Tham nhũng trong khu vực tư và kiến nghị hoàn thiện pháp luật PCTN trong khu vực tư

(Pháp lý)  - Tham nhũng trong khu vực tư không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư mà còn ảnh hưởng đến khu vực công. Trong một số trường hợp, khu vực tư chính là nơi “trú ẩn”, rửa tiền, “sân sau” của những quan chức có hành vi tham nhũng trong khu vực công. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) sẽ không đạt hiệu quả nếu bỏ qua khu vực tư; hơn nữa, PCTN trong khu vực tư cũng là để góp phần PCTN trong khu vực công có hiệu quả hơn.

Điều này đặt ra yêu cầu, phải coi tham nhũng trong khu vực tư là một bộ phận không thể tách rời trong “bức tranh” tham nhũng nói chung ở nước ta và vấn đề hoàn thiện pháp luật PCTN trong khu vực tư trong thời gian tới tại Việt Nam là quan trọng và cấp thiết.

Phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư ở Việt Nam hiện nay

Ranh giới giữa việc ban hành pháp luật và áp dụng, thực hiện pháp luật PCTN trong khu vực tư

Thực tiễn pháp luật PCTN trong khu vực tư được đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp trong Luật Doanh nghiệp năm 2015, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật PCTN và Bộ luật Hình sự năm 2015 đó là việc tăng cường minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp thuộc khu vực tư. Tuy nhiên, một số quy định chưa cụ thể, còn tạo ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ quan thực thi pháp luật, dẫn đến hệ quả là cùng một hành vi tham nhũng nhưng nếu chủ thể thực hiện thuộc khu vực tư lại nhận bản án khác với chủ thể thuộc khu vực công. Đây là sự bất bình đẳng giữa các chủ thể trong cùng một hệ thống pháp luật, đi ngược yêu cầu tạo sự bình đẳng trước pháp luật giữa các chủ thể thuộc mọi thành phần xã hội. Do đó, việc bổ sung quy định khu vực tư là đối tượng điều chỉnh của Luật PCTN; hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCTN theo hướng bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ về hành vi tham nhũng, mục đích tham nhũng, động cơ tham nhũng và vụ lợi, xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng… là cần thiết.

Tiền tham nhũng ở khu vực công được sử dụng, làm sạch ở khu vực tư như thế nào?

Tội phạm tham nhũng sử dụng để che dấu nguồn gốc khoản tiền có được từ tham nhũng bằng cách nào? Chúng thông qua các kênh và thủ đoạn, hành vi như: Mua bất động sản, tài sản, chuyển cho người thân, đầu tư kinh doanh, lập doanh nghiệp, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp hoặc chuyển tiền trái phép ra nước ngoài… tội phạm tham nhũng biến đổi các khoản thu nhập có nguồn gốc phi pháp thành “tiền sạch”. Có thể tham khảo quy trình điển hình rửa tiền từ tham nhũng như sau:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Có thể lý giải các công đoạn rửa tiền theo quy trình nêu trên như sau:

- Tiền có được từ tham nhũng (hay còn gọi là tiền bẩn) được lưu chuyển vào hệ thống kinh tế tài chính, cụ thể là chuyển vào hệ thống ngân hàng. Đây là thao tác đầu tiên của hoạt động rửa tiền, nhằm chuyển đổi các khoản tiền do phạm tội tham nhũng mà có sang các hình thức hợp pháp khác và đưa vào các chu trình kinh tế tài chính. Có thể nói, đây được coi là khó khăn nhất đối với bọn tội phạm tham nhũng vì tiền và tài sản có được là bất hợp pháp và đang được cơ quan điều tra theo dõi. Hơn nữa không phải riêng ở Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới đều đã ban hành Luật phòng, chống rửa tiền với những quy định khá chặt chẽ như: Quy định lượng tiền mặt được đưa qua biên giới, được phép thanh toán, các quy định về khai báo ngân hàng,…

- Tiếp đến, là quá trình tích tụ và quay vòng các khoản tiền sau khi chúng đã thâm nhập hệ thống tài chính, hay nói cách khác khoản tiền đã chuyển dịch và sắp xếp. Trong công đoạn này, hàng nghìn thao tác nghiệp vụ được thực hiện làm cho đồng tiền chuyển dịch khắp nơi, quay vòng nhiều lần để xoá đi dấu vết tội phạm, cắt đứt một cách “giả tạo” mối liên hệ giữa tài sản và tổ chức tội phạm. Biểu hiện rõ nét nhất đó là Quốc gia nào có hệ thống Luật Doanh nghiệp càng thông thoáng càng dễ bị lợi dụng thông qua việc thành lập công ty “ma”. Ở Việt Nam, tình trạng các tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng thành lập doanh nghiệp “ma” chủ yếu để mua bán hóa đơn, còn phục vụ cho mục đích rửa tiền còn ít. Các giao dịch tài chính tinh vi như tham gia vào thị trường tài chính thứ cấp gắn liền với việc sử dụng công nghệ ngân hàng tiên tiến như internet banking cũng gây khó khăn cho hoạt động điều tra.

