Tết Độc lập trên chiến khu xưa

Từ nhiều năm nay, cứ đến mỗi dịp 2/9, người dân khắp vùng đất chiến khu Mường Khói năm xưa lại nô nức đón Tết Độc lập.

Đây cũng là dịp để người già ngồi ôn lại, nhắc nhở, giáo dục con cháu mình về truyền thống anh hùng của quê hương cũng như đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Ký ức về những ngày tháng hào hùng

Chiến khu cách mạng Mường Khói xưa gồm hai xã Hoài Ân và Hiếu Nghĩa thuộc tổng Lạc Thành, Châu Lạc Sơn (Hòa Bình). Cách mạng tháng Tám thành công, do yêu cầu bảo vệ chính quyền, hai xã này được sáp nhập lại thành xã Ân Nghĩa (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) ngày nay. Với đặc điểm địa hình núi rừng hiểm trở nên từ trước năm 1945 cho đến thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Ân Nghĩa được chọn là nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng của tỉnh và Xứ ủy Bắc Kỳ.

Đến giờ, thẳm sâu trong ký ức của nhiều người già ở Ân Nghĩa nói riêng và huyện Lạc Sơn nói chung vẫn luôn in đậm hình ảnh về ngày Tết Độc lập đầu tiên, về mùa thu cách mạng 1945 và về những tháng ngày cờ đỏ sao vàng rực rỡ với niềm hạnh phúc vô bờ khi giành được chính quyền. Để rồi, cứ mỗi độ thu về, ký ức về những ngày tháng hào hùng đó lại ùa về ăm ắp trong mỗi người dân Mường Khói.

Cụ Bùi Thị Bia, 89 tuổi, ở Lạc Sơn, Hòa Bình kể: Sau khi Nhật đảo chính Pháp, tù chính trị tại nhà tù Hòa Bình đã đấu tranh đòi được tự do và hầu hết tù chính trị đã được thả. Chính những đồng chí này được tổ chức phân công phụ trách phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, các đoàn thể cách mạng ở Hiền Lương, Tu Lý, Mường Khói, Vụ Bản, Chi Nê, Phố Vãng, Mường Diềm, Mường Thàng, Cao Phong, Phương Lâm, thị xã Hòa Bình... đều được củng cố và mở rộng. Ông Trương Đình Dần và ông Vũ Đình Bản được trên cử về Mường Khói đã tích cực triển khai tuyên truyền, tập hợp quần chúng ở các xóm vào các đoàn thể cứu quốc.

 

 Cụ Bùi Thị Bia: “Mỗi lần nghe lại lời Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, tôi lại thấy xúc động”
Cụ Bùi Thị Bia: “Mỗi lần nghe lại lời Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, tôi lại thấy xúc động”)

Đến cuối tháng 7 đầu tháng 8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định mở lớp đào tạo quân sự cho cán bộ các tỉnh và giao đồng chí Vương Thừa Vũ thực hiện. Căn cứ Mường Khói được chọn làm địa điểm. Lớp học mang tên “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” được mở tại xóm Lọt, xã Hoài Ân vào đầu tháng 8/1945, có 26 cán bộ lãnh đạo nòng cốt của Xứ ủy và các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội về dự. Lúc này, Mường Khói đã tập hợp được một trung đội tự vệ chiến đấu do đồng chí Quách Dưỡng chỉ huy. Và cũng chỉ trong một thời gian ngắn, chiến khu Mường Khói được thành lập. Với khí thế cách mạng sục sôi, trung đội tự vệ chiến khu Mường Khói với những vũ khí thô sơ như dao, nỏ, giáo mác, gậy gộc đã ngày đêm luyện tập sẵn sàng chờ thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

“Những ngày tháng 8/1945, không khí chuẩn bị giành chính quyền đã bùng lên trong toàn tỉnh Hòa Bình. Chính quyền địch gần như tê liệt. Bọn Đại Việt thân Nhật bị nhân dân tẩy chay. Quân Nhật chỉ đóng chốt trong các cứ điểm. Các đoàn thể Việt Minh hoạt động công khai. Lực lượng vũ trang được củng cố. Quần chúng nhân dân đã sẵn sàng chờ lệnh hành động...”, cụ Bia nhớ lại.

