(Pháp lý) - Thượng tôn pháp luật là nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Nhân ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), Luật gia Vũ Lê Minh gửi đến bạn đọc một góc nhìn sâu hơn về việc thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay.
“Quân pháp bất vị thân”
Không thể nói rằng một xã hội thượng tôn pháp luật khi mà các công dân của nước đó bị phân biệt đối xử trước pháp luật. Do đó, bình đẳng trước pháp luật phải là một trong các tiêu chuẩn tiên quyết của việc thượng tôn pháp luật. Vào thế kỷ XIX, một luật gia, một nhà Hiến pháp học người Anh nổi tiếng là A.V. Dicey đã viết: “Không một ai vượt trên được luật pháp, mỗi người dù ở bất cứ cấp bậc hay địa vị nào đều phải tuân theo luật pháp của quốc gia và phải phục tùng quyền tài phán của các tòa án. Bất kể là một quân nhân hay giáo sĩ, nếu có được miễn những nghĩa vụ pháp lý thông thường nhờ địa vị của họ, thì họ vẫn không thể trốn tránh được những nghĩa vụ của một công dân bình thường”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ rất sớm đã rất quan tâm đến việc xây dựng và kiến tạo nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tinh thần thượng tôn pháp luật của Người được thể hiện tập trung ở hai khía cạnh: Chú trọng xây dựng nền pháp chế của nước nhà; và thực thi nghiêm chỉnh pháp luật trong hành động và cư xử của mình. Với Người, dù là một Chủ tịch Nước hay một công dân, pháp luật luôn luôn phải được thượng tôn. Người không bao giờ đặt ra những biệt lệ cho cá nhân mình. Còn nhớ một kỷ niệm, đó là vào năm 1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đảng họp ở Việt Bắc, sau khi họp xong, Người về nơi nghỉ của mình, người chiến sĩ công an được phân công canh gác không nhận ra Người (vì Bác ăn mặc quá giản dị), nên đã yêu cầu Người cho xem giấy ra vào. Người vui vẻ yêu cầu đồng chí bảo vệ trực tiếp của mình đi tìm chỉ huy để lấy giấy ra vào và trình cho chiến sĩ gác nhà.
Thế hệ chúng ta và con cháu sau này khi nhắc đến tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ mãi không thể nào quên sự kiện Người đặt bút phê án tử hình đối với hai cán bộ cao cấp. Đó là Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu, ăn chặn của bộ đội trong lúc đời sống của bộ đội kháng chiến chống Pháp đang rất thiếu thốn, để tiêu xài xa phí cho đám cưới cá nhân. Đó là Nguyễn Việt Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp phạm tội ám hại vợ.
Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật là mọi cá nhân, pháp nhân, đều có quyền khởi kiện cơ quan Nhà nước (hoặc quan chức Nhà nước), khi có căn cứ cho rằng việc ban hành chính sách, quyết định, hay thực thi pháp luật của cơ quan công quyền vi hiến hoặc phạm luật, không bảo đảm hay xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay của công dân (hoặc tổ chức). Với ý nghĩa bình đẳng trước pháp luật, tất cả các công dân đều ngang quyền với cán bộ nhà nước. Không thể có chuyện, mọi vi phạm của người dân đều bị trừng trị, còn mọi vi phạm của cơ quan Nhà nước (hoặc của quan chức nhà nước) được cho qua.
Đứng trước toà, mọi người đều có quyền, nghĩa vụ như nhau, từ bị cáo từng có quyền cao, chức trọng, là người đứng đầu đơn vị hay người chỉ là cán bộ, nhân viên thường. Chuyện một Đinh La Thăng (từng là cán bộ cấp cao) kêu khó khăn của phòng tạm giam (chật chội, phương tiện thiếu thốn, giam chung với tội phạm ma tuý, trật tự xã hội… hay việc phải mang còng, chịu sự giám sát của các chiến sĩ công an) là một thực tế, thể hiện sự bình đẳng trước pháp luật, không có sự ưu ái hay nương nhẹ, tất cả đều thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Nghiêm minh về pháp luật đòi hỏi phải công bằng trong thực thi về pháp luật. Tức là không được “nhẹ trên nặng dưới”, “quan thì xử nhẹ, dân thì xử nặng”. Đối với các biện pháp khác cũng thế. Gần đây, Đảng và Nhà nước đã đưa ra xét xử một số vụ tham nhũng có liên quan đến một số cán bộ cao cấp, làm cho nhân dân bớt đi phần nào bức xúc “chỉ đánh từ vai đánh xuống”. Nhưng đâu đó, vẫn có không ít trường hợp cán bộ tham nhũng lẽ ra phải đưa ra xử lý nghiêm, thì lại phải bàn lên bàn xuống rất nhiều lần. Mà quên đi lời nói của Bác: “tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó, còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”. Vậy có nên vì “cứu” một người, một số ít người mà để mất lòng tin của dân không? Không nên chút nào, vì mất lòng tin là mất tất cả.
