Giải mật chiếc tàu ngầm vận chuyển ma túy ở Colombia

Sau vụ bắt giữ chiếc tàu ngầm chạy bằng điện, bọn buôn lậu ma túy ở Colombia nghĩ ra cách cho ma túy vào một tàu ngầm khác nhỏ hơn, không người lái nhưng được gắn máy phát tín hiệu đã mã hóa, kéo theo sau tàu chính ở độ sâu 30m...

Ngày 21-7-2017, Lực lượng đặc nhiệm chống ma túy Colombia phối hợp với quân đội nước này đã bắt giữ một tàu ngầm vận hành hoàn toàn bằng điện do một tổ chức buôn lậu ma túy chế tạo. Với thủy thủ đoàn 3 người, nó có thể lặn sâu 15m, tốc độ tối đa 9km/h, mang theo được 4 tấn cocaine nhưng điều quan trọng nhất là nó rất khó bị phát hiện so với những tàu ngầm buôn lậu cocaine đã từng bị bắt trước đó…

Những manh mối ban đầu

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, bờ biển Colombia với hàng trăm dòng sông đục ngầu bùn, từ đất liền đổ ra Thái Bình Dương cùng với những khu rừng ngập mặn cả ngày không thấy ánh nắng mặt trời, đã là nơi lý tưởng cho các tập đoàn buôn lậu ma túy xây dựng những lò chế biến cocaine và đồng thời cũng là nơi xuất phát những chuyến tàu vận chuyển ma túy vào Mỹ.

Năm 2000, bên cạnh những phương tiện như tàu cao tốc, du thuyền, tàu đánh cá…, dễ bị kiểm tra, phát hiện, các tập đoàn buôn lậu ma túy Colombia chuyển sang phương thức dùng tàu ngầm.

 

 Các cơ quan chức năng Mỹ chỉ ngăn chặn được khoảng 25% số cocaine từ Colombia.
Các cơ quan chức năng Mỹ chỉ ngăn chặn được khoảng 25% số cocaine từ Colombia.)

Chuẩn tướng Mauricio Moreno Rodríguez, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm chống ma túy Colombia (FTCT - viết tắt theo tiếng Tây Ban Nha) nói: “Thoạt đầu, bọn buôn lậu đóng những chiếc tàu ngầm vỏ thép nhưng khi bị radar và sóng siêu âm phát hiện, chúng thay thế bằng sợi thủy tinh. Tuy nhiên, những tàu ngầm này vẫn phải vận hành bằng động cơ diesel nên không thể lẩn tránh thiết bị hồng ngoại cảm ứng nhiệt. Từ năm 2000 đến 2016, phối hợp với Cục phòng chống ma túy Mỹ DEA, chúng tôi đã bắt giữ hàng chục chiếc tàu ngầm loại ấy, trong đó có chiếc chở đến 7,7 tấn cocaine”.

Đầu tháng 4-2017, tin tình báo cho biết một tập đoàn buôn lậu ma túy Colombia đang chế tạo 1 chiếc tàu ngầm chạy bằng điện, vỏ tàu là sợi thủy tinh Kevlar, xưởng đóng tàu đặt ở cửa sông Cucurrupi thuộc tỉnh Chocó. Ưu điểm của nó là không tạo ra tiếng ồn khi hoạt động, hệ thống làm mát cũng được cải tiến để triệt tiêu phần lớn sức nóng tỏa ra từ động cơ điện nhằm chống lại máy dò hồng ngoại cảm ứng nhiệt. Việc chế tạo chiếc tàu này có sự tiếp tay của Tổ chức Quân đội giải phóng quốc gia Colombia - Ejército de Liberación Nacional - viết tắt là ELN.