“Người lên như nước vỡ bờ”

Đêm 17/8/1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ họp quyết định khởi nghĩa trong toàn xứ. Ngay hôm sau, lệnh khởi nghĩa được truyền tới Hoà Bình.Khi lệnh khởi nghĩa truyền tới, khắp Mường Khói sôi động hẳn lên. Quần chúng náo nức đón chờ giờ phút trọng đại, tất cả đều sẵn sàng lên đường giành chính quyền. Suốt đêm 19/8/1945, từ các xóm quần chúng đốt đuốc sáng rực, tập trung cùng các chiến sĩ tự vệ hát vang những bài ca cách mạng.

 

 Mỗi dịp lễ tết, tiếng cồng chiêng lại vang trên khắp bản Mường
Mỗi dịp lễ tết, tiếng cồng chiêng lại vang trên khắp bản Mường)

Trước khí thế cách mạng hào hùng của quần chúng ở chiến khu, bọn tay sai chính quyền thực dân ở hai xã Hoài Ân và Hiếu Nghĩa đã hoảng sợ, một số chức sắc đã tự động đem lương thực, thực phẩm, đồng chiện đem nộp cho cách mạng. Ngày 20/8/1945, đơn vị tự vệ chiến đấu và quần chúng từ chiến khu Mường Khói phối hợp với các hội cứu quốc, nhân dân thị trấn Vụ Bản tiến hành khởi nghĩa. Viên tri châu Quách Hàm hoảng sợ đầu hàng và giao nộp sổ sách, dấu ấn cho cách mạng.

Với khí thế sục sôi của ngọn lửa cách mạng, sáng 21/8/1945, gần 50 chiến sĩ tự vệ cùng hàng trăm quần chúng cứu quốc của chiến khu Mường Khói và thị trấn Vụ Bản đã giương cao cờ đỏ sao vàng, theo đường 12A tiến ra thị xã Hòa Bình (cũ) phối hợp cùng lực lượng của các Chiến khu cách mạng Cao Phong - Thạch Yên, Tu Lý - Hiền Lương tiến đánh giành chính quyền ở tỉnh lỵ vào ngày 23/8/1945.

“Khởi nghĩa Lạc Sơn thành công cộng với tin Hà Nội giành được chính quyền vào ngày 19/8, đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn cho quân và dân Hòa Bình. Tất cả các địa phương trong tỉnh, từ người già, phụ nữ cho đến trẻ nhỏ đều sục sôi tinh thần cách mạng, vùng lên mạnh mẽ, ra đường biểu tình để giành chính quyền. Trên khuôn mặt mọi người đều rạng rỡ một niềm tin chiến thắng, một cảm xúc khó tả, khó quên trong tâm trí mọi người dân khi quê hương, đất nước thoát khỏi ách thống trị của giặc ngoại xâm, nhân dân được làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình”, cụ Bia bùi ngùi.

Ngay sau khi giành chính quyền tại châu Lạc Sơn, ngày 20/8/1945, quần chúng tiếp tục nổi dậy giành chính quyền trong toàn tỉnh. Tại thị xã Hoà Bình, từ ngày 19 - 21/8/1945, cả khu vực bờ phải, bờ trái sông Đà và các phố, xóm đã hừng hực khí thế khởi nghĩa. Cán bộ, quần chúng cứu quốc phổ biến kế hoạch, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị vũ khí, băng rôn, cờ chờ ngày nổi dậy. Đến sáng 22/8/1945, đông đảo nhân dân thị xã với vũ trang thô sơ, nòng cốt là tự vệ cứu quốc xông thẳng vào trụ sở của bọn hội đồng thị xã. Trước sức mạnh đó, quân địch phải đầu hàng. Đông đảo nhân dân phấn khởi từ các ngả đường tập trung về chợ Phương Lâm tham dự cuộc mít tinh mừng khởi nghĩa thị xã thắng lợi.

 

 Chiến khu Mường Khói
Chiến khu Mường Khói)

Cuộc mít tinh nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình vũ trang tiến về chiếm châu Kỳ Sơn. Chiều hôm đó, nhân dân tiếp tục chuẩn bị giành chính quyền ở tỉnh. Đúng 2h chiều ngày 23/8/1945, cùng với lực lượng chiến đấu của khu căn cứ Tu Lý - Hiền Lương đang chờ tại phía tây dinh Tỉnh trưởng thì lực lượng tiến công chính gồm hàng trăm chiến sỹ tự vệ được nhân dân bờ phải chở đò vượt sông Đà sang bờ trái, nơi tập trung công sở chính quyền bù nhìn. Vô cùng hoảng sợ, Tỉnh trưởng cùng một số quan chức bù nhìn ra bờ sông xin đầu hàng. Ngay hôm sau, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại chợ Phương Lâm nhằm công nhận Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của thị xã Hoà Bình, châu Kỳ Sơn và các xã xung quanh. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công là thắng lợi có ý nghĩa quyết định thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện giải quyết tiếp việc giành chính quyền tại Châu Mai Đà, Châu Lương Sơn và những nơi khác.

