Những chậm trễ và mâu thuẫn trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đều liên quan đến việc xác định giá trị đất đai, định giá thương hiệu không rõ ràng mới dẫn đến 'chảy máu' nguồn tài sản công.
Theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2017 - 2020, cả nước phải hoàn thành cổ phần hóa 127 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong đó, năm 2017 là 44 doanh nghiệp; năm 2018: 64 doanh nghiệp, năm 2019: 18 doanh nghiệp và năm 2020 là 1 doanh nghiệp.
Tính đến tháng 10/2017, đã cổ phần hóa 20 DNNN, công bố giá trị doanh nghiệp của 8 DNNN; xác định giá trị doanh nghiệp của 10 DNNN. Tổng số thu về từ cổ phần hóa là 683,823 tỷ đồng. Đồng thời, thoái vốn thu về 12.099 tỷ đồng (đạt 20,1% kế hoạch)
Năm 2018, theo kế hoạch có 64 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện cổ phần hóa,. Được biết, đây là những “ông lớn” được kỳ vọng sẽ mang lại những khoản thu hồi vốn khổng lồ cho Nhà nước, đặc biệt là những DNNN, đang giữ phần diện tích đất đai lớn của nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, việc xác định giá trị doanh nghiệp cho thấy còn có nhiều bất cập ở khâu định giá đất đai, định giá thương hiệu dẫn tới giá trị tài sản công bị giảm bớt.
Trên thực tế cũng ghi nhận nhiều trường hợp DNNN phải lùi kế hoạch cổ phần hóa do liên quan đến đất đai, việc xác định giá đất khó khăn, thậm chí mẫu thuẫn do bỏ qua định giá thương hiệu như trường hợp Hãng phim truyện Việt Nam.
Trong khi đó, Nghị định số 1/2017/NĐ-CP đã quy định rõ phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá DNNN là doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang sử dụng để lập phương án sử dụng đất, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định trước khi cổ phần hoá. Nhưng thực tế, việc phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa của các địa phương vẫn còn chậm, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Bên cạnh đó, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… mà Nghị định 32/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) yêu cầu thực hiện để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn cũng đang được thực hiện một cách khá “lúng túng”.
Theo GS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho rằng, thời gian qua, đã có nhiều trường hợp DNNN bị thiệt hại khi mua cổ phần. Trong đó, phải kể đến vụ việc lùm xùm khi thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam được định giá 0 đồng. Khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng, giá trị doanh nghiệp của Hãng Phim truyện Việt Nam được xác định ở mức 50 tỷ đồng. Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) chỉ phải trả hơn 33 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần và nắm giữ hàng nghìn mét vuông đất vàng tại những vị trí đắc địa mà hãng phim đang thuê lại của Nhà nước. Đặc điểm chung của các doanh nghiệp này là giá trị khi cổ phần hóa được định giá rất thấp, khiến Nhà nước chỉ thu về số tiền thấp so với giá trị thực tế.
GS. Đặng Đình Đào nhận định: “Những cách trục lợi phổ biến nhất trong quá trình cổ phần hóa DNNN là lợi dụng lỗ hổng của các quy định về quản lý, sử dụng đất và tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược không rõ ràng, đấu giá không minh bạch. Hơn 20 năm thực hiện cổ phần hóa DNNN, khúc mắc lớn nhất vẫn luôn là xác định giá trị đất đai. Đây là một trong những kẽ hở khiến tài sản của nhà nước dễ bị thất thoát khi đất đai bị chuyển đổi mục đích sử dụng”.
GS. Đặng Đình Đào phân tích, cổ phần hóa doanh nghiệp ở đâu cũng vậy, đất đai bao giờ cũng phải định giá để tránh thất thoát cho nhà nước. Đây là một vấn đề cần có giải pháp mang tính tổng thể để xử lý bởi khi cổ phần hóa đều có liên quan đến lợi ích của các bên, thậm chí lợi ích nhóm. Hiện nay định giá đất thực sự là vẫn còn rẻ và còn chưa tính đến câu chuyện không định giá hoặc định giá “cho có”. Doanh nghiệp nào giờ cũng nằm trên các mảnh đất vàng, có diện tích lớn, câu chuyện ở đây là tại sao không thu hồi trước khi định giá, xác định lại rõ giá đất trước khi cổ phần.
“Không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh khác cũng vậy, các công ty cổ phần hóa nhưng thực ra có khi là tư nhân hóa khiến đất đai, doanh nghiệp về tay một số người, trong khi rõ ràng mảnh đất đó là tài sản khổng lồ. Tôi cho rằng, Nhà nước phải nắm được quỹ đất và định rõ giá trị mảnh đất đó, phải làm một cách minh bạch và khách quan, khoa học nếu không thì giá mỗi nơi một khác”, GS. Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cũng cho biết thêm, định giá thương hiệu ở các nước họ đã làm từ lâu, thậm chí ở các trường có cả môn học đó nhưng ở Việt Nam vẫn “lờ mờ”. Do đó, phải khoản nào phải tách bạch khoản đó, định giá thương hiệu khác định giá đất khi cổ phần hóa. Bởi thương hiệu là tài sản vô hình còn đất đai quy ra là bất động sản là giá trị thực tế có thể “cầm nắm” được. Rõ ràng nếu nhập nhèm hai phần này sẽ dẫn đến những mâu thuẫn, dẫn đến lợi ích nhóm.
Việc định giá đất đai, thương hiệu khi cổ phần hóa cũng khá khó trong điều kiện hiện nay nên đòi hỏi cần phải có đội ngũ chuyên gia, cố vấn thực sự giỏi và có tâm. Quy trình nhà nước thì đã rõ ràng nhưng ở đây là do con người thực hiện có đúng theo quy trình quy định đó không? Cuối cùng vẫn là cái tâm cái đức của người triển khai thực hiện quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp đó.
Theo Tạp chí Bất động sản Việt Nam
Nguồn bài viết: http://antt.vn/tu-huyet-la-xac-dinh-gia-tri-dat-dai-257574.htm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-huyet-la-xac-dinh-gia-tri-dat-dai-a199296.html