Từ vụ bắt Giám đốc Interpol: Tìm hiểu về quy trình Lưu trí và quyền lực của Uỷ ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc

(Pháp lý) - Tối 7.10, Ủy ban Giám sát Nhà nước (NSC), cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của Trung Quốc đã ra thông báo xác nhận Mạnh Hoành Vĩ (65 tuổi), người giữ chức Chủ tịch tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đang bị tạm giữ để điều tra với cáo buộc vi phạm pháp luật. Trước đó, tờ Le Parisien dẫn các nguồn tin tiết lộ chính quyền Trung Quốc đang tạm giữ và thẩm vấn ông Mạnh về nghi án tham nhũng. Theo đó, ông Mạnh bị điều tra về nghi vấn “chống lưng” một công ty để có được hợp đồng với Chính phủ về an ninh mạng.

Việc điều tra Chủ tịch Interpol quả là tin chấn động, không những thế, việc người đứng đầu một tổ chức quốc tế bị lưu giữ theo quy trình của NSC là chưa từng có tiền lệ. Đây là vụ đầu tiên NSC thể hiện quyền lực của mình. Xem ra, Trung Quốc đặt chiến dịch chống tham nhũng lên hàng đầu, quan trọng hơn bất kỳ sức ép nào từ cộng đồng quốc tế.

Chấn động vụ điều tra chủ tịch Interpol

Ngày 8.10, Bộ Công an Trung Quốc ra thông báo cáo buộc Thứ trưởng Bộ này Mạnh Hoành Vĩ (65 tuổi), người giữ chức Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), nhận hối lộ, theo tờ South China Morning (SCMP). Trong thông cáo, Bộ Công an Trung Quốc nhấn mạnh nghi án tham nhũng và vi phạm luật pháp của ông Mạnh đã “gây nguy hiểm nghiêm trọng” cho ngành công an và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bộ Công an Trung Quốc cũng sẽ thành lập một lực lượng để điều tra bất kỳ ai nhận hối lộ cùng với ông Mạnh.

Trước đó, tối 7.10, Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC), cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của Trung Quốc, cũng đã ra thông báo xác nhận ông Mạnh đang bị tạm giữ để điều tra với cáo buộc vi phạm pháp luật, nhưng không cung cấp chi tiết.

Bộ Công an Trung Quốc cho biết ông Mạnh đang bị giam giữ để điều tra hành vi nhận hối lộ. Ảnh: TNS
Bộ Công an Trung Quốc cho biết ông Mạnh đang bị giam giữ để điều tra hành vi nhận hối lộ. Ảnh: TNS)

Bộ Công an Trung Quốc và NSC đưa ra thông báo trên sau khi Interpol hôm 7.10 chính thức đề nghị chính quyền Bắc Kinh cung cấp thông tin về sự mất tích bí ẩn của ông Mạnh.

Theo một bài viết được đăng trên trang Sina.com.cn hôm 8.10, ông Mạnh bị cho là “con hổ” mới trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” của Trung Quốc. Trước đó đã có ít nhất hai dấu hiệu bất thường báo hiệu điều không hay sẽ đến với ông Mạnh. Tháng 12.2017, ông Mạnh bị miễn chức Phó Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia và Cục trưởng Cục Hải cảnh Trung Quốc. Tháng 4.2018, dù vẫn nắm ghế Thứ trưởng, ông Mạnh mất chức trong Đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc. Khi đó, ông Mạnh là quan chức lãnh đạo duy nhất của Bộ Công an không có chân trong Đảng bộ, theo SCMP.

Bài viết trên Sina.com.cn còn lưu ý rằng Thứ trưởng Mạnh từng là cấp dưới của ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và cựu Bộ trưởng Công an. Ông Chu bị tuyên chung thân về tội nhận hối lộ, lạm quyền và làm lộ bí mật quốc gia hồi tháng 6.2015. Ông Mạnh làm trợ lý Bộ trưởng khi ông Chu làm Bộ trưởng Công an (2002 - 2007). Tháng 6.2003, ông Mạnh theo ông Chu trong một chuyến công tác ở tỉnh Chiết Giang và đến tháng 4.2004 thì được thăng chức làm Thứ trưởng rồi giữ chức vụ này cho đến nay.

Trong lúc làm Thứ trưởng Công an Trung Quốc, ông Mạnh được bầu làm Chủ tịch Interpol vào năm 2016 và dự kiến nắm giữ vị trí này đến năm 2020. Ông Mạnh là người Trung Quốc đầu tiên làm Chủ tịch Interpol kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1923.