 Vũ “nhôm” bị bắt cùng 02 cựu Chủ tịch TP. Đà Nẵng do liên quan đến đất đai, công sản
Vũ “nhôm” bị bắt cùng 02 cựu Chủ tịch TP. Đà Nẵng do liên quan đến đất đai, công sản)

- Cuối cùng, đó là đầu tư hợp pháp. Ở công đoạn này, bọn tội phạm tham nhũng sử dụng tiền, tài sản đã được tẩy rửa để đầu tư một cách hợp pháp vào hoạt động sản xuất kinh doanh dưới các hình thức như vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, các khoản vay cá nhân, cổ phiếu, tín phiếu, bất động sản...Việc đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ làm gia tăng giá trị đồng tiền phạm tội, trộn lẫn đồng tiền hợp pháp và bất hợp pháp, ở giai đoạn này rất khó để có thể xác định hành vi cấu thành tội phạm.

Đặc điểm, nhận dạng tham nhũng ở khu vực tư

- Đặc điểm của tham nhũng nói chung và ở khu vực tư hiện nay là chủ thể thực hiện hành vi phải là người có chức vụ, quyền hạn. Cụ thể: Theo Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 01/6/2006 quy định “người có chức vụ, quyền hạn”, bao gồm cả “người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”. Nhưng trên thực tế, có những người mặc dù không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ vẫn là đối tượng cần được nghiên cứu có phải là chủ thể của tham nhũng hay không, chẳng hạn như: Người lợi dụng sự ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để thu lợi cá nhân; người tiếp tay, giúp sức người có chức vụ, quyền hạn thực hiện các hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, việc quy định chủ thể tham nhũng là người được giao thực hiện nhiệm vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó còn có nhiều cách hiểu khác nhau, bởi theo quy định này thì không rõ nhiệm vụ được nêu là nhiệm vụ ở trong khu vực công hay ở khu vực tư. Nếu bao gồm cả khu vực tư thì người được giao nhiệm vụ quản lý, kiểm soát nguồn vốn, tài sản, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tập thể (chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát của doanh nghiệp; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát hợp tác xã) đã lợi dụng nhiệm vụ của mình để vụ lợi cũng được coi là chủ thể của tham nhũng. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể người được giao công vụ, nhiệm vụ là người:

+ Thứ nhất, được những người có chức vụ, quyền hạn giao nhiệm vụ;

+ Thứ hai, được giao nhiệm vụ quản lý, kiểm soát nguồn vốn, tài sản, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tập thể.

- Các biểu hiện để nhận diện tham nhũng khu vực tư dễ nhận biết nhất, đó là: Cung cấp dịch vụ điện nước, cơ sở hạ tầng, cho thuê mặt bằng, đặc biệt trong quan hệ tín dụng và cho vay là phổ biến. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, nhân viên các ngân hàng thương mại thoái hóa, biến chất được các doanh nghiệp móc nối, hối lộ đã cho vay sai nguyên tắc, vượt quá khả năng thanh toán, thông đồng với đối tượng vay nhận hồ sơ thế chấp không hợp lệ, hồ sơ giả, nâng khống giá trị tài sản thế chấp để vay tiền, dẫn đến hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát. Có một số cán bộ ngân hàng, kho bạc, quỹ tín dụng lợi dụng nhiệm vụ được giao như quản lý kho, quỹ vay tiền ngân hàng để mua chứng khoán hoặc cho vay lại với lãi suất cao hơn, khi bị thua lỗ, lừa đảo mất khả năng trả nợ, gây thiệt hại lớn. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều loại tội phạm tham nhũng mới với tính chất hết sức nghiêm trọng như: Tham ô, cố ý làm trái và lừa đảo qua mạng hay các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán (như sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán - giao dịch nội gián hay thao túng giá chứng khoán…).

