Tòa án nhân dân là thiết chế cơ bản có chức năng bảo vệ công lý

Mục tiêu lớn nhất của nền tư pháp chính là thay thế tư tưởng dùng bạo lực bằng tư tưởng dùng quyền, sử dụng “lực đạo lý” thay cho “lực vật chất” bằng cách đặt ra khâu can thiệp trung gian giữa cầm quyền và dùng sức mạnh vật chất. Như vậy, để tạo sự “thuận nguyện” trong tuân phục pháp luật, các chính quyền cần phải đặc biệt quan tâm đến vai trò của tòa án.

7
Trong cuốn “Lịch sử văn minh nhân loại”, với nhiều khảo nghiệm nhân loại học phong phú, nhà sử học Hoa Kỳ Will Durant đã khái quát và luận giải sự ra đời, vai trò và ý nghĩa của thiết chế bảo vệ công lý – Tòa án. Theo đó, trong giai đoạn xã hội sơ khai, công lý được thể hiện khá rõ nét thông qua cơ chế trả thù cá nhân, bằng luật báo thù, dĩ oán báo oán, với công thức ngang bằng “răng đền răng, mắt đền mắt”. Giai đoạn thứ hai của sự phát triển này là thay sự báo thù bằng hình thức bồi thường, phạt vạ, nhằm giữ yên ổn, hoà hảo trong nội bộ các bộ tộc, bộ lạc. Một ví dụ sinh động về cách phạt vạ khá cẩn thận, tỉ mỉ của người Abysinie giai đoạn này như sau: “Nếu một đứa nhỏ trên cây té xuống đúng vào một đứa bạn của nó, làm cho đứa này chết thì mẹ của đứa chết có quyền sai một đứa khác leo lên cây rồi buông tay cho rớt xuống đúng đầu đứa phạm tội”. Đến giai đoạn thứ ba, để ngăn chặn các cuộc trả thù cá nhân, duy trì hòa bình, trật tự, ổn định của toàn xã hội, thiết chế toà án đã được thành lập để thẩm định, đánh giá mức độ thiệt hại, từ đó hoà giải, điều đình cho các xung đột giữa các cá nhân trong xã hội. Công lý và tư pháp xét xử đã vững bước song hành từ những bước phát triển của lịch sử như vậy.

Đến đầu thế kỷ thứ VI TCN, quan chấp chính Xôlông đã tiến hành một loạt các cải cách dân chủ của nhà nước Athen, trong đó có việc lập ra Tòa án nhân dân và tuyên bố mọi công dân đều có quyền chống án và bào chữa cho mình, qua đó tạo cơ sở cho sự ra đời của chế định luật sư. Trong giai đoạn đầu, tuy hệ thống xã hội và các tư tưởng đạo đức thời cổ đại còn có những điểm khiếm khuyết, chưa hoàn thiện nhưng việc thực hành xét xử theo kiểu tòa án dicastery, ở nhiều khía cạnh, được coi là một hình mẫu khá lý tưởng. Đây là kiểu tòa án của nền dân chủ cổ đại với sự tham gia của hàng trăm thẩm phán lấy từ 6.000 thẩm phán là công dân nam tình nguyện đăng ký mỗi năm. Người thưa kiện được trình bày trước tòa án, bị cáo có thể mượn luật sư cãi thay và bản án được biểu quyết, quyết định theo đa số. Người ta lập luận rằng, số đông các thẩm phán sẽ đảm bảo họ không bị hăm dọa và sẽ làm cho việc hối lộ trở lên khó khăn, do đó, đây là mô hình lý tưởng để công lý có thể đến được với người dân.