Một số nhà phân tích đánh giá vụ bắt giữ ông Mạnh sẽ làm tổn hại nỗ lực của Trung Quốc xây dựng thỏa thuận hợp tác với các nước khác về vấn đề thực thi pháp luật và hạn chế cơ hội để quan chức nước này được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế, theo SCMP. Trong khi đó, nhà bình luận chính trị Chương Lập Phàm nhận định Bắc Kinh đã biết rõ những nguy cơ trên trước khi bắt giữ ông Mạnh. Ông Chương cho rằng: “Tôi đoán có việc khẩn cấp đã xảy ra. Đó là lý do họ chọn hành động tức thì như vậy, bất chấp nguy cơ mất thể diện trên trường quốc tế. Nếu ông Mạnh chỉ dính tới một vụ tham nhũng thông thường, nhà chức trách sẽ không cần phải xử lý vụ việc theo cách như vậy”. Tương tự, Giáo sư Dương Đại Lực tại Đại học Chicago (Mỹ) nhận định với tờ The Washington Post rằng ông Mạnh giữ một vị trí quan trọng nếu Trung Quốc muốn tạo ảnh hưởng tới các sự kiện quốc tế nên giới lãnh đạo nước này chắc có những “lý do chính trị quan trọng” để bắt giữ.

Sóng gió khốc liệt sẽ ập đến trước cửa Bộ Công an Trung Quốc?

Theo giới quan sát, tinh thần từ Hội nghị của Bộ Công an Trung Quốc về vụ "ngã ngựa" của Mạnh Hoành Vĩ - một cảnh sát có kinh nghiệm hơn 40 năm trong ngành hình sự, một quan chức đặc biệt - người Trung Quốc đầu tiên trở thành Chủ tịch Interpol đã phát đi thông điệp quan trọng. Theo đó, vụ việc của Mạnh Hoành Vĩ không phải đã đóng lại mà thực chất là mở ra một khởi đầu: Cuộc chiến chống tham nhũng khốc liệt mới trong hệ thống công an Trung Quốc, không có trường hợp ngoại lệ hay nhận được đặc ân trước pháp luật.

Người “săn cáo”, chống tham nhũng, giờ lại trở thành “con cáo bị săn"

Vào tháng 11/2016, tại kỳ họp thứ 85 của Đại hội đồng Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) tổ chức tại Bali, Indonesia, ông Mạnh Hoành Vĩ khi đó là Thứ trưởng Công an Trung Quốc đã được bầu làm Chủ tịch nhiệm kỳ 2016 – 2020. Ông Mạnh sinh năm 1953 tại tỉnh Hắc Long Giang, phía Đông Bắc Trung Quốc, là Chủ tịch người Trung Quốc đầu tiên của tổ chức này. Ông Mạnh tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Đại học Bắc Kinh và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1975.

Ông Mạnh cũng từng giữ nhiều chức vụ trong Bộ Công an Trung Quốc, bao gồm Giám đốc Sở Cảnh sát tuần tra, Tổng Cục trưởng Kiểm soát Giao thông, Trợ lý Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ. Theo thông tin trên trang web chính thức của Interpol, tại thời điểm nhậm chức năm 2016, ông Mạnh đã có gần 40 năm kinh nghiệm trong ngành cảnh sát hình sự, giám sát các vấn đề liên quan đến các tổ chức pháp lý, kiểm soát ma tuý, chống khủng bố, kiểm soát biên giới, nhập cư và hợp tác quốc tế.

Với việc trở thành Chủ tịch của Interpol, ông Mạnh làm việc tại trụ sở của tổ chức này tại Lyon, Pháp và tham dự thường xuyên các cuộc họp chống tội phạm. So với vị trí Tổng Thư ký, ông sẽ ít can thiệp trực tiếp hơn vào các hoạt động của Interpol. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Mạnh cam kết sẵn sàng "làm mọi việc để ngăn chặn các hoạt động phá hoại an ninh thế giới".

Ông Mạnh Hoành Vĩ được bầu làm Chủ tịch Interpol từ tháng 11/2016. Ảnh: Reuters.
Ông Mạnh Hoành Vĩ được bầu làm Chủ tịch Interpol từ tháng 11/2016. Ảnh: Reuters.)

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc thống kê rằng tính tới thời điểm ông Mạnh nhậm chức năm 2016, đã có khoảng 2.020 tội phạm đào tẩu, bao gồm 342 cựu quan chức, được dẫn độ về nước từ hơn 70 quốc gia và khu vực. Số tiền được trả về trong năm 2016 là 2,4 tỷ nhân dân tệ (348 triệu USD).

Theo CNN, với sự hợp tác của Interpol và các nước thành viên, chiến dịch “Săn cáo” đã truy nã và dẫn độ thành công cả những quan chức cấp cao của Trung Quốc như ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an và cựu Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật Trung ương.

Có thể thấy, chiến dịch “ săn cáo” của Trung Quốc đã có những thành công nhất định, đạt được nhiều thành tựu, trong đó có vai trò của ông Mạnh – một trong những người được giao nhiệm vụ “ săn cáo”. Nhưng điều “không ngờ” đã xảy ra…, người “săn cáo” giờ lại trở thành “con cáo bị săn”.

