Vụ tai nạn ca nô tại Cần Giờ: “Thẩm quyền thuộc cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng”

Đó là kết luận của cuộc họp liên ngành Cơ quan CQĐT – VKSND- TAND Tp. Hồ Chí Minh đối với vụ án “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.

Đây là vụ án chìm ca nô tại Cần Giờ kéo dài bất thường có dấu hiệu oan sai, Báo Công lý đã có nhiều bài phản ánh. Tuy liên ngành kết luận rõ như vậy nhưng mới đây, CQĐT vẫn “đề nghị truy tố” sau nhiều năm ngâm án.

Bị can đề nghị đình chỉ điều tra

Ngày 30/8/2018, ông Nguyễn Minh Thông, Phó thủ trưởng CQĐT Công an Tp. Hồ Chí Minh ký Kết luận điều tra bổ sung đề nghị truy tố ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không đảm bảo an toàn”.

Kết luận thể hiện tháng 3/2013, ông Đảo bán cho Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 2 tàu (loại ca nô cao tốc bằng vật liệu Polypropylen Copolymer (PPC).

Ngày 16/7/2013, Phòng Đăng kiểm Hải quân đã đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho hai tàu trên. Ông Tạ Thanh Sơn (Giám đốc Công ty Việt Séc) mượn Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu 2 tàu trên để đưa đón khách. Khoảng hơn 19 giờ ngày 2/8/2013, khi tàu BP 12-04-02 đi ngang qua vùng biển xã Long Hòa, Cần Giờ đã bị lật sấp, hậu quả làm 9 người đi trên tàu BP 12-04-02 tử vong, trong đó có tài công Phạm Duy Phúc.

Kết luận điều tra quy kết: ông Đảo và ông Quyết đã “tổ chức vận chuyển hành khách theo tuyến đường thủy từ Tiền Giang đến Vũng Tàu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép vận chuyển hành khách đường thủy nội địa, không đúng với công dụng và vùng hoạt động của phương tiện ghi trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là vi phạm pháp luật, vì vậy phải chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra từ những vi phạm này”. Từ đó, CQĐT chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và Bản kết luận điều tra đến VKSND Tp. Hồ Chí Minh đề nghị truy tố các bị can.

Ngay sau khi nhận kết luận điều tra bổ sung, ông Vũ Văn Đảo có văn bản gửi VKSND Tp. Hồ Chí Minh khiếu nại. Theo đó, ông Đảo đưa ra căn cứ khẳng định ông và ông Đinh Văn Quyết “không phải là chủ thể của Điều 214 Bộ luật hình sự vì tàu BP12-04-02 đã được bàn giao cho chủ phương tiện và được cơ quan có thẩm quyền đăng kiểm (Phòng Đăng kiểm Hải quân) để cho phép đưa vào sử dụng”. Cùng với nhiều căn cứ cho rằng CQĐT quy kết không có cơ sở, vi phạm về thời hạn, ông Đảo đề nghị đình chỉ điều tra.

 

 Tàu gặp tai nạn bám đầy cây sau nhiều năm vụ án bị “ngâm”
Tàu gặp tai nạn bám đầy cây sau nhiều năm vụ án bị “ngâm”)

Vi phạm thẩm quyền?

Qua nhiều tài liệu cho thấy, yêu cầu của ông Đảo là có căn cứ để xem xét. Về thẩm quyền điều tra, trong hồ sơ vụ án có biên bản họp liên ngành CQĐT – VKSND- TAND Tp. Hồ Chí Minh ngày 29/4/2014 với sự tham gia của nhiều cán bộ lãnh đạo các cơ quan tố tụng đã “họp thống nhất việc giải quyết vụ án”.

Ông Phan Anh Minh, Thủ trưởng CQĐT chủ trì nêu rõ: Kết quả điều tra xác định được vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT Bộ Quốc Phòng. Bộ Công an đã tổ chức họp liên ngành và CQĐT hình sự Bộ Quốc phòng để bàn về việc chuyển vụ án hình sự vào ngày 01/4/2014.

Tuy nhiên, CQĐT hình sự Bộ Quốc phòng chưa đồng ý tiếp nhận vụ án vì chưa rõ tài sản thuộc Bộ Quốc phòng. CQĐT Công an Tp. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp để xác định chuyển vụ án cho Bộ Quốc phòng hay ủy thác điều tra cho các CQĐT thuộc Bộ Quốc phòng. “Quan điểm của CQĐT Công an thành phố về thẩm quyền điều tra, xét xử, truy tố vẫn thuộc Bộ Quốc phòng theo Thông tư 01/2005”.

Sau khi lắng nghe quan điểm của lãnh đạo VKSND, TAND Tp. Hồ Chí Minh, liên ngành thành phố thống nhất: “Phương tiện gây tai nạn là tài sản của quân đội; Công tác điều tra cần phải làm rõ được người cho phép đăng kiểm hai tàu được sản xuất bằng vật liệu PPC mà Việt Nam chưa cho phép sử dụng, người có liên quan đến việc đưa vào sử dụng hai phương tiện Biên phòng để kinh doanh vận chuyển hành khách. Các yêu cầu điều tra này thuộc thẩm chuyền điều tra của Bộ Quốc phòng, CQĐT Công an Tp. Hồ Chí Minh không có thẩm quyền, không có khả năng điều tra làm rõ. Do đó, liên ngành thành phố thống nhất sơ kết vụ án đề nghị chuyển cho CQĐT Bộ Quốc phòng tiếp tục điều tra xử lý”.

Ông Vũ Văn Đảo bức xúc: “Liên ngành kết luận rõ ràng như vậy nhưng các cán bộ tiến hành tố tụng TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục “ôm án” giải quyết là vi phạm thẩm quyền. Đáng lo ngại hơn là việc điều tra vụ án sẽ không khách quan, toàn diện dẫn tới oan sai”.

Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC nhận định: “Tại kết luận điều tra trước đây CQĐT Công an Tp. Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định “Tàu BP12-04-02 là tài sản của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và đang được Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý”. Vậy làm sao ông Đảo và ông Quyết có quyền điều động hay cho phép đưa vào sử dụng?”.

Ngoài ra, ông Quế bày tỏ: “Khi Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã xác định nguyên nhân gây ra tai nạn không phải là do phương tiện không bảo đảm an toàn mà là do lỗi của người điều khiển phương tiện nhưng người điều kiển đã bị chết. Lẽ ra, trước một thực tế như vậy, CQĐT Công an Tp. Hồ Chí Minh phải kịp thời đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can nhưng vẫn kéo dài vụ án”.

Cùng với vấn đề thẩm quyền và nhiều nghi ngại của các chuyên gia pháp lý về chứng cứ buộc tội, các cán bộ tiến hành tố tụng Tp. Hồ Chí Minh cần giải quyết “kỳ án” kéo dài hơn hơn 5 năm qua theo nguyên tắc khách quan, đúng pháp luật, tránh oan sai.

Theo An Dương

Nguôn https://congly.vn/phap-luat/ho-so-vu-an/vu-tai-nan-ca-no-tai-can-gio-tham-quyen-thuoc-co-quan-dieu-tra-bo-quoc-phong-267492.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vu-tai-nan-ca-no-tai-can-gio-tham-quyen-thuoc-co-quan-dieu-tra-bo-quoc-phong-a197659.html