Cũng trong giai đoạn này, nhiều nguyên tắc xét xử ban đầu, sơ khai để bảo đảm công lý đã được đưa ra và còn được duy trì, tồn tại cho đến ngày nay như: “Mọi người, như một quy luật, đều là những quan tòa không ngay thẳng khi phán đoán những gì có liên quan đến quyền lợi riêng tư của mình”. Ngày nay, nguyên tắc này đã tiếp tục được duy trì và sử dụng rộng rãi, đặc biệt trong hệ thống luật án lệ, đảm bảo những tiêu chuẩn tối thiểu cho một quyết định công bằng, hợp đạo lý với tên gọi “Nemo debet esse judex in propria sua causa” (No one can be judge in his or her own cause or the rule against bias). Theo nguyên tắc này, người có thẩm quyền giải quyết vụ việc không được có những lợi ích về tài sản, tiền bạc hoặc nhân thân có thể ảnh hưởng đến kết quả tranh tụng, người đó cần phải thể hiện được hoặc chứng minh được sự công tâm, khách quan và chính trực của mình khi tham gia giải quyết vụ việc.

Trong giai đoạn đầu, thủ tục tố tụng còn mang tính chất tư tố. Theo đó, quyền triệu tập một cá nhân ra tòa, quyền buộc tội thuộc về tất cả mọi người. Đối với quan hệ hình sự mang tính chất tư tố, người bị hại đồng thời cũng là người truy tố, buộc tội. Nếu người bị hại đã chết, quyền truy tố thuộc về thân nhân người chết và cộng đồng. Bước sang giai đoạn đầu của xã hội phong kiến, các phiên tòa xét xử được tổ chức dưới dạng đại hội công dân nhưng nó bắt đầu được chủ trì bởi các quan lại hoặc chính Nhà vua, qua đó từng bước chuyển từ chế độ xét xử công cộng sang xét xử Nhà nước. Trong các nhà nước sơ khai cũng như các nhà nước phong kiến sau này, mặc dù bộ máy tư pháp có quy mô khác nhau, thậm chí có những giai đoạn là khá đồ sộ để thực hiện nhiệm vụ đàn áp nhưng đều có chung một đặc trưng nổi bật là thẩm quyền của tư pháp chưa tách rời thẩm quyền hành chính, ranh giới giải quyết hành chính và quyền tư pháp là rất mờ nhạt. Tập quyền chuyên chế phong kiến là nơi thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp vào cá nhân hoàng đế với sự hỗ trợ đắc lực của niềm tin tôn giáo rằng quyền hành của hoàng đế là “thiên mệnh”.

Có thể nói, trong lịch sử văn minh nhân loại, nhà nước đã được hình thành từ rất sớm, cách đây khoảng hơn 5.000 năm. Tuy nhiên, bộ máy nhà nước được phân quyền với cơ quan đảm nhận nhiệm vụ tư pháp xét xử mới chỉ được thiết lập cách đây gần 300 năm, kể từ khi nổ ra các cuộc cách mạng tư sản với những học thuyết về quyền tự do cá nhân và quốc gia dân tộc. Trước đó, phong trào Văn hóa Phục hưng của giai cấp tư sản với những nội dung tư sản mang tính chất tiến bộ, coi con người là trung tâm và đề cao giá trị con người, tự do cá nhân đã tạo ra những tiền đề tư tưởng vững chắc giải phóng con người về mặt ý thức và thân phận thoát khỏi sự kiềm chế của chế độ độc đoán, tạo tiền đề vững chắc cho sự thành công của các cuộc cách mạng tư sản Anh, Mỹ, Pháp sau này.

