Xác định tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, nhiều ĐBQH đã nêu giải pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này.
Ngày 13/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao năm 2018 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về các báo cáo nói trên.
Tại phiên thảo luận, công tác phòng, chống tham nhũng là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến.
Tham nhũng vẫn đang là thách thức và vấn đề bức xúc
Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, cơ quan chủ trì thẩm tra đồng tình với những đánh giá của Chính phủ về những kết quả tích cực trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, theo đó, số vụ việc tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng cao so với năm 2017. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Bên cạnh “tham nhũng vặt” thì các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích”, doanh nghiệp “sân sau”, “công ty gia đình”… đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng.
Đối với hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đánh giá cao kết quả hoạt động của các đơn vị này, với nhiều nỗ lực, tăng cường hoạt động nghiệp vụ, tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận đánh giá cao… trong năm qua. Tuy nhiên, mô hình tổ chức thiếu ổn định đã ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các cơ quan này. Đáng lưu ý, năm 2018, đã xảy ra một số vụ án tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng PCTN, trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến cán bộ, sỹ quan cao cấp đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan này và đến lòng tin của nhân dân vào công lý.
Đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những kết quả rất tích cực trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, theo đó số vụ việc tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng cao so với năm 2017. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… đã tiến hành kiểm điểm, thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, trong đó có lãnh đạo cấp cao trên nguyên tắc:“Làm nghiêm từ trên xuống dưới, cả cán bộ cao cấp, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu” đã tạo tiền đề quan trọng để cơ quan pháp luật khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng chặt chẽ, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo phương châm “làm rõ đến đâu, xử lý đến đó”...
Dẫu vậy, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, công tác tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế ở một số địa phương kết quả còn hạn chế. Một số trường hợp có biểu hiện bao che, tiếp tay cho sai phạm, tham nhũng. Số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng. Việc vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm chưa được khắc phục. Tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tư pháp dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết còn nhiều. Công tác giám định tài sản để xử lý tham nhũng là vấn đề còn vướng mắc trong nhiều năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án còn rất thấp.
Nêu gương người đứng đầu, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm
Thảo luận về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) ghi nhận, thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự chuyển biến tích cực, rõ nét với nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, theo đại biểu Phương, tham nhũng còn có ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống xã hội, từ người có địa vị thấp đến người có địa vị cao. Nghiêm trọng hơn là tham nhũng còn xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Đưa ra giải pháp khắc phục nạn tham nhũng như hiện nay, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phân tích, tham nhũng là một phạm trù lịch sử, một hiểm họa của nhiều nước trên thế giới. Do đó, chỉ có thể ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế, làm giảm thiểu lây lan, tác hại nhưng không thể xóa bỏ hoàn toàn, tiêu diệt tận gốc. Vì thế, không thể nôn nóng, ảo tưởng, muốn diệt hết ngay tham nhũng trong một thời gian ngắn.
Theo đại biểu, nhận thức được điều đó để cho phép có tầm nhìn biện chứng, bình tĩnh, sáng suốt, kiên quyết lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách có phương pháp, có trí tuệ, không vì sự lây lan của nạn tham nhũng mà phủ nhận cục diện tốt đẹp đầy triển vọng của đất nước ta hiện nay.
Vị đại biểu đoàn Ninh Bình cũng cho rằng, cần phải nhận thấy rằng tham nhũng đang trà trộn, ẩn nấp trong hàng ngũ đảng viên là thiểu số. Cơ thể của Đảng ta vẫn là khỏe mạnh, đại bộ phận cán bộ đảng viên vẫn trung thành với Đảng, hết lòng tận tâm với nước, tận tụy, tận lực với dân, vì dân và tích cực phòng, chống tham nhũng.
Do đó, cần khẩn trương triển khai các chủ trương của Đảng theo hướng thực hiện quy định nêu gương, nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về tham nhũng.
“Một cán bộ lão thành tuổi đã cao, nhiều lần đến gặp tôi và kiến nghị là chống tham nhũng chỉ cần chọn nêu gương người đứng đầu gương mẫu, liêm khiết thì cả bộ máy liêm khiết. Người đứng đầu phải tỏ rõ quyết tâm cam kết không tham nhũng, không để vợ, con, bố mẹ, anh, chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình để trục lợi, làm ăn bất chính”, đại biểu Phương nói.
Liên quan việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sự sơ hở của cơ chế chính sách để làm trái, vụ lợi, phục vụ đời sống riêng tư, đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá) cho rằng kinh phí không chính thức vẫn tồn tại như một thứ luật ngầm ai cũng hiểu. Muốn được việc thì doanh nghiệp, người dân vẫn phải “bôi trơn”.
Từ đó đại biểu Diến đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, sàng lọc đội ngũ cán bộ, xử lý nghiêm những vi phạm của các công chức, cán bộ vi phạm; nâng cao chất lượng thanh, kiểm tra để kết luận rõ những cán bộ, công chức có biểu hiện vi phạm. Việc xử lý mạnh tay cũng sẽ không sợ không còn cán bộ để làm việc.
Vị đại biểu đoàn Thanh Hoá cũng phản ánh hiện nay có một số cán bộ công chức có biểu hiện quan hệ phức tạp với nhiều cá nhân trong tổ chức cũng như ngoài xã hội, đã có “liên minh” giữa những người có tiền với người có quyền; thậm chí tiền, quyền với xã hội đen hoạt động với phương châm giấu kín, khép mình, nhằm lẩn tránh dư luận xã hội, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, hình thành ê kíp “tâm đầu ý hợp” để chia sẻ việc công, tư liên quan đến lĩnh vực phụ trách nhằm trục lợi.
