Chung tay hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật để phòng, chống tham nhũng hiệu quả (Bài 10) : Để không còn những Trịnh Xuân Thanh, Vũ “nhôm”, Út “trọc” lọt vào bộ máy?

(Pháp lý) - LTS: Phòng, chống tham nhũng nếu chỉ dựa vào một vài " con dao" pháp luật như Luật PCTN, BLHS... thì chưa thể sắc bén, hiệu quả. Thời gian vừa qua tham nhũng trong lĩnh vực đất đai gây nhức nhối và các cơ quan chức năng đã có kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai để bít các kẽ hở (như Pháp lý đã đăng tải trong 9 bài viết trước)...Tuy nhiên có một dạng tham nhũng còn nguy hại hơn cả các dạng tham nhũng khác, đó là tham nhũng trong công tác cán bộ. Trong khi chính sách pháp luật về công tác cán bộ hiện nay còn nhiều kẽ hở bất cập.

Khẩn trương hoàn thiện chính sách pháp luật về cán bộ, để cán bộ không dám, không thể và không muốn tham nhũng là một trong những việc cần làm ngay, nhằm góp phần PCTN hiệu quả hơn .

Bài 10: Để không còn những Trịnh Xuân Thanh, Vũ “nhôm”, Út “trọc” lọt vào bộ máy?

Từ các đại án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) và Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cho thấy thực tế đáng báo động – một bộ phận cán bộ “chân trong, chân ngoài”, thoái hóa biến chất cấu kết thành nhóm lợi ích trục lợi, đục khoét. Các bị cáo trong các vụ án đều đã và sẽ phải nhận những mức án nghiêm khắc cho hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, qua đó thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong những ngành then chốt… Và để không còn những Vũ “nhôm”; Út “trọc”, tới đây các cơ quan chức năng nhất định phải truy ra, xử lý nghiêm những cán bộ “đứng sau” giúp sức cho những cán bộ thoái hóa biến chất lộng hành. Đồng thời khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan.

Út “trọc” và đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm
Út “trọc” và đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm)

Tính đến tháng 6/2018, theo báo cáo tại Hội nghị về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018 thì từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ Đảng 01 Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, của người đứng đầu Đảng ta, nhiều vụ án lớn, dư luận có lúc tưởng chừng đi vào ngõ cụt, còn băn khoăn, nghi ngại đều được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử công minh như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), tại Công ty Cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank; vụ án Phan Văn Anh Vũ và dàn lãnh đạo TP. Đà Nẵng; vụ án Đinh Ngọc Hệ và một số cán bộ trong một số đơn vị kinh tế của quân đội…

Ở tất cả các vụ án thì tội phạm kinh tế không chỉ là một người riêng lẻ mà là “tập thể” có sự hỗ trợ đắc lực của cán bộ thuộc các ngành, các cấp, kể cả những cán bộ cấp cao. Cá biệt, có những người từng có nhiều thành tích, được biểu dương và khen thưởng. Việc xử lý cán bộ vi phạm, trong đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; cán bộ, tướng lĩnh trong các ngành bấy lâu nay được coi là “nhạy cảm” như công an, quân đội, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng ta là không có bất kỳ “vùng cấm” nào trong xử lý cán bộ. Bất cứ ai, khi đã sai phạm, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến nhân dân thì dù ở cấp nào cũng đều bị xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, trong trao đổi với Phóng viên Pháp lý cho rằng: Giá như có cơ chế kiểm soát tốt cán bộ để có thể ngăn chặn ngay từ đầu những sai phạm thì “cách mạng” đỡ mất cán bộ. Để có được một cán bộ trong bộ máy, công sức đào tạo, bồi dưỡng rất tốn kém. Hàng loạt cán bộ trong ngành công an, quân đội bị đưa ra xem xét kỷ luật, kỷ luật, thậm chí đưa ra truy tố, xét xử trong thời gian qua, trong số những người này có những vị là cấp tướng, cấp tá trong ngành… là bài học rất đau xót.

Cũng theo tướng Thước, nếu như trước đó ta làm tốt công tác tuyển dụng, đề bạt, không đưa những người này vào các vị trí lãnh đạo, thì hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng “mồ hôi nước mắt” của dân không bị thất thoát, hay chí ít là không phải tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của để điều tra, xét xử rồi thu hồi tài sản thất thoát.

Dư luận xã hội yên lòng khi Trịnh Xuân Thanh, Vũ “nhôm”, Út “trọc” ngày hôm nay đã chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng mong muốn lớn hơn từ dư luận là những người bao che, tiếp tay cho Đinh Ngọc Hệ, Phan Anh Vũ lộng hành trong cả thời gian dài phải được xử lý nghiêm minh, nhất là khi họ lại được giao nhiệm vụ trong những ngành quan trọng. Trách nhiệm nào cho những người từng dọn đường cho Út “trọc”, Vũ “nhôm” thăng tiến?

