Tranh luận trái chiều về việc phạt tù trẻ em

Việc sử dụng biện pháp thay thế phạt tù đối với trẻ em chưa thành niên vi phạm pháp luật làm nổ ra những tranh luận trái chiều.

Vào ngày 20/11 – ngày quốc tế về quyền trẻ em, đại sứ quán Pháp tại Hà Nội đã tổ chức hội thảo bàn luận vấn đề biện pháp tư pháp thay thế cho chế tài phạt tù giam giữ người chưa thành niên phạm tội. Buổi hội thảo được diễn ra tại Hội trường Viện Pháp Hà Nội - L'Espace, số 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

 Các chuyên gia tham gia hội thảo đã bàn luận và đưa ra quan điểm về vấn đề giam giữ và hạn chế phạt tù người chưa thành niên
Các chuyên gia tham gia hội thảo đã bàn luận và đưa ra quan điểm về vấn đề giam giữ và hạn chế phạt tù người chưa thành niên)

Một trong những đổi mới lớn trong chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội được quy định trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đó là sử dụng biện pháp thay thế, hạn chế hình phạt tù.

Đây là chính sách mới thể hiện rõ hơn tính nhân đạo, đề cao mục đích cải tạo người chưa thành niên phạm tội ở nước ta.

5.2
Song, những hạn chế tồn đọng về vấn đề sử dụng biện pháp thay thế phạt tù với người chưa thành niên còn gây nhiều tranh cãi.

Theo thống kê, tính đến năm 2011, số lượng người chưa thành niên phạm tội trung bình khoảng 10.000 người/năm trong đó có 70% trường hợp vi phạm hành chính, còn lại là vi phạm hình sự. Số lượng người chưa thành niên bị kết án phạt tù khoảng 60 -70% người chưa thành niên phạm tội hình sự.

Theo thống kê của bộ Công an, tỉ lệ người chưa thành niên phạm tội tái phạm ở Việt Nam khoảng 44%, là một tỷ lệ tương đối cao so với thế giới.

Vấn đề được đặt ra ở đây là: Liệu hình thức phạt tù người chưa thành niên có phải là biện pháp hiệu quả hay không? Quan điểm khác nhau của Việt Nam và Pháp về vấn đề này như thế nào? Và hiện nay, chúng ta đang sử dụng biện pháp nào đối với đối tượng người chưa thành niên vi phạm pháp luật?

Theo Bộ luật Hình sự Việt Nam, người chưa thành niên là người 14 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Bao gồm hai đối tượng là người từ 14 đến dưới 16 tuổi và đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Theo bà Lê Thị Hoa, Phó phòng Pháp luật hình sự, vụ Pháp luật hình sự và hành chính, bộ Tư pháp cho biết:

Thứ nhất, đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật hành chính, pháp luật Việt Nam sử dụng hình thức phạt tiền, cảnh cáo, giáo dục tại xã phường thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng.

Thứ hai, đối với người chưa thành niên phạm tội hình sự mà những tội này quy định trong Bộ luật Hình sự thì luật Hình sự có quy định các chế tài thay thế cho giam giữ. Tuy nhiên mức độ áp dụng chế tài khác nhau thì nó sẽ chia ra các đối tượng khác nhau.

Đối tượng người chưa thành niên từ 14 đến dưới 16 tuổi, căn cứ các điều kiện áp dụng sẽ có 3 loại chế tài: Hình phạt cải tạo không giam giữ (quy định mới được bổ sung trong điều luật Hình sự 2015); Biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng do tòa án quyết định trong trường hợp đối tượng cần phải cách ly với cộng đồng để phòng ngừa tái phạm; Hình phạt cao nhất là phạt tù.

Đối tượng từ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với loại phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong 28 tội danh.

 Trẻ em phạm tội có thể bị xử lý hình sự về 1 trong 28 tội danh.
Trẻ em phạm tội có thể bị xử lý hình sự về 1 trong 28 tội danh.)

Với đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi thì hình phạt thay thế cho giam giữ được mở rộng hơn vì trên thực tế phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của đối tượng này gần như toàn bộ.

