(Pháp lý). Liên quan đến vụ việc phát hiện nhiều con dấu in chữ “Sao y bản chính”, “Chứng thực sao y đúng với bản chính”, “Công chứng viên” tại Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu, mới đây, Công an TP.HCM khẳng định sẽ khởi tố vụ án nếu làm rõ được dấu hiệu làm giả con dấu, giấy tờ của văn phòng này.
Để hiểu rõ hơn những vấn đề pháp lý có liên quan xung quanh vụ việc nghiêm trọng này, Phóng viên Tạp chí Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật sư SBLAW.
Phóng viên: Từ vụ việc Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu vừa bị phanh phui, xin Luật sư cho biết hành vi sử dụng con dấu giả của cơ quan, tổ chức, sẽ phải chịu sự trừng phạt của luật pháp như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hành vi sử dụng con dấu giả của cơ quan, tổ chức, tùy vào hậu quả xảy ra có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Cụ thể, có thể xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, theo Điều 12 Nghị định 167/2013/NĐ-CP vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu đối với một trong những hành vi: Mang con dấu vào nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không có giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; Sử dụng trái phép con dấu mang từ nước ngoài vào Việt Nam; Làm giả hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan, tổ chức; Khắc dấu giả hoặc sử dụng con dấu giả. Bên cạnh đó, còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc phải pháp khắc phục hậu quả gây ra.
Nếu như có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự thì cơ quan điều tra sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định, “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.”. Hình phạt dành cho hành vi này sẽ căn cứ theo tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Mức hình phạt cao nhất cho tội phạm này có thể lên đến 7 năm tù.
Nếu việc sử dụng con dấu giả gây thiệt hại, đó là thiệt hại cho các nạn nhân trong trường hợp giao dịch là các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản hay thỏa thuận vay mượn, để từ đó các bên thực hiện nghĩa vụ thì một phần thiệt hại đó có thể buộc cá nhân, tổ chức của cơ quan công chứng kia bồi thường theo quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015.
Đối với công chứng viên và văn phòng công chứng, nếu xác định được họ hoạt động giả như vụ việc ở Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu, sẽ bị xử lý như thế nào?.
Điều 74 Luật Công chứng năm 2014 quy định về việc xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng bất hợp pháp như sau: Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Vấn đề này còn được quy định cụ thể tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP). Theo đó:
Với cá nhân không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng, căn cứ quy định tại điểm b, khoản 5 Điều 14 Nghị định này, cá nhân sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Bên cạnh đó, cá nhân này cũng sẽ bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi này.
Với tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng, căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định này, mức phạt dành cho hành vi này từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Thưa Luật sư, phải chăng những quy định của luật pháp về hoạt động công chứng, chứng thực chưa chặt chẽ, nên mới xảy ra vụ việc như vụ Sao Bắc Đẩu?
Hiện nay, vấn đề về điều kiện hành nghề của công chứng viên cũng như các vấn đề về thành lập, tổ chức và hoạt động của các văn phòng công chứng đã được pháp luật quy định một cách khá chi tiết và cụ thể trong Luật công chứng và các văn bản hướng dẫn hiện hành, nhưng chưa thật rõ ràng, còn thiếu tính răn đe đối với các vị phạm, các biện pháp xử lý không thật sự hiệu quả. Để xảy ra những sự việc đáng tiếc trên, theo tôi nằm ở khâu quản lý, giám sát, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với những hồ sơ, giấy tờ đã được văn phòng công chứng giả công chứng, được khách hàng mang đi giao dịch, chúng ta phải xử lý hậu quả, trách nhiệm như thế nào?
Những văn bản được công chứng, chứng thực bởi chủ thể không có thẩm quyền, về nguyên tắc những văn bản công chứng này sẽ không có giá trị hiệu lực. Nhưng có hai vấn đề, rằng nó đương nhiên vô hiệu hay phải qua tòa giải quyết. Hoặc khi phát hiện ra các giao dịch phát sinh được thực hiện từ hợp đồng được công chứng giả nhưng muốn tiếp tục thực hiện thì phải giải quyết như thế nào thì luật lại chưa dự liệu được để đưa ra hướng giải quyết. Do đó, rủi ro mà khách hàng của những văn phòng công chứng này gặp phải là rất lớn. Theo tôi, cần xét từng tính chất của hợp đồng để giải quyết hậu quả.
