(Pháp lý) - Nhiều hành vi tham nhũng được Luật PCTN (sửa đổi) xác định rõ ràng, tuy nhiên lại chưa được xác định là một tội danh trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, một số Đại biểu Quốc hội và chuyên gia pháp luật hình sự cho rằng, để không bỏ sót và tăng tính răn đe đối với tội phạm tham nhũng, đồng thời đảm bảo tính tương thích trong hệ thống pháp luật, thì cần thiết phải bổ sung một số tội danh trong nhóm các tội phạm về tham nhũng vào BLHS.
Nhiều tội danh còn chưa được “gọi tên”?!
Trong dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) hiện các hành vi tham nhũng được xếp trong điều 2 như: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Thạc sĩ Quách Đình Lực cho rằng: Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về PCTN. Việc phê chuẩn Công ước quốc tế về Phòng, chống tham nhũng được xem là quyết định quan trọng thể hiện những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong hoạt động PCTN. Tuy nhiên theo ông Lực, nội dung Quyết định phê chuẩn Công ước cũng đưa ra Tuyên bố của Việt Nam trong việc không bị ràng buộc và không áp dụng trực tiếp các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp tại Điều 20 của Công ước này. Đây là một “lỡ hẹn” đáng tiếc. Việc không thể chế trong BLHS quy định về tội danh làm giàu bất chính khiến luật pháp vẫn có những kẽ hở, tạo điểm “núp” an toàn cho quan tham.
Hiện các tội danh tham nhũng được quy định tại các Điều 353, 354, 355, 356, 357, 358, 359 của BLHS 2015 sửa đổi 2017. Tuy nhiên theo ý kiến của ông Lực thì còn một số hành vi tham nhũng khác chưa được quy định thành tội danh trong Bộ Luật hình sự như: Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; Cản trở, can thiệp trái luật vào kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. Từ quan sát và nghiên cứu thực tế, vị chuyên gia này cho rằng, để có thể xử lý được tài sản quan chức, cần sửa đổi Bộ luật Hình sự và các quy định pháp luật liên quan.
Cùng băn khoăn về vấn đề trên, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự, TAND Tối cao cho biết: Theo thông lệ quốc tế thì mọi hành vi tham nhũng đều bị xử lý hình sự, thái độ của các nhà nước đều rất quyết liệt. Do đó, ông Đinh Văn Quế kiến nghị: BLHS 2015 cần bổ sung thêm 5 tội danh về tham nhũng liên quan đến các hành vi tham nhũng mới cụ thể như sau:
Các hành vi: Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi chỉ được BLHS hiện nay coi là tình tiết định khung tăng nặng trong một số tội cụ thể thì tới đây khi sửa đổi, bổ sung không nên quy định là tình tiết định khung tăng nặng nữa mà cần xác lập thành tội danh riêng biệt trong nhóm các tội phạm tham nhũng với tên gọi: “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ” và “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước”.
Tiếp đó, hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi cũng cần được quy định thành tội “Nhũng nhiễu vì vụ lợi” trong BLHS. Điểm g khoản 2 Điều 354 BLHS 2015 quy định hành vi “sách nhiễu” là tình tiết định khung tăng nặng của tội Nhận hối lộ. Tuy nhiên nhũng nhiễu có nội dung rộng hơn sách nhiễu. Do đó, việc BLHS bỏ qua hành vi “nhũng nhiễu vì vụ lợi” là chưa hợp lý.
Theo quy định của Luật PCTN thì hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi cũng là hành vi tham nhũng. Mặc dù hành vi này đã được quy định trong BLHS 2015 với các dạng như: “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao” gây ra các hậu quả nhất định ở tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360); “cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác” ở tội đào nhiệm (Điều 363); tội không truy cứu TNHS người có tội (Điều 369); tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn (Điều 376); tội không thi hành án (Điều 379); tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu (Điều 383). Nếu vì vụ lợi mà “không thực hiện nhiệm vụ, công vụ” ở các dạng hành vi nói trên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh tương ứng. Tuy nhiên còn rất nhiều trường hợp vì vụ lợi mà “không thực hiện nhiệm vụ, công vụ” nhưng không thuộc các trường hợp được mô tả tại các tội danh kể trên. Do đó, vẫn cần phải quy định tội “không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” mới có căn cứ để xử lý các trường hợp bị “bỏ sót”. Có như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu của việc phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này.
Cuối cùng, Luật PCTN quy định hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi…là hành vi tham nhũng. Tuy nhiên BLHS xác định chỉ hành vi bao che cho người có hành vi phạm tội mới bị xử lý hình sự là quá hẹp. Vì vậy, cần quy định một tội danh riêng biệt “Bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật” để điều chỉnh tất cả các hành vi bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi chứ không chỉ bó hẹp ở người có hành vi phạm tội.
Tham nhũng quyền lực hậu quả nặng hơn tham nhũng kinh tế, nhưng chưa bị xử lý hình sự?
Thời gian qua, nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng trong bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ bị “phanh phui” gây bức xúc trong dư luận. Từ thực tế đó, một số chuyên gia pháp luật đã đặt vấn đề: cần thiết phải quy định trong BLHS các tội danh độc lập liên quan đến các sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ. ĐBQH Lê Thanh Vân cũng cho rằng, tình trạng bổ nhiệm người nhà xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua diễn ra rất nhiều khiến dư luận rất bức xúc.