Khi chính quyền thượng tôn pháp luật…
Giáo sư luật học Shen khẳng định: “Để đạt tới công lý, thì ta phải áp dụng một cách nhất quán các luật lệ và thủ tục đã tạo nên hệ thống”. Một chính quyền chỉ được coi là thượng tôn pháp luật khi nó bị ràng buộc bởi pháp luật hiện hành. Chính như Louis XIV, vị vua được ví là hình mẫu của một nhà độc tài chuyên chế, có triều đại cai trị dài nhất châu Âu, cũng từng tuyên bố: “Để mang lại hạnh phúc tối thượng cho một vương quốc, thì các thần dân phải tuân theo quốc vương và chính vị quốc vương ấy phải tuân theo pháp luật”.
Cách đây hàng trăm năm, từ thế kỷ thứ XV, với việc ban hành Bộ luật Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta. Điều đó chứng tỏ, quan điểm về Nhà nước gắn liền với pháp luật không phải bây giờ mới được nhắc đến. Đến thời đại chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là Nhà nước kiểu mới và giải thích: Chế độ pháp trị chính là chế độ trong đó pháp luật được đề cao, được tôn trọng và triệt để tuân theo. Nếu có dấu hiệu phạm tội thì bất kể ai đều phải bị khởi tố, không có trường hợp nào là đặc biệt và ngoại lệ. Từ những ngày đầu xây dựng Nhà nước, Người đã nêu quan điểm: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Không phải ngẫu nhiên trong ngày tuyên thệ nhậm chức tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp mạnh mẽ: “Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật”. Trong giai đoạn đất nước đang hội nhập sâu rộng, nền kinh tế nhiều thành phần mà Việt Nam đang theo đuổi đã và đang tạo ra những mặt trái khôn lường, thì nguyên tắc này càng là thông điệp đúng đắn để vận dụng. “Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương… Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhà nước phải thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật bởi vì pháp luật là phương tiện, công cụ quan trọng để duy trì, bảo vệ trật tự xã hội, tạo điều kiện và định hướng cho sự phát triển xã hội. Đặc biệt đối với Đảng cầm quyền thì pháp luật chính là phương tiện mà thông qua đó Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Dưới hình thức pháp luật, đường lối chính sách của Đảng sẽ được triển khai thực hiện nhanh, chính xác và có hiệu quả cao trên quy mô toàn xã hội. Bằng pháp luật, Nhà nước quy định các quyền, tự do dân chủ của nhân dân. Và ngược lại dựa vào pháp luật, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.
Có thể kể ra nhiều vụ việc, nhiều lĩnh vực “điển hình” của việc không tuân thủ pháp luật, hoặc pháp luật bị “bẻ cong” đã tác động xấu đến tính nghiêm minh của nền pháp chế XHCN, gây xói mòn lòng tin của nhân dân. Song, điều đáng mừng là chúng ta đã nhận ra và đặt ra những quyết tâm mới để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi vi phạm pháp luật. Với quyết tâm của người đứng đầu cơ quan hành pháp, của Chính phủ nhiệm kỳ mới đã và đang bước đầu tạo dựng được sự hứng khởi trong đời sống xã hội. Cử tri và nhân dân đang kỳ vọng vào một Chính phủ minh bạch, liêm chính, kiến tạo, năng động và thực hiện giải pháp “nêu gương” tuân thủ pháp luật. Một chính quyền thượng tôn pháp luật sẽ dễ dàng được người dân tôn trọng và phục tùng, bởi họ tin rằng chính quyền này có khả năng đảm bảo công lý cho họ.
Đã đến lúc cần một cuộc cách mạng trong nhận thức, tư tưởng và hành động của mỗi người, trước hết là cán bộ công chức về tinh thần thượng tôn pháp luật; xử lý nghiêm minh những cán bộ quan chức thoái hóa biến chất vi phạm pháp luật; làm cho bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở trong sạch thực sự và nhân dân được cất lên tiếng nói bình đẳng của mình với tư cách là người chủ của đất nước. Người dân ở bất cứ xã hội nào cũng đều luôn luôn cần một môi trường luật pháp rành mạch, công minh và vững chắc để được bảo vệ an toàn.
Yêu cầu thượng tôn Hiến pháp và luật
Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”. Với các quy định này, yêu cầu thượng tôn Hiến pháp và pháp luật theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng và Nhà nước ta phát triển đầy đủ và hoàn thiện hơn.
LG. VŨ LÊ MINH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhan-ngay-phap-luat-viet-nam-911-ban-ve-viec-thuc-hien-nguyen-tac-thuong-ton-phap-luat-a199794.html