Ra đời từ năm 1964, ELN chủ trương tiến hành chiến tranh du kích, giải phóng dân nghèo ở Colombia nhưng sau khi những người sáng lập bị giết trong những cuộc chạm súng với quân đội, ELN biến thành một tổ chức khủng bố, bảo kê cho các tập đoàn buôn lậu ma túy. Một thống kê cho thấy từ năm 2000 đến 2007, ELN đã hành quyết 153 con tin, bắt cóc hơn 3.000 người để đòi tiền chuộc và hiện vẫn còn 240 người chưa được trả tự do. Mặc dù đã có những cuộc đàm phán hòa bình với Chính phủ Colombia nhưng ELN vẫn theo đuổi chính sách “vừa đàm vừa đánh”.

Vì thế, khi nhận được tin tình báo về việc phát hiện chiếc tàu ngầm chạy bằng điện, Lực lượng đặc nhiệm chống ma túy Colombia FTCT phải tính luôn đến chuyện đụng độ với ELN khi tiến hành chiến dịch bắt giữ tàu. Vẫn theo tin tình báo, ở khu vực cửa sông Cucurrupi ngoài xưởng đóng tàu ngầm, còn có một nhà máy chế biến cocaine, được bảo vệ bởi khoảng 150 tay súng ELN và các nhóm vũ trang khác, tổng số lên đến hơn 200 người. Chuẩn tướng Mauricio Moreno Rodríguez, Tư lệnh FTCT nói: “Để phá hủy nhà máy chế biến cocaine, vô hiệu hóa xưởng đóng tàu ngầm, chúng tôi phải phối hợp với 4 nhánh quân sự, gồm không quân, hải quân, thủy quân lục chiến và cảnh sát quốc gia Colombia…”.

Chiến dịch Barbudo

Trong suốt 3 tháng kể từ khi phát hiện chiếc tàu ngầm và nhà máy chế biến cocaine, các lực lượng tham gia cuộc đột kích - được đặt tên là “Chiến dịch Barbudo” tiến hành tập luyện các phương án tấn công dựa vào những hình ảnh chụp từ máy bay trinh sát không người lái.

 

 Chiếc tàu ngầm chạy điện lúc bị phát hiện.
Chiếc tàu ngầm chạy điện lúc bị phát hiện.)

Đến ngày 1-7-2017, một tình báo viên gửi về một bản tin cùng tấm bản đồ vẽ tay, mô tả cụ thể xưởng đóng tàu: “Tại công trường xây dựng, hàng tấn vật liệu gồm sợi thủy tinh Kevlar, gỗ, ắc quy, động cơ điện, máy định vị, camera, bình hơi nén…, đã được đưa về dưới hình thức tháo rời từng mảnh. Việc đóng tàu dựa trên bản vẽ thiết kế mua được từ một quốc gia khác dưới sự chỉ huy của 2 kỹ sư hàng hải. Theo dự kiến, nó có thể mang tối đa 4 tấn cocaine và hoạt động dưới nước suốt 48 tiếng mới phải nạp lại pin, đủ thời gian để nó từ Colombia đến một nơi nào đó ở bờ biển nước Mỹ…”.

22 giờ đêm 20-7-2017, các lực lượng tham gia cuộc đột kích bắt đầu xuất phát dưới sự chỉ huy của Đề đốc Luis Hernán Espejo Segura, Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Colombia. Ông nói: “Đến lúc ấy, các đơn vị đã biết chính xác từng vị trí mà họ phải xâm nhập, tấn công và phá hủy. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đến gần cửa sông Cucurrupi vào lúc mờ sáng rồi khi bình minh lên, chiến dịch Barbudo chính thức bắt đầu”.

7 giờ sáng, một chiếc AC-47 hai động cơ cánh quạt, giả như máy bay thương mại bay trinh sát lần cuối cùng. Khi thấy các mục tiêu vẫn không có gì thay đổi, phi hành đoàn báo về bộ chỉ huy. 20 phút sau đó, 4 phản lực F-5 thuộc Sư đoàn Không quân chiến đấu số 7 Colombia xuất hiện rồi bổ nhào, ném bom vào xưởng chế biến cocaine trong lúc trực thăng Black Hawk hộ tống các tàu tuần tra vũ trang của hải quân, chở theo thủy quân lục chiến tiến vào cửa sông Cucurrupi.

