phạm rửa tiền

Trong ngày xét xử đầu tiên (12/11) vụ đánh bạc online ngàn tỉ, đại diện Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã công bố được 70 trang trong tổng số 235 trang cáo trạng vụ án đánh bạc ngàn tỉ. Cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ đã chỉ rõ nhiều chiêu thức rửa tiền của các bị cáo.

 Hơn 90 bị cáo trong vụ án có mặt tại phiên tòa sáng 12/11
Hơn 90 bị cáo trong vụ án có mặt tại phiên tòa sáng 12/11)

Để hợp thức hóa hàng ngàn tỉ do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương (hai bị cáo đầu vụ) đã dùng nhiều cách rửa tiền khác nhau như đầu tư vào BOT, góp vốn vào các doanh nghiệp, mua bất động sản, gửi tiền nước ngoài và gửi người thân.

Cơ quan chức năng xác định có đủ căn cứ quy kết Nguyễn Văn Dương phạm tội rửa tiền với số tiền hơn 329 tỉ đồng nộp vào Công ty UDIC để chuyển vào Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Cụ thể, để đủ điều kiện về năng lực tài chính tham gia dự thầu dự án đường cao tốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, năm 2015, bị cáo Nguyễn Văn Dương đã họp HĐQT và thống nhất ra Nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 36 tỉ lên 500 tỉ đồng, trong đó Dương cam kết góp 85,5% vốn điều lệ. Năm 2016, Dương tiếp tục chủ trì hai cuộc họp hội đồng cổ đông để nâng vốn điều lệ Công ty UDIC từ 500 tỉ lên hơn 925 tỉ đồng. Trong đó, cơ quan chức năng xác định sau khi có tiền thu lời bất chính do vận hành game bài Rikvip giai đoạn 1, Dương đã 2 lần sử dụng tổng số tiền 54 tỉ đồng để quay vòng, nâng khống vốn cam kết góp vào Công ty UDIC theo điều lệ hơn 893 tỉ đồng. Nếu chỉ căn cứ vào sổ sách kế toán của Công ty UDIC thì tới thời điểm 12-4-2016, bị cáo này đã có số tài sản trị giá hơn 893 tỉ đồng. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy mà do Dương đã sử dụng số tiền có được từ tổ chức đánh bạc để hoàn trả vào số tiền đã khai khống trước đó. Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền góp vốn vào Công ty UDIC rồi mượn tên người khác mở doanh nghiệp và ký hợp đồng khống rút tiền ra, quay vòng nâng khống giá trị vốn góp vào Công ty UDIC. Đến khi được ăn chia nguồn tiền do phạm tội mà có, Dương tiếp tục chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà và nhân viên cấp dưới đứng danh nghĩa công ty, cá nhân, đối tác chuyển trả Công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền do tổ chức đánh bạc mà có thành tiền sạch.

Số tiền bị cáo Phan Sào Nam thu lời bất chính được cơ quan điều tra xác định hơn 1.475 tỉ đồng. Nam chuyển số tiền này lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư các dự án, mua bất động sản để hợp thức hóa số tiền do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có. Trong đó, bị cáo đưa cho Phan Thu Hương (dì ruột) hơn 236 tỉ đồng để gửi tiết kiệm và kinh doanh mua nhà. Ngoài ra, Nam còn chuyển tiền vào 4 công ty khác để góp vốn, đầu tư và "hô biến" tiền phi pháp thành tiền sạch.

Một số chiêu thức rửa tiền của các bị cáo trong vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ
Một số chiêu thức rửa tiền của các bị cáo trong vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ)

Trước nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật ít phá được các vụ án rửa tiền, dù thực tế râm ran nhiều về loại tội phạm nguy hiểm không kém gì tội phạm tham nhũng và có liên quan mật thiết tới tham nhũng. Phải đến thời gian gần đây khi các cơ quan bảo vệ pháp luật triệt phá được nhiều vụ án kinh tế lớn mới phác lộ ra những đường dây rửa tiền “khủng”. Mà vụ đánh bạc, rửa tiền “ khủng” được Công an Phú Thọ triệt phá là một ví dụ.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, tới đây các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có những chuyên án lớn để điều tra bóc trần ra ánh sáng loại tội phạm nguy hiểm này.

“Không có vùng cấm trong xử lý tội phạm”

Với nguồn tiền khủng thu được từ việc tổ chức đánh bạc, với sự tiếp sức, che chắn của hai Tướng công an, những bị cáo trong đường dây này trước đây chắc không nghĩ đến giá phải trả ngày hôm nay. Vụ án được triệt phá cho thấy quyết tâm cao độ của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Và còn đập tan những nghi hoặc của dư luận. Có nhiều tiền không thể muốn mua gì cũng được và có chức tước cao đến đâu trong cơ quan chống tội phạm, nếu “nhúng chàm”, pháp luật vẫn sẽ “sờ gáy”.

