Ngày 27-8, tại Hạ Long, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Quy định của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư". Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chủ trì Hội thảo. Đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng Nhà nước... tham dự Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã giới thiệu tổng quan về sự cần thiết và nội dung mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; kinh nghiệm quốc tế về PCTN khu vực ngoài nhà nước và bài học cho Việt Nam; thực trạng các quy định pháp luật hiện hành về PCTN trong khu vực tư, sự tương thích với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; bình luận các quy định về khuyến khích xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; việc tham gia của người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội vào công tác PCTN và kiến nghị việc hoàn thiện dự thảo Luật.
Tham nhũng trong khu vực tư gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội, như thúc đẩy quá trình phân bổ sai nguồn lực (nguồn lực đầu tư để nâng cao hiệu suất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thì lại được doanh nghiệp sử dụng cho mục đích tham nhũng); làm cho đầu tư suy giảm (do các nhà đầu tư không thể dự báo được những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh); làm suy giảm cạnh tranh, hiệu quả và tính sáng tạo, hiệu quả quản lý và hoạch định chính sách thấp; làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo...Do đó, bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đặt ra yêu cầu phải phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư nhằm hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính và bền vững. Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 26-12-2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí đã chỉ rõ một trong 8 nhóm giải pháp là "Từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước".
Để thực hiện giải pháp nêu trên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất nội dung mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN ra khu vực ngoài nhà nước như sau: Quy định việc áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với các tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong PCTN; quy định về các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và các hình thức xử lý hành vi tham nhũng, hành vi vi phạm pháp luật về PCTN đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Tiếp đó, ông Tô Văn Hòa, Trưởng Khoa, Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, dù pháp luật của các nước có khác nhau nhưng đều có một số điểm thống nhất, như: Loại hành vi tham nhũng được quy định phổ biến là đưa và nhận hối lộ, ngoài ra còn có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, giả mạo chứng từ, sổ sách, vi phạm quy định về tránh xung đột lợi ích... Phần lớn các quốc gia quy định trách nhiệm của tổ chức kinh tế bên cạnh trách nhiệm của pháp nhân. Hình thức xử lý là phạt tù hoặc phạt tiền kết hợp với tịch thu tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, hầu như các quốc gia đều không quy định chế độ thanh tra, kiểm tra từ phía cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện pháp luật về PCTN. Cơ chế tự phát hiện thông qua giám sát và tố cáo tham nhũng là cơ chế mềm mà nhiều quốc gia áp dụng trong chống tham nhũng trong khu vực tư.
Không dừng lại ở đó, một số đại biểu khác đã đề xuất, kiến nghị: Khoanh vùng một số doanh nghiệp để quy định về chống tham nhũng trong khu vực tư: công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; bổ sung chủ thể tham nhũng trong khu vực tư như Chủ tịch và thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, kế toán trưởng của doanh nghiệp; quy định hai loại hành vi tham nhũng của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là tham ô tài sản và nhận hối lộ; quy định về đạo đức, văn hóa kinh doanh và cơ chế bảo đảm liêm chính trong kinh doanh. Có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ nguyên tắc quản trị kinh doanh (ban hành văn bản hướng dẫn như Singapore, thành lập Trung tâm hỗ trợ như Thái Lan).
Theo Nguyễn Phương Thảo (noichinh.vn)
Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/201808/hoi-thao-quy-dinh-cua-du-thao-luat-phong-chong-tham-nhung-sua-doi-ve-phong-chong-tham-nhung-trong-khu-vuc-tu-304399/