Hun đúc thêm truyền thống yêu nước

“Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Dù tôi không được nghe trực tiếp mà chỉ được nghe qua đài, nhưng xúc động và sung sướng, rạo rực vô cùng. Khắp làng bản đều treo cờ, hoa, khẩu hiệu, mọi người ai cũng phấn khởi, bởi từ đây mọi người được trở thành những công dân tự do của một đất nước độc lập. Mấy chục năm trôi qua, nhưng giờ mỗi lần nghe lại lời Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, tôi vẫn cảm thấy xúc động”, cụ Bia chia sẻ.

Để kỷ niệm dấu mốc quan trọng của đất nước, từ nhiều năm nay, người Mường ở Mường Khói nói riêng và nhiều vùng khác ở Hòa Bình nói chung, thường tổ chức ăn Tết Độc lập. Từ ông già bà cả cho đến các thanh niên nam nữ và trẻ em đều mặc những bộ quần áo mới nhất ra đường, đến nhà nhau thăm hỏi và ăn Tết. Đàn ông làm thịt lợn, thịt gà, phụ nữ gói bánh uôi, đồ xôi, nhà nhà sắp mâm cơm cùng bánh trái, hoa quả bày lên bàn thờ tổ tiên, cầu xin phù hộ cho con, cháu có sức khỏe, gia đình được hạnh phúc, làng xã được ấm no, quê hương, đất nước luôn được yên bình, giàu mạnh.

Ngày 2/9, từ sáng sớm, người dân các xã đã rộn ràng tham gia thi đánh mảng, bóng đá, cầu lông, bóng bàn... Tại các gia đình, mọi người sum vầy, cùng nhau uống chung vò rượu cần, thưởng thức mùi vị thơm ngon của các loại bánh. Cùng với các món ăn chính, bánh cũng hết sức quan trọng và không thể thiếu trong mâm cỗ của ngày Tết độc lập. Bà con người Mường có rất nhiều loại bánh truyền thống, tuy nhiên trong dịp lễ này, người Mường Vang thường làm loại bánh uôi.

Để làm bánh, các gia đình đều phải chuẩn bị nguyên liệu từ trước. Lá bương lấy từ rừng về được phơi khô, gạo nếp phải xay kỹ để làm bánh. Khi đã có hỗn hợp bột, người ta đem nặn thành từng chiếc bánh nhỏ, rắc lạc, vừng lên trên và được quấn lại bằng lá bương. Bánh uôi được gia chủ dùng để tiếp đãi và làm quà cho khách khi đến chơi nhà. Sau khi đã chế biến đủ các món ăn truyền thống bắt buộc, trước khi dọn tiệc đãi khách thì gia chủ phải làm lễ dâng cúng tổ tiên. Báo cáo với tổ tiên hôm nay là ngày được gia đình chọn và tổ chức lễ mừng Tết Độc lập của đất nước.

Bữa cơm lễ mừng ngày Quốc khánh của người Mường có sự sum vầy của anh em, con cháu trong gia đình và hàng xóm trong làng, ngoài bản. Mọi người cùng nhau chuyện trò, nhấm nháp hương vị của rượu cần và những món ăn đã có mặt trong đời sống ẩm thực của tổ tiên từ bao đời truyền lại.

Trải qua thời gian, nét văn hóa đẹp này được người Mường ở Lạc Sơn nói riêng và ở đất Mường Hòa Bình nói chung được gìn giữ. Đồng thời, hoạt động vui chơi trong dịp nghỉ Tết Độc lập này đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tính cố kết cộng đồng; gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa và hun đúc thêm truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam.

Theo Nguyễn Việt Hưng (congly.vn)

Nguồn bài viết: https://congly.vn/xa-hoi/doi-song/tet-doc-lap-tren-chien-khu-xua-266230.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tet-doc-lap-tren-chien-khu-xua-a197343.html