Nhằm nâng cao tỷ lệ phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng trong cán bộ, công chức, nhất là trong cán bộ lãnh đạo quản lý ở các vị trí tiềm ẩn tham nhũng, vi phạm pháp luật, đại biểu Diến đề nghị các bộ, ngành chức năng xây dựng kế hoạch nhận diện rõ hơn các mối quan hệ bất thường nêu trên nhằm điều tra, thanh tra, kiểm tra để kết luận, xử lý, ngăn chặn, giáo dục, răn đe hiệu quả hơn những quan hệ không trong sáng
Cần có các giải pháp quyết liệt ngăn chặn tham nhũng vặt
Bên cạnh những loại tội phạm tham nhũng lợi dụng sơ hở trong cơ chế để trục lợi chính sách như nhóm lợi ích, “sân sau", công ty gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề cập thêm tới vấn nạn tham nhũng vặt.
Theo đại biểu, đây là loại tội phạm nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp trong nhiều năm qua. “Nếu tham nhũng trục lợi chính sách là nguyên nhân gây suy kiệt nền kinh tế thì tham nhũng vặt cũng có sức gây hại rất lớn đối với nền kinh tế-xã hội, đặc biệt là đã làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền,” đại biểu Hoa khẳng định.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, việc xử lý loại tội phạm này không dễ vì số lượng rất đông, diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều lĩnh vực, đến mức những hành vi của loại tội phạm tham nhũng vặt như đưa phong bì “lót tay,” nhờ người “chạy trường,” “chạy việc,” “chạy điểm,” “chạy chức,” “chạy án” đã trở thành thói quen.
Đại biểu Hoa nêu rõ nạn tham nhũng vặt thực sự đã làm tha hóa, biến chất nhiều công chức, lâu dần trở thành nét văn hóa xấu xí của người Việt. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể về nguyên nhân, tác hại cũng như có giải pháp ngăn chặn loại tội phạm này.
Theo đó, cần tuyên truyền, vận động, làm thay đổi tư duy, thái độ của mỗi người Việt đối với vấn đề tham nhũng vặt; không coi những biểu hiện của tham nhũng vặt như vấn đề “lót tay”, “chung chi,” “bôi trơn” là phần tất yếu trong giao dịch với lực lượng chấp pháp; kiên quyết nói không với việc tiếp tay cho tham nhũng.
Đồng thời, cần công phá tư tưởng lợi ích nhóm, có những quy định cụ thể để nhận diện và xử lý tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền; đẩy nhanh cải cách hành chính, hạn chế cơ hội tiếp xúc giữa người dân với công chức thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, việc tăng cường công khai minh bạch trong công tác cán bộ, thắt chặt công tác quản lý, tuyển dụng, đề bạt cán bộ là cần thiết; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân đối với công tác cán bộ; chuyển dần sang hình thức thi tuyển các chức danh, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, rèn luyện đạo đức công vụ cũng như trách nhiệm nghề nghiệp để mỗi cán bộ xứng đáng là công bộc của nhân dân.
Đại biểu Hoa đề xuất thanh lọc bộ máy công quyền là giải pháp phải tích cực thực hiện để tiến tới không còn nạn tham nhũng vặt. Ngoài ra, việc cải cách tiền lương gắn với trách nhiệm thi hành công vụ của công chức; thực hiện công khai, minh bạch trong việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật... cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng này.
Liên quan việc tăng cường, ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, tham nhũng vặt, đại biểu Trần Hồng Hà (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu đáng kể nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập.
Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức.
Mặc dù tình trạng tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình.
Vì vậy, đại biểu đề nghị phải kiên quyết xử lý, siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Đồng thời, Chính phủ cần nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng nêu trên.
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cho biết, trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành mới 4.128 văn bản, huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.135 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 3.441 cuộc kiểm tra việc thực hiện, phát hiện 443 vụ việc vi phạm, số người vi phạm là 382 người, kiến nghị xử lý kỷ luật 89 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 92,9 tỷ đồng (đã thu hồi 74,08 tỷ đồng, đạt 79,7%). Và về minh bạch tài sản, thu nhập, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp .
Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp tại 5.396 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 97 người. Năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.
Về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 25 vụ, 27 đối tượng (giảm 43,2% số vụ); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 78 vụ, 106 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 14,7% số vụ); qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 40 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 66,7% số vụ).
Cơ quan điều tra của lực lượng Công an đã thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó: năm 2017 chuyển sang 168 vụ, 364 bị can; khởi tố mới 279 vụ, 554 bị can phạm tội tham nhũng (tăng 26,8% vụ, 15,6% bị can so với năm 2017). Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 212 vụ, 488 bị can. Thiệt hại trong các vụ án đã thụ lý, điều tra là hơn 4.764 tỷ đồng, trên 300.000m2 đất; đã thu hồi trên 2.267 tỷ đồng và nhiều tài sản.
Theo congly.vn
Nguồn bài viết: https://congly.vn/thoi-su/dbqh-tham-nhung-van-dang-la-thach-thuc-va-van-de-buc-xuc-276242.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/dbqh-tham-nhung-van-dang-la-thach-thuc-va-van-de-buc-xuc-a200635.html