Khi vi phạm pháp luật, cả 2 đối tượng đều có thể bị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng: Khiển trách, hòa giải, xử lý tại xã phường và thị trấn.

Còn theo bà Kim Reuflet, Phó chủ tịch phụ trách quản lý mảng hoạt động của các thẩm phán xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em, tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng thành phố Nantes chia sẻ: "Tại Pháp, pháp lệnh 1945 đã quy định rõ nguyên tắc cơ bản này trong bảo vệ trẻ em: Biện pháp giáo dục phải đứng trên biện pháp trừng phạt. Phạt tù chỉ là giải pháp cuối cùng và chỉ được áp dụng trong trường hợp đặc biệt".

Tại Pháp, với đối tượng người chưa thành niên, nếu phạm tội, đối tượng sẽ được học giáo dục và tâm lý trong các "trường học nhà tù" hoặc "khu phố trẻ em" với thời gian từ 2,5 – 6 tháng (trừ trường hợp phạm tội nặng theo quy định của pháp luật Pháp).

Tính đến ngày 01/8/2017, có 885 trẻ vị thành niên đang chịu án tù tại Pháp, hai phần ba trong số này bị giam giữ trước khi xét xử.

Bà Kim Reuflet cho rằng một đứa trẻ chỉ bị phạt tù khi chúng không còn biện pháp nào để cải thiện. Vì việc giam giữ thường sẽ có xu hướng đẩy trẻ dấn sâu hơn vào việc phạm tội.

Như vậy, mặc dù thực tế chung là nhà tù đã thất bại trong việc giáo dục người chưa thành niên phạm tội song việc sử dụng hình phạt này lại càng ngày càng phổ biến.

Sau ngày 20/11/1959, tuyên bố về quyền trẻ em được công bố, đến ngày 20/11/1989, Công ước quốc tế về quyền trẻ em được ký kết.

Hai nước Pháp - Việt Nam đều đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Theo đó, các nước tham gia cam kết đảm bảo: "Không trẻ em nào bị tước đoạt tự do một cách bất hợp pháp hoặc vô căn cứ. Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em chỉ là giải pháp cuối cùng và thời gian áp dụng phải ngắn nhất có thể".

Tranh luận về vấn đề phạt tù trẻ em có hay không vi phạm quyền trẻ em trong công ước quốc tế, bà Kim Reuflet cho hay: "Thế giới không thể không có nhà tù trẻ em. Chúng ta chỉ hạn chế tối đa chứ không thể không có sự xuất hiện của những nhà tù bởi lẽ tỷ lệ trẻ em phạm tội tương đối cao. Tuy nhiên, chỉ khi nào trẻ không còn biện pháp nào giáo dục thì chúng mới phải chịu sự quản chế của các "nhà tù", ngoài ra Chính phủ Pháp thường sử dụng các chế tài phạt hành chính hoặc lao động công ích".

Đồng thời, bà Lê Thị Hoa cũng khẳng định: "Phạt tù không phải là phương pháp hiệu quả trong giáo dục người chưa thành niên. Theo đó, nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, ưu tiên cải tạo tại cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội".

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thanh Trúc, chuyên gia về bảo vệ trẻ em trong hệ thống tư pháp của UNICEF Việt Nam cho rằng với UNICEF, việc truy cứu trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm, cần hạn chế áp dụng hình phạt tù.

Biết là vậy, song những hạn chế tồn đọng về vấn đề sử dụng biện pháp thay thế phạt tù với trẻ chưa thành niên còn gây nhiều tranh cãi.

Bởi ở Việt Nam, đội ngũ thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên đều không phải là những cán bộ chuyên trách để điều tra, truy tố với riêng đối tượng người chưa thành niên; đa phần chưa qua một khóa đào tạo nào về tâm sinh lý, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.

Vì vậy không ít trường hợp điều tra viên, kiểm sát viên không phân biệt được sự khác nhau về thủ tục tố tụng giữa vụ án người chưa thành niên phạm tội và vụ án người đã thành niên thực hiện, thậm chí, có người còn cho rằng không có sự khác biệt.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/tranh-luan-trai-chieu-ve-viec-phat-tu-tre-em-a411900.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tranh-luan-trai-chieu-ve-viec-phat-tu-tre-em-a201149.html