Với sự thay đổi cả về “lượng lẫn chất” của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, việc sửa đổi Luật Chứng khoán hiện hành là yêu cầu cấp bách nhằm chuẩn hoá điều kiện chào bán, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư...
Tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp hơn
Có hiệu lực từ năm 2006, sau 13 năm thi hành, Luật Chứng khoán đã phát huy vai trò và tính hiệu quả, hỗ trợ TTCK có bước tiến rõ nét cả về “lượng lẫn chất”, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, đặc biệt là vai trò huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp.
Theo số liệu từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, nếu như năm 2006, toàn thị trường chỉ có 200 doanh nghiệp, thì tính đến cuối tháng 7/2018, đã có khoảng 1.509 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự đa dạng của hàng hóa trên thị trường là tích cực, tuy nhiên cũng tạo ra sự chênh lệch về quy mô và chất lượng hàng hóa khiến cơ hội của doanh nghiệp ít nhiều bị phân tán.
Ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Luật Chứng khoán hiện hành cùng nhiều văn bản thi hành đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đồng bộ, điều chỉnh mọi hoạt động, đưa TTCK phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề mới phát sinh, có nhiều quy định hiện không còn phù hợp, đòi hỏi Luật Chứng khoán phải sửa đổi nhằm thúc đẩy TTCK phát triển ổn định, bền vững và minh bạch hơn.
Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải tạo khuôn khổ pháp lý thật sự phù hợp, không những tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn cho phát triển kinh doanh; mà quan trọng hơn nữa là bảo vệ quyền lợi, xây dựng lòng tin để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Việc nâng cao điều kiện chào bán, điều kiện phát hành, hay điều kiện đối với công ty đại chúng không có nghĩa là không tiếp tục phát triển thị trường về mặt chiều rộng, mà nên hiểu là chú trọng hơn nữa về phát triển theo chiều sâu, hướng tới một TTCK bền vững, minh bạch.
Tập đoàn Hà Đô cho rằng, việc sửa đổi Luật Chứng khoán là yếu tố tiên quyết tạo nền tảng pháp lý cho hầu hết các hoạt động trên thị trường tài chính - chứng khoán, giúp thị trường trở nên minh bạch hơn.
Giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi gồm 10 chương, 137 điều. Trong đó có những nội dung sửa đổi quan trọng liên quan đến: chào bán chứng khoán, công ty đại chúng, công bố thông tin. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng có nhiều quy định mới đáng chú ý như: nâng cao điều kiện phát hành, nâng cao giá trị cổ phiếu và góp phần giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia góp vốn cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sẽ tăng gấp 3 lần và của doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng cao gấp 30 lần so với luật hiện hành.
Theo dự thảo luật, để được chào bán chứng khoán ra công chúng, doanh nghiệp phải đảm bảo có vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký chào bán tối thiểu 30 tỷ đồng, tăng 3 lần so với mức quy định 10 tỷ đồng của luật hiện hành. Đặc biệt, doanh nghiệp phải có hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Ông Nguyễn Quang Việt cho rằng, quy định trên của dự thảo Luật là phù hợp bởi quy định về vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tại thời điểm đăng ký chào bán chỉ 10 tỷ đồng của Luật hiện hành là quá thấp và không phù hợp với thị trường hiện nay và yêu cầu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi 1 năm là không phù hợp bởi thực tế, có những doanh nghiệp trong nhiều năm trước đó lỗ rất lớn hay hoạt động kinh doanh có nhiều biến động, nên tính ổn định không cao.
Còn theo đại diện Tập đoàn Hà Đô, quy định này đã nâng cao điều kiện phát hành, nâng cao giá trị của cổ phiếu được phát hành ra công chúng, giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp khi góp vốn cho doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng ủng hộ quy định nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng cũng như các sửa đổi về chào bán riêng lẻ và nâng cao điều kiện đối với công ty đại chúng. Tuy nhiên, SSI lưu ý cần cân nhắc về tiêu chí xác định doanh nghiệp cá nhân là doanh nghiệp chứng khoán chuyên nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định, giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết chắc chắn.
“Đây là quy định mới cho thấy nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc quản trị rủi ro trên TTCK khi việc phát hành tràn lan, thu tiền của cổ đông có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ lẻ trên thị trường”, Tập đoàn Hà Đô nhận định.
Như vậy, có thể thấy, với các quy định trên buộc doanh nghiệp phải có đủ năng lực về tài chính và chứng minh được khả năng trả nợ mới được phép phát hành trái phiếu huy động vốn vay trái phiếu trên thị trường, góp phần nâng cao uy tín của các chủ thể tham gia thị trường tài chính.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi và công bố rộng rãi sẽ giúp cho nhà đầu tư tự đánh giá được khả năng Việt Nam sẽ được MSCI và FTSE xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian sắp tới. Khả năng cao Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng được đưa ra trong bản báo cáo định kỳ hàng năm của FTSE và MSCI.
“Điển hình là việc đổi tên Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam thành Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Ngoài ra, quy định về giới hạn 49% tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty hoạt động trong các nhóm ngành nghề không nằm trong quy định bởi pháp luật chuyên ngành hay bởi các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng đã được loại bỏ trong dự thảo Luật Chứng khoán lần này”, BVSC nhận định.
Theo báo Hải quan
Nguồn bài viết: http://antt.vn/sua-luat-chung-khoan-huong-toi-thi-truong-ben-vung-va-minh-bach-258897.htm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sua-luat-chung-khoan-huong-toi-thi-truong-ben-vung-va-minh-bach-a200155.html