Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác cải cách thể chế của Bộ Tài chính luôn được gắn với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính, qua đó hệ thống pháp luật tài chính đã có bước hoàn thiện quan trọng với số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
“Với nhiều cách làm sáng tạo như một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định và một thông tư sửa nhiều thông tư, có nhiều văn bản đã tác động mạnh mẽ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ sở pháp lý để đơn giản hoá thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, hiện đại hoá quản lý, qua đó đã từng bước chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm (tuy có tăng áp lực, trách nhiệm lên cơ quan quản lý nhưng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp), cũng như minh bạch thông tin, quy trình, thủ tục để triển khai thực hiện”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội 14 dự án luật; 4 nghị quyết của Quốc hội, 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 99 nghị định, 109 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 1.104 thông tư, thông tư liên tịch.
Từ năm 2016 đến nay (tính đến ngày 2/10/2018), Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội 4 dự án luật; 3 nghị quyết của Quốc hội, 5 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 111 nghị định, 28 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 551 thông tư.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các yêu cầu về cải cách TTHC như: Gắn công tác cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh với công tác cải cách thể chế; Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC theo quy định của pháp luật ngay từ khâu dự thảo; Chủ động rà soát, cắt giảm và nâng cao chất lượng TTHC trong lĩnh vực tài chính, nhất là TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp; Công khai, minh bạch tất cả các TTHC.
Nhờ đó, cải cách thủ tục hành chính đã đạt nhiều kết quả. Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát cắt giảm 248 thủ tục hành chính và đơn giản hóa đối với 962 thủ tục hành chính.
Qua đó, đến cuối năm 2015 bộ thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa còn lại 1.045 thủ tục hành chính. Trong đó, cắt giảm lĩnh vực thuế: 395 thủ tục hành chính, lĩnh vực hải quan: 219 thủ tục hành chính, lĩnh vực chứng khoán: 161 thủ tục hành chính, lĩnh vực Kho bạc Nhà nước: 57 thủ tục hành chính và lĩnh vực tài chính khác: 213 thủ tục hành chính.
Từ năm 2016 đến đầu tháng 10 năm 2018, Bộ đã rà soát cắt giảm 174 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 888 thủ tục hành chính. Kết quả tính đến tháng 10/2018, bộ thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính còn lại 987 thủ tục hành chính; trong đó, lĩnh vực thuế: 298 thủ tục hành chính, lĩnh vực hải quan: 183 thủ tục hành chính, lĩnh vực chứng khoán: 184 thủ tục hành chính, lĩnh vực Kho bạc Nhà nước: 22 thủ tục hành chính và lĩnh vực tài chính khác: 300 thủ tục hành chính.
Tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân.
Hiện tại, các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính đã xây dựng được phương án và đang trình lãnh đạo Bộ xem xét phê duyệt cắt giảm trên 140 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 28 thủ tục hành chính.
Hiện nay Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, dự kiến sẽ cắt giảm 117 điều kiện kinh doanh trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu hội nhập, phấn đấu các chỉ số cải cách đạt chuẩn xếp hạng các nước ASEAN 4 và hướng tới tiêu chuẩn của các nước OECD
Bên cạnh công tác CCHC, thời gian qua, việc thu giảm đầu mối, tinh giản bộ máy đang được Bộ Tài chính triển khai quyết liệt và đạt được kết quả đáng kể.
“Bộ Tài chính là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô quản lý rộng lớn, theo quy định tại Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính: ngoài 20 Vụ, Cục chuyên môn và 09 đơn vị sự nghiệp, tại Bộ Tài chính có 05 Tổng cục và tương đương trực thuộc (trong đó có 04 Tổng cục được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương), 183 Cục địa phương, hơn 1.700 Chi cục và tương đương, hơn 5.700 tổ (đội) thuộc Chi cục và tương đương”, Bộ trưởng cho biết.
Triển khai Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện một số giải pháp đổi mới, sắp xếp bộ máy của Bộ Tài chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả; theo đó, kết quả từ đầu năm 2013 đến tháng 10/2018, Bộ Tài chính đã cắt giảm khoảng 3.000 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương (trong đó giảm 180 đầu mối cấp phòng và tương đương; khoảng 2.800 đầu mối cấp tổ (đội) tại địa phương).
Kết quả bước đầu triển khai Kết luận 64-KL/TW cho thấy số các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đã giảm từ 35 đơn vị (cuối năm 2016) xuống còn 28 đơn vị do đã tổ chức lại, giải thể, dừng hoạt động.
Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tài chính theo hướng sáp nhập 05 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Tổng cục vào Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính trực thuộc Bộ Tài chính. Trước mắt, trong giai đoạn 2018- 2020, sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập từ 02-03 đơn vị, đến năm 2021 sẽ tiếp tục sắp xếp, sáp nhập các cơ sở còn lại.
Theo congly.vn
Nguồn bài viết: https://congly.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/bo-tai-chinh-du-kien-se-cat-giam-117-dieu-kien-kinh-doanh-273226.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bo-tai-chinh-du-kien-se-cat-giam-117-dieu-kien-kinh-doanh-a199602.html