Tiến sĩ Luật Dương Thanh Biểu và những tác phẩm sâu sắc về lẽ phải và công lý

(Pháp lý) - Hơn 30 năm gắn bó với ngành Kiểm sát, Tiến sĩ Luật học, nhà văn Dương Thanh Biểu đã trải qua nhiều vị trí công tác, đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực tiễn pháp luật. Từ khi nghỉ hưu, thôi giữ cương vị Phó Viện trưởng VKSNDTC, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị nhân văn nhưng cũng rất sâu sắc về lẽ phải và công lý. Điều đặc biệt, trong mỗi tác phẩm, tác giả đều gửi gắm những tâm tư, tình cảm, những kinh nghiệm quý trong công tác nghiệp vụ “Thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp” và cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa ranh giới “có tội” hay “không có tội”, giữa “cái thiện” và “cái ác” …

Bước ngoặt lớn

Sau nhiều lần liên hệ, mới đây, Phóng viên mới “chốt” được lịch trò chuyện với ông. Trong câu chuyện cởi mở, chân tình, ông chia sẻ: Ông sinh ra và lớn lên ở làng Ngũ Phúc, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Một làng quê nghèo khó, lam lũ của dải đất miền Trung xứ Nghệ, nơi thiên nhiên khắc nghiệt bởi gió Lào và bão gió đã nuôi ông khôn lớn và trưởng thành.

 TS. Dương Thanh Biểu
TS. Dương Thanh Biểu)

Tháng 4/1968, như bao thanh niên sôi sục ý chí và lòng yêu quê hương đất nước, Dương Thanh Biểu lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Năm 1973, trong trận đánh cắm cờ phía Bắc Võ Định (Kon Tum) Dương Thanh Biểu bị thương nặng phải chuyển ra tuyến sau điều trị. Những năm tháng sống, chiến đấu cùng đồng đội từ nơi bom đạn đã tôi luyện ý chí, thử thách, đó là những tháng năm sự sống cận kề cái chết mà lòng quả cảm và nghĩa tình đồng đội thiêng liêng sâu sắc luôn khắc ghi trong sâu thẳm trái tim ông.

Năm 1974, ông chuyển ngành về Viện kiểm sát tối cao. Đây là một bước ngoặt lớn, thay đổi cả cuộc đời ông sau này. Ngày ấy ông đã cùng đồng đội, đồng nghiệp xử lý nhiều vụ án với những tình tiết éo le, trắc trở. Đằng sau những tập hồ sơ dày mỏng là số phận, tính cách, nhân phẩm của những con người. Chỉ cần sơ suất một chút, hay không công tâm thì cái ác có thể bị lọt lưới sổ lồng, người ngay có thể bị tán gia bại sản và bao nhiêu hậu quả khôn lường xảy ra…
Năm tháng gắn bó tận tụy với công việc đã tôi luyện thêm bản lĩnh ý chí của người lính trong con người ông. Với ông, dù trong lĩnh vực nào, ở cương vị nào và ngay khi đã nghỉ hưu, vẫn luôn là một chiến sĩ chiến đấu không ngừng nghỉ. Bằng chứng là nghỉ hưu rồi nhưng ông vẫn tiếp tục “chiến đấu” với cái ác, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, truyền tải những kinh nghiệm nghề luật quí báu, những kỷ niệm công tố, …qua những tác phẩm văn chương đồ sộ, sâu sắc.

“Theo dòng công lý”: theo dòng nghề và đời

Với hơn 300 trang sách, tác giả lần lượt kể về những câu chuyện, kỷ niệm sâu sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình và đồng nghiệp trên mặt trận bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, như: Giải oan giữa lòng Hà Nội; Vụ án gián điệp và những bài học cảnh giác; Huyền thoại về Tạ Đình Đề; Gã cao bồi Lý Tống; Về nữ quái Lã Thị Kim Oanh… “Theo dòng công lý” còn là cuốn sách có giá trị nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nghiệp vụ quý báu đối với cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp để làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

 Cuốn sách “Theo dòng công lý”
Cuốn sách “Theo dòng công lý”)

Đọc “Theo dòng công lý”, chúng ta còn cảm nhận được thông điệp mà tác giả gửi gắm: Con người nên tránh xa cái ác, sống tốt đẹp, nhân ái hơn. Chính điều đó đã tạo nên sự thành công của tác phẩm. Đồng thời, thông qua tác phẩm, tác giả có dịp tri ân, kính trọng và khâm phục những đồng chí, đồng nghiệp, lãnh đạo của ngành Kiểm sát nhân dân, nơi gắn bó sự nghiệp với nhiều chia sẻ, nhiều cơ hội trong quá trình phấn đấu trưởng thành…Tác phẩm còn tái hiện dũng khí bảo vệ pháp luật của các cán bộ tư pháp, sự phức tạp và cam go của cuộc đấu tranh trên con đường bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải và niềm tin, thấm đẫm chất nhân văn trước thân phận con người.