Thế kỷ thứ 18, học thuyết phân quyền của Montesquieu ra đời với tên gọi “tam quyền phân lập” (Seperation of powers) và trở thành “hòn đá tảng” trong lý luận tổ chức quyền lực nhà nước tư sản, theo đó, quyền lực nhà nước được phân công và tổ chức thành ba nhánh: Lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quyền lập pháp là quyền làm luật, sửa đổi hay hủy bỏ luật. Quyền hành pháp là quyền quyết định và thực thi những vấn đề đối ngoại, chiến tranh, quốc phòng, an ninh, kinh tế. Quyền tư pháp là quyền trừng trị tội phạm và phân xử tranh chấp. Để bảo đảm các quyền tự do thì quyền xét xử phải được phân biệt với quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu quyền xét xử được sáp nhập vào quyền lập pháp thì sẽ không có tự do. Nếu quyền xét xử được nhập vào quyền hành pháp thì thẩm phán sẽ trở thành những kẻ áp bức. Tiếp thu những tinh hoa của nền dân chủ Athen, Montesquieu cho rằng không nên có các cơ quan tư pháp và các quan chức tư pháp thường xuyên, cố định như ngành lập pháp và hành pháp mà nên do đoàn thể cử ra, trong một thời hạn nhất định. Người xét xử cũng ở địa vị đồng đẳng với bị cáo, để bị cáo không có cảm giác đang trong tay những kẻ sẵn sàng hại mình.

Một trong những điểm nhấn trong các học thuyết về nhà nước pháp quyền sau này được các nhà lập hiến Hoa Kỳ nhấn mạnh ngoài yêu cầu “phân công” là yêu cầu “kiểm soát quyền lực”. Trong ba nhánh quyền lực thì nhánh lập pháp và hành pháp là nhánh quyền lực mạnh, dễ rơi vào nguy cơ lạm quyền nhất bởi lập pháp có quyền ấn định cách cư xử hàng ngày của xã hội còn hành pháp hàng giờ tác động vào đời sống con người, có quyền “không những phân phối các vinh dự mà còn có quyền sử dụng vũ lực”. Tư pháp tuy là nhánh quyền lực yếu hơn nhưng nó lại có một nghĩa vụ quan trọng là kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp để bảo vệ các quyền tự do của con người.

Một xã hội ổn định, trật tự và thịnh vượng đòi hỏi mọi người dân luôn phải “tuân phục” pháp luật. Tuy nhiên, cơ chế nào để người dân tuân phục pháp luật lại lại một lựa chọn đầy thách thức cho mỗi chính quyền. Nhà nghiên cứu người Pháp Alexis de Tocqueville cho rằng một chính phủ mà chỉ biết đánh nhau với dân để buộc dân tuân thủ luật pháp thì sẽ trực diện dẫn đến hai nguy cơ: Thứ nhất, nếu đó là một chính phủ yếu kém và ôn hòa thì nó chỉ dùng sức mạnh khi ở độ cùng cực và lờ đi một loạt những bất tuân lệnh cục bộ, khi đó Nhà nước dần dần rơi vào tình trạng vô chính phủ; Thứ hai, nếu đó là một chính phủ liều lĩnh và mạnh thì nó luôn luôn đem dùng sức mạnh, ta sẽ thấy chính phủ đó suy thoái dần dần thành bạo quyền thuần túy quân sự. Cả hai trường hợp này đều là thảm họa cho người dân. Từ khía cạnh này, Alexis de Tocqueville đã thật sâu sắc khi nhận định: “Một chính phủ mà chỉ biết đánh nhau với dân để buộc dân tuân thủ luật pháp thì hẳn là nó đã cận kề với thời kỳ tiêu tan rồi”. Để thắng được sự chống đối của người dân và để tạo sự tuân phục, các chính phủ chỉ có hai phương diện: Thứ nhất, dùng sức mạnh vật chất nằm ngay trong bộ máy chính quyền như quân đội, cảnh sát, tài chính…; Thứ hai, dùng “sức mạnh đạo lý” do các quyết định của tòa án đem lại. Như vậy, mục tiêu lớn nhất của nền tư pháp chính là thay thế tư tưởng dùng bạo lực bằng tư tưởng dùng quyền, sử dụng “lực đạo lý” thay cho “lực vật chất” bằng cách đặt ra khâu can thiệp trung gian giữa cầm quyền và dùng sức mạnh vật chất. Như vậy, để tạo sự “thuận nguyện” trong tuân phục pháp luật, các chính quyền cần phải đặc biệt quan tâm đến vai trò của tòa án.

