Cách đây 100 năm, một vụ hành hình đã xảy ra ở bang Georgia (Mỹ). Vụ hành hình không kinh khủng hơn các vụ khác nhưng bất thường ở chỗ nạn nhân là một người Do Thái da trắng bị kết án dựa trên lời khai của một người da màu và việc hành hình đó lại không phải do cơ quan tư pháp thực hiện.
Vụ việc khi ấy đã kích động tâm lý bài Do Thái của cả bang Georgia và thu hút sự chú ý toàn nước Mỹ.
Bỏ qua chứng cứ
Rạng sáng ngày 17/8/1915, Leo Frank - một kỹ sư người Mỹ gốc Do Thái bị hành hình. Frank bị kết án cách đó 2 năm vì tội giết một bé gái 13 tuổi tên là Mary Phagan làm việc tại Công ty Bút chì Quốc gia ở Atlanta nơi Frank là người quản lý.
Phagan bị phát hiện nằm trên sàn nhà trong vũng máu ở tầng hầm nhà máy. Cái chết bi thảm của em khiến dư luận dậy sóng với vấn đề giai cấp, chủng tộc và tôn giáo ở miền Nam nước Mỹ. Dư luận ở Atlantan dường như cáo buộc đạo Do Thái của Frank chính là thứ gây nên tội lỗi cho anh ta.
Frank 29 tuổi, lớn lên ở miền Bắc, là kỹ sư, kết hôn với con gái của một gia đình Do Thái giàu có thuộc tầng lớp thượng lưu lâu đời ở Atlanta. Với xuất thân như vậy, anh bị phần lớn xã hội Georgia coi là người ngoài cuộc, xa lạ.
Là người cuối cùng thừa nhận nhìn thấy Phagan còn sống, Frank là nghi can chính liên quan đến cái chết của cô bé Phagan. Tuy nhiên, sau khi bị bắt, Frank không chỉ là một nghi can bình thường. Mọi định kiến thâm căn cố đế với người Do Thái chợt bùng lên mạnh mẽ trong xã hội.
Vụ giết người tàn bạo đã khiến dư luận đòi chính quyền nhanh chóng đưa kẻ thủ ác ra trước công lý. Khi cảnh sát xuất hiện tại nhà Frank sáng hôm sau vụ giết người, Frank tỏ ra lo lắng. Anh đi cùng cảnh sát tới chỗ thi thể Phagan ở nhà máy. Frank cho biết vào ngày hôm trước, mình đã ở văn phòng chừng hơn 20 phút sau khi Phagan ra ngoài.
Một công nhân khai rằng lúc cô đến văn phòng để lĩnh lương thì không thấy Frank. Cô này đợi vài phút rồi đi về. Người bảo vệ ca đêm hôm đó khai rằng Frank đã gọi điện vào cuối ngày để hỏi xem mọi thứ có ổn không - hành động mà Frank chưa bao giờ làm. Dựa trên các lời khai đó, Frank đã bị bắt.
Sau đó, cảnh sát có thêm nhiều bằng chứng để quyết định đưa Frank ra xét xử. Nhân chứng chính của vụ án là Jim Conley, một người bảo vệ da màu bị bắt khi đang giặt vết máu đỏ trên áo. Người này khai đã giúp Frank tiêu hủy xác của Phagan. Dù bốn bản khai của Conley đều có những chi tiết mâu thuẫn nhưng dựa vào lời khai của Conley, bồi thẩm đoàn vẫn kết án Leo Frank.
Trong khi đó, người dân Atlanta mong chờ một bản án cho kẻ giết người. Họ tụ tập quanh tòa án, hò hét khi bồi thẩm đoàn sau 25 ngày xét xử đã tuyên bố Frank có tội.
Luật sư của Frank sau đó đã nộp liên tiếp 2 đơn kháng án lên Tòa án Tối cao Georgia và 2 đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ với lý do quy trình xét xử có vấn đề vì Frank không có mặt khi tòa ra bản án và bồi thẩm đoàn bị áp lực quá lớn từ dư luận. Tòa án Tối cao Mỹ đã bác đơn kháng cáo này.
Trong khi đó, ông Thomas E. Watson, chủ báo Jeffersonian, đã thực hiện một chiến dịch lên án Frank và được người dân Georgia hưởng ứng nhiệt tình. Cáo buộc của ông Watson nhằm vào người Do Thái nói chung và Frank nói riêng khiến tờ báo của ông bán rất chạy và Watson còn nhận được vô số lá thư khen ngợi ông cũng như tờ báo. Ông Watson và tờ báo đã thổi bùng ngọn lửa căm giận của công chúng.