Hoàn hồn sau trận ném bom, du kích ELN và các nhóm vũ trang bảo vệ xưởng chế biến ma túy bắt đầu nổ súng chống trả. Lợi dụng địa hình khắc nghiệt với rừng rậm và sình lầy, thoạt đầu họ đã làm chậm bước tiến của quân chính phủ nhưng khi những chiếc tàu bọc thép chống đạn được điều đến, ELN tháo lui, bỏ lại 27 xác chết. Xế chiều, lực lượng đột kích bắt giữ 125 thành viên ELN và các nhóm vũ trang liên quan đến buôn bán ma túy, 20 thành viên ELN đầu hàng - trong đó có 6 trẻ vị thành niên.

Ngoài ra, họ còn thu giữ 9 tấn cocaine và gần 2 tấn cần sa, 22 kho chứa súng đạn, 559kg thuốc nổ, 207 ngòi nổ, phá hủy 17 doanh trại. Tại một phòng thí nghiệm còn nguyên vẹn, lực lượng đột kích tìm thấy 34kg cocaine vừa mới ra lò cùng các thiết bị phục vụ cho việc sản xuất ma túy theo hướng công nghiệp. Với những thiết bị ấy, nó có thể cung cấp 2 tấn cocaine mỗi tuần nhưng điều đáng kể nhất là chiếc tàu ngầm chạy bằng điện, neo tại một con lạch nhỏ, bị bắt giữ trong tình trạng nguyên vẹn.

Tại con lạch, chiếc tàu ngầm có hình dạng tương tự như một con cá đuối, dài 9m, chỗ rộng nhất là 4,5m. Nó có 4 cánh đuôi để ổn định khi lặn dưới nước. Vỏ tàu được đóng bằng sợi thủy tinh Kevlar có khả năng triệt tiêu phần lớn phản xạ sóng siêu âm của máy bay và tàu tuần tra trên mặt nước. Hai bên thân tàu là 2 két dằn để nước chảy vào khi tàu muốn lặn xuống cùng các bình khí nén bơm nước ra nếu tàu muốn nổi lên. Tàu có hệ thống radar, kính tiềm vọng, thiết bị định vị GPS, radio.

 

 Chiếc tàu ngầm được Hải quân Colombia đưa về để khảo sát.
Chiếc tàu ngầm được Hải quân Colombia đưa về để khảo sát.)

Ngoài buồng lái, nó còn có buồng ngủ gắn máy lạnh dành cho 3 người là thuyền trưởng, hoa tiêu và thợ máy cùng một khoang chứa hàng, có thể mang theo 4 tấn cocaine. Toàn bộ thân tàu đều được sơn màu xanh, trùng với màu nước biển để ngụy trang.

Thiếu tá McCoy thuộc Cục phòng chống ma túy Mỹ DEA cho biết với hình dạng như thế, nó có thể dễ dàng tiếp cận các vùng biển nước nông thuộc các bang California, Texas để bốc dỡ ma túy. McCoy nói: “Trái tim của tàu là một động cơ điện nối với 2 chân vịt, chạy bằng 100 thỏi pin Li-ion. Khi sạc đầy, nó có thể hoạt động liên tục 48 tiếng mới cần phải sạc lại. Trên mặt nước, nó chạy với vận tốc tối đa 6km/giờ còn dưới nước, vận tốc này là 9km. Để giảm bớt nhiệt độ của động cơ điện lúc vận hành, một hệ thống làm mát chằng chịt những đường ống được bố trí xung quanh động cơ…”.

Trung sĩ thủy quân lục chiến Gonzalez kể: “Xưởng đóng tàu được những tàng cây rậm rạp che giấu. Trên bờ, sát với con rạch, bọn buôn ma túy đã xây dựng những lán trại với máy phát điện, máy hàn, máy cắt acetylen, máy tiện cùng nhiều loại công cụ khác. Lúc chúng tôi đến, kỹ sư, công nhân đã bỏ chạy hết”. Một tù binh ELN cho biết xưởng thường xuyên có khoảng 50 công nhân và 2 kỹ sư nước ngoài. Khi quân đội Colombia tiến vào, chiếc tàu ngầm đã 2 lần chạy thử ở độ sâu 15m dưới mặt nước và đang trong giai đoạn hiệu chỉnh những thông số, khắc phục vài nhược điểm.