Vào ngày 5/10, cảnh sát Pháp bất ngờ tuyên bố điều tra vụ Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ mất tích. Vợ ông Mạnh, hiện sống ở Lyon, Pháp, đã báo với cảnh sát nước này sau khi mất liên lạc với ông. Theo lời bà Mạnh, vào ngày 29/9, chồng bà trở về Trung Quốc. Sau đó bà nhận được lời tin nhắn cuối cùng cùng biểu tượng con dao qua tin nhắn từ tài khoản mạng xã hội chồng. Ngày 6/10, Interpol đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin về ông Mạnh “thông qua các kênh hành pháp chính thức”. Ngày 8/10, Bộ Công an Trung Quốc có phản hồi chính thức, cho biết ông Mạnh đang bị giam giữ để điều tra hành vi nhận hối lộ. Cảnh sát Trung Quốc cũng sẽ thành lập một đội đặc nhiệm để điều tra những người có liên quan đến ông Mạnh.

 Những kẻ đào tẩu đã bị bắt và dẫn độ về Trung Quốc thông qua chiến dịch "Săn cáo". Ảnh: CCTV
Những kẻ đào tẩu đã bị bắt và dẫn độ về Trung Quốc thông qua chiến dịch "Săn cáo". Ảnh: CCTV)

Việc ông Mạnh trở thành quan chức cấp cao mới nhất bị bắt giữ cho thấy chiến dịch “săn cáo” của Bắc Kinh vẫn chưa dừng lại. Vào tháng 4/2017 Trung Quốc tuyên bố chiến dịch “săn cáo” đã đạt được nhiều thành tựu và sẽ tiếp tục tăng cường “cho tới khi tội phạm tham nhũng nhận ra rằng chạy trốn ra nước ngoài là vô ích”, ông Wang Defu, Giám đốc Công an quận Triều Dương, Bắc Kinh, cho biết.

Tìm hiểu về qui trình Lưu trí và quyền lực của Ủy ban giám sát Nhà nước Trung Quốc

Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập tới nay đã kiến lập một số hình thức cơ chế nội bộ để chống tham nhũng, nhưng rõ ràng, phần lớn chưa có công hiệu về phương diện kiềm chế tham nhũng mang tính hệ thống, trong khi đó Uỷ ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là một cơ cấu chính đảng, không phải là một cơ cấu nhà nước. Trong nhiệm kì đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, Uỷ ban Giám sát Nhà nước được thiết lập và được coi như là một phần của một loạt cải cách hệ thống chống tham nhũng ở Trung Quốc.

Ngày 11/3/2018, Uỷ ban Giám sát Nhà nước ( NSC) Trung Quốc do Hội nghị lần thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá 13 thông qua. Theo đó, NSC Trung Quốc có trách nhiệm phát hiện các hành vi sai trái của khoảng 90 triệu đảng viên Trung Quốc cũng như cán bộ quản lý của các doanh nghiệp nhà nước, bệnh viện, cơ sở giáo dục và văn hóa, thể thao, viện nghiên cứu và cả chính quyền làng xã.

 Mạnh Hoành Vĩ tại một hội nghị ở Nepal tháng 1/2017. Ảnh: Interpol
Mạnh Hoành Vĩ tại một hội nghị ở Nepal tháng 1/2017. Ảnh: Interpol)

Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC), cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc cho rằng ông Mạnh có "hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng".

NSC là một cơ quan nhà nước cấp trung ương, đứng trên các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp như Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Phạm vi hoạt động, quyền hạn và các biện pháp điều tra của NSC được quy định rõ trong Luật Giám sát. Trong thời gian bị giữ, những người này không bị coi là tội phạm nên không bị áp dụng các biện pháp theo quy trình tố tụng hình sự, nhưng quyền tiếp cận luật sư hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của NSC. Hình thức này cho phép NSC ngăn chặn ngay lập tức ý định xuất cảnh của nghi phạm tham nhũng mà không cần thông qua các cơ quan tư pháp khác.

Cơ quan này có quy trình Lưu trí, tức là các điều tra viên có quyền triệu tập thẩm vấn bất cứ cá nhân nào bị nghi ngờ dính líu đến tham nhũng, bao gồm những đối tượng bị tình nghi đưa và nhận hối lộ, theo SCMP. Sau khi thẩm vấn, NSC được phép bí mật giữ nghi phạm tham nhũng trong ba tháng để điều tra và có thể gia hạn thêm ba tháng. Điều tra viên cũng có thể đóng băng tài sản và lục soát nơi ở, nơi làm việc của nghi phạm mà không cần lệnh từ tòa án hay viện kiểm sát.