Tối ngày 6/4, có lẽ là ngày rất “đáng nhớ” với Tướng Vĩnh (nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) khi VKSND tỉnh Phú Thọ phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng với ông để điều tra tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trả lời Zing.vn, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) khẳng định quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Vĩnh, một lãnh đạo cấp cao từng công tác trong ngành công an, thể hiện đúng tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không có vùng cấm trong xử lý tội phạm. Theo ông Cương, các đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền đừng nghĩ rằng có vị trí cao sẽ không bị đụng đến. Nếu vượt qua giới hạn, chắc chắn sẽ bị xử lý.

Tướng Lê Văn Cương nhận định phiên tòa diễn ra lúc cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo đã sang bước ngoặt, với trạng thái quyết liệt hơn.

“Những vụ án do Trung ương chỉ đạo chắc chắn được xét xử công minh, đúng người, đúng tội dù là Ủy viên Bộ Chính trị hay con cán bộ cấp cao”, ông Cương tin tưởng.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), sau sự việc chúng ta phải nhìn nhận vào một thực tế đau lòng, dù lực lượng công an làm được hàng nghìn việc tốt, đảm bảo cuộc sống an toàn, bình yên cho nhân dân nhưng cũng có người không vượt qua được cám dỗ.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết ông Phan Văn Vĩnh không phải là cán bộ công an cấp cao nhất bị bắt giam, khởi tố. Trước đây, Bộ Công an từng bắt, khởi tố ông Bùi Quốc Huy, nguyên là Trung tướng công an, Thứ trưởng Bộ Công an về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Vĩnh không phải cán bộ công an mang hàm Trung tướng đầu tiên nhúng chàm. Năm 2002, nguyên trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy bị khởi tố rồi lĩnh 4 năm tù do thiếu trách nhiệm khi để băng nhóm của Năm Cam lộng hành trong thời gian làm Giám đốc Công an TP.HCM.

Trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ, ông Vĩnh giấu kín những bí mật quyết định sự sống còn của game bài có nguồn thu hơn 9.800 tỷ. Hệ lụy từ mối quan hệ thân tình với trùm cờ bạc mà ông Vĩnh duy trì trong những năm vi phạm diễn ra nghiêm trọng hơn nếu so sánh với vụ Năm Cam.

Chống tiêu cực, tham nhũng: cần làm đến cùng, không được nửa vời

Chiều 13/11, VKSND tỉnh Phú Thọ công bố kết luận về vai trò của ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, và các bị cáo. Cơ quan công tố cho rằng hành vi của ông Vĩnh và cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ. Trong đó, Phan Văn Vĩnh giữ vai trò chỉ huy, còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực. Bước đầu, cơ quan tố tụng nhận định ông Vĩnh có đầy đủ dấu hiệu của hành vi giúp sức cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm tổ chức đánh bạc trái phép.

Theo cơ quan công tố, khi là Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát, ông Vĩnh đã công nhận Công ty CNC của trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương là công ty bình phong của C50 khi chưa có ý kiến thống nhất của Tổng cục 3. Với chức vụ Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Phan Văn Vĩnh phải là người nắm rõ nhất hành vi cấu thành tội phạm của tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, nhưng khi trùm cờ bạc đề xuất cho công khai game đánh bạc, bị cáo Vĩnh giao C50 nghiên cứu, đề xuất. Sau đó, ông Vĩnh đồng ý đề xuất, giao Nguyễn Thanh Hóa tổ chức thí điểm mô hình đánh bạc qua mạng. Theo kiểm sát viên, việc chấp thuận này trái với nguyên tắc đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Cảnh sát dẫn giải Phan Văn Vĩnh đến tòa chiều 13/11
Cảnh sát dẫn giải Phan Văn Vĩnh đến tòa chiều 13/11)

Dấu hiệu đặc biệt về sự “chống lưng” cho Nguyễn Văn Dương của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa còn thể hiện ở việc cho công ty bình phong CNC thuê chính trụ sở của mình tại số 10 Hồ Giám để vận hành hệ thống đánh bạc.

Theo quy định, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công nghệ cao là các đơn vị nghiệp vụ trong công an. Tuy nhiên, tại nơi làm việc của Công ty CNC, các bị cáo đặt biển hiệu ghi: “Bộ Công an – Cục C50; Phòng làm việc của thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng”. “Điều này thể hiện người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao đã dung túng cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện tội phạm, đồng thời ngăn cản có hiệu quả đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý đối với Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm”, công tố viên nêu cáo buộc.

