(Pháp lý) - Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, tính đến cuối tháng 6/2018, chỉ tính riêng các cảng tại TP.HCM và Hải Phòng đã có gần 6.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng.Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó các chuyên gia cho rằngcó hai nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, chúng ta chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ ngoài biên giới. Hiện mới chỉ phòng ngừa, kiểm soát khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ, làm thủ tục thông quan mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Thứ hai, giấy phép nhập khẩu phế liệu hiện chưa được quy định là điều kiện bắt buộc trong các hợp đồng giao dịch giữa doanh nghiệp nhập khẩu, chủ tàu và nhà xuất khẩu nước ngoài.
Mạnh tay khởi tố doanh nghiệp nhập phế liệu trái phép
Trước thực trạng hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo với các Bộ, ngành liên quan. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gần đây các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt và mạnh tay hơn với tình trạng vi phạm này.Mới đây, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hải Phòng Nguyễn Tiến Lộc đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" đối với 2 Công ty có trụ sở tại Hải Dương. Đó là khởi tố Công ty TNHH MTV Hương Quỳnh Cẩm Hưng (xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương)về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” và Công ty Cổ phần DFG (phường Quang Trung, TP. Hải Dương) cũng bị khởi tố cùng tội danh nói trên theo Quyết định 2526/QĐ-HQHP. Theo thông tin từ Cục Hải quan TP. Hải Phòng, trong 2 năm (2016 và 2017) Công ty TNHH một thành viên Hương Quỳnh Cẩm Hưng đã sử dụng nhiều giấy tờ giả để nhập khẩu trái phép phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam qua cảng Hải Phòng. Đây cũng chính là công ty đã từ chối nhận hơn 420 container phế liệu nhập khẩu hiện đang tồn đọng tại cảng Cát Lái. Còn năm 2016, Công ty Cổ phần DFG đã có hành vi tự ý sửa chữa giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu và sử dụng văn bản thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu giả, nhập khẩu trái phép phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam, cũng thông qua cảng Hải Phòng.
Trước đó, vào trung tuần tháng 7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hải Phòng cũng đã ban hành quyết định khởi tố Công ty TNHH dịch vụ xuất nhập khẩu Đức Đạt, có địa chỉ tại tỉnh Ninh Bình về hành vi làm giả giấy phép nhập khẩu và 156 văn bản các loại để hợp pháp hóa cho 13.000 tấn phế liệu, trị giá 35 tỷ đồng nhập khẩu vào Việt Nam.
Đáng chú ý, một trong những vụ “nhập khẩu rác" khá lớn mà cơ quan chức năng phát hiện là tại kho bãi và nhà xưởng của Công ty TNHH Mai Hương tại Hải Phòng. Ở đây, các cơ quan chức năng phát hiện có khoảng 340 tấn linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng. Qua kết quả giám định hàng hóa đã phát hiện trong số đó có 3 container là chất thải nguy hại và có 3 container thuộc tờ khai của Công ty Cổ phần Phát triển xăng dầu Thái Dương, cũng đóng trên địa bàn Hải Phòng. Tiếp tục điều tra, cơ quan quản lý phát hiện lô hàng 20 container mà công ty này khai báo với hải quan là sắt thép phế liệu được nhập khẩu, nhưng trên thực tế chỉ có 2 container là hàng đúng khai báo, còn lại 18 container là các linh kiện điện tử, vi mạch điện tử... đã qua sử dụng.
Trở lại vụ việc gây nóng dư luận thời gian qua - vụ tồn đọng khoảng 6.000 container phế liệu nhập khẩu ở các cảng, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng: mặc dù vụ việc chưa được thanh tra công bố kết quả cụ thể về các sai phạm, nhưng sự tồn đọng của khoảng 6000 container phế liệu nhập khẩu tại các cảng chứng tỏ nó không có chủ hay có chủ đích danh, nhưng người chủ đó(tức nhà nhập khẩu) e sợ bị phát hiện vi phạm pháp luật nên không lộ diện và bỏ hàng. Theo tôi, có thể đặt ra 3 giả thiết khiến chủ hàng bỏ hàng. Thứ nhất, hàng trong các container thực chất là chất thải gây ô nhiễm môi trường và hiển nhiên không đạt chuẩn để tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, do đó, mục đích của các bên liên quan chỉ cốt nhập vào lãnh thổ Việt Nam nhằm “trút” hay xả thải. Nếu tình huống này xảy ra, tính chất của nó sẽ đặc biệt nghiêm trọng và các cơ quan chức năng có thể xử lý ngay bằng việc khởi tố hình sự theo Điều 239, Bộluật Hình sự năm 2015 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam).