Quy trình Lưu trí được Trung Quốc coi là biện pháp hiệu quả, hợp pháp để ngăn chặn các cán bộ, đảng viên bỏ trốn hay tẩu tán tài sản, phi tang chứng cứ khi bị tình nghi tham nhũng. Lưu trí là biện pháp cần thiết để các cuộc điều tra chống tham nhũng phát huy hiệu quả.

Theo qui trình này, người bị giữ vẫn được quyền gặp luật sư sau khi được bàn giao cho cơ quan công tố. Tuy nhiên, Nicholas Bequelin, từ tổ chức Ân xá Quốc tế bày tỏ lo ngại NSC có thể lạm dụng quyền hạn và áp dụng các biện pháp cực đoan để buộc nghi phạm nhận tội. "Việc giam hoặc cấm những người bị tình nghi xuất cảnh, đóng băng tài sản của họ cần phải được tiến hành rất thận trọng", Jiang Mingan, giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, nói. "Các điều tra viên phải nắm trong tay các bằng chứng thuyết phục trước khi áp dụng quy trình".

Mạnh Hoành Vĩ từ năm 2016 là Chủ tịch Interpol, cơ quan thúc đẩy hợp tác cảnh sát lớn nhất thế giới với 192 quốc gia thành viên. Vị trí chủ tịch có nhiệm kỳ 4 năm, được bầu bởi Đại hội đồng Interpol - gồm đại diện của tất cả thành viên. "Việc người đứng đầu một tổ chức quốc tế bị lưu giữ theo quy trình này là chưa từng có tiền lệ", Julian Ku, giáo sư Đại học Hofstra, bình luận.

Trong chiến dịch chống tham nhũng mà Trung Quốc phát động từ năm 2012, mọi công dân Trung Quốc, kể cả những quan chức cấp cao đều bị xử phạt nghiêm nếu phát hiện vi phạm pháp luật. Mới đây, Trung Quốc cũng gửi đi một thông điệp nhấn mạnh sự nổi tiếng tầm quốc tế không phải là lá chắn cho công dân Trung Quốc. Trên phạm vi quốc tế, ông Mạnh là Giám đốc Interpol, nhưng trong mắt các nhà chức trách Trung Quốc, ông Mạnh trước hết là công dân Trung Quốc. Vụ bắt giữ ông Mạnh Hoành Vĩ cho thấy Bắc Kinh đặt chiến dịch chống tham nhũng lên hàng đầu, quan trọng hơn bất kỳ sức ép nào từ cộng đồng quốc tế.

Phạm vi giám sát của NSC

1. Nhân viên công vụ của cơ quan Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, cơ quan hành chính, cơ quan Chính hiệp Toàn quốc, cơ quan giám sát, cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát, đảng phái dân chủ và cơ quan Hội Liên hợp Công thương nghiệp toàn quốc Trung Hoa cùng các nhân viên dựa theo "Luật nhân viên công vụ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa" quản lí ;

2. Nhân viên giữ việc công vụ trong tổ chức do pháp luật, văn bản pháp quy trao quyền hoặc được cơ quan nhà nước dựa theo pháp luật mà uỷ thác quản lí sự vụ công cộng ;

3. Nhân viên quản lí doanh nghiệp thuộc về nhà nước ;

4. Nhân viên làm nghề quản lí trong các đơn vị như giáo dục công lập, nghiên cứu khoa học, văn hoá, vệ sinh y tế, thể dục, v.v

5. Nhân viên làm nghề quản lí sự vụ tập thể có tính quần chúng tập thể cơ bản ;

6. Nhân viên khác thi hành công vụ dựa theo pháp luật.


Chức năng chủ yếu của NSC

1. Duy trì bảo hộ Hiến pháp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và pháp quy pháp luật ;

2. Giám sát tình hình nhân viên công chức sử dụng quyền lực công dựa theo pháp luật, điều tra chức vụ trái phép và chức vụ phạm tội ; Theo đó, cơ quan giám sát tiến hành điều tra về các loại chức vụ trái phép và chức vụ phạm tội như có hiềm nghi dính líu đến tham ô hối lộ, dùng chức quyền bừa bãi, khinh thường và chểnh mảng chức vụ và đức hạnh, tìm kiếm và cho thuê quyền lực, vận chuyển lợi ích, mưu đồ việc riêng mà làm việc lừa gạt gian trá, và lãng phí tiền bạc của cải nhà nước. Sau đó, đem kết quả điều tra chuyển cho cơ quan kiểm sát để đưa lên công tố.

3. Khai triển "Xây dựng liêm chính tác phong của Đảng Cộng sản Trung Quốc" và công tác chống tham nhũng.

Lê Phúc

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-vu-bat-giam-doc-interpol-tim-hieu-ve-quy-trinh-luu-tri-va-quyen-luc-cua-uy-ban-giam-sat-nha-nuoc-trung-quoc-a199867.html