Trên cơ sở học thuyết tam quyền phân lập, các nhà lập hiến Hoa Kỳ cho rằng việc thiết lập công lý phải được giao cho một cơ quan có tính ổn định, lâu dài và không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của các yếu tố chính trị thoáng qua, nhất thời như các cơ quan được hình thành trên cơ sở bầu cử, đó chính là hệ thống các cơ quan xét xử. Lập pháp và hành pháp là những cơ quan chính trị có trách nhiệm đề ra những chủ trương, chính sách trong việc giải quyết những yêu cầu, đòi hỏi thường nhật của dân chúng. Còn Tư pháp – Tòa án phải ở một cương vị khác hơn, ở đó, đòi hỏi thái độ bình tĩnh, suy xét để phán quyết sự đúng sai của các vụ việc đã qua. Mặc dù các thẩm phán ở một mức độ nào đó vẫn phải quan tâm đến các xu hướng chính trị và nguyện vọng của cử tri nhưng khác với cơ quan lập pháp, hành pháp, “Tòa án đại diện cho công lý chứ không hoàn toàn đại diện cho cử tri”.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu của Nhà nước cách mạng nhân dân (1945-1950), Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 quy định cách tổ chức Tòa án và các ngạch thẩm phán của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một văn bản được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh – một trí thức được đào tạo luật học một cách bài bản của nền giáo dục Cộng hòa Pháp chắp bút, đã thể hiện khá đậm nét truyền thống triết học pháp lý Pháp, theo đó, khẳng định Tòa án là thiết chế có thiên chức bảo vệ công lý, hệ thống tư pháp là độc lập, “các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý”, “các vị phụ thẩm phải thề trước công lý suy xét cẩn thận những án đem ra xử và công bằng xét định mọi việc”.

Từ năm 1950, Việt Nam đã tiếp thu những di sản lý luận của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin và học thuyết tập quyền XHCN của Liên Xô. Nội dung hạt nhân của học thuyết này là toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất và được tập trung ở cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân (Xô viết tối cao hay Quốc hội). Các cơ quan khác của nhà nước, bao gồm cả Tòa án nhân dân, chỉ là cơ quan phái sinh do cơ quan quyền lực cao nhất thành lập và phải chịu sự kiểm tra, giám sát tối cao của Quốc hội. Ở đây không có sự phân chia quyền lực cũng như không có sự kiềm chế và đối trọng giữa các nhánh quyền lực. Tính chịu trách nhiệm và luôn bị giám sát bởi cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và nhân dân chính là cơ sở để đảm bảo cho quyền lực nhà nước không bị tha hoá. Trong thực tế, thống nhất quyền lực chính là sự tập trung quyền lực về Quốc hội và tập quyền XHCN với nhận thức như trên đã được xem là nền tảng lý luận cho việc tổ chức chính quyền Việt Nam từ Hiến pháp năm 1959 đến Hiến pháp năm 1980.

Tại Báo cáo về dự thảo Hiến pháp năm 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước Quốc hội khóa I kỳ họp thứ 11 ngày 18/12/1959 khẳng định, vấn đề cơ bản của Hiến pháp là “tính chất nhà nước, là nội dung giai cấp của chính quyền, chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai?”. Từ tính chất giai cấp nêu trên, ở nước ta, Tòa án nhân dân luôn được xác định là thiết chế thực hiện quyền chuyên chính của Nhà nước dân chủ nhân dân, là công cụ trấn áp, trừng trị bọn tay sai đế quốc và bọn phản cách mạng để bảo vệ chủ quyền tự do, độc lập dân tộc, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất Tổ quốc. Theo đó, vai trò và nhiệm vụ của Tòa án nhân dân mới được nhấn mạnh từ khía cạnh là cơ quan xét xử chứ chưa thực sự chú trọng ở khía cạnh là cành quyền lực tư pháp và là cơ quan bảo vệ công lý. Các cơ quan Tòa án nhân dân mang nặng đặc điểm của một thiết chế thời kỳ chiến tranh, bao cấp và chưa thực sự nghiêng hẳn về nhiệm vụ bảo vệ công lý. Truyền thống này được duy trì và thể hiện trung thành tại các Điều 63-69 Hiến pháp năm 1946, Điều 97-108 Hiến pháp năm 1959, các Điều 127-141 Hiến pháp năm 1980 và các Điều 126-140 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trong giai đoạn này hệ thống tòa án ở nước ta về cơ bản mới chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chế nhà nước và ở mức độ nhất định là bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước sự xâm hại của công dân và các chủ thể phi nhà nước khác.