Thứ hai, phế liệu trong các container có thể vẫn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất được. Tuy nhiên, việc sử dụng nó sẽ gây nên ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà doanh nghiệp không khắc phục được. Trong trường hợp đó, người nhập khẩu hay chủ hàng e ngại sẽ bị phát hiện vi phạm pháp luật và bị xử lý ở khâu sau đó, chứ không phải ngay tại cảng nhập.Do đó, họ đã cân nhắc và quyết định bỏ hàng. Trong trường hợp này, khi điều tra và phát hiện danh tính chủ hàng, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý hành chính theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thậm chí có thể xử lý hình sự theo Điều 239, Bộluật Hình sự 2015 nói trên.
Thứ ba, có thể có sự liên đới vi phạm pháp luật giữa cơ quan quản lý về môi trường ở cấp Bộ hoặc Sở Tài nguyên - Môi trường thuộc UBND địa phương và nhà nhập khẩu hay chủ hàng. Khi vụ việc bị báo chí phát hiện và Chính phủ vào cuộc, doanh nghiệp có liên quan đành quyết định theo cách "bỏ của chạy lấy người". Trong trường hợp này, các biện pháp xử lý cần phải được tiến hành với quy mô và mục đích rộng hơn, không chỉ xử phạt doanh nghiệp mà còn xủa phạt cả các cá nhân và cơ quan nhà nước có sai phạm.
Cần xem xét cả vai trò, trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Bàn về những lỗ hổng pháp lý khiến dễ dàng nhập phế liệu về Việt Nam thời gian qua, Luật sư Vũ Văn Thiệu, Hãng luật Incip cho rằng: Một trong những nguyên nhân quan trọng là hiện nay Việt Nam vẫn chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ ngoài biên giới. Hiện mới chỉ phòng ngừa, kiểm soát theo hướng: chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ, làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Điều này dễ dẫn đến tình trạng bị động, các cơ quan phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về.Bên cạnh đó pháp luật về xử lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam, chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ hàng, chủ tàu vận tải biển trong vận chuyển phế liệu. Giấy phép nhập khẩu phế liệu cũng chưa được quy định là điều kiện bắt buộc trong các hợp đồng giao dịch giữa doanh nghiệp nhập khẩu, chủ tàu và nhà xuất khẩu nước ngoài. Mặt khác, hiện nay, hải quan chỉ định duy nhất Cục Kiểm định hải quan hoặc Chi cục Kiểm định hải quan mới được phép giám định phế liệu nhập khẩu. Đây là một động thái nhằm siết chặt việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, nhưng vô hình trung cũng khiến cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp khó khăn. Vì ngay cả những danh mục hàng hóa không thuộc diện bị cấm nhập khẩu cũng bị gom chung một giỏ là “rác”, khiến hàng hóa bị lưu lại cảng, doanh nghiệp bị thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng.