Nhiều nhà bình luận đánh giá tác phẩm “Theo dòng công lý” thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Bởi trong chính công việc tìm kiếm sự thật và trong cách viết, tác giả luôn bộc lộ rõ thái độ đối với đời sống tinh thần của xã hội, của con người với mục đích hướng thiện. Nhân văn ngay cả trong cốt cách thể hiện, tác giả không ly kỳ hóa tình tiết như các vụ án hình sự mà người ta vẫn quen làm. Nhân văn, bởi trong công việc, trong trọng trách của cán bộ Kiểm sát, ông đã cùng đồng nghiệp và các thành viên trong các cơ quan chức năng luôn luôn dồn hết trí lực, tâm đức, kiến thức nghề nghiệp để minh bạch những uẩn khúc tư pháp vẫn tồn tại dai dẳng bấy lâu nay. Trong suy nghĩ và hành động, đằng sau những tập hồ sơ vụ án, dù mỏng hay dày là số phận, là nhân phẩm của mỗi cuộc đời. Sơ sảy một chút, thiếu công tâm một chút là cái ác có thể lọt lưới xổ lồng, người ngay thẳng, lương thiện có thể bị tán gia bại sản, hậu quả khôn lường sẽ xảy ra. Có lẽ cái tâm, cái đức ấy của Dương Thanh Biểu được thắp sáng, được rèn rũa không ngừng. Chính những mục tiêu hướng tới cái thiện, cái đẹp của cuộc sống đã khiến cho tác phẩm “Theo dòng công lý” của Dương Thanh Biểu được lưu giữ, khắc ghi trong lòng người đọc.

 

 TS. Dương Thanh Biểu tặng sách cho cán bộ, phóng viên Tạp chí Kiểm sát
TS. Dương Thanh Biểu tặng sách cho cán bộ, phóng viên Tạp chí Kiểm sát)

“Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời” và bài học sâu sắc cho cán bộ tư pháp

Đối với tác phẩm văn học thể loại truyện ký “Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời” ngoài giá trị nhân văn, tác phẩm tái hiện những bài học sâu sắc về tư pháp cách đây nửa thế kỷ nhưng vẫn nguyên giá trị trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay. Tác giả từng viết “Lịch sử là công bằng. Hãy công bằng với lịch sử. Một khi chưa có sự công bằng với quá khứ thì khó có công bằng với hiện tại và không dễ gì công bằng với tương lai. Thế hệ hậu sinh như chúng ta, hẳn có nhiều suy ngẫm từ những góc khuất của Tạ Đình Đề”

Chia sẻ về nhiều lần trò chuyện, đối thoại trực tiếp với Tạ Đình Đề, TS. Dương Thanh Biểu cho biết trong khi thể hiện tác phẩm, tính chân thật của văn bản/tác phẩm được tác giả tôn trọng tuyệt đối. Nhờ áp dụng nhiều phương pháp tiếp cận với Tạ Đình Đề mà nổi bật nhất là phương pháp phỏng vấn trực tiếp và thống kê phân tích tư liệu trong các văn bản hồ sơ gốc, tác giả đã có cái nhìn khách quan toàn diện về trường hợp án oan sai đối với Tạ Đình Đề.
Bằng các thủ pháp văn chương cùng đặc thù nghề nghiệp quy định tính cách và hành vi ứng xử, hơn nữa TS. Dương Thanh Biểu là người nghiên cứu khoa học pháp lý, tác giả hiểu hơn ai hết tính khách quan của sự vật hiện tượng và cũng yêu công lý, yêu chân lý hơn hết.

Cuốn sách “Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời”
Cuốn sách “Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời”)

Đọc tác phẩm toát lên tình cảm của nhân dân ngưỡng mộ và ủng hộ Tạ Đình Đề được tác giả ghi lại một cách trung thực bằng nhiều chi tiết đắt giá. Ngày xử án Tạ Đình Đề, nhân dân nhiều tỉnh quanh Hà Nội đã đến dự phiên tòa và mỗi lần Tòa tuyên án, quần chúng nhân dân đều đứng bật dậy vỗ tay ầm ầm. Một chi tiết nữa cũng hết sức quan trọng, vừa giàu tính văn học, vừa giàu tính tư liệu là việc bà Phùng Lê Trân, Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đồng ý cho công nhân ngành đường sắt kéo thêm dây điện để mắc loa phục vụ đông đảo quần chúng đến dự phiên tòa. Chia sẻ về sự kiện hai lần xử án Tạ Đình Đề. TS. Dương Thanh Biểu đã phân tích rõ về chuyên môn khoa học pháp lý, và hơn thế, sau này được trực tiếp thụ lý hồ sơ, tác giả đã đưa ra được rất nhiều bằng chứng về sự trong sáng của Tạ Đình Đề đến với bạn đọc hôm nay.

