(Pháp lý) - Nhiều ý kiến cho rằng: Chống tham nhũng muốn hiệu quả thì về mặt khách quan cần hệ thống pháp luật hoàn thiện; về mặt chủ quan, cần “bàn tay sạch” và không có vùng cấm. Và yếu tố tiên quyết là cán bộ thuộc các cơ quan chống tham nhũng phải là những người có “bàn tay sạch”. Trong tình hình hiện nay, để giảm thiểu tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thì việc kiểm soát quyền lực đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, đó là kiến nghị của Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TANDTC).
Là người đặc biệt trăn trở về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, PGS.TS Trần Văn Độ liệt kê nhiều “điều kiện” để một số người tiến hành tố tụng có thể lợi dụng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Ví dụ như các quy định mang tính tùy nghi, có hai dạng quy định tùy nghi: 1. quy định cho phép người tiến hành tố tụng, nhất là Thẩm phán, Hội thẩm có thể áp dụng hay không áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội; 2. quy định một phạm vi tương đối rộng cho phép áp dụng, nhất là trong chế tài các quy phạm quy định về tội phạm. Việc áp dụng chế định tùy nghi này chủ yếu do đánh giá chủ quan của người tiến hành tố tụng. Ví dụ: khoản 4 Điều 8 BLHS quy định không phải là tội phạm đối với hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể; Điều 25 BLHS về miễn trách nhiệm hình sự; Điều 47 BLHS quy định về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của luật; Điều 54 BLHS về miễn hình phạt; Điều 60 BLHS về án treo...
Theo PGS.TS Trần Văn Độ thì các chế định tùy nghi, một mặt tạo điều kiện cho cơ quan, người tiến hành tố tụng linh hoạt trong áp dụng pháp luật, cá thể hóa trách nhiệm hình sự phù hợp với từng trường hợp khác nhau trong thực tiễn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ những trường hợp do những động cơ khác nhau, kể cả tham nhũng, tiêu cực mà cơ quan, người tiến hành tố tụng đã lợi dụng những chế định đó để ra những quyết định thiếu hợp lý, không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Vì vậy, quy định tùy nghi trong pháp luật hình sự là điều tất yếu. Tuy nhiên, quy định tùy nghi chỉ trong những điều kiện cần thiết. Đồng thời, những quy định đó cần được thể hiện chặt chẽ về điều kiện áp dụng, lôgic về mặt kỹ thuật để đảm bảo được nhận thức và áp dụng thống nhất, không bị lợi dụng để tiêu cực;
Một số chế định thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự là những quy định mang tính nhân đạo cao, tạo khả năng “mở” cho Tòa án áp dụng nhằm hạn chế đến mức thấp tính cưỡng chế trong các biện pháp trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn đảm bảo tính giáo dục, tính phòng ngừa của pháp luật hình sự nói chung, biện pháp trách nhiệm hình sự nói riêng. Tuy nhiên, những quy định trên của BLHS mang tính “hai mặt”. Thực tiễn cho thấy rằng, không ít những trường hợp cơ quan, người tiến hành tố tụng đã lạm dụng các quy định này; trong đó có những trường hợp vì động cơ tiêu cực.. Cụ thể là các quy định của BLHS như miễn trách nhiệm hình sự (Điều 25), miễn hình phạt (Điều 54), quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của luật (Điều 47), án treo (Điều 60), miễn chấp hành hình phạt (Điều 57), hoãn chấp hành hình phạt tù (Điều 61), tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 62)... Đã có những trường hợp áp dụng khoản 4 Điều 8 để không quyết định khởi tố vụ án hình sự; áp dụng Điều 25 để miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án thiếu căn cứ; áp dụng Điều 47 để quyết định hình phạt quá nhẹ đối với người phạm tội; áp dụng án treo thiếu căn cứ theo Điều 60...
Đồng thời, trong BLHS, hệ thống hình phạt được quy định tương đối phong phú bao gồm các hình phạt đặc biệt nghiêm khắc như tử hình, tù chung thân, đến hình phạt tù và các hình phạt không phải tù. Tính chất của cưỡng chế trong các hình phạt cũng khác nhau như tước quyền sống, tước tự do, hạn chế quyền về tài sản hoặc một số quyền khác. Hệ thống hình phạt như vậy được quy định nhằm đảm bảo cho việc phân hóa trách nhiệm hình sự, cá thể hóa hình phạt, thực hiện nguyên tắc nhân đạo, đường lối xử lý nghiêm trị kết hợp với khoan hồng, thực hiện mục đích “không chỉ nhằm trừng trị, mà còn cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội”... Vì vậy, trong phần các tội phạm của BLHS, chế tài lựa chọn được quy định rất phổ biến dù đó là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng… nên việc quyết định hình phạt phụ thuộc rất nhiều vào các cán bộ tư pháp, và đây cũng chính là kẽ hở để người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng để xảy ra tình trạng tham nhũng trong chính các cơ quan tư pháp.
Tương tự trong hoạt động thanh tra, nhiều quy định liên quan đến quy trình thanh tra có thể tạo điều kiện cho tham nhũng phát sinh.
Hiện nay, quy trình phát hiện xử lý tội phạm tham nhũng thông thường là phát hiện qua Thanh tra chuyển Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát xem xét, khởi tố. Quy trình này hiện có nhiều bất cập. Quy trình này cũng tạo điều kiện cho người phạm tội “che chắn”, đối phó, tiêu huỷ chứng cứ, tẩu tán tài sản… gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và nhất là thi hành án để thu hồi tài sản tham nhũng. Bất cập của quy trình và kẽ hở của pháp luật có thể “giúp” cán bộ thanh tra cấu kết với tội phạm làm tham nhũng nảy sinh ở chính cơ quan chống tham nhũng.
Đặt câu hỏi về trách nhiệm giám sát cần được đặt ra thế nào để ngăn ngừa tham nhũng trong các cơ quan tư pháp? PGS.TS Trần Văn Độ cho rằng: Trong tư pháp, thì sự giám sát của chính người bị ảnh hưởng bởi quyền và lợi ích là sự giám sát tốt nhất. Khi thấy tòa xử sai sót, thiên vị thì các bên có quyền kháng cáo. Vụ án hình sự, xử nặng thì bị cáo kêu, xử nhẹ thì bị hại kêu. Tuy nhiên ở cơ quan chống tham nhũng khác như Thanh tra, Kiểm toán thì sự giám sát vừa qua không thật hiệu quả. Cơ quan thanh tra là cơ quan trực thuộc Chính phủ, cũng là cơ quan hành pháp. Họ giám sát chính mình thì e rằng không hiệu quả. Nhiều vụ việc nổi cộm trước đây, thanh tra bị vô hiệu bởi chỉ coi đó là việc làm của nội bộ.
Kiến nghị về biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng ở các cơ quan tư pháp, PGS.TS Trần Văn Độ cho rằng: Cần hoàn thiện pháp luật về nội dung (như BLHS) và tố tụng (như Bộ luật TTHS). Quy định và chế tài cần nghiêm khắc hơn đối với các tội liên quan đến hoạt động tư pháp.
Và để chống tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, tới đây cần phải có giải pháp kiểm soát triệt để quyền lực ở các cơ quan đặc biệt quan trọng này.
Phan Tĩnh (ghi)