Có thể nói, trong một thời gian dài, nguyên tắc tập quyền XHCN đã giúp nhà nước ta làm tốt chức năng của một “nhà nước kháng chiến”, quyền lực nhà nước được bảo đảm tập trung, các quyết định và việc thực thi quyền lực được nhanh chóng, thống nhất. Nhưng khi đất nước ta bước sang giai đoạn đổi mới, hệ thống chính trị chuyển từ hệ thống chuyên chính vô sản sang hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc này cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là sự thiếu phân định giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, là sự phủ nhận tính độc lập tương đối của các quyền, là thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực, từ đó tiềm ẩn nguy cơ lạm quyền từ phía các cơ quan nhà nước được trao quyền. Đến năm 2001, Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung với điểm nhấn là việc công nhận các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và yêu cầu phân công, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện các quyền này, một số nhà nghiên cứu gần đây đã cho rằng học thuyết tập quyền XHCN đã bị suy yếu nhiều khi Việt Nam công nhận các quyền và yêu cầu phân công các quyền – hạt nhân của học thuyết phân quyền. Tiếp đến, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản và Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định yêu cầu phân công, phối hợp, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Yêu cầu này là sự công nhận một hạt nhân hợp lý khác trong học thuyết phân quyền là kiểm soát giữa các quyền.

Từ năm 1986, chính sách Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã khơi nguồn cho quá trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Dân chủ hóa trong lĩnh vực kinh tế đòi hỏi Nhà nước ta công nhận và vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Dân chủ trong lĩnh vực chính trị đòi hỏi lựa chọn mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN với những điểm ưu việt bảo đảm tốt hơn các quyền tự do, dân chủ cho Nhân dân. Từ năm 1994, thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền XHCN” lần đầu tiên được Đảng ta chính thức sử dụng tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII và sau đó chính thức được định danh tại Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).

Trong một Nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ, tư pháp độc lập và công lý được khẳng định là một tiêu chuẩn, giá trị cơ bản. Theo giáo sư Richard H.Fallon của Đại học Havard Hoa Kỳ, pháp quyền chỉ được công nhận khi hội đủ các yếu tố, trong đó, “những thiết chế liêm chính để thực thi một nền công lý không thiên vị với những thủ tục xét xử công bằng” là một yêu cầu không thể thiếu và chính là “linh hồn” của Nhà nước pháp quyền. Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền là quyền nhân danh công lý của Tòa án để thực hiện hoạt động tố tụng về hiến pháp, hành chính, hình sự, dân sự và kinh tế để xét xử, cũng như giải quyết các xung đột giữa các quan hệ xã hội và đưa ra phán quyết cuối cùng về mặt pháp lý nhằm bảo vệ công lý, các quyền và tự do của con người và của công dân, góp phần đưa các nguyên tắc được thừa nhận chung của Nhà nước pháp quyền vào đời sống thực tế. Để phù hợp với tư duy xây dựng nhà nước pháp quyền, đề cao quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp, coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục đích của sự phát triển, Hiến pháp năm 2013 đã chính thức ghi nhận, khẳng định Tòa án nhân dân là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” và giao Tòa án nhân dân “nhiệm vụ bảo vệ công lý”.