Qua những áng văn của TS. Dương Thanh Biểu, chúng ta càng thấy trân trọng tài năng Tạ Đình Đề, người sớm có tư duy đổi mới kinh tế trong quản lý xí nghiệp. Do nhạy bén và vượt trước nên ông dễ bị đố kỵ và ganh ghét. Chân dung một người anh hùng thời chiến trận từng tung hoành như con sư tử cùng tướng Hoàng Sâm trong hành quân tác chiến, từng giữ cương vị trưởng ban quân báo Đoàn Tây Tiến, rồi trở về đời thường làm quản lý góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc được tác giả khắc họa thật rõ nét.

Như vậy có thể nói từ góc khuất cuộc đời Tạ Đình Đề đã mở ra ánh sáng: ánh sáng của sự thật về con người và sự nghiệp; ánh sáng của khoa học lịch sử cần và phải được xem xét làm rõ hơn nữa để duy danh và tôn vinh xứng đáng một nhân cách. Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời, là tái hiện sự kiện và con người Tạ Đình Đề trong quãng thời gian ông bị vướng vòng lao lý. Qua đó thấy được ông là người cộng sản chân chính. Từ sự kiện của Tạ Đình Đề, tác giả cũng hi vọng đây là bài học có ý nghĩa trong công tác tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử.

Có thể nói, câu chuyện oai sai của Tạ Đình Đề trong bối cảnh hiện nay vẫn còn rất thời sự khi thời gian vừa qua, công luận đã chứng kiến những vụ án oan sai diễn ra, mà người vô tội thấp cổ bé họng phải chịu ngồi tù đến mười năm. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: Góc khuất Tạ Đình Đề là góc khuất của hôm nay. GS.TS Trần Ngọc Đường - Chuyên gia cao cấp của Quốc hội đánh giá: Thông qua những góc khuất cuộc đời Tạ Đình Đề, tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ trong cơ quan tư pháp nói chung, ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng những bài học về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý, sự phối hợp của các cơ quan tư pháp và sứ mệnh cao cả của ngành Kiểm sát nhân dân và Toà án trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. PGS.TS Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên BCHTW Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao mong muốn: “Các cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân hãy đọc và rút kinh nghiệm từ những bài học quý giá mà cuốn sách này đã tái hiện”.

“Miền sáng tối”: cuốn tiểu thuyết luận giải về “lẽ phải và công lý”

Lẽ phải và công lý được phản ánh chân thực qua tác phẩm văn học mới nhất của Dương Thanh Biểu - “Miền sáng tối”. “Miền sáng tối” là một cuốn tiểu thuyết ông giành nhiều thời gian và tâm huyết nhất. Bởi đây là một tác phẩm đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ông, chuyển từ các tác phẩm mang tính nghiệp vụ hay hồi ký sang thể loại tiểu thuyết. Một cuốn tiểu thuyết luận giải sâu sắc về “Lẽ phải & công lý”- Cái hay, cái hút người đọc; đọc rồi phải ngẫm trong mỗi trang của “Miền sáng tối” là cách dẫn dắt sự vụ, vấn đề; là ở tình tiết, chi tiết; ở độ sâu sắc, chính xác, chuẩn mực quy chuẩn về tư pháp, nội chính mà tác giả là người trong cuộc, từng trải cả trăm vụ án tương tự…

Ngay trang đầu của tiểu thuyết, tác giả đã cho người đọc thấy tên tuổi những vị quyền cao, chức trọng sau ngày đất nước thống nhất họ được cử vào Ủy ban Quân quản. Lớp cán bộ trụ cột này đoàn kết, phấn đấu, nên đã góp sức giữ vững an ninh, trật tự, thúc đẩy xã hội phát triển; được dân trọng, dân tin… Nhưng rồi “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, không ai khác, chính lớp cán bộ này đã phân bè, chia mảng. Ranh giới giữa tốt - xấu bị xóa nhòa, nỗi oan ức của người dân ngày một tăng lên, do cán bộ quyền cao chức lớn như Hai Tần vô trách nhiệm, chạy theo thành tích, nôn nóng, giao việc cho cấp dưới nhưng không kiểm tra. Điển hình là vụ án giết người ở số nhà 105 đường Trần Phú. Thêm nữa, vẫn là Hai Tần do ăn chơi trác táng nên đã ngấm ngầm tổ chức đường dây trốn ra nước ngoài để nhận tiền hối lộ. Đỉnh cao sai phạm của quyền lực, để giữ ghế hòng leo cao, hòng che tội của Hai Tần là tổ chức bắt giữ và tha người trái phép, vi phạm nghiêm trọng các quy định tố tụng hiện hành…

