Đối tượng mời chủ xe ô tô ăn nhậu say, sau đó lấy ô tô đi cầm cố. Thời điểm hoàn thành của tội phạm tính từ thời điểm đối tượng chiếm đoạt xe hay thời điểm cầm cố, vay tiền? Vấn đề đặt ra vì liên quan đến thẩm quyền giải quyết đơn tố giác tội phạm của công dân.
Ngày 7/7/2017, ông Ngô Ngọc Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đến Công an Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nộp đơn tố cáo đối tượng Nguyễn Công Thức lừa đảo chiếm đoạt chiếc xe ô tô hiệu Chevrolet Colorado 2.8, BKS 29C-524.61. Nội dung trình báo là chiều ngày 28/6/2017, Nguyễn Công Thức là người quen biết, đến nhà ông Sơn chơi và ở lại ăn tối. Khoảng 22 g, Thức mời ông Sơn sang nhà Thức ở Bắc Ninh chơi. Ông Sơn lấy xe ô tô và cùng đi. Thức cầm lái.
Đêm đó, sau khi ca hát và uống nhiều bia rượu bị say, Nguyễn Công Thức đưa ông Sơn về nhà nghỉ Mai Anh trên đường Phố Mới, Từ Sơn, nghỉ tạm. Khoảng 8 g sáng hôm sau, ông Sơn gọi điện thoại cho Thức thì Thức nói là đã dùng xe của ông Sơn đi Lạng Sơn đòi nợ từ 5g sáng và hẹn trong ngày sẽ đem xe về trả. Trên xe có ví và hai chiếc điện thoại của ông Sơn. Sau đó, Thức tắt liên lạc. Đến nay, xe ô tô của ông Sơn bị trao đi, đổi lại thành tang vật trong một vụ án khác.
Ngày 29/10/2018, Công an thị xã Từ Sơn mới ra Thông báo số 1652 về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm, với nội dung tố giác: “Ngày 29/6/2017, tại phố Mới, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Công Thức, sinh năm 1989, trú tại thôn Đông, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, có hành vi mượn chiếc xe ô tô biển số 29C- 524.61 của ông Sơn sau đó chiếm đoạt”.
Quá trình xác minh đã xác định, ngày 30/6/2017 Thức đã cầm cố xe ô tô của ông Sơn để vay 200 triệu đồng. Việc giao dịch cầm cố, vay tiền xảy ra trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong thời gian qua, Cơ quan điều tra đã nhiều lần triệu tập Thức để tiếp tục làm việc nhưng Thức đều vắng mặt không có lý do, không ở nơi cư trú.
Trong quá trình xử lý, giải quyết đơn tố giác tội phạm của ông Sơn, dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của đối tượng đã rõ, nhưng có hai quan điểm về thẩm quyền giải quyết theo quy định tại khoản 4 Điều 163 BLTTHS, cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, đối tượng Nguyễn Công Thức đã dùng xe ô tô thuộc sở hữu của ông Sơn để giao dịch, cầm cố, vay số tiền 200 triệu đồng không có sự đồng ý của chủ xe, sau khi vay được 200 triệu đồng cũng không trả gốc và lãi để lấy xe về trả cho chủ xe, thể hiện dấu hiệu chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành. Do việc cầm cố, vay tiền này xảy ra trên địa bàn huyện Tiên Du nên thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện Tiên Du.
Quan điểm thứ hai không đồng tình với quan điểm thứ nhất. Bởi lẽ thời điểm hoàn thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho kẻ phạm tội. Trong vụ án này, ông Sơn tin tưởng giao chìa khóa xe cho Thức lái, khi có mặt ông Sơn trên xe. Nhưng sáng hôm sau, Thức tự ý lấy xe của ông Sơn đi cầm cố, thì ngay thời điểm đó đối tượng đã hoàn thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do xe đã đưa về đến nhà nghỉ trên địa bàn Từ Sơn, Thức mới chiếm đoạt nên tội phạm xảy ra trên địa bàn Từ Sơn, không phải xảy ra ở nơi đối tượng cầm cố. Ngay trong Thông báo số 1652 cũng đã nêu: “Ngày 29/6/2017, tại phố Mới, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Công Thức… có hành vi mượn chiếc xe ô tô biển số 29C- 524.61 của ông Sơn sau đó chiếm đoạt”. Do đó, thẩm quyền giải quyết thuộc về Cơ quan điều tra Công an thị xã Từ Sơn mới đúng quy định của pháp luật.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Mong bạn đọc xa gần trao đổi.
Theo Tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/theo-don-thu-ban-doc/tham-quyen-dieu-tra-vu-an-lua-dao-chiem-doat-xe-o-to
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tham-quyen-giai-quyet-vu-an-lua-dao-chiem-doat-xe-o-to-a200109.html