Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018

Ngày 05-9, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tiến hành phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

Theo báo cáo do đại diện Thanh tra Chính phủ trình bày, so với năm 2017, trong năm 2018, tình hình khiếu nại tố cáo của công dân diễn biến theo chiều hướng gia tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền nhưng giảm 0,6% về số vụ việc, trong đó, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (63,2%). Về tình hình tố cáo, tăng 33,6% số đơn và tăng 14,7% số vụ việc so với 2017. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước… Đại diện Thanh tra Chính phủ nhận định, nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng, trong đó, một số đoàn đông người và công dân khiếu nại dài ngày mang theo băng rôn, khẩu hiệu đến trụ sở các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có thái độ quá khích, hành vi manh động, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Đáng chú ý, một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018)

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, trong năm 2018, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, sự cố gắng của các bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được tập trung chỉ đạo, giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân, tạo sự ổn định cho xã hội. Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm, đặc biệt Luật Tố cáo (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm đã tạo thuận lợi hơn cho công dân trong thực hiện quyền tố cáo của mình. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra 7 hạn chế, tồn tại, trong đó nêu rõ danh sách những bộ ngành, địa phương tổng hợp số liệu chưa chính xác, báo cáo không đúng theo yêu cầu, cũng như một số địa phương chưa tổ chức tiếp dân định kỳ theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân...

Các đại biểu nhất trí cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá toàn diện về tình hình khiếu nại tố cáo năm 2018, và có tính “chiến đấu” cao hơn so với nhiều báo cáo gần đây khi đã chỉ rõ những bộ, ngành, địa phương còn có hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2018 có khác gì so với năm 2017. Báo cáo của Chính phủ cũng cần chú ý bổ sung thêm những xu thế khiếu kiện mới, đưa ra cách ứng xử của chính quyền địa phương, vì trong thời gian qua đã phát sinh vụ việc khiếu kiện phức tạp mới.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo hướng dẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn khiếu nại tố cáo, đặc biệt chú trọng việc phân loại các đơn thư tồn đọng, bảo đảm giải quyết kịp thời, không để quá hạn luật định. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cũng cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại tố cáo, chú trọng giải thích chính sách pháp luật cho công dân, nhằm giảm tình trạng khiếu nại tố cáo gay gắt, hạn chế đến mức thấp nhất nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh khiếu nại tố cáo.

Lê Hiếu

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tham-tra-so-bo-bao-cao-cua-chinh-phu-ve-cong-tac-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-nam-2018-a197511.html