Xử phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD ở tiệm vàng có đúng luật?

Theo Luật sư Thơm, xét về thực tế, việc ông Nguyễn Cà Rê chỉ bán ra cho cửa hàng 100 USD là chưa nghiêm trọng nên quyết định xử phạt lên đến gần 40 lần giá trị vi phạm là quá nghiêm khắc.

Ngày 23/10, UBND TP Cần Thơ đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi), ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều vì đã mang đổi 100 USD tại tiệm vàng.

Đồng thời, ông Rê còn bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được. Với tiệm vàng, UBND TP Cần Thơ cũng phạt 295 triệu đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc nhận đổi 100 USD của ông Rê; đồng thời tịch thu số ngoại tệ đã đổi.

[caption id="attachment_199588" align="aligncenter" width="410"]Ảnh minh hoạ. Ảnh minh hoạ.[/caption]

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã đưa ra quan điểm đánh giá vụ việc như sau: Căn cứ Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH ngày 13/12/2005 quy định: "Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép".

Còn Thông tư số 20/2011/TT-NHNN ngày 29/8/2011 quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép quy định địa điểm mua, bán ngoại tệ: "Việc mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật. Việc bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật và các Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép".

Nghị định 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế quy định "Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ", gồm:

- Được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Có địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ tại một hoặc nhiều địa điểm theo quy định sau:

Cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên; cửa khẩu quốc tế; khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài được cấp phép theo quy định pháp luật; văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam; khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có khách nước ngoài tham quan, mua sắm.

- Có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu hoạt động của đại lý đổi ngoại tệ: Có nơi giao dịch riêng biệt (phòng hoặc quầy giao dịch không gắn liền với các hoạt động kinh doanh khác, chỉ chuyên làm dịch vụ đổi ngoại tệ); nơi giao dịch phải trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc tối thiểu bao gồm điện thoại, máy fax, két sắt, bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi ngoại tệ.

- Nhân viên trực tiếp làm ở đại lý đổi ngoại tệ phải có giấy xác nhận do tổ chức tín dụng ủy quyền cấp, xác nhận đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ thật, giả. - Có quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ. - Được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền làm đại lý đổi ngoại tệ.

- Một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng được phép và tổ chức kinh tế có thể thỏa thuận đặt đại lý đổi ngoại tệ ở một hoặc nhiều địa điểm trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh.

[caption id="attachment_199587" align="aligncenter" width="410"]Luật sư Nguyễn Anh Thơm. Luật sư Nguyễn Anh Thơm.[/caption]

Theo Luật sư Thơm, như vậy, nếu chiếu theo quy định trên thì việc quản lý của Nhà nước về hoạt động đổi ngoại tệ của công dân là rất chặt chẽ, chỉ được thực hiện trong các mạng lưới của tổ chức tín dụng và các đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng ở đây được hiểu là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi và sử dụng tiền gửi để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán.

Căn cứ theo điểm a, khoản 3, Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng: "Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ". Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm theo điểm a, khoản 8 Điều 24.

Xét về mặt pháp luật, UBND TP Cần Thơ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê là không sai. Trong quy định xử phạt hành chính đối với cá nhân bán ngoại tệ cho tổ chức không được phép đổi ngoại tệ thì không có quy định về số lượng ngoại tệ bán ra nhiều hay ít đều bị xử phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Tuy nhiên, xét về thực tế, ông Nguyễn Cà Rê chỉ bán ra cho cửa hàng 100 USD là chưa nghiêm trọng nên xử phạt lên đến gần 40 lần giá trị vi phạm là quá nghiêm khắc. Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định tại Điều 21 các hình thức xử phạt hành chính bao gồm: Cảnh cáo. Phạt tiền (hình phạt chính). Trong đó, hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.

Do đó, theo quan điểm của Luật sư Thơm, trong trường hợp đối với ông Nguyễn Cà Rê đổi 100 USD chỉ cần xử phạt hành chính cảnh cáo là có căn cứ, phù hợp với thực tế trong sự việc này.

Ở đây, chúng ta chỉ cần xử phạt các cửa hàng thu đổi ngoại tệ không được phép. Bởi lẽ, các cửa hành kinh doanh vàng bạc này khi thành lập đều có ý thức rõ việc mua bán ngoại tệ là trái phép nhưng vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật nên cần thiết phải xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, theo quan điểm của luật sư, qua việc UBND TP Cần Thơ xử phạt lần này đã cho thấy có những bất cập về mặt xử phạt hành chính theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP đối với hành vi cá nhân bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

"Theo tôi, cần cụ thể hóa số ngoại tệ bán theo giá trị để làm căn cứ xử phạt. Trường hợp nếu bán 5 – 10 USD mà vẫn bị xử phạt từ 80 – 100 triệu đồng thì có hợp lý hay không", Luật sư Thơm nêu vấn đề.

Theo antt.vn

Nguồn bài viết: http://antt.vn/xu-phat-90-trieu-dong-vi-doi-100-usd-o-tiem-vang-co-dung-luat-257978.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xu-phat-90-trieu-dong-vi-doi-100-usd-o-tiem-vang-co-dung-luat-a199586.html