(Pháp lý) - Công tác xã hội là nghề cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Sứ mệnh của nghề công tác xã hội là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và bất bình đẳng. Nghề công tác xã hội đã và đang có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của mỗi quốc gia và nhân loại. Tuy nhiên ở Việt Nam, nghề công tác xã hội chưa thực sự trở thành một nghề chuyên nghiệp. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hạn chế này là sự thiếu hụt, bất cập, phân tán của các quy định pháp luật.
Cần sớm luật hóa nghề công tác xã hội
Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010-2020 về phát triển nghề CTXH ở Việt Nam đã đi vào cuộc sống được hơn 8 năm, nhưng khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về nghề CTXH và thực hành nghề CTXH vẫn chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ.
Các văn bản pháp luật quy định về nghề CTXH có giá trị tương đối thấp, chủ yếu là thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở tầm Luật do Quốc hội thông qua để quy định các vấn đề cơ bản về hoạt động nghề CTXH, viên chức nghề CTXH và quản lý nhà nước về nghề CTXH…, gây khó khăn cho việc lồng ghép, đưa các quy định cụ thể về nghề CTXH vào các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng như tổ chức triển khai trong thực tiễn.
Để phát triển nghề CTXH thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam, việc xây dựng và ban hành luật về nghề CTXH là rất cần thiết nhằm xác định cụ thể nhiệm vụ và trách nhiệm của của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể trong một số Bộ luật liên quan như: Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Con nuôi, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi... Do đó, các nội dung về CTXH đến nay vẫn chưa được luật hoá.
Trên thế giới, nghề CTXH đã trở thành luật và phát triển hàng trăm năm nay. Việt Nam mới ban hành một số văn bản pháp luật, Thông tư nhằm thúc đẩy nghề CTXH, đã đến lúc cần đánh giá những bất cập, khoảng trống, thiếu hụt để sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật nghề CTXH cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Theo định nghĩa của Hiệp hội nhân viên CTXH quốc tế và Hiệp hội Các trường CTXH quốc tế, CTXH là thúc đẩy sự phát triển xã hội, nhằm giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ, tạo khả năng giải phóng con người nhằm thúc đẩy phúc lợi. Sử dụng các học thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội, CTXH can thiệp vào những thời điểm khi con người tương tác với các môi trường của mình. Nhân quyền và công lý trong xã hội là những nguyên tắc nền tảng của CTXH.
Luật pháp của các quốc gia về nghề CTXH thường quy định về các định nghĩa cơ bản về nghề CTXH, quy định về chứng nhận chuyên môn, quy trình, cơ quan quản lý việc thi chuyên môn, cấp phép, đăng ký hành nghề, quy trình đăng ký là cơ sở CTXH và xử phạt nhân viên CTXH vi phạm luật.
TS. Trần Mạnh Đạt – Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tư pháp, Bộ Tư pháp đã đưa ra 4 phương án chính sách để đánh giá tác động trong đề nghị xây dựng Luật CTXH. Theo TS. Trần Mạnh Đạt, từ 4 phương án chính sách, có thể thấy để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân cũng như để tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội thì việc ban hành Luật CTXH là cần thiết. Như vậy, có thể nói luật hóa về CTXH chính là để tiếp thêm sức mạnh cho những cánh tay chìa ra với nhóm người yếu thế. Và đó là việc làm không thể và không nên trì hoãn!
Góp ý và xây dựng luật công tác xã hội, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ LĐ - TB và XH cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp lý phù hợp ở tầm luật, pháp lệnh để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này. Từ đó phát triển CTXH thành một nghề nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội. Cũng theo ông Hà Đình Bốn, lĩnh vực CTXH không chỉ bao trùm cho những đối tượng yếu thế, mà toàn bộ người dân đều có nhu cầu về CTXH.
Để bảo vệ đối tượng yếu thế và chăm sóc cho trẻ em tự kỷ
Hiện nay, cả nước có khoảng 400 cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ CTXH. Các cơ sở này cung cấp dịch vụ CTXH cho hàng ngàn lượt đối tượng, như: đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp; người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp và các đối tượng khác. Trong đó, trẻ em mắc bệnh tự kỷ cần có sự chăm sóc, điều trị đặc biệt của nhân viên CTXH tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội để trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ hiệu quả thì ngoài điều trị y tế, các dịch vụ CTXH trong lĩnh vực chăm sóc cũng rất quan trọng. Đó là các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý, tham vấn, sử dụng ngôn ngữ trị liệu, tổ chức trò chơi mang tính chất hướng ngoại và trợ giúp khác tại cộng đồng.
Trong điều kiện tại Việt Nam hiện nay, các dịch vụ CTXH tại cộng đồng đang trong quá trình phát triển nên công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ cần thực hiện theo hướng kết hợp giữa cơ sở bảo trợ xã hội, gia đình và cộng đồng. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án về an sinh xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc phòng ngừa số trẻ mắc chứng tự kỷ, giúp các em sớm phục hồi chức năng và hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Cụ thể, trong thời gian tới, công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ cần được thực hiện theo định hướng sau:
Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về hiện trạng cung cấp dịch vụ và nhu cầu của trẻ tự kỷ. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực chăm sóc, trợ giúp, phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ. Trong đó, cần đưa tự kỉ vào danh mục các dạng khuyết tật để có căn cứ cho việc xây dựng chính sách xã hội; thúc đẩy nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù đối với trẻ tự kỉ và gia đình, trong đó ưu tiên 4 chính sách là bảo trợ xã hội, hỗ trợ giáo dục, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng và hỗ trợ các nhu cầu vui chơi giải trí... Đồng thời, thúc đẩy nhanh việc xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác định mức độ khuyết tật với trẻ tự kỷ.
Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị cho cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm CTXH nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ; Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại các trung tâm hoặc cơ sở bảo trợ xã hội; Hỗ trợ các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại các trung tâm hoặc cơ sở bảo trợ xã hội; Tập huấn cho cán bộ, nhân viên CTXH về kỹ năng, phương pháp chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Truyền thông, nâng cao nhận thức về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại cộng đồng.
Nguyễn Thúy Hà
Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-hoa-nghe-cong-tac-xa-hoi-hanh-lang-phap-ly-de-bao-ve-nhom-doi-tuong-yeu-the-va-tre-em-tu-ky-a200312.html