Theo các chuyên gia về tàu ngầm, để chế tạo chiếc tàu ấy, bọn buôn lậu phải chi phí khoảng 1,5 triệu USD và phải mất ít nhất 6 tháng mới hoàn tất. Đề đốc Luis Hernán Espejo Segura cho biết trong một khu vực rừng ngập mặn, địa chất không ổn định với hơn 8.000 con sông, rạch, lực lượng trên không, dưới nước và trên bộ đã phối hợp với nhau rất nhịp nhàng và việc bắt giữ chiếc tàu ngầm là kết quả tốt nhất mà Chiến dịch Barbudo đạt được.

Cuộc chiến không hồi kết

Về phía Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA), theo một báo cáo thì năm 2016, các tập đoàn tội phạm Colombia đã sản xuất 910 tấn cocaine, tăng 32% so với năm 2015 và 1/3 số đó được vận chuyển đến Mỹ bằng các loại tàu ngầm trong lúc DEA, Hải quan, Biên phòng Mỹ chỉ ngăn chặn được khoảng 25%. Tại một phiên họp của Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ diễn ra hồi tháng 2-2018, đô đốc Kurt Tidd, Tư lệnh Lực lượng Hải quân miền Nam nước Mỹ nói rằng các vụ bắt giữ cocaine vận chuyển bằng tàu ngầm vẫn chưa được cải thiện trong suốt nhiều năm.

 

 Một góc phòng thí nghiệm có thể cung cấp 2 tấn cocaine mỗi tuần.
Một góc phòng thí nghiệm có thể cung cấp 2 tấn cocaine mỗi tuần.)

Theo Erik Soykan, Bộ An ninh nội địa Mỹ thì các tàu ngầm buôn lậu có kích thước quá nhỏ để radar có thể dễ dàng nhận diện chúng. Ông nói: “Hải quan và Biên phòng Mỹ đã lắp đặt hơn một chục hệ thống radar chống tàu ngầm nhưng diện tích mặt nước mà họ phải kiểm soát lại quá lớn, lớn hơn toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ. Cũng vì quá lớn nên nhiều lần chúng tôi biết bọn buôn lậu cocaine đang ở ngoài kia, nhưng lại không có ai ở đó để đuổi theo chúng”.

Vẫn theo Erik Soykan, Bộ An ninh nội địa Mỹ, sau vụ bắt giữ chiếc tàu ngầm chạy bằng điện, bọn buôn lậu ma túy Colombia nghĩ ra một cách khác. Thay vì chất cocaine lên tàu ngầm thì chúng cho ma túy vào một tàu ngầm khác nhỏ hơn, không người lái nhưng được gắn máy phát tín hiệu đã mã hóa, kéo theo sau tàu chính ở độ sâu 30m.

Nếu bị phát hiện, chúng cắt dây kéo để chiếc tàu ngầm chở ma túy chìm xuống biển rồi một thời gian sau, khi tình hình đã trở lại bình thường, dựa vào tín hiệu phát ra, một nhóm khác sẽ lặn xuống thu hồi các gói cocaine. Soykan nói: “Điều chúng tôi cần bây giờ là công nghệ cho phép phân biệt các tín hiệu phát đi từ những con tàu bình thường và tín hiệu từ tàu ngầm vận chuyển ma túy. Nếu không có nó, rất khó để có một kết thúc trong tương lai gần…”.

Theo An ninh Thế giới

Nguồn bài viết: https://congly.vn/the-gioi/vu-an-noi-tieng/giai-mat-chiec-tau-ngam-van-chuyen-ma-tuy-o-colombia-276100.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/giai-mat-chiec-tau-ngam-van-chuyen-ma-tuy-o-colombia-a200546.html