Mười hai chương của tiểu thuyết hệt như 12 câu chuyện, 12 lát cắt của vụ việc rất thật đã diễn ra, đang diễn ra. Tác giả sử dụng đa dạng bút pháp : miêu tả, kể chuyện, tự thuật, đối thoại, hồi tưởng, suy ngẫm, bình luận… Cái thật là ở chỗ khác, tác giả không chen lời bình, bàn của mình… mà tất cả để nhân vật tự bộc lộ. Đại thể, nhân vật trong bộ phận điều tra vụ án rút ra tội lỗi của Hai Tần (Giám đốc công an tỉnh): một cán bộ sa đọa, biến chất nghiêm trọng. Coi thường tổ chức. Vì vậy, đã dính rất sâu vào các hành vi phạm tội (Làm sai lệnh vụ án; bắt giữ và tha người trái phép; tổ chức người trốn ra nước ngoài để thu vàng). Ở tác phẩm “Miền tối sáng” có những tổng kết và đúc rút: Như chức vụ luôn tỷ lệ thuận với sự nguy hại. Người có quyền lực, đến lúc nào đó mà không kiểm soát được hành vi của bản thân, không tự kiểm soát được quyền lực của mình thì chắc chắn sẽ trượt dài trên con đường tội lỗi. Anh hùng hôm qua nhưng không giữ gìn phẩm chất đạo đức thì rất có thể thành tội phạm hôm nay và ngày mai sẽ là kẻ thù của nhân dân và tất yếu sẽ nhận lấy kết cục bi thảm. Ngược lại, dù hôm qua là người phạm tội nhưng biết hối cải thì sẽ trở thành người có ích cho xã hội. Đây chính là sự vận động từ tối sang sáng.

Dường như, vấn đề văn chương và pháp lý có sự khác nhau tương đối. Nhưng với bút pháp của TS. Dương Thanh Biểu, “Miền sáng tối” đã kết hợp được hai lĩnh vực đó. Cho nên, tuy viết về vụ án, về kiểm tra, điều tra, về tư pháp, nội chính, nội vụ… nhưng “Miền sáng tối” vẫn có sức cuốn hút, sâu sắc và thấm đẫm chất nhân văn. Một cuốn tiểu thuyết chuyên sâu về “Lẽ phải và công lý”- sẽ rất bổ ích với cán bộ ngành tư pháp, nội chính, các cơ quan công quyền và mỗi cán bộ đảng viên. Trong khi chúng ta đang ra sức chỉnh đốn Đảng, quyết liệt đấu tranh chống “tự suy thoái”; “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”… và chống tham nhũng, thực hiện kiểm soát quyền lực, giữ vững niềm tin yêu với Đảng và nhân dân… thì tác phẩm “Miền sáng tối” của Dương Thanh Biểu sẽ “bồi bổ sinh lực” và cho ta một cách nhìn thẳm sâu, thấu suốt, đầy lý lẽ và tình người.

Bên cạnh những tác phẩm văn học, TS. Dương Thanh Biểu cũng đã xuất bản nhiều đầu sách nghiên cứu về luật pháp, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghiệp vụ và phân tích những vấn đề pháp lý liên quan đến thực tiễn hoạt động bảo vệ pháp luật. Với các đầu sách như: Tuyển chọn các quyết định giám đốc thẩm; Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm; Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm hình sự; Kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự theo thủ tục giám đốc và tái thẩm …


Bối cảnh tiểu thuyết “ Miền sáng tối” của TS. Dương Thanh Biểu là diễn biến toàn bộ một vụ án “động trời” . “Động trời” bởi sự cam go, phức tạp, quyết liệt giữa ta với ta, nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng. “Động trời” bởi “ta đấu tranh với ta”. Phần đông số họ là những đồng đội từng cống hiến đời mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vậy mà nay chỉ vì lợi ích cá nhân, vì nhóm lợi ích tham lam vô độ, ham hố quyền lực vô độ mà đang tâm chà đạp lên công bằng và lẽ phải. “Động trời” bởi sự cam go, phức tạp, quyết liệt do những kẻ thoái hóa, biến chất luôn nhân danh tổ chức Đảng, chính quyền để giấu tội. Họ luôn có những ô dù, những tấm khiên chống đỡ… nên đổi lại cuộc chiến đấu chống “ nội xâm” này phải có những “bàn tay sạch”, những tấm lòng trung kiên, lấy luật pháp, công lý và niềm tin để bảo vệ công bằng và lẽ phải.

Thành Chung (ghi)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tien-si-luat-duong-thanh-bieu-va-nhung-tac-pham-sau-sac-ve-le-phai-va-cong-ly-a198599.html