Sự man rợ của đám đông
Khi mọi đơn kháng cáo đều bị bác, các luật sư của Frank tìm cách giảm hình phạt cho Frank từ Thống đốc bang Georgia sắp mãn nhiệm là ông John M. Slaton. Thời điểm ông Slaton xem lại vụ án, ông phải chịu áp lực lớn từ dư luận. Ông đã xem lại hơn 10.000 trang văn bản, thăm nhà máy bút chì nơi xảy ra án mạng và cuối cùng kết luận là Frank vô tội. Tuy nhiên, trước ngày tử hình Frank, ông lại chỉ giảm tội từ tử hình xuống chung thân.
Quyết định của Thống đốc Slaton khi ấy đã khiến dân chúng Georgia giận dữ, dẫn tới bạo loạn khắp Atlanta. Các cuộc tuần hành tới dinh thự của ông Slaton đã được một số đối thủ của ông tổ chức. Tình trạng nghiêm trọng, hỗn loạn đến mức ông Slaton phải ban bố thiết quân luật và điều cả vệ binh quốc gia. Khi nhiệm kỳ thống đốc của ông Slaton kết thúc vài ngày sau đó, cảnh sát đã phải hộ tống ông và vợ ra ga xe lửa. Hai vợ chồng ông lên tàu hỏa và rời bang Georgia suốt cả chục năm sau.
Rạng sáng 16/8/1915, Frank bị một số người dân ở thành phố Marietta - quê nhà của cô bé Phagan - lôi ra khỏi phòng giam sau khi họ đột nhập vào nhà tù, cắt dây điện thoại, khống chế cai ngục. Họ lái xe đưa thẳng Frank về Marietta. Đoàn xe dừng lại ở bìa một khu rừng gần nơi cô bé Phagan lớn lên. Họ dẫn Frank tới một gốc cây sồi, bắt anh đứng lên một cái bàn và tròng thòng lọng quanh cổ anh. Lúc 7 giờ, người ta hỏi Frank có muốn nói điều gì không. Frank nói: "Tôi bây giờ nghĩ về vợ và mẹ nhiều hơn mạng sống của tôi". Trước khi treo cổ, họ đã cho Frank một cơ hội nhận tội cuối cùng nhưng Frank vẫn im lặng. Người ta đá đổ chiếc bàn và Frank treo lơ lửng.
Hàng nghìn người đã đến để ăn mừng, chụp ảnh với thi thể của Frank. Họ cắt từng mẩu dây thừng buộc cổ Frank và xé từng mảnh quần áo của anh. Cuối cùng, một quan tòa trong vùng phải đứng trước đám đông, cầu xin họ để người ta đưa xác Frank đi. Quan tòa này nói: "Cho dù lúc sống Frank có gây tội ác gì đi chăng nữa thì anh ta cũng có một người bố và một người mẹ, hãy rủ lòng thương họ".
Thế nhưng ngay khi Frank được hạ xuống, đám đông lại bủa vây cái xác. Trong số đó có người còn giẫm chân liên tục lên mặt Frank. Về sau, các bức ảnh ghê rợn về vụ treo cổ còn được đăng báo và in làm bưu thiếp bày bán tại các cửa hàng cùng với các mẩu dây thừng và quần áo của Frank. Người ta còn bán cả cành cây từ cây sồi Frank bị treo cổ.
Khi được đưa về tới Atlanta, thi thể Frank cũng chưa được yên thân. Đám đông ở đây ùa về nơi cất giữ thi thể Frank đòi xem mặt anh ta bằng được nếu không sẽ đập vỡ cửa. Đám đông hỗn loạn phá vỡ một cửa kính, buộc cảnh sát phải đưa quan tài Frank ra nhà nguyện. Tại đây, trong vòng 5 tiếng, khoảng 15.000 người đã đổ đến để xem xác Frank.
Sau đó, thi thể Frank được chuyển từ Georgia về thành phố New York ngày 19/8, được “trưng bày” như một chiến lợi phẩm để hàng nghìn người vui sướng, hả hê vì đã giết được một người bị cáo buộc tội hiếp dâm, giết người… Nhưng cũng có cả nghìn người xuất hiện để tiếc thương cho số phận của chàng kỹ sư xấu số.
Trang sử đen tối
Những ngày sau đó, báo chí đều đưa tin rằng nhóm người hành hình Frank là các lãnh đạo dân sự thành phố Marietta và hạt Cobb, gồm các luật sư, doanh nhân và chính khách. Thế nhưng, không ai bị bắt. Thực tế, nhiều người có ở Georgia ủng hộ vụ hành hình. Thị trưởng Atlanta, ông J. G. Woodward đã tuyên bố: "Khi chuyện liên quan đến danh dự của một phụ nữ, không có giới hạn nào mà chúng ta không thể thực hiện để trả thù và bảo vệ".