Vũ “nhôm” vướng vòng lao lý kéo theo hàng loạt quan chức của Đà Nẵng.
Vũ “nhôm” vướng vòng lao lý kéo theo hàng loạt quan chức của Đà Nẵng.)

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Trưởng ban tổ chức Trung ương nói: “Vũ “nhôm” dính đến một số vụ án lớn, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Tổng cục 5, về Bộ Công an. Vụ án Vũ “nhôm” khác với các vụ án tham nhũng khác. Các vụ án tham nhũng thông thường chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng. Còn Vũ “nhôm” lọt vào cơ quan của Bộ Công an, lấy thẻ ngành để tạo ra các sai phạm lớn như chiếm đất đai, dọa dẫm người này người khác…”

Vì sao Vũ “nhôm” lại lọt được vào Bộ Công an và “sống khỏe” trong thời gian rất dài? Theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên nhân không phải là vì mất cảnh giác, không phải do sơ hở trong tuyển chọn người, không phải là về quy trình công tác cán bộ. Nguyên nhân chính theo ông Hương là do Vũ “nhôm” đã mua chuộc được nhiều cán bộ cấp cao. Vũ Nhôm đã mua chuộc bằng tiền, bằng vật chất, bằng tài sản, bằng đất đai… Từ đó các cán bộ bị lợi ích nhóm khống chế, lũng đoạn, mua chuộc bằng vật chất. Tuy nhiên, trách nhiệm này đến nay mới được cơ quan chức năng xem xét một phần.

Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều các quy định, quy chế về tuyển dụng, đề bạt cán bộ. Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức nhiều cấp, nhiều ngành đã và đang tìm nhiều giải pháp để ngày càng hoàn thiện các quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ một cách chặt chẽ, dân chủ, công khai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong công tác cán bộ dẫn đến việc để lọt vào hàng ngũ cán bộ, đảng viên những Trịnh Xuân Thanh, Út “trọc”, Vũ “nhôm”... Nếu không có lỗ hổng thì một kẻ như Út Trọc không thể lọt vào một ngành quan trọng như thế, tác oai tác quái cả chục năm trời với nhiều trò ma mãnh, dùng bằng giả để tăng lương thăng chức, thế chấp xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A, làm giả giấy tờ… qua mắt nhiều tầng nấc kiểm soát nghiêm ngặt như trong ngành quân đội. Và nếu không có “lỗ hổng” thì khó có ai có thể nâng đỡ, tiếp tay hoặc bao che cho chúng?...

Theo tôi, quá trình thực thi pháp luật về công tác cán bộ còn quá nhiều vấn đề. Những lỗ hổng này theo ông Hương đều do sự cố tình của con người tạo ra trong quá trình vận hành bộ máy. Đó là việc người ta làm thiếu tiêu chuẩn, sai quy trình để dễ dàng tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ theo làm vây cánh của mình. Đó là việc đánh giá cán bộ một cách nể nang, cảm tính, để các mối quan hệ cá nhân chi phối. Đó là tình trạng cục bộ, khép kín. Đó là việc tiếp tay, bao che, dung túng cho những sai phạm của cấp dưới… Phải có những quy định về trách nhiệm thật nghiêm khắc, mới mong mỏi hạn chế được tình trạng này. Bởi nếu đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ không đúng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Những hậu quả đó đã và đang hiển hiện. Và ai cũng thấy rõ rằng, việc xử lý, khắc phục những hậu quả này đã gây ra tổn thất vô cùng to lớn cho xã hội, cho đất nước kể cả về vật chất lẫn tinh thần.

Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (nguồn ảnh: TTXVN)
Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (nguồn ảnh: TTXVN))

Dư luận cũng không thể không đặt câu hỏi, ai là người vận hành, làm méo mó quy trình, tạo ra những lỗ hổng trong việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ, từ đó sản sinh ra những cán bộ, đảng viên như Trịnh Xuân Thanh, Út “trọc”, như Vũ “nhôm”... Việc xử lý những sai phạm của Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Anh Vũ sẽ chỉ là giải quyết phần ngọn của vụ việc, nếu như không xử lý triệt để phần gốc, không có biện pháp hữu hiệu để bịt những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ.

Kỳ họp gần đây nhất, Đảng ta một lần nữa đã xác định công việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là khâu then chốt trong sự nghiệp phát triển đất nước. Một lần nữa, yêu cầu về hoàn thiện chính sách và pháp luật về tổ chức cán bộ đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Phan Phan – Thu Nga

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chung-tay-hoan-thien-co-che-chinh-sach-phap-luat-de-phong-chong-tham-nhung-hieu-qua-ky-4-bai-10-de-khong-con-nhung-trinh-xuan-thanh-vu-nhom-ut-troc-lot-vao-a198231.html