Lo sợ khách hàng rút vốn ồ ạt, không đảm bảo tính thanh khoản của Ngân hàng, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á – Trần Phương Bình đã đưa ra chủ trương đồng thời chỉ đạo cấp dưới tổ chức thực hiện chi lãi ngoài trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hậu quả gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho DAB.
Đưa cả người thân vào việc mua "khống" cổ phần
Trong quá trình quản lý về tổ chức và hoạt động đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (viết tắt là DAB), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hiện thấy có sai phạm nên đã tiến hành thanh tra hoạt động của DAB.
Đến nay, các cơ quan tố tụng xác định được ông Trần Phương Bình (SN 1959, ở TP Hồ Chí Minh) với vai trò là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, là đối tượng chính đã thực hiện các hành vi: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái luật Kế toán, luật Các tổ chức tín dụng và Điều lệ DAB trong quá trình chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ, tín dụng, đầu tư tại DAB.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, Trần Phương Bình cùng với các nhân viên trong DAB và những người liên quan thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho DAB tổng số 3.608.715.937.396 đồng. Các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng Ngân hàng TMCP Đông Á tại thời điểm ngày 31/12/2015 lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Để có tiền mua hơn 74 nghìn cổ phần DAB, từ năm 2007 đến năm 2014, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến (SN 1958, nguyên Phó Tổng giám đốc, thành viên HĐQT DAB) và các nhân viên dưới quyền lập hàng loạt các phiếu thu tiền khống đứng tên Trần Phương Bình và người thân mua cổ phần DAB. Ông này còn đưa cả vợ và 2 con gái vào việc làm phạm pháp của mình nhằm chiếm đoạt hơn 1.160 tỷ đồng trong việc mua số cổ phần trên.
Tại cơ quan điều tra, Trần Phương Bình đã thừa nhận chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở, kiêm Thủ quỹ) lập phiếu thu tiền khống để sở hữu cổ phần DAB, xuất quỹ DAB bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán tiền mua cổ phần.
Có lời khai tại cơ quan điều tra, vợ con của Trần Phương Bình khai họ không ký vào chứng từ nộp tiền, không nộp tiền mua cổ phần. Về số tiền mua cổ phần DAB, họ không biết Bình sử dụng từ nguồn tiền nào để mua.
Chi lãi ngoài trái quy định của Ngân hàng Nhà nước
Ngoài hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của DAB, Trần Phương Bình và đồng phạm còn bị truy tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 467 tỷ đồng trong việc chi lãi ngoài để huy động vốn.
Cụ thể, ngày 03/3/2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2011/TT-NHNN về việc quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam: “Tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam không vượt quá 14%/năm”.
Tại DAB xuất hiện hiện tượng khách hàng ồ ạt rút vốn. Phòng Nguồn vốn DAB tìm hiểu lý do, được biết khách hàng rút tiền gửi tại DAB để gửi tổ chức tín dụng khác với mức lãi suất cao hơn.
Do vậy, Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến và Nguyễn Thị Ái Lan (Giám đốc phòng Nguồn vốn) đã thống nhất phương án DAB phải chi lãi suất ngoài lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước để huy động vốn, tránh tình trạng khách hàng rút tiền gửi ồ ạt, đảm bảo tính thanh khoản của toàn ngân hàng. Chủ trương này được phổ biến đến các đơn vị kinh doanh trong toàn hệ thống DAB bằng các hình thức: Họp trực tiếp triển khai, họp trực tuyến, email, điện thoại…
Để thực hiện chủ trương này, Nguyễn Thị Kim Xuyến trực tiếp chỉ đạo và giao cho Nguyễn Thị Ái Lan thông báo cho các đơn vị kinh doanh số điện thoại để nhắn tin thỏa thuận việc chi lãi suất ngoài.
Khi có khách hàng gửi tiền tiết kiệm có đề nghị trả mức lãi suất cao hơn mức lãi suất theo quy định của NHNN, lãnh đạo đơn vị kinh doanh của DAB nhắn theo cú pháp: {mã đơn vị kinh doanh} {số CIF (mã số khách hàng)} {kỳ hạn gửi} {số tiền gửi} {số G (lãi suất ngoài)}; sau đó gửi đến số điện thoại đã được thông báo.
Nếu Hội sở đồng ý mức lãi suất theo yêu cầu của khách hàng thì nhắn tin trả lời “đồng ý” cho đơn vị kinh doanh; nếu không đồng ý thì nhắn là “không đồng ý” hoặc “cao quá” và yêu cầu hạ mức lãi suất cho tới khi đạt được thỏa thuận, nếu không đạt được thỏa thuận thì khách hàng sẽ rút tiền gửi nơi khác.
Về nội dung này, tại cơ quan điều tra, ông Trần Phương Bình đã thừa nhận mình là người đưa ra chủ trương cũng như chỉ đạo cấp dưới tổ chức thực hiện chi lãi suất ngoài trái quy định của NHNN, gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 476 tỷ đồng.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/he-lo-nguyen-nhan-ong-tran-phuong-binh-gay-thiet-hai-hang-tram-ty-dong-cho-dab-a408704.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/he-lo-nguyen-nhan-ong-tran-phuong-binh-gay-thiet-hai-hang-tram-ty-dong-cho-dab-a199722.html