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật PCTN trong khu vực tư ở Việt Nam hiện nay

Đối với các cơ quan Nhà nước

- Hoàn thiện dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) (gọi tắt là dự thảo Luật) theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước và xây dựng cơ chế thanh tra, kiểm tra công tác PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước đảm bảo chặt chẽ về căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra để tránh bị lạm dụng, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể:

+ Về khái niệm tham nhũng: Nên bổ sung, sửa đổi theo hướng “Tham nhũng là hành vi trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc công vụ, nhiệm vụ đó để vụ lợi cá nhân, làm thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Và tham nhũng trong khu vực tư theo hướng “Tham nhũng trong khu vực tư là những hành vi hối lộ hoặc bất kỳ một hành vi nào khác của những người được giao thực hiện một trách nhiệm nào đó trong khu vực tư nhân, nhưng đã vi phạm trách nhiệm được giao để thu bất kỳ một thứ lợi ích bất hợp pháp nào cho cá nhân hoặc cho người khác”.

 Hai “ông trùm” Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cùng số tiền “bẩn”
Hai “ông trùm” Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cùng số tiền “bẩn”)

+ Về chủ thể tham nhũng: Pháp luật Việt Nam hiện hành vẫn chưa quy định pháp nhân là chủ thể của tham nhũng, nhưng trong thực tế có xảy ra. Để bảo đảm phòng, chống tham nhũng được toàn diện và triệt để hơn, cần bổ sung một số hành vi tham nhũng của pháp nhân. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với pháp nhân có hành vi tham nhũng là bằng biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính, như: Phạt tiền, cấm kinh doanh, giải thể pháp nhân… Việc xử lý hình sự chỉ áp dụng đối với cá nhân mà không thể xử lý đối với pháp nhân theo đúng nguyên tắc của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Trong trường hợp pháp nhân có hành vi tham nhũng, có thể truy cứu trách nhiệm của những người thuộc pháp nhân đó có những hành vi vi phạm pháp luật thì có thể bị xử lý hình sự nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

+ Phạm vi của tham nhũng: Tham nhũng không dừng lại ở bất kỳ một mô hình tổ chức kinh doanh hay một loại hình giao dịch kinh tế, thương mại cụ thể nào mà sẽ xuất hiện và tồn tại ở nhiều lĩnh vực, hoạt động của khu vực tư và sẽ có nguy cơ phát sinh nhiều hơn ở những tổ chức có môi trường và hiệu quản trị, kiểm soát thấp, và ở những lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ xung đột lợi ích cao. Do đó, việc mở rộng phạm vi áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (gọi tắt là khu vực tư) là cần thiết; bởi vì, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đồng thời đây là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện… do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi áp dụng sang khu vực tư còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước.

- Tiếp tục nghiên cứu và sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan đến pháp luật phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư, cụ thể đó là:

+ Tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng: Hình sự hóa một số hành vi tham nhũng trong khu vực tư cũng như hành vi hối lộ các tổ chức quốc tế hoặc của các công chức trong các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, làm cơ sở cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử những hành vi này. Xây dựng lộ trình thích hợp nhằm quy định là tội phạm đối với hành vi “làm giầu bất hợp pháp”; quy định pháp nhân là chủ thể của Luật hình sự tạo cơ sở pháp lý cho những hành vi tham nhũng “tập thể” hoặc “nhóm lợi ích” đang có xu hướng xuất hiện ngày càng phổ biến hiện nay.

+ Đưa tội “đưa hối lộ” và “môi giới hối lộ” vào nhóm tội tham nhũng để áp dụng đường lối xử lý cho phù hợp. Sửa đổi các quy định liên quan đến nhóm tội hối lộ để có thể xử lý đối với hành vi hối lộ “phi vật chất”. Và sửa đổi quy định về tội “Hối lộ” theo hướng chỉ xử lý người đưa hối lộ để đạt được những lợi ích bất hợp pháp, loại trừ trách nhiệm đối với những hiện tượng phải quà cáp bôi trơn trong khi thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp. Ngược lại người nhận hối lộ phải chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp.

+ Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp tham gia phòng, chống tham nhũng, một khuôn khổ thể chế đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất là điều kiện tiên quyết. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục cải cách và hoàn thiện pháp luật về PCTN trên cơ sở cân nhắc các văn bản luật chuyên ngành liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Hải quan, các luật về thuế…Bởi vì các luật đều có một điểm hạn chế chung, đó chính là “biện pháp chế tài” chưa đủ mạnh để ngăn ngừa tội phạm. Ví dụ: Trên thực tế đã chứng minh những doanh nghiệp có “nhân thân” xấu như từng trốn thuế, phá sản, vi phạm nhiều lần... Họ có thể giải tán doanh nghiệp này rồi thành lập doanh nghiệp khác một cách rất dễ dàng nhưng Luật Doanh nghiệp là không có chế tài gì đối với những doanh nghiệp này. Một ví dụ khác: Nếu như hành vi “giao dịch nội gián” ở nhiều thị trường tài chính trên thế giới có thể bị xử phạt rất nặng (thậm chí bị truy tố hình sự) nhưng tại Việt Nam thì được gọi là sử dụng thông tin nội bộ và bị xử phạt vài chục triệu đồng, trong khi khoản lợi bất chính mà cá nhân vi phạm nhận được lên đến hàng tỷ đồng thì không bị thu hồi,…

 Xử lý tham nhũng trong lĩnh vực tư cũng là góp phần chống tham nhũng trong lĩnh vực công (ảnh minh họa)
Xử lý tham nhũng trong lĩnh vực tư cũng là góp phần chống tham nhũng trong lĩnh vực công (ảnh minh họa))

Đối với khu vực tư

Để góp phần thực hiện tốt pháp luật PCTN trong khu vực tư, thì chính các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư phải tích cực, chủ động tham gia PCTN. Việc PCTN ở khu vực tư được thực hiện đồng bộ ở cả ba cấp độ, đó là: Trong nội bộ doanh nghiệp, với các đối tác kinh doanh và tham gia các hành động tập thể. Qua nghiên cứu, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị để các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư tham khảo như sau:

- Đầu tiên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp phải xác định được tầm quan trọng của công tác PCTN tại nơi làm việc, lĩnh vực hoạt động của mình để chủ động xây dựng và áp dụng các biện pháp PCTN đã được chuẩn hóa như: Bộ tiêu chuẩn ISO 37001 (Hệ thống quản lý chống hối lộ) do Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) ban hành, hoặc Các nguyên tắc chống hối lộ trong kinh doanh do doanh nghiệp tự xây dựng; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá hồ sơ liêm chính của người lao động trong quá trình tuyển dụng, kiểm tra, tham chiếu với nơi làm việc trước đó của người lao động.

- Thứ hai, cần áp dụng và thực thi hiệu quả chính sách kê khai nguy cơ xung đột lợi ích và phòng chống xung đột lợi ích. Nếu thực hiện tốt sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu tham nhũng, lãng phí.

Đặc biệt, các chính sách trao nhận quà tặng, chiêu đãi, kiểm soát chi phí hoa hồng, chiêu đãi và chi phí công tác cần được công khai, minh bạch, nhất quán cho toàn bộ nhân viên, công nhân của doanh nghiệp để sớm phát hiện và xử lý tham nhũng.

- Thứ ba, doanh nghiệp nên thiết lập và đảm bảo việc vận hành hiệu quả kênh tố cáo hành vi sai phạm, tham nhũng với quy định, quy trình rõ ràng, dễ hiểu và có độ tin cậy cao làm cơ sở cho việc tăng cường giám sát thực thi các chính sách liêm chính của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để tự vận hành hoặc thuê công ty dịch vụ độc lập thì có thể liên hệ đến các hội, hiệp hội doanh nghiệp để được giúp đỡ, tất nhiên bên giúp đỡ phải đảm bảo tính khách quan và bảo mật thông tin.

- Thứ tư, doanh nghiệp nên đánh giá thẩm định đối tác kinh doanh trước khi quyết định hợp tác kinh doanh. Đưa vào phạm vi rà soát những tiêu chí liên quan tới hành vi tham nhũng, hối lộ trong quá khứ và năng lực phòng, chống rủi ro tham nhũng của đối tác. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hợp tác và nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu tham nhũng, lãng phí.

- Thứ năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trong khu vực tư nên ủng hộ và tham gia các hành động tập thể của hiệp hội, câu lạc bộ, nhóm doanh nghiệp,…như: Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ, các hội ngành nghề…, để cùng thúc đẩy và chia sẻ các chuẩn mực và thông lệ tốt về liêm chính trong kinh doanh, bảo vệ những doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, tố cáo những doanh nghiệp sử dụng tham nhũng để trục lợi và gây tổn hại tới doanh nghiệp khác.

Luật gia – Thạc sỹ Lê Quang Kiệm
(Thanh tra tỉnh Đồng Nai)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tham-nhung-trong-khu-vuc-tu-va-kien-nghi-hoan-thien-phap-luat-pctn-trong-khu-vuc-tu-a198118.html