Có thể nói, vai trò, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân đã có sự điều chỉnh quan trọng, thay đổi về chất, thể hiện nhận thức mới về quyền tư pháp. Cụ thể, Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 đã đưa lên hàng đầu vai trò và nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, sau đó mới quy định tiếp nhiệm vụ bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Như vậy, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân được xác định là nhiệm vụ đặc trưng, cao nhất, tập trung nhất của cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp“Ở đâu có xã hội thì ở đó có pháp luật. Ở đâu có pháp luật thì ở đó có Tòa án để bảo vệ pháp luật”. Linh hồn của nhà nước pháp quyền là yêu cầu thượng tôn pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật. Hoạt động xét xử của tòa án là hoạt động trực tiếp bảo vệ công lý, bảo vệ tính thiêng liêng, hiệu lực và sức mạnh của pháp luật. Trong Nhà nước pháp quyền XHCN, vị trí tối cao của pháp luật chỉ có thể đạt được khi pháp luật được tuân thủ một cách nghiêm túc, triệt để. Pháp đình là nơi tôn nghiêm, thể hiện rõ tính pháp chế nghiêm minh của mỗi chế độ. Cũng cần nhấn mạnh, đây là phán quyết về từng trường hợp riêng rẽ, căn cứ vào sự kiện pháp lý cụ thể, chứ không phát ngôn về các nguyên tắc lãnh đạo, quản lý nói chung, nơi được coi là địa hạt chính trị. Bản chất của quyền lực tư pháp là vô hành động, hay nói cách khác là khá thụ động, chỉ có thể hành động khi người ta yêu cầu nó, nhờ cậy nó sửa chữa lại những bất công.

Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân và các Tòa án quân sự do luật định là những cơ quan thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khác với Quốc hội – cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ – cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Tòa án không giải quyết các vấn đề chung, ở tầm vĩ mô, chính sách mà có chức năng giải quyết các vấn đề cụ thể, từng tình huống, sự kiện trong đời sống xã hội, thực hiện việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, có thể nói, Tòa án không phải là phương tiện duy nhất nhưng là phương tiện chủ yếu nhất trong việc giải quyết các tranh chấp, các vụ việc trong một xã hội hiện đại. Khởi kiện tại Tòa án chỉ là một trong số nhiều biện pháp giải quyết tranh chấp, quyền lực của Tòa án có thể được thay thế bởi các cơ chế như hòa giải, trọng tài, tư vấn, thương thuyết…

Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Điều đó không có nghĩa là các nhánh quyền lực khác như Quốc hội hay Chính phủ không liên quan đến việc thiết lập và bảo vệ công lý. Theo truyền thống pháp luật Việt Nam, công lý được hiểu là “sự công bằng, sự đúng đắn, lẽ phải” và ban hành công lý là việc “Tòa án xác định điều đúng, điều sai trong một vụ việc nhằm thiết lập lại sự công bằng”. Công lý trước hết và chủ yếu biểu hiện một cách điển hình và tập trung nhất ở việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án. Tòa án phải là người có nhiệm vụ bảo vệ công lý khi quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm và phải là chỗ dựa, là nơi mà mọi người tìm đến lẽ phải, lẽ công bằng.

Tóm lại, trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, Tòa án nhân dân được xác định là cơ quan đại diện trung tâm nhất và đầy đủ nhất của quyền tư pháp. Chức năng cơ bản của tòa án là bảo vệ công lý và bảo vệ lợi ích của các cá nhân, tổ chức khi bị xâm hại. Đó cũng chính là lý do Tòa án luôn được quan niệm là cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước nhân danh công lý, là hiện thân, biểu tượng của lẽ phải, sự công bằng, bình đẳng của một nhà nước, một chế độ.

Theo www.moj.gov.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/toa-an-nhan-dan-la-thiet-che-co-ban-co-chuc-nang-bao-ve-cong-ly

Link nội dung: https://phaply.net.vn/toa-an-nhan-dan-la-thiet-che-co-ban-co-chuc-nang-bao-ve-cong-ly-a197704.html