Ví dụ hợp đồng vay không cần phải công chứng, chứng thực thì bản hợp đồng này vẫn có giá trị. Đối với các giao dịch bắt buộc phải công chứng thì nếu các bên không có tranh chấp thì có thể ra một văn phòng công chứng khác lập lại hợp đồng và nêu rõ, hợp đồng trước đó được công chứng, chứng thực tại Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu hoặc một văn phòng công chứng giả khác không có giá trị. Trường hợp có tranh chấp thì buộc các bên phải ra tòa, khi đó hợp đồng buộc bị tuyên vô hiệu và bên gây thiệt hại là văn phòng công chứng giả phải bồi thường thiệt hại phát sinh.
Theo Luật sư, trách nhiệm của các cơ quan quản lý về quản lý hoạt động của văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu ra sao?
Điều 7 luật Công chứng năm 2014 nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, vì vậy không có chuyện Văn phòng công chứng Quận 12 mở thêm chi nhánh tại Quận 9. Sở Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực công chứng. Nhưng trong chuyện này, cũng cần xem xét trách nhiệm quản lý địa bàn của UBND/công an quận, phường khi để một văn phòng công chứng giả hoạt động trên địa bàn, với việc chứng thực công chứng số lượng lớn hồ sơ giấy tờ .
Từ vụ việc Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu, liệu chúng ta có nên “siết” lại việc thành lập văn phòng công chứng và tiêu chuẩn Công chứng viên?
Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, hoạt động công chứng cũng đã xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, làm giả, ... Nó làm giảm đi hình ảnh của nghề công chứng.
Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần cương quyết thanh lọc, làm trong sạch môi trường công chứng, chứng thực, đảm bảo an toàn pháp lý cho người dân. Và điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho đội ngũ công chứng viên. Để chủ động ngăn ngừa trong công tác quản lý hoạt động ở lĩnh vực công chứng, thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tư Pháp với các quận, huyện của các tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, quản lý Nhà nước về Công chứng phải cần được tăng cường hơn nữa, trong đó thanh tra với vai trò là một khâu thiết yếu trong quản lý hành chính Nhà nước cần phải được tăng cường. Thanh tra nhằm mục đích đưa hoạt động đạt được các mục tiêu mà Nhà nước đã đề ra.
Qua thanh tra sẽ rà soát, đánh giá được thực trạng về tổ chức, hoạt động; nắm bắt được những bất cập, mâu thuẫn, khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ cũng như phát hiện được những vi phạm pháp luật trong hoạt động, từ đó có kết luận, kiến nghị cụ thể để cấp có thẩm quyền kịp thời xem xét, có biện pháp chấn chỉnh về tổ chức, hoạt động.
Quan điểm của tôi là không nên siết chặt vấn đề thành lập văn phòng công chứng, chứng thực. Như tôi phân tích ở trên, pháp luật hiện hành đã có những quy định khá cụ thể và chặt chẽ về điều kiện thành lập văn phòng công chứng. Tuy nhiên, những vụ việc sai phạm nghiêm trọng đáng tiếc vẫn xảy ra. Do đó, theo tôi, điều chúng ta cần hoàn thiện, làm tốt hơn nữa là công tác hậu kiểm. Cụ thể là hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Xử lý hậu quả thế nào?
Đối với những hồ sơ, giấy tờ đã được văn phòng công chứng giả công chứng, trong trường hợp này văn bản được công chứng, chứng thực bởi chủ thể không có thẩm quyền, về nguyên tắc những văn bản công chứng này sẽ không có giá trị hiệu lực. Nhưng có hai vấn đề, rằng nó đương nhiên vô hiệu hay phải qua tòa giải quyết. Hoặc khi phát hiện ra các giao dịch phát sinh được thực hiện từ hợp đồng được công chứng giả nhưng muốn tiếp tục thực hiện thì phải giải quyết như thế nào thì luật lại chưa dự liệu được để đưa ra hướng giải quyết. Do đó, rủi ro mà khách hàng của những văn phòng công chứng này gặp phải là rất lớn.
Theo LS Nguyễn Thanh Hà, cần xét từng tính chất của hợp đồng để giải quyết hậu quả. Đối với các giao dịch bắt buộc phải công chứng thì nếu các bên không có tranh chấp thì có thể ra một văn phòng công chứng khác lập lại hợp đồng và nêu rõ, hợp đồng trước đó được công chứng, chứng thực tại Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu hoặc một văn phòng công chứng giả khác không có giá trị. Trường hợp có tranh chấp thì buộc các bên phải ra tòa, khi đó hợp đồng buộc bị tuyên vô hiệu và bên gây thiệt hại là văn phòng công chứng giả phải bồi thường thiệt hại phát sinh.
Đình Hòa ( thực hiện)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/vu-van-phong-cong-chung-gia-o-tp-hcm-xu-ly-hau-qua-trach-nhiem-phap-ly-va-ngan-ngua-the-nao-a198605.html