Hành vi dung túng cho trùm cờ bạc còn được cơ quan công tố chỉ ra khi Phan Văn Vĩnh ký văn bản đề nghị Bộ TT&TT tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của CNC, đề xuất Bộ trưởng Công an cho công ty bình phong tiếp tục tổ chức đánh bạc. Đặc biệt, việc Phan Văn Vĩnh bút phê vào văn bản hợp thức để che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp đã gián tiếp thừa nhận bản thân chỉ đạo C50 hợp tác với Công ty CNC ngay từ năm 2011. Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Phan Văn Vĩnh báo cáo về việc CNC vận hành 2 game có dấu hiệu đánh bạc trá hình, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Sau 50 ngày, khi có văn bản lần thứ 2, bị cáo mới chỉ đạo cấp dưới báo cáo nhưng không đúng sự thật. Lúc này, ông Vĩnh không những không chỉ đạo ngăn chặn đường dây cờ bạc, mà còn chỉ đạo ông Nguyễn Công Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ký tiếp văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cho vận hành game đánh bạc của CNC.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa)

Tại cơ quan điều tra, Phan Văn Vĩnh thừa nhận sai phạm trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc. Ông Vĩnh cũng thừa nhận được Dương cho 1 chiếc áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan, hỗ trợ cho Tổng cục Cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện 1,1 tỷ đồng và một số bữa tiếp khách tại Tổng cục Cảnh sát (theo trùm cờ bạc khai là có tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng). Tuy nhiên bị cáo Phan Văn Vĩnh phủ nhận việc Dương khai đã cho ông ta 27 tỷ đồng và 1,7 triệu USD. Về việc Dương khai tặng ông Vĩnh chiếc đồng hồ hiệu Rolex trị giá 7.000 USD, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nói ông mua đồng hồ của Dương, sau đó đã làm mất.

Do mâu thuẫn trong lời khai việc cho, nhận tài sản, trong khi không thu được vật chứng nên cơ quan điều tra tách hành vi này để làm rõ, xử lý sau, đồng thời ghi nhận lời tự thú của Nguyễn Văn Dương để xử lý trong vụ án.

Về động cơ, Phan Văn Vĩnh khai ông tạo điều kiện cho CNC tổ chức đánh bạc là để tạo nguồn thu xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng. Nhưng hơn 2 năm tổ chức đánh bạc trên mạng, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng, CNC hầu như không có khoản tiền nào đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng.

Cơ quan tố tụng cho rằng về khách quan, bị cáo Phan Văn Vĩnh có đầy đủ dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm trong việc tổ chức đánh bạc trái phép. Song về chủ thể, ông Vĩnh là người có chức vụ quyền hạn, có thể quyết định việc sống, còn của game đánh bạc nhưng không xử lý, gây ra hậu quả đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.

Xét về bản chất, hành vi của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu “bảo kê”, nhận hối lộ. Nhưng cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ xác định 2 cựu cán bộ hưởng lợi cá nhân nên việc xem xét xử lý hành vi của Phan Văn Vĩnh dừng lại ở tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Như vậy tính đến thời điểm này, các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn chưa chứng minh được hành vi Nhận hối lộ để bảo kê cho đường dây đánh bạc, rửa tiền.

Đồng tình với cơ quan tố tụng về việc không thể truy tố ông Vĩnh tội tham ô nếu không có chứng cứ, thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng ông Vĩnh được giao nhiệm vụ phòng chống tội phạm, được hưởng bổng lộc cấp tướng mà bảo kê cờ bạc thì phải xử thật nặng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Việc xét xử với tội danh hiện nay có thể chưa thỏa mãn dư luận nhưng là tiền đề để ban chuyên án làm rõ các nghi vấn trong giai đoạn 2.

Dư luận có quyền kỳ vọng cơ quan tố tụng sẽ làm rõ những khuất tất về động cơ của ông Vĩnh và những cán bộ tha hóa đã thỏa hiệp với tội phạm ở giai đoạn 2. Mức án ông Vĩnh phải nhận tại tòa sơ thẩm và kết quả điều tra nghi vấn tham ô ở giai đoạn 2 sẽ phản ánh cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm, không nửa vời…

Kết quả điều tra giai đoạn 1 đã xác định trong đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet ngoài đối tượng chủ mưu đã hình thành 25 đại lý cấp 1, gần 6.000 đại lý cấp 2 và gần 43 triệu tài khoản dùng để đánh bạc, tương đương khoảng 14 triệu người tham gia đánh bạc. Số tiền thu lợi bất chính lên tới hơn 9.853 tỷ đồng. Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ, kê biên 1.832 tỷ đồng và 9 ôtô các loại. 92 bị cáo sẽ được đưa ra xét xử. Trong đường dây đánh bạc trên, từ số tiền gần chục nghìn tỷ, nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỷ đồng; nhóm Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung hưởng khoảng 1.850 tỷ đồng.

Lê Phúc

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xu-ly-toi-pham-nhung-thong-diep-gui-di-tu-vu-triet-pha-duong-day-danh-bac-rua-tien-khung-a201230.html