Dưới góc nhìn của một nhà quản lý, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho biết, trước những nguy cơ và diễn biến phức tạp của việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Tổng Cục đã chỉ đạo ngăn chặn và đưa lực lượng kiểm định xuống cùng với các đơn vị tại cảng biển để kiểm tra hàng hóa nhập khẩu trên cơ sở quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quá trình rà soát đã phát hiện những lỗ hổng trong quá trình tiền kiểm và hậu kiểm của các cơ quan chức năng đối với hàng phế liệu. Các đối tượng đã lợi dụng sơ hở để làm giả giấy tờ thủ tục với mục đích nhập khẩu phế liệu. Hải quan đã phối hợp với lực lượng công an phát hiện một số vụ việc và đã khởi tố vụ án. Đặc biệt, ngành Hải quan còn làm rõ được một số thủ đoạn mới của các đối tượng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam bằng cách, lợi dụng việc Chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu, một số cá nhân người Trung Quốc đã chuyển hướng đưa loại hàng hóa này vào Việt Nam thông qua các cảng biển. Họ sang tìm cách kết nối, thuê người Việt Nam đi xin giấy phép thành lập các nhà máy xử lý phế liệu. Qua đấu tranh, nắm bắt nhận thấy có nhà máy đủ tiêu chuẩn nhưng nhiều nhà máy hoạt động trá hình chủ yếu để nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam để tiêu thụ.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc quản lý phế liệu nhập khẩu, ông Trần Đức Phương, Phó Cục trưởng Cục điều tra buôn lậu Bộ Công an cho biết, trong hoạt động điều tra thực tế, phế liệu tồn đọng ở cảng hiện nay chủ yếu là những mặt hàng tạm nhập tái xuất và thị trường lớn nhất là thị trường Trung Quốc, những mặt hàng tồn đọng ở đây có 20% là giấy, 80% là phế liệu. Tuy nhiên, việc xử lý chuyên ngành với những trường hợp vi phạm được rất ít, thậm chí là những hàng phế liệu khó có thể khởi tố vì không có giá, hội đồng định giá không ai dám định giá mặt hàng đó để đưa ra khởi tố hình sự. Hoạt động tạm nhập tái xuất là hoạt động đem lại ngân sách lớn cho địa phương có cảng biển và DN logistics, song chúng ta cần xem xét nếu không căn cứ những cái thị trường cần để đưa ra quy định phù hợp với hàng tạm nhập tái xuất thì hàng tồn tiếp tục gia tăng.
Từ thực tế trên, ông Phương kiến nghị, Bộluật Hình sự 2015 hiện đã có quy định pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự nên chúng ta cần xem xét vai trò pháp nhân trong việc nhập khẩu phế liệu để có căn cứ xử lý hình sự. Cùng với đó phải xác định rõ các khái niệm về phế liệu, chất thải vì hiện nay khái niệm còn rất mơ hồ. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét có chế tài với các hãng tàu, khi cho thuê công thì phải xem xét hàng hóa đóng trong đó là hàng gì, có đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn Việt Nam không.
Từ thực tế hàng nghìn container phế liệu của các doanh nghiệp “bỏ” ở một số cảng, cho thấy việc xử lý của các cơ quan vẫn còn nhiều vướng mắc. Việc “bỏ của để trốn trách nhiệm” cũng đã từng xảy ra khi trước đây vào năm 2015, có hơn 5.400 container và 1.323 kiện hàng hóa tồn ở cảng Hải Phòng. Dù đã có tiền lệ xấu, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý quyết liệt, quy trách nhiệm đến cùng, dẫn tới tình trạng “nhờn” quy định pháp luật trong hoạt động nhập khẩu của một số doanh nghiệp. Chính vì thế, khi đưa ra quan điểm về giải pháp để “chặn” phế liệu nhập khẩu vào trong nước trong thời gian tới, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khoảng trống của pháp luật được, mà nguyên nhân của sự việc phần lớn nằm ở khâu thi hành pháp luật.Do đó, khi sự vụ xảy ra, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về các cơ quan quản lý của nhà nước, sau đó mới “truy” đến doanh nghiệp và các bên liên quan. Bên cạnh đó, nếu chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh đối với chủ các lô hàng vi phạm khi nhập phế liệu, cũng như chưa xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cơ quan chức năng trong kiểm soát vấn đề này, thì nỗi lo Việt Nam trở thành “bãi rác công nghiệp” có thể sẽ trở thành hiện hữu.
Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam được quy định chi tiết tại Điều 239 BLHS 2015. Theo đó khoản 5 qui định về TNHS của Pháp nhân thương mại
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc tạm đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 01 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Hải Dương
Link nội dung: https://phaply.net.vn/xu-ly-buon-lau-phe-lieu-can-xem-xet-ca-vai-trotrach-nhiem-hinh-su-cua-phap-nhan-a199480.html