Để chống tình trạng này, trước hết cần xây dựng một bộ tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh để làm sao cho những ai tài hèn đức mọn thấy bộ tiêu chí ấy thì không muốn, không dám và không thể tiếp cận được, dùng tiền cũng không mua được. Thứ hai, cơ chế tiến cử, đề cử phải gắn với trách nhiệm. Phải trừng trị những người nào đề cử, tiến cử, bổ nhiệm nhầm người, gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là những khung hình phạt răn đe để người ta thấy được quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân trao cho họ. Quyền lực ấy không thể lạm dụng được, không thể biến của công thành của tư được.
Hiện nay khi bổ nhiệm nhầm người, lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ mới chỉ trừng trị bằng kỉ luật đảng và biện pháp hành chính. Vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ tới đây phải bị trừng trị nghiêm khắc hơn. Đã nhiều lần vị đại biểu này đề nghị, coi hành vi lạm dụng quyền lực là tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực hậu quả nặng hơn tham nhũng kinh tế và phải bổ sung tội “Lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ” vào BLHS, ĐBQH Lê Thanh Vân thẳng thắn kiến nghị.
Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng: trong công tác tổ chức cán bộ, nếu người có chức vụ, quyền hạn có hành vi nhận tiền để chạy chức, chạy quyền thì có thể bị xử lý về tội Nhận hối lộ. Nhưng trên thực tế còn có rất nhiều vụ tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển chỉ chứa đựng yếu tố “quan hệ”, “hậu duệ” hoặc đổi quan hệ này được quan hệ khác…rất khó xử lý. Nếu đối chiếu các trường hợp này với các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lạm quyền trong khi thi hành công vụ thì cũng chưa thật sự thỏa mãn vì hai tội này đòi hỏi phải gây ra những thiệt hại nhất định. Trong khi đó không phải mọi trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ sai phạm đều gây ra hậu quả có thể nhìn thấy ngay được. Đó chính là “lỗ hổng” pháp luật mà theo ông Vũ Quốc Hùng, BLHS cần “lấp” bằng cách bổ sung một số tội danh riêng biệt liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, chỉ cần có hành vi cố ý làm sai là có thể xử lý, không đòi hỏi phải có hậu quả.
Với kinh nghiệm hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực pháp luật hình sự, ông Vũ Đức Khiển – nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất: “Cần tách các hành vi nhận hối lộ trong công tác tổ chức cán bộ thành một tội danh riêng trong BLHS. Đồng thời bổ sung một số tội danh cụ thể tương ứng với các hành vi vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ”. Theo đó, có thể xác lập một số tội danh mới như: Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ sai quy trình; tội nhận hối lộ trong công tác tổ chức cán bộ; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ;… “Nếu có thể bổ sung được những tội danh này vào BLHS, quốc nạn tham nhũng sẽ phần nào được đẩy lùi”, ông Vũ Đức Khiển nhấn mạnh.
Hoàn thiện pháp luật hình sự để chống tham nhũng trong khu vực tư
Hiện dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước và xây dựng cơ chế thanh tra, kiểm tra công tác PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước đảm bảo chặt chẽ về căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra để tránh bị lạm dụng, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Theo đó, tham nhũng là hành vi trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc công vụ, nhiệm vụ đó để vụ lợi cá nhân, làm thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Và tham nhũng trong khu vực tư theo hướng “Tham nhũng trong khu vực tư là những hành vi hối lộ hoặc bất kỳ một hành vi nào khác của những người được giao thực hiện một trách nhiệm nào đó trong khu vực tư nhân, nhưng đã vi phạm trách nhiệm được giao để thu bất kỳ một thứ lợi ích bất hợp pháp nào cho cá nhân hoặc cho người khác”.
Theo Thạc sĩ – Luật gia Lê Quang Kiệm cho rằng để hiệu quả hơn trong việc PCTN trong lĩnh vực tư thì cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng: Hình sự hóa một số hành vi tham nhũng trong khu vực tư cũng như hành vi hối lộ các tổ chức quốc tế hoặc của các công chức trong các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, làm cơ sở cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử những hành vi này. Xây dựng lộ trình thích hợp nhằm quy định là tội phạm đối với hành vi “làm giàu bất hợp pháp”; quy định pháp nhân chịu trách nhiệm với những hành vi tham nhũng “tập thể” hoặc “nhóm lợi ích” đang có xu hướng xuất hiện ngày càng phổ biến hiện nay.
Trong các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư thì hành vi “giao dịch nội gián” ở nhiều thị trường tài chính trên thế giới có thể bị xử phạt rất nặng (thậm chí bị truy tố hình sự) nhưng tại Việt Nam thì được gọi là sử dụng thông tin nội bộ và bị xử phạt vài chục triệu đồng, trong khi khoản lợi bất chính mà cá nhân vi phạm nhận được lên đến hàng tỷ đồng thì không bị thu hồi. Bởi vậy, pháp luật hình sự cũng cần thể chế hợp lý để điều chỉnh hoạt động này.
Phan Tĩnh