Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là chủ đề thu hút sự quan tâm toàn thế giới. Trên thực tế, sự "đối đầu" giữa hai nền kinh tế sẽ gây ra cảnh "lưỡng bại câu thương". Báo Người Đưa Tin sẽ đăng tải những bài phân tích, bình luận về vấn đề này dưới nhiều góc độ để bạn đọc dễ hình dung nhất "cuộc chiến" này...
Lưỡng bại câu thương
Một vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra và kết thúc mà không có bất kỳ tiến bộ nào trong việc giải quyết những tranh cãi giữa hai nước thời gian qua.
Với mức áp thuế 100 tỷ USD đối với hàng hóa - 50 tỷ USD cho mỗi bên - được triển khai hoàn toàn, Mỹ-Trung đang phải đối mặt với tình trạng leo thang thuế liên quan đến 260 tỷ USD giá trị hàng hóa khác – trong đó có 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại hiện đang trong tình trạng hỗn loạn và được thiết lập để kéo dài ít nhất cho đến khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ kết thúc.
Rất nhiều bài viết của giới học giả về chủ đề này đã được đăng tải, với kết luận gần như thống nhất: một cuộc chiến thương mại là xấu cho Mỹ và cũng xấu cho cả Trung Quốc. Bên cạnh đó nó còn ảnh hưởng xấu đến phần còn lại của thế giới thông qua chuỗi cung ứng và thị trường tài chính.
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Aidan Yao tại AXA Investment Managers, các nhà kinh tế nói chung đã phân tích vững chắc về khía cạnh đầu tiên - liên quan đến Mỹ và Trung Quốc - nhưng phân tích về tác động lan truyền lại chưa hoàn toàn sâu sắc.
Quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ngoài Mỹ Trung Quốc? Bản chất, quy mô và bề rộng của hiệu ứng lan tỏa là gì? Và có phải tất cả nạn nhân của nó đều sẽ bị thương tổn?
Để trả lời câu hỏi này, cần phải nhìn vào vị trí quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có liên quan đến việc sản xuất nhiều sản phẩm đã, hoặc sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ.
Theo hải quan Trung Quốc, hơn 30% tổng xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong năm 2017 là các sản phẩm được chế biến và lắp ráp kết hợp các thành phần và nguyên liệu của các nước khác.
Điều này có nghĩa rằng mặc dù hàng hóa cuối cùng được dán nhãn "made in China” nhưng lợi nhuận không chỉ dành riêng cho các nhà sản xuất Trung Quốc.
Đối với các sản phẩm như điện tử, vốn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, người ta có thể thấy hơn 40% giá trị trong mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đại lục có nguồn gốc từ đối tác bên ngoài.
Các trung tâm công nghệ của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore, là những nhà sáng tạo quan trọng có giá trị được “nhúng” trong các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Khác với Mỹ, Trung Quốc, cùng với Mexico và Canada, đã hoạt động hiệu quả như một nhà cung cấp các giá trị có nguồn gốc từ các nhà sản xuất khởi nguồn, mặc dù các nước này cũng dần hình thành giá trị của riêng mình theo thời gian.
Sự liên kết trên đồng nghĩa với việc tác động của chiến tranh thương mại sẽ dễ lây lan. Khi xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ suy giảm, việc nhập khẩu linh kiện và thiết bị từ các đối tác khác cũng sẽ giảm, gây ra làn sóng lan tỏa thông qua dây chuyền sản xuất toàn cầu.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ là những nơi đón nhận những tổn thương đầu tiên và lớn nhất. Nhưng khi xét về tổng sản phẩm quốc nội, Singapore là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với cuộc chiến thương mại, tiếp theo là các khu vực khác như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Việt Nam.
Giả định thuế suất 25% trên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tác động trực tiếp đến các nền kinh tế này có thể dao động từ khoảng 0,2% GDP (đối với Hàn Quốc) đến hơn 0,6% (đối với Singapore).
Trong khi châu Á sẽ chịu đựng gánh nặng của cuộc chiến thương mại, một số nước châu Âu, như Đức, Thụy Sĩ và Anh, cũng sẽ cảm nhận được nỗi đau, nhưng sẽ ở mức nhẹ hơn, thường chiếm chưa đến 0,1% GDP.
Có hay không cơ hội?
Cuối cùng, nhận xét một cách khách quan hơn, chuyên gia kinh tế cao cấp Aidan Yao cho rằng, cuộc chiến thương mại không phải hoàn toàn là tin xấu cho các nền kinh tế liên quan.
Đối với các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc tại thị trường Mỹ, nhiều trong số đó cũng có đối tác chuỗi cung ứng của mình và họ sẽ có tiềm năng gia tăng thị phần. Trung Quốc đang dẫn đầu thị phần về xuất khẩu hàng điện tử và máy móc, nhưng khi bị nhắm mục tiêu bởi thuế quan của Mỹ, sự tổn thất của Trung Quốc sẽ là cơ hội cho đối thủ.
Giả sử tổn thất của Trung Quốc sẽ được phân phối lại tương ứng với các đối thủ cạnh tranh, những nền kinh tế hưởng lợi tiềm năng sẽ là Mexico, Đài Loan, Canada, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đối với Mexico, thị phần của Trung Quốc có thể có giá trị lên tới 1,2% GDP. Điều này sẽ bù đắp cho những tổn hại mà nước này chịu tác động gián tiếp của đợt áp thuế đầu tiên (Mexico cũng có đóng góp nhỏ cho xuất khẩu của Trung Quốc) và thừa hưởng lợi nhuận từ vị trí Trung Quốc để lại ở thị trường Mỹ. Canada cũng sẽ được hưởng lợi, mặc dù ít hơn nhiều so với Mexico.
Trong khi đó, hầu hết các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Á, sẽ chỉ nhận được sự bù đắp hạn chế, khiến họ trở thành nạn nhân chính của cuộc chiến thương mại.
Nhìn chung, tất cả các chuyên gia đều nhận định rằng, chiến tranh thương mại là xấu đối với tất cả các nước ngoại trừ một số ít các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc dường như sẽ coi đây là cơ hội hiếm có để nắm giữ. Đó là ví dụ tiêu biểu cho câu nói: “Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi”.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-ke-huong-loi-nguoi-khoc-rong-a391119.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-ke-huong-loi-nguoi-khoc-rong-a197461.html