Thế nhưng, ngoài dư luận Georgia và Atlanta nói riêng, những khu vực khác ở Mỹ rùng mình trước vụ hành hình. Cựu Tổng thống William Howard Taft (Tổng thống thứ 27 của Mỹ) gọi vụ hành hình là "cơn giận đáng ghê tởm".
Vụ án của Frank không chỉ là một thất bại của công lý mà còn là biểu tượng cho nỗi sợ của miền Nam nước Mỹ lúc bấy giờ. Công nhân bất mãn vì bị các ông chủ nhà máy miền Bắc đến miền Nam bóc lột trong quá trình tái tổ chức lại nền kinh tế nông nghiệp suy tàn. Do là người Do Thái nên Frank càng khiến dân miền Nam bất mãn khi tâm lý chống Do Thái âm ỉ bị báo chí Georgia thổi bùng lên.
Các bài xã luận đăng trên báo chí toàn nước Mỹ ủng hộ một phiên tòa xét xử mới dành cho Frank và tuyên bố anh vô tội. Điều này lại càng củng cố niềm tin của nhiều người dân Georgia rằng đó là nỗ lực của người Do Thái dùng tiền và ảnh hưởng của mình để che mắt công lý.
Năm 1986, Hội đồng Ân xá và Tạm tha bang Georgia đã ân xá cho Frank với tuyên bố: Không đề cập đến vấn đề có tội hay vô tội, trong bối cảnh thừa nhận rằng bang đã thất bại trong bảo vệ Leo M. Frank do đó bảo lưu cơ hội tiếp tục kháng cáo bản án, trong bối cảnh thừa nhận bang đã thất bại trong việc đưa những kẻ giết Frank ra trước công lý cũng như thất bại trong nỗ lực hàn gắn vết thương cũ, xét theo hiến pháp và thẩm quyền, Hội đồng Ân xá và Tạm tha ban lệnh ân xá cho Leo M. Frank.
Lệnh ân xá một phần dựa trên lời khai năm 1982 của ông Alonzo Mann - người lúc đó đã 83 tuổi. Khi xảy ra vụ án giết Phagan, ông Mann là công nhân ở công ty bút chì và đã nhìn thấy Conley khiêng xác của Phagan xuống tầng hầm vào ngày cô bé chết. Conley đã dọa giết cậu bé Mann nếu cậu hé răng và mẹ cậu bé khuyên cậu bé im lặng.
Xét về mặt lịch sử, cái chết của Frank đã gây ảnh hưởng trong suốt thế kỷ. Đó là vụ hành hình duy nhất mà nạn nhân là một người Mỹ gốc Do Thái. Cái chết của Frank gây tác động ở cả miền Bắc và Nam nước Mỹ, cả trong cộng đồng Do Thái và phi Do Thái.
Đáng lưu ý là, hai tổ chức đã mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn quốc sau vụ Frank. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Frank bị treo cổ, 33 thành viên của nhóm tự xưng là Hiệp sĩ của Mary Phagan đã tập trung trên một đỉnh núi gần Atlanta và thành lập nhóm Ku Klux Klan (thường gọi tắt là "the Klan", hay đảng 3K) của Georgia. Một cộng đồng Do Thái cũng đã thành lập Liên đoàn chống phỉ báng để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái.
Vụ xét xử và hành hình Frank có ảnh hưởng sâu sắc tới cộng đồng người Do Thái khắp nước Mỹ. Ở miền Nam, người Do Thái bị đẩy vào tình trạng chối bỏ đạo Do Thái của mình. Họ thậm chí còn trở nên bị đồng hóa mạnh hơn, có tâm lý chống Israel. Họ tránh xa những thứ Do Thái khiến họ bị chú ý. Còn ở miền Bắc, người Do Thái kín tiếng sau cái chết của Frank. Họ lo sợ nếu lên tiếng ủng hộ Frank sẽ kích động căng thẳng ở miền Nam.
Trang lịch sử đen tối của nước Mỹ đã khép lại từ lâu. Ngày nay, người Do Thái ở Mỹ an toàn ở mọi nơi. Mỹ không những không phải là nước bài Do Thái mà còn là nơi tốt nhất trên thế giới ngoài Israel để người Do Thái sinh sống.
Theo An ninh Thế giới
Nguồn bài viết: https://dantri.com.vn/the-gioi/vu-an-oan-tung-thay-doi-ca-nuoc-my-2015090110293089.htm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/vu-an-oan-tung-thay-doi-ca-nuoc-my-a198160.html