Thường trực Ủy ban Tư pháp: Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, chống oan sai

Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị VKSNDTC thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm; TANDTC chỉ đạo TAND các cấp tập trung thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì Phiên họp toàn thể lần thứ 11
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì Phiên họp toàn thể lần thứ 11)

Ngày 4/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 11, thẩm tra các báo cáo của cơ quan tư pháp, chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Diễn ra trong hai ngày 4-5/9, tại Phiên họp thứ 11, Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018; Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC về công tác của ngành năm 2018; Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát và ngành Tòa án năm 2018; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Hoạt động ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp

Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương nêu rõ: Hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường. Các băng nhóm tội phạm triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực cho vay tài chính, hoạt động “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương.

Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp nên tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy vậy, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công.

Thượng tướng Vương cũng thông tin, các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.247 vụ, 1.818 bị can phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tăng 68,06% vụ và 42,03% bị can so với cùng kỳ năm 2017); 264 vụ, 530 bị can phạm tội tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (tăng 27,54% vụ, 8,38% bị can).

Các cơ quan chức năng đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân ủng hộ. Điển hình như vụ án Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), Đinh Ngọc Hệ (Út trọc)…

Các cơ quan tư pháp có nhiều nỗ lực

Báo cáo của VKSNDTC do Phó Viện trưởng VKSNDTC Bùi Mạnh Cường trình bày cho biết, năm 2018 cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 60.242 vụ án, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, một số nhóm tội phạm được phát hiện, khởi tố tiếp tục tăng như tội phạm về tham nhũng, chức vụ (22,8%), tội phạm về ma túy (11,2%), tội phạm về trật tự xã hội (0,8%).

Cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có sự cấu kết giữa chủ doanh nghiệp và cán bộ cơ quan Nhà nước để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, có vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện nhiều vụ án về ma túy đặc biệt nghiêm trọng; xuất hiện nhiều loại ma túy mới, trong đó có chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống...

Trong năm, chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp trong giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội.

Tất cả vụ án hình sự đã được kiểm sát ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; ban hành 4.620 văn bản yêu cầu xác minh, giải quyết, tăng hơn 33%, yêu cầu khởi tố hơn 500 vụ án, tăng hơn 40%... qua đó bảo đảm mọi hành vi phạm tội đã phát hiện đều được xem xét khởi tố kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm và ngăn chặn oan sai.

Báo cáo công tác của TANDTC do Phó Chánh án Nguyễn Văn Du trình bày, nêu rõ: từ ngày 1/10/2017 đến 31/7/2018, Tòa án các cấp đã giải quyết được hơn 354.145 vụ việc trong tổng số 475.610 vụ việc đã thụ lý, đạt 74,5%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ việc thụ lý đã tăng 28.243 vụ, tăng 6,3%, đã giải quyết tăng 13.262 vụ.

Tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả nên chất lượng xét xử được đảm bảo, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án là 1,08%, đáp ứng yêu cầu đề ra, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Các vụ án hình sự được xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Tòa án cũng còn một số hạn chế như: tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao, còn có trường hợp áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa đúng.

Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, chống oan sai

Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các đại biểu đánh giá, năm 2018, VKSNDTC, TANDTC đã nỗ lực, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đột phá, khắc phục nhiều khó khăn, thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao, đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, một số đại biểu nhận định Báo cáo của ngành Tòa án chưa đánh giá sâu về những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, công tác xét xử các vụ án hành chính, cũng như tình hình ban hành quyết định buộc thi hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực thi hành.

Báo cáo của ngành Kiểm sát chưa đánh giá nguyên nhân nhân một số tồn tại kéo dài nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, nhiều vụ án về xâm hại trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, nguy cơ bỏ bọt tội phạm.

Trên cơ sở nhận định được những tồn tại trên, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Đề nghị VKSNDTC thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên và việc giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;

Đề nghị TANDTC tiếp tục chỉ đạo TAND các cấp tập trung thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp; rà soát, tổng kết thực tiễn công tác xét xử, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng các luật về tư pháp bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn.

Theo Ngọc Mai (congly.vn)

Nguồn bài viết: https://congly.vn/thoi-su/thuong-truc-uy-ban-tu-phap-tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-xet-xu-chong-oan-sai-266844.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thuong-truc-uy-ban-tu-phap-tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-xet-xu-chong-oan-sai-a197458.html